CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH PHÚ THỌ
2.3. Đánh giá chung thực trạng quản lý huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ
2.3.1. Những kết quả đạt được Về xây dựng kế hoạch HĐV
- Bước đầu chi nhánh đã xây dựng chiến lược cho hoạt động HĐV trên địa bàn mình quản lý. Các nội dung chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển chung của Vietcombank Hội Sở ban hành.
- Công tác xây dựng kế hoạch HĐV đã được quan tâm và chú trọng. Nội dung kế hoạch cơ bản đầy đủ các nội dung chính như chỉ tiêu HĐV, nguồn lực cần thiết, các chương trình ưu đãi đối với hoạt động HĐV.
- Các kế hoạch liên quan đến hoạt động HĐV được phê duyệt và ban hành kịp thời để toàn thể cán bộ nhân viên chi nhánh nắm rõ và thực hiện theo.
- Kế hoạch được ban hành và gửi đến các cán bộ nhân viên thông qua hệ thống văn bản nội bộ, đảm bảo toàn bộ cán bộ nhân viên của chi nhánh đều nhận được thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Về tổ chức thực hiện kế hoạch HĐV
Việc phân công nhiệm vụ cụ thể của các phòng ban, bộ phận, Phòng giao dịch trực thuộc phù hợp với chuyên môn của từng phòng giúp cho công tác tổ chức thực hiện HĐV đảm bảo không chồng chéo và có sự phối hợp khá chặt chẽ.
Nhận thức về vai trò của hoạt động HĐV luôn được quán triệt rõ ràng đến từng cán bộ nhân viên đảm bảo không có sự lơ là, mất tập trung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ HĐV của toàn chi nhánh.
Hầu hết các phòng ban, bộ phận và Phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh đều hoàn thành chỉ tiêu HĐV được giao.
Về kiểm tra, giám sát HĐV
Ban Giám đốc VCB Phú Thọ đã làm khá tốt vai trò đánh giá và giám sát hoạt động HĐV trong toàn bộ chi nhánh. Mọi hoạt động HĐV của cán bộ nhân viên đều được Ban Giám đốc nắm rõ và theo dõi trong cả quá trình.
Kết quả hoạt động HĐV thường xuyên được cập nhật trong các cuộc họp, các cá nhân, tập thể có sự tiến bộ trong hoạt động HĐV kịp thời được khen ngợi và công nhận. Đối với các cá nhân, tập thể cần cố gắng, Ban Giám đốc cũng có sự động viên, khích lệ nhất định.
Bước đầu, từ kết quả thực hiện HĐV của cán bộ nhân viên, Ban Giám đốc đã có những đánh giá chung để tìm ra những hạn chế trong HĐV của chi nhánh và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.
2.3.2. Những hạn chế tồn tại Về xây dựng kế hoạch HĐV
Xây dựng kế hoạch HĐV của VCB Phú Thọ còn phụ thuộc quá nhiều vào chủ trương của Hội Sở, khiến cho chi nhánh thiếu đi sự chủ động. Điều này nếu xảy ra lâu dài sẽ làm giảm hiệu quả đối với công tác xây dựng kế hoạch của chi nhánh.
Kế hoạch HĐV của chi nhánh chưa có căn cứ xuất phát từ thực tiễn tình hình địa phương. Chi nhánh chưa có sự nghiên cứu địa bàn để gắn với các chỉ tiêu HĐV giao cho các cán bộ nhân viên của chi nhánh.
Các chỉ tiêu giao cho phòng ban, bộ phận và Phòng giao dịch trực thuộc đơn thuần dựa vào số liệu của kỳ trước đó và chức năng của các bộ phận, chưa có sự cân đối cần thiết với nhu cầu sử dụng vốn của chi nhánh. Do đó, cơ cấu vốn của chi nhánh chưa đảm bảo mức độ hợp lý nhất định.
Về tổ chức thực hiện kế hoạch HĐV
Chỉ đạo HĐV còn mang tính hình thức, với mục đích hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng chưa thực sự đi vào hiệu quả của nguồn vốn, giảm chi phí vốn.Nội dung chỉ đạo chưa cụ thể, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa bám sát vào đặc điểm của từng khu vực và chưa thực sự sâu sát trong quá trình quản lý, điều hành.
Quá trình tổ chức thực hiện HĐV chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, bộ phận. Sự phối hợp (nếu có) còn ở mức rời rạc và lỏng lẻo, chưa thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể cán bộ nhân viên chi nhánh.
