1.2. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên
1.2.2. Quá trình nghiên cứu khoa học và lãnh đạo giáo dục
Như đã giới giới thiệu ở trên, sau khi đỗ hai bằng Cử nhân trong một quãng thời gian ngắn, ông đã tạo nên sự chú ý của nhiều quan chức và được bổ nhiệm giảng dạy tại Trường Ngôn ngữ phương Đông ở Paris. Ông vừa giảng dạy, vừa tiếp tục nghiên cứu những đề tài về nhân văn. Và đến tháng 2 năm 1934, Nguyễn Văn Huyên là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ Văn khoa tại trường Đại học Tổng hợp Sorbonne ở Paris. Luận văn của ông được Hội đồng giám định đánh giá vào loại xuất sắc và khẳng định là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne Paris. Báo chí ở Pháp và nhiều nước phương Tây đã đăng tin bài về sự thành công này của ông. Một nhà Sử học Đức coi luận án này không chỉ có giá trị văn học mà còn rất có ý nghĩa đối với lĩnh vực triết học, dân tộc học, sử học, xã hội học.
Năm 1935, ông từ Pháp trở về nước. Với học vấn và học vị cao bậc nhất lúc đó, ông khước từ lời mời làm quan và những hứa hẹn của chính quyền thực dân mà chỉ chọn nghề dạy học. Ông trở thành giáo sư Sử - Địa trường Trung học Bảo hộ, tức trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội) cùng với nhiều nhà giáo như Nguyễn Mạnh Tường (Tiến sĩ Văn chương và Luật), Hoàng Xuân Hãn (Thạc sĩ Toán học), Nguyễn Xiển (kỹ sư), Ngụy Như Kon Tum (Thạc sĩ Lý-Hóa). Đây là một thế hệ những nhân vật nổi tiếng được đào tạo ở Pháp. Các ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà truyền cả niềm đam mê khoa học, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh trường Bưởi. Sau một thời gian dạy học, ông nhận thấy ở trường giáo viên người bản xứ không được đối xử bình đẳng nên ông thôi dạy, chuyển sang nghiên cứu khoa học tìm về những di sản văn hóa dân tộc với tư cách là biệt phái viên ở trường Viễn Đông Bác Cổ vào năm 1938.
Những công trình nghiên cứu sau đó của Nguyễn Văn Huyên chủ yếu ra đời trong thời kỳ ông làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ (là một Viện Hàn lâm của Pháp chuyên nghiên cứu về xã hội châu Á, được thành lập từ đầu thế kỷ 20 có trụ sở tại Paris và có hơn 10 trung tâm tại khắp các thành phố lớn ở châu Á, trong đó có Hà Nội). Ông là người Việt Nam duy nhất trở thành một trong năm thành viên khoa học thường trực của viện khoa học này cho đến năm 1945. George Coedès, giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ (một trong những nhà Sử học và Khảo cổ học nổi tiếng vào thế kỷ 20 chuyên nghiên cứu về lịch sử, xã hội Đông Nam Á) cho rằng: Việc ông Nguyễn Văn Huyên gia nhập trường Viễn Đông Bác cổ năm 1935 đã là một cơ hội để Trường triển khai những nghiên cứu về tín ngưỡng và thiết chế của đất nước Việt Nam; bởi, bên cạnh nền tảng đào tạo vững chắc tại Pháp, ông Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh. Nhờ đó, ông Huyên có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện được. “Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê Việt Nam” [Dẫn theo Phạm Minh Hạc - Hà Văn Tấn 2001: 17].
Khi làm việc tại viện Viễn Đông Bác cổ, Nguyễn Văn Huyên đi sâu vào nghiên cứu lịch sử văn minh Việt Nam và công trình Văn minh Việt Nam được hoàn thành vào năm 1939. Cùng với tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” (xuất bản năm 1938) của học giả Đào Duy Anh, nó đã trở thành nền tảng nghiên cứu về văn hóa, văn minh Việt Nam và cho đến những năm 1950, 1960, tác phẩm này vẫn là nguồn tư liệu quan trọng để các học giả trên thế giới tìm hiểu về văn hóa nước ta.
