2.2. Kế thừa và phát huy các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa
2.2.1. Phương pháp tiếp cận tâm lý học dân tộc
Khoa học luôn luôn là sự kế thừa và phát triển. Không chỉ ảnh hưởng về mặt lý luận và quan điểm nghiên cứu, về phương pháp tiếp cận, Nguyễn Văn Huyên
cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các thầy học của mình. Đọc bài viết Lucien Lévy Bruhl: nhà tư tưởng lớn, thấy rõ về học thuật ông chịu ảnh hưởng của vị giáo sư này.
Theo Phạm Minh Hạc - Hà Văn Tấn, qua bài viết ta có thể cảm nhận thấy tác giả tâm đắc với định luật tham gia và nguyên lý bí hiểm của Lévy Bruhl “…tham gia vào nỗ lực tư duy con người để có thể hiểu được thế giới bằng khoa học và triết học;
sự đồng cảm với nguyên lý bí hiểm của các sự vật bằng cách chiêm ngưỡng thiên nhiên;... ."Đó là phương pháp tiếp cận tâm lý học dân tộc" [Phạm Minh Hạc - Hà Văn Tấn 2001: 26].
Nguyễn Văn Huyên đã sử dụng phương pháp tiếp cận này để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa văn hóa và tâm lý dân tộc, giải thích đặc điểm tâm lý dân tộc qua các hiện tượng văn hóa, từ đó hiểu được bản chất của các hiện tượng đó.
Khi nghiên cứu về tín ngưỡng thành hoàng, trong công trình Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man, trong miêu tả kiến trúc đình Yên Sở, Nguyễn Văn Huyên đã miêu tả hết sức tỉ mỉ, đặc biệt chú ý tới những chi tiết thể hiện tâm hồn, tinh thần của người dân nơi đây. Chẳng hạn, miêu tả cách trang trí trên tường đình, ông viết:
“Trên hai gờ tường này, nghệ sĩ định trình bày tất cả các hoa văn của nghệ thuật trang trí Việt Nam. Ta biết rằng, nghệ thuật trang trí Việt Nam, giống như nghệ thuật trang trí Trung Quốc, là hoàn toàn tượng trưng. Ở vùng này, nơi dân cư đông như thế, nghệ thuật trước hết tìm cách gửi những lời cầu chúc cho cá nhân con người. Hai viên gạch ghi những lời chúc, thành các chữ phúc, lộc, khang, an.
Các lời chúc hạnh phúc và sức mạnh có thể được biểu thị bằng con vật hay cây cối.
Đó là những họa tiết được gọi là cầm trùng thảo mộc. Chẳng hạn, ở đây con hươu tượng trưng cho hạnh phúc, hoa sen tiêu biểu cho hạnh phúc của cõi Niết bàn.
Ngựa và voi là những biểu tượng của sức mạnh. Cúc và mai (…) là những biểu tượng của tình bằng hữu và niềm hạnh phúc.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1:
512].
Ngoài ra, ông cho rằng: nghệ thuật trang trí còn thể hiện ý niệm rằng sự yên ổn chỉ có thể được thực hiện bằng lao động và sự tổ chức hài hòa của các giai tầng trong xã hội, bằng cách trình bày nhóm tứ dân: sĩ, nông, công, thương, hoặc bốn cảnh của đời sống bình thường: ngư, tiều, canh, độc.
Trong nghiên cứu lễ hội, Nguyễn Văn Huyên quan tâm đến yếu tố văn hóa và tâm lý dân tộc ẩn chứa trong đó. Chẳng hạn, trong công trình Hội Phù Đổng:
Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam, khi giới thiệu về lễ hội ông đã viết: “Nông dân Việt Nam vất vả lo ngày hai bữa ăn đặc biệt gắn bó với lễ hội.
Không phải chỉ vì đó là dịp hiếm có để nghỉ ngơi và được ăn thịt, mà còn vì lễ hội có vai trò chủ yếu trong niên lịch và trong lao động của họ. (…). Lễ hội của nông dân Việt Nam nhằm thờ cúng thành hoàng, vị thần bảo hộ mùa màng, hòa bình, an ninh, thịnh vượng. Mặt khác, sự thống nhất của làng xóm chỉ thể hiện ở những cuộc hội họp, ở nơi thờ cúng thiêng liêng như vậy của thôn xã.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 9].
Để tiếp cận tâm lý dân tộc ẩn chứa trong các hiện tượng văn hóa như lễ hội, tập tục Nguyễn Văn Huyên chú trọng đến việc miêu tả thật chi tiết, rõ ràng các hiện tượng đó. Như Trần Quốc Vượng nhận xét: Nguyễn Văn Huyên đi từ sự miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, chính xác từng sự kiện văn hoá - nhân văn; mọi công trình của ông đều bắt nguồn từ sự quan sát rồi miêu tả những sự kiện cụ thể chứ không xuất phát từ những giáo điều (dogme) hay những nguyên lý, tiền đề có sẵn. “Ông là mẫu mực của sự miêu tả cái cụ thể, như nó vốn có và như ta nhìn thấy, quan sát được mà không vội lược quy / quy giản vào những sơ đồ, lược đồ đóng khung sẵn trong đầu óc mình” [Trần Quốc Vượng 2000: 945-946]. Cũng theo Trần Quốc Vượng, sự tinh tế trong miêu tả của Nguyễn Văn Huyên rất có ý nghĩa: “Miêu tả cái cụ thể, cho chính mình, cho những người không được đi đến điền dã và quan sát trực tiếp cái đương thời như mình và, do vậy, cho cả thế hệ nghiên cứu sau này, một khi sự kiện văn hoá dân gian ấy đã "một đi không trở lại" hay đã bị "méo mó", "biến đổi" theo một xu hướng "thời sự hoá" (evhémérisation) nào đó” [Trần Quốc Vượng 2000:
946].