Về kiểm tra, giám sát HĐV
Ban Giám đốc là những người thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát HĐV.
Nhưng như vậy là chưa đủ. Lãnh đạo các phòng ban, bộ phận và các Phòng giao dịch cũng cần phải được trao cho vai trò kiểm tra, giám sát HĐV bởi đây là những người trực tiếp quản lý cán bộ nhân viên của chi nhánh ở các mảng đặc thù. Nếu chỉ có Ban Giám đốc là người kiểm tra và giám sát thì không thể đảm bảo sự sát sao, chi tiết đến từng cá nhân cán bộ nhân viên. Từ đó hiệu quả kiểm tra, giám sát cũng không cao.
Hiện đã có chính sách khen thưởng khích lệ đối với các cá nhân, tập thể hoàn thành chỉ tiêu HĐV nhưng chưa có chế tài xử phạt đối với những trường hợp không hoàn thành chỉ tiêu HĐV.
2.3.3. Nguyên nhân của những tồn tại Nguyên nhân khách quan
- Chính sách lãi suất huy động của NHNN
Trong năm 2023, để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế,
NHNN đã điều hành giảm lãi suất liên tục 4 lần đối với các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời, NHNN cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các Tổ chức tín dụng đề nghị tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm 2- 3% so với cuối năm 2022. Với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và các biện pháp điều hành của NHNN, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Chính sách giảm lãi suất đồng thời làm giảm sức hút của các sản phẩm HĐV của các NHTM nói chung và VCB Phú Thọ nói riêng. Ngân hàng đã phải huy động đến các chính sách ưu đãi khác nhằm thu hút khách hàng gửi tiền. Chính sách này mặc dù có lợi thế là tăng sự hấp dẫn cho các sản phẩm HĐV nhưng có thể gia tăng chi phí cho ngân hàng và giảm lợi nhuận thu về của ngân hàng trong một thời kỳ nhất định. Do đó, quản lý HĐV gặp nhiều khó khăn và chưa thể giải quyết triệt để vấn đề giữa chi phí HĐV và lợi nhuận hoạt động kinh doanh của chi nhánh.
- Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2023
Bối cảnh nền kinh tế giai đoạn năm 2021-2023 với nhiều khó khăn và thử thách. Nhận thức rõ rệt về những khó khăn, thách thức này, Lãnh đạo Chính quyền tỉnh Phú Thọ đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai đồng bộ các chính sách về kinh tế và xã hội. Chính bởi vì thế, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2023 đã ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,45% so với giai đoạn trước. Với kết quả này, xét trên phạm vi cả nước, tỉnh Phú Thọ đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xét trên phạm vi các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Phú Thọ đứng thứ 3/14. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá tích cực khi khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 40,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 40,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 19,1%. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ước tính tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ước đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 10,78% so với năm 2022. Trong đó, tiền gửi Việt Nam đồng đạt 84.500 tỷ đồng, tăng 11,06%; tiền gửi ngoại tệ thực hiện 1.500 tỷ đồng, giảm 2,9%.
Tuy nhiên, đây là số liệu của toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn, đồng thời, nguồn vốn huy động còn ở mức khá khiêm tốn so với tiềm năng của nền kinh tế tỉnh Phú Thọ. Do vậy, đây là nguyên nhân khách quan tạo nên những hạn chế trong hoạt động HĐV của VCB Phú Thọ. Trong thời gian tới, chi nhánh cần xây dựng các biện pháp tích cực hơn nữa để phòng ngừa và ngăn chặn những tác động
tiêu cực đến từ nguyên nhân khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ nói riêng và trên cả nước nói chung.
- Sự cạnh tranh của các NHTM trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Thực tế hiện nay, trên địa bản tỉnh Phú Thọ đang có 17 NHTM với 20 chi nhánh và hàng chục Phòng giao dịch, tại các phường xã có các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trong ngành Ngân hàng có cung cấp sản phẩm tiền gửi. Trong đó có 4 NHTM cổ phần sở hữu trên 50% vốn nhà nước, 13 NHTM cổ phần khác và 39 quỹ tín dụng nhân dân tại 77 xã, phường, thị trấn. Mặc dù là một trong 4 ngân hàng lớn nhất toàn hệ thống, có lịch sử lâu đời, nguồn vốn lớn từ nhà nước, uy tín và mức độ an toàn cao, tuy nhiên VCB luôn là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện chính sách lãi suất của NHNN, bởi vậy so với các NHTM khác trên địa bàn, cạnh tranh về mặt lãi suất của VCB luôn có hạn chế. Giai đoạn 2021-2023 mức lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của VCB thấp hơn các NHTM cổ phần sở hữu trên 50% vốn nhà nước từ 0.1%-0.3% và so với các NHTM cổ phần khác, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của VCB thấp hơn 1.6%-2.1%. Điều ảnh có ảnh hưởng lớn tới công tác huy động vốn của VCB do khả năng cạnh tranh về lãi suất thấp.