Chỉ trong hơn mười năm (1934-1945), Nguyễn Văn Huyên đã công bố 45 công trình nghiên cứu, hầu hết bằng tiếng Pháp. Thời kỳ này là những năm tháng ông dành tâm huyết cho nghiên cứu khoa học. Từ năm 1935 đến năm 1945, mười năm mà nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã được ra đời. Các công trình nghiên cứu của ông bao quát nhiều lĩnh vực: Sử học, Dân tộc học, Folklore học, Xã hội học... Trong đó, ông từ sự miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, chính xác những hiện tượng văn
hóa cụ thể như hội Phù Đổng, tục thờ cúng thần tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, các lễ tiết trong năm đi đến những khái quát khoa học về bản sắc, cội nguồn văn hóa dân tộc. Đích hướng tới của ông là làm sáng tỏ và khơi dậy niềm tự hào về nền văn minh Việt Nam trong bối cảnh đất nước còn đang bị thực dân Pháp đô hộ.
Tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Nguyễn Văn Huyên được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 16/11/1993, đại diện của Viễn Đông Bác cổ Pháp có nói: “Với nhiều nhà Việt học tại Pháp, tác phẩm Nguyễn Văn Huyên là chiếc chìa khoá vàng mở cửa cho việc tìm hiểu văn hoá Việt nam”.8
Như vậy là trước khi được phổ cập rộng rãi trong nước, qua các bài viết, các công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp, ông đã giới thiệu cho thế giới biết người Việt Nam có một nền văn minh, văn hóa mang bản sắc riêng từ những năm tháng đất nước còn bị màn đêm che phủ. Đó là ý thức dân tộc sâu sắc của một trí thức yêu nước và thái độ trân trọng của ông đối với di sản văn hóa mà cha ông để lại.
Nguyễn Văn Huyên là một nhà khoa học nhân văn lớn của nửa đầu thế kỷ XX, đồng thời cũng là một trong những người lãnh đạo chính xây dựng nền giáo dục mới theo định hướng của Đảng. “Ai đã từng nghiên cứu những công trình khoa học về Folklore, về Sử học, Dân tộc học của ông viết bằng tiếng Pháp và những hoạt động quản lí giáo dục của ông trong ngót 30 năm làm Bộ trưởng, ắt sẽ rất kính trọng ông như kính trọng một nhân cách lớn của thời đại” [Trường Giang 2015:
594].
Với những công trình nghiên cứu đặc sắc, ông trở thành Ủy viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương (1941 - 1945). Từ năm 1938, ông đã tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ, một tổ chức hoạt động công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhằm chống nạn mù chữ và mở mang dân trí.
8Dẫn theo Nguyễn Kim Nữ Hạnh: Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên,
http://tusach.mobi/21.hoi-ky-tuy-but/10344.hoi-uc-ve-nguyen-van-huyen-nguyen-kim-hanh/67922.nhung- cong-trinh-nghien-cuu.htm
Qua ông Vũ Đình Hoè ta được biết trong 2 năm 1943-1944, ông Huyên không viết thêm bài gì cho Thanh Nghị mà dồn hết lực, tâm vào hoàn chỉnh công trình lớn “Văn minh Việt Nam”, vừa tiến hành khẩn trương công việc nghiên cứu các đề tài khoa học thuộc đời sống vật chất và tinh thần xưa và nay của dân tộc Việt Nam, như “Chống hạn trong tập quán Việt nam”, “Tục thờ cúng thần tiên ở Việt nam”, “Điều tra về tình hình ăn uống, y phục, nhà ở của người Việt”… Ông cho rằng ông Nguyễn Văn Huyên còn phải lo góp sức cụ thể hoá hơn nữa chương trình dạy và cung cấp giáo tài, tư liệu tham khảo cho các lớp của hệ cổ điển học Á Đông.
Ông bắt đầu thoáng thấy mối liên quan giữa sự nghiệp nghiên cứu sử học, dân tộc học, ã hội học của Nguyễn Văn Huyên với lý tưởng “trồng ngườí” mà ông ôm ấp một cách kín đáo, tuy không giấu nổi sự tha thiết của mình, như đã có lần thổ lộ trong tác phẩm “Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ”, hoặc khi phổ biến phương pháp mới dạy vần quốc ngữ” [Vũ Đình Hòe 2015: 24].
Công chúng biết đến Nguyễn Văn Huyên với vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục hơn là một nhà khoa học đặt nền móng cho nghiên cứu về văn hóa, văn minh ở Việt Nam. Thời gian 10 năm nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên (1936- 1945) bị che mờ bởi 29 năm ông giữ vai trò của một người Bộ trưởng. Bởi đa số các nghiên cứu của ông đều viết bằng tiếng Pháp và đến năm 1996 mới được dịch đầy đủ sang tiếng Việt.
