1.2. Phân định nội dung nghiên cứu về quản lý huy động vốn của ngân hàng thương mại
1.2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý huy động vốn của ngân hàng thương mại14 1.3. Cơ sở pháp lý quản lý huy động vốn của ngân hàng thương mại
1.2.4.1. Các nhân tố khách quan - Tình hình kinh tế, xã hội
NHTM là thành phần quan trọng của nền kinh tế. Với vai trò là nơi trung chuyển vốn giữa nơi tạm thời thừa vốn và nơi có nhu cầu về vốn, NHTM nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế. Bởi thế mọi hoạt động của NHTM chịu ảnh hưởng từ sự biến động của nền kinh tế, xã hội. Môi trường kinh tế - xã hội ổn định, nền kinh tế được vận hành thông suốt, thuận lợi, các doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện để phát triển thì việc NHTM luân chuyển vốn cũng trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu môi trường kinh tế - xã hội thường xuyên có nhiều biến động, các doanh nghiệp trong nền kinh tế không thể ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thì dòng vốn không thể được NHTM luân chuyển thuận lợi được. Việc doanh nghiệp vay vốn NHTM để phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng nền kinh tế không ổn định khiến các khoản vay gặp khó khăn trong quá trình trả nợ, dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của NHTM. Đối với mảng HĐV cũng vậy, kinh tế có ổn định và phát triển thì nguồn tiền nhàn rỗi của người dân tăng lên, tạo ra dòng vốn dồi dào cho nền kinh tế. Nếu kinh tế kém phát triển, người dân còn phải lo lắng nhiều đến những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống thì nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng sẽ giảm xuống, hoạt động HĐV của NHTM vì thế mà gặp nhiều khó khăn, thách thức.
- Các quy định liên quan đến huy động vốn của NHNN
Mọi hoạt động của các NHTM đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật, trong đó nghiệp vụ HĐV của các NHTM chịu sự điều chỉnh rất lớn của các quy định do NHNN ban hành. Trong từng thời kỳ, phụ thuộc vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tiền tệ nhất định, NHNN ban hành các mức lãi suất huy động khác nhau đối với các loại tiền gửi, các loại tiền tệ khác nhau. Trên cơ sở đó, các quy định này có tác động đến dòng tiền (nội tệ và ngoại tệ) và tác động đến nguồn vốn cho các thành phần trong nền kinh tế. Theo đó, Hội Sở các NHTM căn cứ chính sách chung của NHNN, căn cứ định hướng phát triển của từng ngân hàng để ban hành biểu lãi suất cho hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch của mình trên toàn quốc. Từ đó, hoạt động quản lý HĐV của các chi nhánh NHTM cũng có những điều chỉnh để phù hợp quy định chung, hướng tới mục tiêu phát triển chung của toàn hệ
thống ngân hàng. Như vậy, quy định về HĐV của Ngân hàng Nhà nước là nhân tố có tác động rất lớn tới quá trình HĐV cũng như quản lý HĐV của NHTM.
- Cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng
Trong những năm trở lại đây, nhất là sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã có hàng loạt các ngân hàng mới ra đời, thêm vào đó sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài khiến cho thị phần của các ngân hàng ngày càng trở nên nhỏ hẹp và khó khăn. Sự cạnh tranh diễn ra trên mọi phương diện, không chỉ cạnh tranh với các ngân hàng trong và ngoài nước mà còn có sự cạnh tranh giữa các chi nhánh trong cùng hệ thống ngân hàng. Để có thể tồn tại và phát triển, các NHTM cần phải cải tiến chất lượng dịch vụ, đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn và các hình thức huy động vốn linh hoạt...