Nguyên nhân chủ quan - Quy mô của ngân hàng:
VCB Phú Thọ giai đoạn 2021-2023 hoạt động với 1 chi nhánh và 5 Phòng giao dịch trên các địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, huyện Cẩm Khê trên tổng số 13 huyện thành thị của tỉnh. Trong đó, phục vụ chủ yếu cho các khách hàng cá nhân và tổ chức tại các khu dân cư, các khu công nghiệp Thụy Vân, Khu công nghiệp Phú Hà, cụm công nghiệp Sai Nga… Tuy nhiên, trên đại bàn tỉnh Phú Thọ còn nhiều khu vực tiềm năng, với dân số nhiều, có quốc lộ thông thương với các tỉnh lân cận, khu cụm công nghiệp lớn như địa bàn huyện Đoan Hùng, huyện Thanh Thủy, huyện Thanh Sơn, huyện Thanh Ba, mà VCB chưa có điểm giao dịch thuận lợi cho khách hàng. Điều này dẫn tới việc VCB chưa khai thác hết nguồn lực về tiền gửi các địa bàn nêu trên.
- Năng lực, trình độ của đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý.
Tính đến hết 31/12/2023, toàn bộ nhân viên công tác tại VCB Phú Thọ là 142 người, phân bổ tại các bộ phận, phòng ban, Tổ chức tín dụng trực thuộc. Lãnh đạo Chi nhánh giao chỉ tiêu và quán triệt tinh thần chủ động, quyết liệt trong hoàn thành nhiệm vụ HĐV đến từng cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của những người tham gia phỏng vấn “Với địa bàn hoạt động khá rộng lớn, không chỉ dừng lại trong phạm vi thành phố Việt Trì, VCB Phú Thọ còn mở rộng mạng lưới ra
khắp tỉnh Phú Thọ nên khó khăn khi nhân lực mỏng, địa bàn rộng đã khiến cho hoạt động HĐV gặp những thách thức không nhỏ.” Thêm vào đó, chất lượng đội ngũ nhân viên tuy ngày càng được nâng cao khi hiện có 47/142 cán bộ có trình độ sau đại học (chiếm 33% trong tổng số nhân viên của chi nhánh) nhưng vẫn còn 15/142 cán bộ mới chỉ có trình độ chuyên môn ở hệ cao đẳng (chiếm 10.56% trong tổng số nhân viên của chi nhánh). Về đội ngũ quản lý, hiện nay VCB hoạt động với 12 phòng ban, 1 Giám đốc, 2 Phó giám đốc, 12 trưởng phòng và 12 phó phòng, toàn bộ ban giám đốc và các lãnh đạo phòng đều đạt trình độ sau đại học, có chuyên môn và khả năng quản lý tốt . Tuy nhiên, trong đội ngũ quản lý và đội ngũ nhân viên có tới 70% là nữ giới và ở độ tuổi từ 25-40 tuổi, có hạn chế nhất định trong công việc do các tác động từ gia đình và xã hội. Do vậy, thách thức về lực lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nhân viên và đội ngũ quản lý đã tác động làm cho quản lý HĐV chưa thể đạt hiệu quả cao.
- Chính sách bán hàng, chính sách sản phẩm
Với đặc thù của một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đặc điểm về dân cư, lao động và đặc điểm nền kinh tế của tỉnh, VCB Phú Thọ chưa thiết kế và xây dựng chính sách bán hàng đặc thù của chi nhánh đối với khách hàng trên địa bàn. Qua đó, khách hàng hiện còn thiếu đi nhiều tiện ích và ưu đãi, các sản phẩm, dịch vụ HĐV của chi nhánh chưa thật sự thu hút người dân đến gửi tiền. Theo kết quả phỏng vấn,
“Nguồn lực về chính sách, trong đó có chính sách bán hàng và chính sách sản phẩm của VCB Phú Thọ áp dụng, phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách từ Vietcombank Hội Sở, chưa có những chính sách thật sự phù hợp với địa bàn tỉnh Phú Thọ.”