Những năm 1920, khi công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã hoàn thành, trước những chính sách xâm lăng về văn hóa, những nền tảng văn hóa truyền thống bắt đầu có những sự biến đổi, Nguyễn Văn Huyên lựa chọn hướng nghiên cứu về văn hóa dân tộc như một cách để gìn giữ di sản văn hóa của cha ông.
Trong 10 năm nghiên cứu, ông cho xuất bản 45 công trình nghiên cứu khoa học;
trong đó, các hiện tượng văn hóa được ông quan sát, mô tả và phân tích ở nhiều góc độ như dân tộc học, địa lý học, sử học, ngôn ngữ học và xã hội học, để đưa ra những cái nhìn tổng quát, khách quan hơn về các hiện tượng văn hóa dân tộc. Điều đó phản ánh một thái độ nghiên cứu khoa học vô cùng nghiêm túc và cẩn trọng của ông.
Với hầu hết các nghiên cứu được viết bằng tiếng Pháp, Nguyễn Văn Huyên đã khiến các học giả trên thế giới chú ý tới văn hóa Việt Nam. Thời gian chuyên tâm vào công tác nghiên cứu khoa học của ông thực sự chỉ diễn ra trong mười năm, song ông đã để lại gần 2000 trang sách đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học xã hội và nhân văn như: Dân tộc học, Văn hóa dân gian, Sử học, Xã hội học, nhiều công trình đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Qua luận án Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á, Nguyễn Văn Huyên còn khiến các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm đến văn hóa Đông Nam Á. “Theo một giáo sư nổi tiếng ở Đại học Canberra (Úc), Nguyễn Văn Huyên là người đã đưa khái niệm South East Asia (Đông Nam Á) trở thành một thuật ngữ khoa học trên thế giới”.9
Nếu Nguyễn Văn Huyên còn được tiếp tục nghiên cứu học thuật, chắc chắn rằng ông sẽ có những đóng góp to lớn cho việc tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Nhưng khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông đã gác lại công việc nghiên cứu khoa học để chuyên tâm vào sự nghiệp nâng cao dân trí phổ cập giáo dục toàn dân.
Việc Nguyễn Văn Huyên từ một nhà khoa học trở thành một cán bộ giáo dục, thì di sản các công trình khoa học của ông cũng ít được chú ý. Một phần vì bối cảnh lịch sử xã hội lúc ấy, nhân dân ta đang ở trong cuộc chiến chống thực dân đế quốc, những tác phẩm của ông đều được viết bằng tiếng Pháp nên có rất ít người tiếp cận và cũng bị nhiều người kỳ thị. Theo Đỗ Lai Thúy, đến những năm 90 thế kỷ XX, với sự phát triển ngành Văn hóa học (nhằm thay thế bộ môn chủ nghĩa duy vật lịch sử tại các trường đại học) ở Nga và ngành Nghiên cứu Văn hóa ở Mỹ, thì ở Việt Nam dần dần hình thành bộ môn Nhân học Văn hóa; từ đó, di sản Nguyễn Văn Huyên được chú ý trở lại và những công trình của ông được dịch ra tiếng Việt cho đông đảo bạn đọc. “Nếu những ai chưa biết đến Lévy-Bruhl, Marcel Mauss, Przyluski, Marcel Granet..., thì có thể từ những công trình dân tộc học văn hóa của Nguyễn Văn Huyên lý giải các hiện tượng văn hóa xã hội đang gây nhiều lúng túng
9 Hảo Linh: Hành xử của một nhà khoa học,
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=8409
hiện nay không chỉ ở các nhà quản lý, mà cả ở những nhà nghiên cứu” [Đỗ Lai Thúy 2015].
Cách mạng tháng Tám đưa cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Văn Huyên rẽ sang một hướng khác. Nguyễn Văn Huyên, từ một trong những người lãnh đạo Hội Truyền bá Quốc ngữ chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Năm 1938, Nguyễn Văn Huyên tham gia vào Hội Truyền bá Quốc ngữ, một tổ chức xã hội của những trí thức yêu nước hàng đầu thuộc nhiều thế hệ lúc đó (như Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp...). Và Nguyễn Văn Huyên đã trở thành Tổng Giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc gia Giáo dục kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ khi chính quyền mới được thành lập.
