Văn học dân gian

Một phần của tài liệu Đóng góp của nguyễn văn huyên trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa (Trang 77 - 83)

3.1. Tư liệu nghiên cứu văn hóa dân gian

3.1.2. Văn học dân gian

Trong quá trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Văn Huyên để lại nhiều dấn ấn sâu sắc trong nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó có lĩnh vực văn học dân gian.

Mặc dù các công trình của ông không có tham vọng đi sâu nghiên cứu văn học dân gian, nhưng đã đem lại không ít tài liệu quý giá về lĩnh vực văn học dân gian. Nổi bật, là những truyền thuyết dân gian mà ông đã nghiên cứu, sưu tầm và hệ thống trong các công trình nghiên cứu Góp phần nghiên cứu một vị Thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man, Sự tích một vị tiên Việt Nam: Phạm Viên, Những phép lạ của các tiên nữ ở phía Nam thành cổ Thăng Long, Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam.

Trong Những phép lạ của các tiên nữ ở phía Nam thành cổ Thăng Long, đã có những truyền thuyết gắn với các khu đất phía Nam thành Thăng Long. Các khu phố phía Nam nổi tiếng nhờ nằm vào giữa khu vực đó là vị trí của “Văn miếu”, đền thờ Khổng Tử và các bậc đại nho. Đông đảo nho sinh lui tới khu vực này. Chính tại những khu đất này đã diễn ra nhiều phép lạ của một số “tiên nữ giáng trần”. “Ngôn từ dân gian, ngọn bút tinh tế của một số nhà nho đã dệt nên quanh các nhân vật siêu nhiên này những thần thoại xuất phát từ những thi hứng tuyệt vời cao nhã” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1:757]. Để tưởng niệm sự xuất hiện của những nàng tiên đó, vua và nhân dân đã xây dựng nên những ngôi đền thờ như “Bích Câu Đạo quán”, đài tưởng niệm “Vọng Tiên lâu”, ngôi chùa “Tiên tích tự”. Và những khu phố phía Nam Hà Nội cổ trở nên bất tử bởi những huyền thoại như vậy.

Trong Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, có những truyền thuyết về các vị thần tiên bất tử Việt Nam như truyền truyết về Chử Đồng Tử, Bà Chúa Liễu Hạnh,

Hà Giáng Kiều, Bồi Liễn, Từ Thức, ông già Na Sơn, các vị Huyền Vân Chân nhân, Thông Huyền Chân nhân, Thành Đạo Tử. Nguyễn Văn Huyên cho rằng: “Nhân dân Việt Nam rất tôn thờ và ngưỡng mộ sâu sắc những người ở cõi cực lạc đó. Sự tôn thờ này thể hiện trước tiên bằng sự phát triển địa phương của các truyền thuyết. Mỗi một “xứ” muốn chiếm lấy cho mình một vị tiên này hay vị tiên khác, hoặc ít nhất cũng bổ sung vào truyền thuyết chung những phép lạ hoặc những sự kiện đã xảy ra trên địa phận mình” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 295 - 296]. Vì vậy, ông đã nghiên cứu sự phát triển của các truyền thuyết thần tiên trong ý thức dân gian, tập hợp thêm nhiều truyền thuyết khác nhau ở các địa phương, vào những thời kỳ khác nhau về các vị tiên bất tử. Từ những nghiên cứu đó, ông đã rút ra nhận xét rằng:

“Như vậy, lòng tin vào thần tiên được làm sống động trong không gian. Từ đầu đến cuối nước Nam, từ Cao Bằng tới Hà Tiên, sự khát vọng bất tử được thể hiện một cách tế nhị thông qua các truyền thuyết mang ít nhiều sắc thái địa phương. Lòng tin đó cũng được duy trì qua thời gian. Mỗi thời kỳ quan trọng của lịch sử, mỗi thời đại thịnh vượng đều được minh họa bởi một sự xuất hiện của thần tiên” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 242].

Có lẽ những truyền thuyết đó đã phần nào làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Trong Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên [2003 tập 2:

276 - 277] còn miêu tả lễ cầu Tiên gọi là Phụng bút hoặc Phụng kê. Đó là lễ cầu Tiên trả lời cho biết về những cầu xin về tiền tài, con cái, thành đạt, sức khỏe, v.v…

do các tín đồ đề đạt lên các vị; lễ gồm hai động tác chính là chuẩn bị bút và luyện đồng; trong đó, lễ luyện đồng, tức là chuẩn bị cho ông đồng làm lễ cầu Tiên được thực hiện theo một thể thức được quy định tỉ mỉ. Ông đồng là một nho sinh do chính ông Tiên chọn một cách nghiêm ngặt trong một cuộc thi lớn kéo dài mấy chục đêm.

