Giải pháp, kiến nghị hoàn thiện quản lý huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ đến năm 2030

Một phần của tài liệu Quản lý huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ (Trang 58 - 63)

CHƯƠNG 3. ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NHẰM HOÀN THIỆN QUẢN LÝ HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH PHÚ THỌ

3.3. Giải pháp, kiến nghị hoàn thiện quản lý huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ đến năm 2030

3.3.1. Giải pháp hoàn thiện quản lý huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ đến năm 2030

a/ Hoàn thiện xây dựng kế hoạch quản lý huy động vốn Thứ nhất, xây dựng chiến lược chi tiết và phù hợp

Để xây dựng được chiến lược chi tiết và phù hợp, trước tiên chi nhánh cần định hình chiến lược ở phạm vi chi nhánh với những nội dung chính, căn bản nhất.

Ngoài việc đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển chung của địa phương và chiến lược phát triển của Vietcombank Hội Sở, chiến lược cấp chi nhánh phải mang những đặc thù riêng, căn cứ vào những nghiên cứu về địa bàn chi nhánh quản lý, về tình hình kinh tế, về đặc điểm dân cư và xã hội. Đặc biệt là những nghiên cứu về các đặc điểm như độ tuổi, ngành nghề, địa vị xã hội, tâm lý và thói quen của người dân cũng như dự báo những nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Tiếp đến, chiến lược HĐV của chi nhánh cũng cần kết hợp với những định hướng chính trong hoạt động sử dụng vốn để đảm bảo cơ cấu vốn hợp lý. Quản lý vốn hiệu quả là nhờ quản lý HĐV và quản lý tín dụng có sự cân đối, phối hợp chặt chẽ. Do đó, chi nhánh cần xây dựng chiến lược HĐV với các nội dung liên quan đến đảm bảo cân đối nguồn vốn của chi nhánh.

Thứ hai, hoàn thiện công tác lập kế hoạch HĐV, cơ cấu vốn và sử dụng vốn hợp lý

Căn cứ vào chiến lược về cơ cấu vốn đã được xác định, chi nhánh xây dựng các chỉ tiêu về cơ cấu vốn, về phân công nhiệm vụ và chỉ tiêu HĐV giao cho các

phòng ban, bộ phận, Phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi thể trạng của nền kinh tế yêu cầu khác nhau về nguồn vốn. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch HĐV, chi nhánh cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra con số phù hợp.

Chi nhánh cần giao nhiệm vụ phân tích nguồn vốn cho một bộ phận cụ thể.

Bộ phận này cần có nhân lực có chuyên môn trong quản lý vốn, dự báo về nguồn vốn. Những phân tích và dự báo này sẽ là căn cứ để chi nhánh xây dựng kế hoạch HĐV trong cả một giai đoạn.

Nhìn chung, để xây dựng được kế hoạch cụ thể và chi tiết đối với hoạt động HĐV, chi nhánh cần dựa vào các yếu tố như tiềm lực của chi nhánh; các điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn; năng lực chuyên môn, chức năng đặc thù của các phòng ban, bộ phận và phòng giao dịch trực thuộc.

b/ Nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện huy động vốn Một là, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng là yếu tố cốt lõi, là công cụ để NHTM có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Nếu sản phẩm, dịch vụ không được thường xuyên rà soát, điều chỉnh thì với yêu cầu ngày càng cao của xã hội, các sản phẩm, dịch vụ sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, kém hấp dẫn đối với khách hàng.

Tuy nhiên, VCB Phú Thọ có sự phụ thuộc nhất định vào Vietcombank Hội Sở trong chính sách sản phẩm, dịch vụ. Danh mục sản phẩm, dịch vụ được ban hành và triển khai trong toàn hệ thống, VCB Phú Thọ cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong tầm khả năng của chi nhánh.