Bên cạnh hoạt động HĐV của ngân hàng còn có sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng khi mà sự khác biệt giữa ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng ngày càng giảm. Người dân có thể dùng nguồn tiền nhàn rỗi của mình đầu tư vào các kênh đầu tư mới: bất động sản, chứng khoán, vàng… Do vậy, để thu hút được những nguồn vốn có chất lượng, các ngân hàng phải không ngừng đa dạng hoá để tăng tính hấp dẫn các sản phẩm HĐV cũng như nâng cao hình ảnh, chất lượng phục vụ để thu hút và thoã mãn mọi nhu cầu của khách hàng. Cạnh tranh vừa là nhân tố thúc đẩy, vừa là thách thức với sự phát triển chất lượng dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ HĐV.
1.2.4.2. Các nhân tố chủ quan - Quy mô ngân hàng:
Là một trong các yếu tố nổi bật được xác định là có ảnh hưởng tới hoạt động HĐV. Với quy mô lớn, mạng lưới phát triển giúp ngân hàng dễ dàng huy động lượng tiền gửi nhiều hơn. Với số lượng các chi nhánh và phòng giao dịch rộng lớn, dân cư có cơ hội tiếp cận các dịch vụ của NHTM, tạo thuận lợi cho người gửi tiền, đặc biệt các địa bàn cách xa trung tâm kinh tế, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ đó nâng cao hiệu quả huy động vốn
- Chính sách của ngân hàng thương mại
Đây là một trong những nhân tố có ảnh hưởng tới hoạt động HĐV cũng như quản lý HĐV củaNHTM. Các chính sách của NHTM bao gồm chính sách lãi suất, chính sách sản phẩm, chính sách khách hàng.
Chính sách lãi suất
Lãi suất của NHTM có thể là lãi suất tiền gửi (đối với nguồn vốn gửi vào ngân hàng) hoặc lãi suất cho vay (đối với nguồn vốn ngân hàng cấp tín dụng cho
các cá nhân, tổ chức). Mức lãi suất ưu đãi sẽ là điểm thu hút khách hàng quan trọng.
Đối với nguồn vốn gửi vào ngân hàng, thông thường khách hàng sẽ tìm đến các ngân hàng có mức lãi suất cao, với cùng một số tiền gửi, khách hàng sẽ ưa thích số lãi nhận được lớn hơn. Đối với nguồn vốn ngân hàng cấp tín dụng cho cá nhân, tổ chức, khách hàng phần lớn sẽ ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có mức lãi suất thấp khiến cho chi phí lãi vay của khách hàng giảm xuống, áp lực chi trả lãi vay cũng thấp hơn. Tuy nhiên, trần lãi suất là quy định của NHNN áp dụng với chính sách lãi suất của các NHTM. Do đó, các NHTM luôn cần phải giải bài toán về chính sách lãi suất, làm sao để lãi suất của ngân hàng đảm bảo quy định của NHNN mà vẫn tạo được sức hút với khách hàng.
Chính sách sản phẩm
Chính sách sản phẩm là yếu tố bao trùm chính sách lãi suất. Nếu chính sách lãi suất chỉ là các điều kiện về lãi suất mà ngân hàng áp dụng thì chính sách sản phẩm là toàn bộ các ưu đãi, các đặc điểm mà sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo ra cho khách hàng. Đối với một sản phẩm HĐV, các yếu tố khác, ngoài lãi suất có thể tác động đến động lực gửi tiền của khách hàng bao gồm: thời hạn gửi tiền linh hoạt, cách thức hoặc phương thức gửi tiền/nhận lãi đa dạng, thủ tục gửi tiền/tất toán/rút tiền nhanh gọn, mạng lưới ngân hàng rộng khắp thuận tiện cho giao dịch của khách hàng, uy tín của ngân hàng khiến khách hàng tin tưởng, các chương trình khuyến mại ưu đãi và hấp dẫn. Khi thiết kế một loại hình sản phẩm, NHTM sẽ đồng thời thiết kế tất cả các yếu tố nêu trên. Giả sử mức lãi suất ngân hàng áp dụng không thật sự cạnh tranh, nhưng do yếu tố về thời hạn gửi tiền hoặc thủ tục gửi tiền hay mạng lưới giao dịch, các chương trình khuyến mại tạo cho khách hàng sự hấp dẫn thì hoạt động HĐV của ngân hàng đó vẫn có được sức cạnh tranh nhất định.