Nổi bật trong lễ cầu Tiên này là những bài hát cầu Tiên, đó là những bài thơ dài ca ngợi các vị Tiên, ca ngợi cảnh Tiên. Và những câu trả lời cũng được viết bằng thơ, dưới dạng hai câu, hoặc bốn câu, hoặc tám câu [285]. Những câu trả lời đôi khi rất

bí ẩn. Xin dẫn một đoạn trong công trình nghiên cứu của ông về một câu trả lời bí ẩn cho một bệnh nhân xin chữa bệnh như sau:

“Ngũ nguyệt, ngũ nhật, ngọ phương bô Song tiền quải chỉ cách niêm hồ

Đường Ngu Nghiêu Thuấn tương truyền sự Chung nguyệt, chung nhật bán tự vô”

(Mùng 5 tháng năm, giờ Ngọ vừa mới qua

Trước cửa sổ người ta treo giấy và còn dán giấy nữa.

Hãy coi việc truyền ngôi của Đường, Ngu, Nghiêu, Thuấn Vào cuối tháng, cuối ngày, không có lấy một nửa chữ) Trong bài thơ tứ tuyệt này chứa một đơn thuốc.

Câu thứ nhất nói đến ngày mùng 5 tháng năm âm lịch, đó là nửa mùa hè, tức là bán hạ. “Bán hạ” là tên một vị thuốc. Câu thứ hai được hiểu là: người ta phết hồ vào giấy để dán lên cửa sổ để gió khỏi thổi bay mất giấy, có nghĩa là đề phòng cơn gió, tức là cho vị thuốc “Phòng phong”. Câu thứ ba còn bí ẩn hơn. Câu này ám chỉ tới vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, mà Thuấn không phải là con trai -“tử” - của mình mà là một con “thêm”, con bổ sung. Mà bổ sung chữ Hán là “phụ”. Từ đó suy ra tên vị thuốc là “Phụ tử”. Câu thứ tư nói rằng không có lấy một nửa chữ vào cuối tháng hoặc cuối ngày. Người ta nghĩ tới một tờ giấy trắng, không có một chữ viết. mà “giấy trắng” dịch là “bạch chỉ”, chỉ cần thay chữ “chỉ” (giấy) bằng từ đồng thanh “chỉ” với bộ thảo, là có được vị dược liệu “Bạch chỉ”. Vậy bài thuốc Tiên gồm bốn vị: Bán hạ, Phòng phong, Phụ tử và Bạch chỉ. Theo các thấy lang, bài thuốc này dùng để chữa cúm, và chữa các chứng sốt gây ra do gió và lạnh. [Nguyễn Văn Huyên 2003 tập 2: 286 - 287]

Qua đó, có thể thấy những bài hát, bài thơ cầu Tiên như thế này thể hiện được nguồn cảm hứng nghệ thuật rất đặc sắc.

Cuối cùng, khi nói về tục thờ cúng thần tiên cùng với những truyền thuyết, những bài hát cầu Tiên đó, Nguyễn Văn Huyên đã đưa ra những kết luận sau: “Các vị tiên giữ một vị trí hàng đầu trong tín ngưỡng của người Việt Nam. Nhờ cuộc sống kỳ diệu của họ với biết bao là giàu sang, quyền năng và hạnh phúc là những điều người ta thèm muốn trên cõi đời này; đã từ nhiều thế kỷ, họ là những tấm gương và niềm hy vọng của mọi người, vào những giờ phút đau thương cũng như những lúc thư thái nhất” [Nguyễn Văn Huyên 2003 tập 2: 288 -289]. Theo ông, đặc tính của một phần lớn văn học của chúng ta là nguồn cảm hứng đầy sầu muộn và nuối tiếc, bởi yếu tố thiên nhiên với nhiều thiên tai, yếu tố xã hội với sự cách biệt của các cộng đồng người, sự chia cách giữa nam và nữ, nền giáo dục nghiêm ngặt và khô khan khiến mọi tâm hồn u buồn và sầu não. Cho nên, thật là lạ khi xuất hiện trong nền văn học đó một hơi thở độc lập cá nhân, những bài hát nổi loạn chống lại truyền thống và những ảo giác của cuộc sống của những người không phải sống và tuân thủ theo Nho giáo, mà dám tự tách mình ra thành những người ngoài cuộc để thông qua suy tưởng và khổ hạnh, tiến hành rèn luyện bản thân để đạt tới sự chân thiện mỹ về vật chất [Nguyễn Văn Huyên 2003 tập 2: 289]. “Thật là khoan khoái khi tìm thấy ở đấy yếu tố huyền diệu, cái yếu tố mà giá như không bị các nhà nho lên án, đã có thể tạo cho nền nghệ thuật của chúng ta một nguồn cảm hứng tốt đẹp hơn và trong một vài giai đoạn lịch sử của dân tộc ta, có thể làm cho một số cá nhân vươn tới sự trẻ hóa và sáng tạo” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 290].