Chi nhánh có thể mở rộng và kết hợp các sản phẩm, dịch vụ với nhau để tạo cho khách hàng những trải nghiệm và tiện ích hiện đại. Ví dụ như kết hợp sản phẩm thẻ với dịch vụ chi lương. Một mặt gia tăng số lượng thẻ phát hành, mặt khác chi nhánh có thể thu được nguồn thu nhập từ dịch vụ chi lương, dịch vụ ngân hàng điện tử. Hoặc xây dựng các chính sách ưu đãi riêng. Ví dụ nếu như khách hàng chỉ sử dụng một loại hình sản phẩm, dịch vụ thì không có những chính sách đặc biệt.

Nhưng nếu khách hàng sử dụng kết hợp nhiều loại sản phẩm, dịch vụ thì sẽ có các chính sách ưu đãi riêng, tạo sức hút đối với sản phẩm, dịch vụ mà chi nhánh cung cấp đến khách hàng. Đây cũng có thể là cơ sở để chi nhánh nâng cao sức cạnh tranh so với các đối thủ trên địa bàn.

Thêm vào đó, chi nhánh cần không ngừng rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy trình, nghiệp vụ. Không một khách hàng nào muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng mà thủ tục quá rườm rà, phức tạp, điều kiện khắt khe. Bởi vậy, chi nhánh cần có những điều chỉnh để vừa đảm bảo đúng quy định vừa tạo cho khách

hàng sự thoải mái nhất định khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của chi nhánh cung cấp.

Ngoài ra, tạo cho khách hàng những trải nghiệm thật sự tuyệt vời thông qua việc cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng của cán bộ nhân viên chi nhánh; thông qua giữ gìn và hiện đại hoá cơ sở vật chất và thông qua tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ mà chi nhánh cung cấp.

Hai là, vận dụng linh hoạt cơ chế giá và chế độ lãi suất linh hoạt

Thông thường, khi đề cập đến sức cạnh tranh, chính sách lãi suất là yếu tố được nhắc đến trước tiên. Mặc dù vậy, hiện nay, lãi suất của VCB Phú Thọ phụ thuộc toàn bộ vào chính sách lãi suất do Vietcombank Hội sở quy định trong từng thời kỳ. Vì vậy, để có thể vận dụng linh hoạt cơ chế giá và chế độ lãi suất linh hoạt, VCB Phú Thọ cần thực hiện các giải pháp như sau:

- Nghiên cứu kỹ càng quy định của NHNN, biểu lãi suất của Vietcombank Hội Sở để cân đối chính sách lãi suất của chi nhánh. Mục tiêu là xây dựng biểu lãi suất hợp lý mà người gửi tiền chấp nhận nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng.

- Chuẩn bị các phương án phòng ngừa rủi ro lãi suất, luôn luôn tính đến các khả năng chi nhánh chịu ảnh hưởng nếu lãi suất thay đổi theo hướng tiêu cực. Việc đề ra các phương án cho mọi trường hợp giúp chi nhánh chủ động ứng phó khi có biến động xấu xảy ra, giảm thiểu đến mức tối đa những tổn thất mà chi nhánh có thể gặp phải.

Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên và cán bộ quản lý Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt của mọi tổ chức. Thêm vào đó, công tác quản lý cần đến đội ngũ cán bộ nhân viên với trình độ chuyên môn cao, chất lượng cán bộ quản lý cần đáp ứng được yêu cầu công việc. Do vậy VCB Phú Thọ cần:

Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá trình độ năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ nhân viên trong toàn chi nhánh nói chung và chất lượng nghiệp vụ HĐV nói riêng. Ngoài việc nắm chắc mọi chính sách sản phẩm, chính sách khách hàng, cán bộ nhân viên cần xử lý linh hoạt các trường hợp để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Tổ chức định kỳ các buổi đào tạo, tập huấn nghiệp vụ để cán bộ nhân viên có cơ hội giao lưu, học hỏi về kinh nghiệm tư vấn khách hàng, kinh nghiệm xử lý tình huống, đảm bảo mọi khách hàng khi đến với chi nhánh đều được trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ hiệu quả nhất.