Chính sách khách hàng
Đây là yếu tố có được khi NHTM nghiên cứu thị trường, tìm hiểu về đặc tính của đối tượng khách hàng tiềm năng, của phân khúc khách hàng mà ngân hàng tập trung phát triển. Chính sách khách hàng là yếu tố giúp ngân hàng giữ chân khách hàng. Khách hàng cảm thấy được trân trọng, được phục vụ tận tâm, tận tuỵ thì họ sẽ trở thành khách hàng thân thiết. Trong một số trường hợp, khách hàng mới mà ngân hàng có được chính là nhờ khách hàng thân thiết giới thiệu. Do đó, chính sách khách hàng phải được nghiên cứu và thiết kế một cách chỉn chu và tỉ mỉ, đó sẽ là động lực quan trọng khiến cho khách hàng lựa chọn ngân hàng để sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
- Năng lực, trình độ của đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý
Con người là yếu tố then chốt của mọi hoạt động xã hội. Một tổ chức với
nguồn nhân lực đủ về số lượng, đạt về chất lượng thì sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động. Tương tự tại NHTM, đội ngũ nhân viên ngân hàng giàu kiến thức chuyên môn, giàu kinh nghiệm công tác, đội ngũ cán bộ quản lý năng lực lãnh đạo tốt, tầm nhìn rộng mở, tất cả sẽ giúp cho NHTM triển khai mọi hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động quản lý HĐV nói riêng đạt được hiệu quả cao.
Bên cạnh việc quan tâm, chú trọng đến chính sách đào tạo nguồn nhân lực thì NHTM cần chỉ đạo sát sao trong xây dựng các chính sách đãi ngộ, tạo động lực, khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên trong ngân hàng. Chế độ tốt, đãi ngộ hợp lý, thường xuyên quan tâm đến đời sống nhân viên chính là những động lực để thúc đẩy nhân viên làm việc hăng say, tận tâm cống hiến cho sự phát triển của NHTM.
- Công nghệ áp dụng trong NHTM
Quá trình phát triển của công nghệ hiện đại đã giúp cho NHTM phát triển cả về hoạt động HĐV và hoạt động tín dụng. Ngoài các yếu tố về chính sách lãi suất, chính sách sản phẩm, chính sách khách hàng thì yếu tố về trình độ công nghệ của NHTM chính là xúc tác để các yếu tố này được đẩy mạnh hơn nữa. Trình độ công nghệ giúp cho các sản phẩm, dịch vụ của NHTM hiện đại và ưu việt hơn; giúp cho các hoạt động chăm sóc khách hàng của NHTM trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thì ngân hàng nào nắm giữ công nghệ tiên tiến, ngân hàng đó có được sự thuận lợi để các hoạt động kinh doanh của mình phát triển mạnh mẽ. Thêm vào đó, trình độ công nghệ sẽ giúp NHTM có hệ thống máy móc thiết bị phục vụ tốt cho quá trình tác nghiệp của cán bộ ngân hàng;
giúp cho hình ảnh và uy tín của ngân hàng lan rộng hơn; giúp cho các hoạt động quảng bá và truyền thông đạt được hiệu quả mong muốn. Nói tóm lại, trình độ công nghệ hiện đang là yếu tố quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh của NHTM mà bất cứ ngân hàng nào cũng cần phải chú trọng và quan tâm.
1.3. Cơ sở pháp lý quản lý huy động vốn của ngân hàng thương mại
Mọi hoạt động quản lý HĐV của NHTM tuân thủ chặt chẽ theo cơ sở pháp lý, từ các quy định của pháp luật, của NHNN; đến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội sở và các văn bản thi hành của chi nhánh.