Khi đề tựa cho công trình Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên, xuất bản năm 1944, G. Coedès, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ, đã viết: “Mặc dù sự thờ cúng các vị Bất tử có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng những thần tiên mà cuộc sống trần tục được kể tại đây, với các đền thờ được mô tả cùng với những nghi lễ bói toán tại các đền này, là những vị thần tiên thuần túy Việt Nam. Có thể nói đó là những vị thánh của dân tộc mà truyền thuyết đẹp rực rỡ là một bộ phận không thể tách rời trong di sản tôn giáo và tinh thần của đất nước.

Người châu Âu sẽ phát hiện được một khía cạnh, mà họ ít biết đến của tôn giáo đó, nhờ cuốn sách này, một cuốn sách không có tham vọng văn học, nhưng từ đó vẫn

tỏa ra phảng phất một hương thơm kín đáo, chất thơ tinh tế của những truyền thuyết Việt Nam” [Trích từ lời tựa in trong Nguyễn Văn Huyên toàn tập - tập 2: 576]. Như vậy có thể thấy, những công trình của Nguyễn Văn Huyên dù không nghiên cứu sâu về văn học dân gian nhưng cũng đem lại những tư liệu quý giá về lĩnh vực này.

Khi nghiên cứu lễ hội Phù Đổng, ông đã phát hiện được phường hát múa Ải Lao và ghi chép lại được các bài hát của họ. Đây là một tài liệu rất quý và Nguyễn Văn Huyên đã phân tích rất hay về các bài hát đó.

Suốt thời gian mở hội, phường Ải Lao biểu diễn những điệu hát và múa lễ Thần. Nguyễn Văn Huyên đã miêu tả khá tỉ mỉ phần biểu diễn múa hát của phường Ải Lao. Ông cũng phân tích khá kỹ các bài hát: từ số đoạn trong bài hát, số câu thơ trong mỗi đoạn, kết cấu từng câu thơ đến điệp khúc, nhịp điệu; từ những đề tài được phát triển trong bài hát đến ý nghĩa của những bài hát.

Theo ghi chép của ông, ông đã thu thập được những ca khúc đó vào những ngày hội Gióng năm 1937 (âm lịch: năm Đinh Sửu) từ những cụ bô lão, và những ca khúc này được kể lại từ rất lâu vì các cụ bô lão đều đảm bảo rằng chính các cụ được hát các ca khúc đó từ những ngày ấu thơ. Có tất cả mười hai khúc hát, hát trong lúc rước, khi trở về, và hát trong chùa. Trong lúc đến đền làm lễ rước có năm khúc hát: 1. Hát lúc đến đền để làm lễ, 2. Hát trước nơi thờ thần, 3. Hát lúc ra khỏi đền, 4. Hát ở đền thờ bà thân sinh thần, 5. Hát lúc thần xem đánh cờ; lúc rước về người ta hát trước nơi thờ năm bài: 1. Bài hát lưỡi câu, 2. Bài hát săn hổ, 3. Bài hát vây hổ, 4. Bài hát lúc hổ bị bắt, 5. Bài hát lúc ra khỏi đền sau cảnh diễn của hổ;

thêm hai bài hát, một bài hát đi đường, một bài hát khi phường đi tới nơi tại chùa Kiến Sơ [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 67].

Năm 1938, ông lại được tham dự hội Gióng và thu thập thêm ba ca khúc mới cũng do đoàn ca múa Ải Lao ấy trình diễn, được sáng tác, cải biên bởi các quan chức huyện Tiên Du. Các ca khúc mới này đều được dân làng tiếp nhận nhiệt liệt, mọi người đều tỏ ra ưng ý về cách cải biên hợp thời của viên quan, đã đánh dấu một giai đoạn tiến triển của các lễ hội làng xã [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 92].