Chi nhánh cần nghiên cứu và xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp đối với các cán bộ nhân viên có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ HĐV để động viên và

khích lệ kịp thời. Bên cạnh đó, đối với cán bộ nhân viên còn gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ HĐV, chi nhánh cần có các buổi toạ đàm, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm hiểu những khó khăn mà cán bộ nhân viên gặp phải để gợi ý các phương án xử lý.

Chi nhánh cần hoàn thiện chất lượng đội ngũ nhân viên ngay từ khâu tuyển dụng. Cần nghiên cứu kỹ hồ sơ và phỏng vấn ứng viên với những tình huống thực tế để thử thách ứng viên. Cần có chính sách đặc biệt với ứng viên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nợ, trong phân tích báo cáo, dự báo vốn nhằm có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý HĐV của chi nhánh.

Bốn là, đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông, nâng cao uy tín

Công tác quảng bá, truyền thông hiệu quả giúp cho VCB Phú Thọ tăng cường thu hút khách hàng. Chi nhánh cần có các hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để có các giải pháp và chính sách phù hợp. Trong thời gian tới, chi nhánh cần có giải pháp tích cực trong quảng bá, truyền thông thương hiệu của chi nhánh như sau:

- Đa dạng phương thức quảng bá, truyền thông. Ngoài phương thức quảng bá trực tiếp khi khách hàng đến giao dịch hoặc thông qua các hoạt động xúc tiến mà chi nhánh thực hiện, chi nhánh có thể nghiên cứu đến phương thức truyền thông gián tiếp nhờ vào các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động xã hội, vì cộng đồng.

- Đa dạng công cụ quảng bá, truyền thông. Ngoài việc sử dụng các công cụ truyền thống như tờ rơi, pa nô, áp phích, băng rôn, chi nhánh có thể sử dụng kênh mạng xã hội hoặc đài truyền hình, phát thanh của địa phương. Mức độ lan truyền thông tin qua các công cụ hiện đại này sẽ cao hơn rất nhiều các công cụ truyền thống.

- Sử dụng có hiệu quả các dịch vụ ngân hàng điện tử có sẵn để quảng bá và truyền thông về các sản phẩm mới, hiện đại như: Vietcombank Digibank, VCB iB@nking, VCB-Mobile B@nking, VCBPAY, VCB-SMS B@nking và VCB- Phone B@nking

Năm là, phát triển, mở rộng mạng lưới

VCB Phú Thọ có 02 phòng giao dịch nằm trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Số lượng còn khá hạn chế và mạng lưới cũng chưa rộng khắp so với các ngân hàng khác trên địa bàn. Trong giai đoạn sắp tới, chi nhánh cần nghiên cứu thêm để mở rộng mạng lưới, có thể là mở thêm Phòng giao dịch hoặc gia tăng số lượng các đơn vị chấp nhận thẻ, gia tăng số lượng máy ATM, máy POS để mạng lưới của chi nhánh bao phủ trên khắp địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ trong HĐV

Sức mạnh công nghệ giúp cho chi nhánh thuận lợi hơn trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động HĐV. Chi nhánh cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong các hoạt động như:

+ Tìm kiếm và tiếp cận khách hàng: Dựa vào dữ liệu khách hàng sẵn có, chi nhánh xuất danh mục khách hàng theo các tiêu chí phân loại. Từ đây, chi nhánh phân công cho các phòng ban, bộ phận và Phòng giao dịch trực thuộc trong bán chéo sản phẩm, tăng cường mối quan hệ với khách hàng

+ Chăm sóc khách hàng: Áp dụng công nghệ trong lưu trữ thông tin khách hàng. Trích xuất từ hệ thống về sinh nhật của khách hàng, về giới tính và đặc thù nghề nghiệp của khách hàng. Sau đó sử dụng dữ liệu thông tin khách hàng một cách linh hoạt và phù hợp trong từng chương trình ưu đãi, chương trình khuyến mãi, tăng khả năng tiếp cận khách hàng của chi nhánh.