Trong thời gian gần đây, chính sách về nguồn vốn của NHNN được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, trong khu vực cũng như trong nước. Các văn bản do NHNN ban hành liên quan đến quản lý HĐV tại các NHTM như sau:
- Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 Quy định về tiền gửi có kỳ hạn
- Quyết định 02/2005/QĐ-NHNN về việc ban hành quy chế phát hành giấy tờ
có giá của tổ chức tín dụng để huy động vốn trong nước
- Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2015 Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đô La Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014
- Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ngày 16 tháng 06 năm 2023 Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT- NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014
Để áp dụng và tuân thủ các quy định trên của NHNN, Vietcombank Hội Sở đã ban hành các văn bản sau đây:
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phẩn Ngoại thương Việt Nam năm 2023.
- Công văn Số 5087/VCB-CSSPBB ngày 22 tháng 07 năm 2019 của Hội sở Ngân hàng thương mại cố phần Ngoại thương Việt Nam thông báo thẩm quyền phê duyệt lãi suất HĐV VNĐ ưu đãi.
- Công văn Số 11649/VCB-CSSPBB Ngày 04 tháng 06 năm 2020 của Hội sở Ngân hàng thương mại cố phần Ngoại thương Việt Nam về chính sách HĐV tiền VNĐ đối với khách hàng bán buôn.
- Công văn số 10876/VCB-ĐCTC ngày 25 tháng 05 năm 2020 của Hội sở Ngân hàng thương mại cố phần Ngoại thương Việt Nam về cơ chế lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn đối với khách hàng định chế tài chính phi tổ chức tín dụng
- Quyết định 914/QĐ-VCB-CSSPBB ngày 15 tháng 06 năm 2022 của Hội sở Ngân hàng thương mại cố phần Ngoại thương Việt Nam Quyết định v/v ban hành Quy định về lãi suất huy động đối với khách hàng tổ chức.
- Quyết định 27/QĐ-VCBHO ngày 16 tháng 01 năm 2016 của Hội Sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam quy định biểu lãi suất đối với tiền gửi bằng USD trong hệ thống.
- Quyết định số 243/QĐ-VCBHO ngày 18 tháng 06 năm 2023 của Hội Sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam quy định biểu lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam trong hệ thống
Tại VCB Phú Thọ, lãnh đạo Chi nhánh cũng bám sát các quy định của NHNN và đặc biệt là bám sát biểu lãi suất mà Vietcombank Hội Sở ban hành để đưa ra văn bản chỉ đạo trong quản lý HĐV như sau
- Thông báo số 38/TB-VCBPT ngày 20 tháng 06 năm 2023 về biểu lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương
Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ.
- Kế hoạch số 87/KH-VCBPT ngày 25 tháng 12 năm 2022 Về giao chỉ tiêu HĐV năm 2023 cho các phòng, ban, bộ phận, phòng giao dịch trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ.
- Thông báo số 09/TB-VCBPT ngày 12 tháng 01 năm 2024 Về kết quả thực hiện huy động vốn năm 2023 phân theo phòng, ban, bộ phận, phòng giao dịch trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ.
Trong quá trình quản lý hoạt động HĐV tại chi nhánh, VCB Phú Thọ đã nghiêm túc chấp hành mọi quy định của NHNN, của Vietcombank Hội Sở. Bất cứ quy định nào của NHNN và Vietcombank Hội Sở được ban hành, chi nhánh cũng tiến hành cập nhật lại mọi quy định, quy chế có liên quan để áp dụng tại chi nhánh.
Đặc biệt trong quá trình HĐV, chi nhánh tuân thủ nghiêm ngặt các mức lãi suất áp dụng cho các nguồn vốn huy động bằng đồng VNĐ và đồng ngoại tệ. Điều này tạo thuận lợi cho các hoạt động HĐV của chi nhánh được bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước nhưng do số lượng các văn bản được ban hành quá nhiều, chi nhánh liên tục cập nhật chính sách lãi suất, dẫn đến việc cân đối nguồn vốn huy động và vốn phục vụ hoạt động cấp tín dụng gặp nhiều khó khăn, ngay cả trong công tác tư vấn khách hàng cũng gây nhiều trục trặc, cán bộ nhân viên ngân hàng phải tích cực giải thích để khách hàng hiểu hơn về chính sách lãi suất mà chi nhánh áp dụng.