Sau công việc miêu tả, Nguyễn Văn Huyên thường có những kết luận khi liên hệ các hiện tượng văn hóa với tâm hồn, tinh thần của người Việt.
Ông đã kết luận sau khi miêu tả hết sức tỉ mỉ về lễ hội Phù Đổng như sau: “Lễ hội này ẩn tàng cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học, nhằm thể hiện sự hòa hợp trong gia đình và trong quốc gia. Lễ hội cũng hướng vào một ước mong thực hiện Thiên hạ thái bình bằng con đường Trung dung” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 31].
Theo Hà Văn Tấn và Phạm Minh Hạc nhận xét: “Nguyễn Văn Huyên đã mô tả hết sức tinh vi, tỉ mỉ một ngôi đình, một lễ hội, một cái nhà, một bộ quần áo…
đúng là như tham gia tiếp nối tư duy của loài người, của dân tộc, đi sâu vào những bí hiểm ngóc ngách, như ngôn từ ngày nay thường nói, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể như là thiên nhiên thứ hai - thiên nhiên do con người sáng tạo ra - để hiểu và chiêm ngưỡng cái tinh thần, tâm hồn, tâm lý của con người. Có thể coi ông là người mở đầu cho ngành tâm lý học dân tộc ở nước ta” [Hà Văn Tấn - Phạm Minh Hạc 2001: 26].
Nguyễn Văn Huyên rất chú ý tới nghiên cứu của Lévy Bruhl về tư duy người xưa: "Trong tâm thức người nguyên thủy, thế giới hữu hình và thế giới vô hình chỉ là một. Vì vậy, sự trao đổi qua lại giữa cái mà chúng ta gọi là hiện thực cảm nhận được với những sức mạnh thần bí là thường xuyên. Nhưng có lẽ không ở đâu sự giao cảm ấy diễn ra tức thời và trọn vẹn bằng trong chiêm bao (..). Linh hồn thoát khỏi thể xác trong chốc lát. Đôi khi bay đi rất xa. Nó trò chuyện với linh hồn những người đã chết". [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1: 641].
Với phương pháp tiếp cận đó, Nguyễn Văn Huyên đã đi đến với các truyện cổ tích, truyền thuyết trong các công trình Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, Những phép lạ của các tiên nữ ở phía Nam thành cổ Thăng Long, Sự tích một vị tiên Việt Nam: Phạm Viên,… hay các phong tục lễ bái thờ cúng trong các công trình như Việc chôn người chết vào giờ xấu theo tín ngưỡng Việt Nam, Một dạng ma thuật ở miền thượng du Bắc Kỳ: những cách chữa bệnh bằng phép lạ, Sự đầu thai của các linh hồn và lễ xá tội vong nhân của người Việt,…. Trần Quốc Vượng đã
nhận xét rằng đó là những địa hạt cực khó của tâm thức dân gian người Việt châu thổ Bắc Bộ mà cho tới trước thời kỳ đổi mới, dường như không có ai dám lao vào những “khu vực cấm kỵ” ấy [Trần Quốc Vượng 2000: 953]. Nhưng Nguyễn Văn Huyên đã coi đó là một thành tố trong văn hóa dân gian và nghiên cứu một cách nghiêm túc. Qua các công trình đó, ông giúp chúng ta hiểu tâm lý, đời sống tinh thần của người Việt, những quan niệm triết lý, thậm chí cả hiện tượng tâm linh.
Hà Văn Tấn và Phạm Minh Hạc đã nhận định rằng: Qua các công trình nghiên cứu với các chất liệu hết sức phong phú và phân tích vô cùng sâu sắc về văn học dân gian, dân tộc học, Nguyễn Văn Huyên đã cho chúng ta một cách nhìn, một phương pháp tiếp cận và những tri thức để mỗi người suy ngẫm và hiểu thêm về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. “Chẳng hạn, từ các hình thức tín ngưỡng cổ xưa, như thờ một cây đa, một hòn núi cho đến tục thờ thành hoàng ở các đình làng, Nguyễn Văn Huyên đi đến các kết luận về nội dung của đời sống tinh thần đạo đức: nhân dân thờ cúng như vậy là muốn nêu lên một mẫu mực đạo đức, để nhớ về cội nguồn, nhớ ơn người trước, cầu mong một sự che chở, hoặc qua đó mỗi người coi lại chính mình (cao hơn dẫn tới phạm trù lương tâm), răn đe kẻ làm bậy... ” [Hà Văn Tấn - Phạm Minh Hạc 2001: 27]
Trong công trình Văn minh Việt Nam, có một nhận xét cực kỳ quan trọng của Nguyễn Văn Huyên nêu rõ cách tiếp cận tâm lý học dân tộc: "…làng là một nhân cách, nó có một cá tính riêng. Trong các việc công, Nhà nước chỉ biết tới làng chứ không phân biệt cá nhân" [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 846: 829]. Và “thành hoàng là sợi dây liên kết tất cả mọi người trong cộng đồng. Thần làm cho họ thành một khối, một thứ nhân cách đạo lý mà tất cả các mục đích chủ yếu đều được thấy trong mỗi cá nhân” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 846]. Với quan điểm đó, Nguyễn Văn Huyên đã nghiên cứu những vấn đề về làng xã, tín ngưỡng thành hoàng nói riêng và các tín ngưỡng dân gian nói chung với mục đích nhằm nêu lên được tâm lý dân tộc ẩn tàng trong các hiện tượng văn hóa dân gian.