+ Quản lý nguồn vốn: mọi số liệu được cán bộ nhân viên nhập lên hệ thống, sức mạnh của công nghệ hiện đại giúp cho chi nhánh có thể nhanh chóng trích xuất các báo cáo có liên quan đến hoạt động HĐV, thậm chí các phần mềm hiện đại có thể dự báo xu hướng biến động nguồn vốn, giúp chi nhánh chủ động trong quản lý và sử dụng vốn.

c/ Tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát huy động vốn

Trước tiên, để hoạt động kiểm tra, giám sát HĐV phát huy hiệu quả, cần có hệ thống quy định về kiểm tra, giám sát nói chung và cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho một bộ phận chuyên trách trong chi nhánh. Nếu như không cụ thể hóa nhiệm vụ cho một bộ phận chuyên trách, sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm chính và chuyên tâm thực hiện, do đó hiệu quả kiểm tra, giám sát không thể đạt yêu cầu.

Tiếp đó, cần xây dựng các tiêu chí kiểm tra và các tiêu chí giám sát. Đây cũng chính là nền tảng để các bộ phận trong chi nhánh thực hiện HĐV một cách bài bản, có định hướng và có giải pháp cụ thể. Không chỉ dừng ở vấn đề hoàn thành chỉ tiêu HĐV được giao, nguồn vốn huy động được cần phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, phù hợp với nhu cầu về vốn của chi nhánh trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, tần suất và hình thức kiểm tra, giám sát cũng khá quan trọng, tác động không nhỏ đến hiệu quả kiểm tra, giám sát. Nếu chỉ đơn thuần là kiểm tra định kỳ, giám sát thường xuyên thì hiệu quả không được đẩy lên cao nhất. Hoạt động kiểm tra cần được thực hiện đồng thời vừa định kỳ vừa đột xuất, để kết quả kiểm tra phản ánh sát thực nhất hoạt động HĐV của cán bộ nhân viên các bộ phận.

3.3.2. Kiến nghị

Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Đối với quản lý HĐV tại cấp chi nhánh của NHTM, tác giả mạnh dạn đề xuất

một vài kiến nghị đối với NHNN như sau:

Một là, ổn định chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất, phù hợp với điều kiện, bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước. Đồng thời có những chính sách linh hoạt áp dụng cho các địa phương với các đặc thù khác nhau, để các tổ chức tín dụng ở mỗi địa phương có được điều kiện tốt nhất triển khai hoạt động HĐV.

Hai là, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định và chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất để các tổ chức tín dụng nói chung và chi nhánh các NHTM nói riêng có những chính sách phù hợp, không gây gián đoạn hay bất lợi trong quá trình kinh doanh, đặc biệt trong quá trình HĐV.

Kiến nghị với Hội Sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam

Đối với Hội Sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống quy định và quy chế nội bộ của toàn hệ thống Vietcombank đối với hoạt động HĐV. Đặc biệt, liên quan đến quy định khen thưởng, kỳ luật với tập thể, cá nhân đối với nhiệm vụ HĐV trên địa bàn của đơn vị quản lý.

Hai là, củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý từ cấp Hội Sở đến cấp chi nhánh nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn vốn cũng như hoạt động quản lý nguồn vốn, quản lý HĐV của ngân hàng. Một mặt đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN, mặt khác tạo điều kiện để quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn.

Ba là, xây dựng cơ chế linh hoạt về chính sách sản phẩm, chính sách khách hàng để các chi nhánh có thể xây dựng các chính sách riêng, ngoài các chính sách chung của Hội Sở, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn chi nhánh quản lý.

Một phần của tài liệu Quản lý huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Thọ (Trang 58 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)