Ngoài ra, trong bài nghiên cứu Các bài cúng trong lễ tế Nam Giao 18, Nguyễn Văn Huyên cũng thu thập được những bài tụng, ca khúc được tấu lên trong lễ tế Nam Giao ở Huế.

Những bài thơ, khúc hát hay những bài tế mà Nguyễn Văn Huyên đã sưu tầm, tập hợp được đã đóng góp một tư liệu quý cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật dân gian.

Đặc biệt, nổi bật trong đóng góp của Nguyễn Văn Huyên trong lĩnh vực văn học dân gian là tác phẩm Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam. Quyển sách này là một đóng góp rất quan trọng vào việc nghiên cứu thơ ca dân gian.

Trong bản tóm tắt luận án của mình ông đã nhận định rằng:

“Thơ ca là một thú vui khuây khỏa sâu sắc đối với người nông dân Việt Nam;

họ làm thơ bất cứ lúc nào, bất cứ vào dịp nào. Người Việt bao giờ cũng nhiệt tình ngợi ca những niềm vui và mối tình của mình. Họ luôn luôn sẵn sàng thể hiện cảm xúc của họ bằng những câu thơ để hát ngay lên được.

Quả vậy, ở Việt Nam, người ta ca hát để chào mừng những lễ hội công cộng hoặc riêng. Người ta còn ca hát vào dịp gặt mùa và cấy lúa. Người ta hát lúc sang ngang hay xuôi ngược trên dòng sông. Ở xứ này, vần và điệu trong thơ ca là kết quả tự nhiên của bản năng quần chúng. Do vậy nghệ thuật thơ ca chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và đạo đức của xứ này” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1: 216] .

Và ông đã chọn nghiên cứu một lễ hội có ca hát, đó là hội hát đối đáp. Ông cho rằng, việc nghiên cứu những câu hát đối đáp - vốn chỉ là dịp vui chơi của nông dân ta - lại có thể góp phần giải quyết những vấn đề chung hơn. Trong đó, ông nhấn mạnh đây là những khúc hát ứng tác, “phải nghiên cứu những khúc hát như là phương tiện biểu cảm, và từ đó nắm được thơ ca Việt Nam trong cội nguồn dân gian của nó” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1: 217].

18 Tạp chí Est, 1939. Bài viết chung cùng ông Trần Văn Giáp

Vì vậy, ông đã quan tâm đến vấn đề là các nam nữ thanh niên làm thế nào để có thể ứng tác được những câu thơ trong những cuộc thi hát như vậy. Ông cho rằng các nhóm từ chính là cơ sở cho cách nói tiếng Việt, vì vậy ông đã dành một chương nghiên cứu phân tích sự hình thành các nhóm từ và đưa ra kết luận: “…các nhóm từ, hiện tượng của ngôn ngữ bình dân, là cơ sở của văn xuôi và thơ. Chúng tạo thành nền tảng của cách diễn đạt bình dân” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1: 115].

Chương tiếp theo, ông nghiên cứu cụ thể câu thơ từ tiết tấu, vần, quy tắc tương ứng.

Bằng phương pháp ngôn ngữ học, ông đã chỉ ra rằng: “… câu thơ là từ ngôn ngữ có nhịp điệu mà ra, nhất là các ngôn ngữ có nhịp điệu của các ngạn ngữ phương ngôn.

Ngôn ngữ ấy không phải là văn xuôi; cũng không hoàn toàn là thơ. Nó được tạo thành bằng những nhóm từ đối xứng, hoặc bằng cách đặt kề nhau hay xen kẽ nhau những từ nhóm đôi được tạo ra bằng cách lặp từ, phụ thuộc hoặc phối hợp từ”

[Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1: 218]. Từ những nghiên cứu của hai chương này, ông dành chương tiếp theo để nghiên cứu sự ứng tác thơ. Và chương cuối cùng dành cho đề tài các bài hát. Bằng những sưu tầm sâu rộng, ông đã tập hợp và hệ thống số lượng lớn những ứng tác thơ ca dân gian theo các chủ đề. Đó là nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu văn học dân gian

Có thể kết luận rằng, cả công trình của Nguyễn Văn Huyên chứa khối lượng tư liệu khổng lồ, có giá trị về các vấn đề văn học và văn hóa dân gian.

Một phần của tài liệu Đóng góp của nguyễn văn huyên trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa (Trang 77 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)