Và tháng 11/1946, ông đã có mặt trong thành phần Chính phủ liên hiệp quốc dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Khi đó, ông được Bác Hồ cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Nguyễn Văn Huyên đã có công lớn trong việc đặt nền tảng vững chắc cho nền giáo dục mới, những chương trình giáo dục ông biên soạn đã phát huy tác dụng phát triển nền giáo dục nước ta.
Từ những ngày đầu của Chính phủ lâm thời, Nguyễn Văn Huyên đã được giao phụ trách tổ chức đại học dưới quyền Bộ trưởng Vũ Đình Hòe. Ông Vũ Đình Hòe thuật lại là đã “khẩn khoản” xin ông Huyên nhận vai cố vấn của Bộ, nhưng ông Huyên đề nghị phải thành lập một hội đồng để tập hợp trí thức cùng xây dựng nền giáo dục đại học mới [Vũ Đình Hòe 2015: 28]. Vậy là Hội đồng Tổ chức Đại học được thành lập theo sắc lệnh ngày 10-10-1945. Nhờ có cố gắng của tập thể này mà Trường Đại học Tổng hợp Việt Nam với tiếng Việt là chuyên ngữ đã có thể khai giảng từ ngày 15-11-1945.
Khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục tháng 11-1946, Nguyễn Văn Huyên đã đặt nhiều tâm huyết vào việc lãnh đạo giáo dục. Thực ra, trong quá trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc, ông cũng đã luôn thể hiện tâm huyết đối với việc phát triển nền giáo dục nước nhà. Chẳng hạn, trong những bài nghiên cứu về tình hình nông dân Việt Nam, ông luôn nhấn mạnh giáo dục chính là yếu tố quan
trọng góp phần quyết định sự thay đổi, cải thiện đời sống người nông dân. Nguyễn Phương Ngọc cho rằng: “Khi đã nhận trách nhiệm lãnh đạo nền giáo dục mới, thật ra ông đã nhận việc áp dụng kết quả nghiên cứu của chính mình vào thực tế xã hội”
[Nguyễn Phương Ngọc 2015: 125].
Ở cương vị Bộ trưởng, Nguyễn Văn Huyên tiếp tục cuộc đấu tranh của người trí thức trên mặt trận tư tưởng để giành tiếng nói cho dân tộc Việt Nam trong giới khoa học, không chỉ bằng nghiên cứu của một nhà khoa học riêng lẻ, mà bằng việc xây dựng cả một nền khoa học mới từ việc thành lập Ban Văn - Sử - Địa đến các viện nghiên cứu về sau sẽ được tập hợp trong Ủy ban Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) [Nguyễn Phương Ngọc 2015: 126].
Gần 30 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946-1975), Nguyễn Văn Huyên đã xây dựng nên nền giáo dục toàn dân, xóa bỏ được 95% dân số mù chữ, tổ chức được mạng lưới trường học khắp nơi, dựng nên một hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh. Đó là những đóng góp quan trọng của ông cho nền giáo dục Việt Nam thời bấy giờ.
Tiểu kết
Chương 1 là tiền đề của luận văn, giới thiệu về bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam và tình hình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam vào giai đoạn đầu thế kỷ XX đến 1945, đó là quãng thời gian Nguyễn Văn Huyên sinh ra, tiếp nhận quá trình đào tạo và tiến hành những nghiên cứu khoa học của mình. Bối cảnh lịch sử trong thời kỳ đó cùng với tình hình nghiên cứu ở Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quan điểm, định hướng và nội dung nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên.
Nguyễn Văn Huyên lớn lên vào những năm đầu thế kỷ XX và cuộc đời hoạt động nghiên cứu khoa học của ông nằm trong thời gian trước Cách mạng tháng Tám, vào thời kỳ mà thực dân Pháp đã xây dựng được chế độ thuộc địa tương đối ổn định và bắt đầu tiến hành khai thác về kinh tế và xâm lăng về văn hóa. Chính bối
cảnh lịch sử đó tác động khiến Nguyễn Văn Huyên quan tâm nghiên cứu văn hóa dân tộc, mục đích muốn chứng minh Việt Nam cũng có một nền văn hóa với những bản sắc riêng.
Nguyễn Văn Huyên đã để lại những công trình nghiên cứu có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Ông là một trong những nhà dân tộc học, văn hóa dân gian đầu tiên ở nước ta, đã đưa phương pháp khoa học vào nghiên cứu những di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam.