Phương pháp tiếp cận liên ngành

Một phần của tài liệu Đóng góp của nguyễn văn huyên trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa (Trang 51 - 57)

2.2. Kế thừa và phát huy các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa

2.2.2. Phương pháp tiếp cận liên ngành

Văn hoá là đối tượng chung của nhiều ngành khoa học khác nhau như nhân học, xã hội học, triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, sử học, v.v… Với một đối tượng nghiên cứu vô cùng rộng lớn như văn hoá thì khó có thể tồn tại một lý thuyết hay một phương pháp luận duy nhất để giải quyết mọi vấn đề liên quan. Do vậy, nghiên cứu văn hoá cần một hệ thống phương pháp nghiên cứu khoa học có tính liên ngành và đa ngành. Nghiên cứu văn hóa thường thu thập kết quả của nghiên cứu của các khoa học chuyên ngành khác như: nhân học văn hóa, nhân học xã hội, xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học, sử học, triết học, … và sử dụng các phương pháp nghiên cứu của các chuyên ngành đó như: phương pháp dân tộc học thực địa, phương pháp quan sát, phỏng vấn mở của tâm lý học và xã hội học, phương pháp lịch sử - so sánh, phân tích văn bản, điều tra xã hội học, …

Về phương pháp tiếp cận liên ngành, có nhiểu quan điểm khác nhau. J.

Mittelstrass cho rằng : sự liên ngành đích thực là sự xuyên ngành, xuyên ngành là làm cho các ngành riêng lẻ không còn như nó vốn có. [Dẫn theo Nguyễn Tri Nguyên 2010: 20]. Nguyễn Tri Nguyên đồng ý với quan điểm đó, ông nhận định:

"…các khái niệm đa ngành, liên ngành, đa số ngành xuyên ngành là những cấp độ và hình thức tham gia của nhiều chuyên ngành vào phương pháp nghiên cứu nào đó. Nhưng chỉ có sự chuyên ngành mới đạt đến chất lượng cao của cái phương pháp mà ta gọi là phương pháp liên ngành, đó chính là một sự hợp đề". [Nguyễn Tri Nguyên 2010: 20].

Phạm Đức Dương cho rằng phương pháp liên ngành là sản phẩm của tư duy hệ thống hiện đại, là sự liên kết các phương pháp riêng biệt của nhiều ngành khác nhau như, là những phương pháp cụ thể dưới sự chỉ đạo của phương pháp luận mới để khám phá đối tượng. [Phạm Đức Dương 2002: 335].

Về phương pháp liên ngành, vào năm 1964, khi Nguyễn Văn Huyên đọc duyệt một công trình về văn hoá dân gian xứ Thanh của giáo sư Vũ Ngọc Khánh có nói: “Mọi kiến thức Sử học, Văn học, Văn hoá dân gian, Địa lý, Nhân học… đều

phải được khai thác đến, trong một cái nhìn tổng hợp. Phải như vậy mới đi đến những kết luận khách quan. Nói đến tính chất khách quan, cần luôn luôn nhớ rằng trong khoa học có thể có dự cảm nhưng không được phép có những định đề tiên kiến.” 12 Trong nghiên cứu ông kết hợp rất nhiều phương pháp: phương pháp dân tộc học, phương pháp xã hội học, phương pháp địa lý, phương pháp ngôn ngữ, v.v… . Ông là người tổ chức thực hiện và tổng hợp tất cả những cái đó trong cùng một công trình; đấy thực sự là liên ngành.

Phương pháp tiếp cận liên ngành đã được ông vận dụng một cách hiệu quả trong một công trình được giới nghiên cứu đánh giá rất cao, đó là tác phẩm Văn minh Việt Nam.

Giáo sư Phan Hữu Dật đã viết về công trình Văn minh Việt Nam như sau:

“Công trình Văn minh Việt Nam không những tổng kết thành công nghiên cứu dân tộc học của ông trong 10 năm cần cù sáng tạo, mà còn là sự tổng kết thành tựu của các ngành khoa học nghiên cứu về người Việt Nam (cho đến giữa thế kỷ XX)”.13 [Dẫn theo Nguyễn Kim Nữ Hạnh].

Quả thật vậy, Văn minh Việt Nam đã tổng hợp được một khối lượng đồ sộ tư liệu rộng khắp từ lĩnh vực địa lý, lịch sử, đến xã hội, kinh tế, từ tôn giáo, ngôn ngữ đến văn học, nghệ thuật; từ đó khái quát nên đời sống vật chất, tinh thần, đặc điểm nhân chủng, tâm lý, tính cách người Việt Nam.

Trong phần mở đầu, từ những kiến thức về địa lý và lịch sử, Nguyễn Văn Huyên sơ lược về địa hình, khí hậu Việt Nam, lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Chương một của tác phẩm, ông dành khảo tả về đặc điểm nhân chủng học của người Việt. Không chỉ miêu tả đơn thuần bằng sự quan sát, ông sử dụng số liệu điều tra của những nhà nghiên cứu khác để làm căn cứ miêu tả chính xác cấu trúc thân thể người Việt từ đặc điểm sọ người, đến bộ não, rồi đến vóc dáng:

12 Dẫn theo Nguyễn Kim Nữ Hạnh: Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên,

http://tusach.mobi/21.hoi-ky-tuy-but/10344.hoi-uc-ve-nguyen-van-huyen-nguyen-kim-hanh/67922.nhung- cong-trinh-nghien-cuu.htm

13 Dẫn theo Nguyễn Kim Nữ Hạnh. Tài liệu như trên.

“Sọ người Việt tròn. Sọ đó thuộc loại đầu ngắn. Trong khoảng 500 sọ người ở Bắc Kỳ mà ông Đỗ Xuân Hợp quan sát, ta có thể kết luận rằng người Việt Nam đầu ngắn trong 54,36 % trường hợp, đầu trung bình trong 30,8 % trường hợp. Đầu dài chỉ chiếm 3,22 % trường hợp. Mặt khác, đầu đàn bà nhỏ hơn đầu đàn ông.

Về bộ não người Việt thì theo lời Broca, trọng lượng là 1,233g. Bác sĩ Bigot nói rằng, trọng lượng trung bình là 1,314g, với những biến thiên từ 1,145g đến 1,450g. bác sĩ Huard đã cân 25 bộ não người lớn trên bàn mổ xác, cho trọng lượng trung bình là 1,409g với các số cao nhất và thấp nhất là 1,600g và 1,250g.”

[Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 755].

Cũng dựa vào những số liệu điều tra của bác sĩ Bigot, bác sĩ Guérin, …ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ cho thấy người Việt vóc dáng nhỏ bé, vóc người đàn ông trung bình là 1,595m và đàn bà là 1,53m; bằng những cuộc nghiên cứu của bác sĩ Huard và các học trò ở Viện Giải phẫu Hà Nội miêu tả khuôn mặt người Việt.

Ông khảo tả người Việt hết sức chi tiết từ đôi mắt, làn da, môi, đến hàm răng, râu, tóc, vai ngực, tay chân, đến dáng đi, sức mạnh cơ bắp. Không dừng lại ở việc miêu tả đặc điểm nhân chủng học, ông còn đưa vào những yếu tố văn hóa liên quan.

Chẳng hạn, khi tả về đặc điểm của hàm răng, ông viết:

“Nói chung, hàm người Việt rất phát triển. Hàm răng rất đẹp nhưng người nông dân lại thường thường nhuộm đen. Tục “nhuộm” răng (…) ngày xưa phổ biến ở cả đàn ông và đàn bà người Việt. Từ mấy năm nay, do ảnh hưởng phong tục phương Tây, thanh niên các đô thị từ bỏ tục này, và nhiều người thậm chí còn cạo lớp thuốc nhuộm đi. Ngày xưa, phụ nữ Việt Nam làm đẹp bằng cách nhuộm răng từ lúc 14 hay 15 tuổi. Phụ nữ ngày nay coi tập tục đó là làm xấu đi. Hiện thời, răng trắng chẳng những trở thành một thị hiếu, mà còn là một thói quen bình thường ở các đô thị và trong xã hội thượng lưu. Nếu như ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đa số người nông thôn còn giữ tục lệ này, thì việc nhuộm răng lại trở thành rất hiếm tại Nam Kỳ hiện nay.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 759].

Không chỉ là những tư liệu nhân chủng học, ông còn đưa vào đó những tư liệu về xã hội. Khi tả về màu da của người Việt, ông viết: “Tùy theo giai tầng xã hội của con người, nước da họ có thể biến đổi từ màu thuốc lá sáng đến màu trắng xỉn.

Màu da hay gặp nhất là màu vàng nhạt (…). Ở người thôn quê, ta thường thấy một màu vàng thẫm hơn (…). Trong các gia đình giàu có hay quyền quý, ta thấy những thanh niên, chủ yếu các thiếu nữ, có nước da trắng khả dĩ so sánh được với màu trắng của những kiểu da được ưa chuộng của phương Tây. Trong khi đó, thì ở phụ nữ nông thôn hàng ngày làm lụng ngoài trời, nước da có màu rám nắng đẹp, rất được người Việt ưa chuộng. họ gọi màu da đó là đen giòn.” Hay khi nói về hình thể người Việt, ông nhắc đến một số người Việt xăm mình và nêu lên tư liệu lịch sử, văn hóa liên quan như: “Trong biên niên sử Việt Nam, ta thấy ngày xưa dân chài lưới người Việt Nam xăm lên mình những hình thủy quái để tránh tai nạn lúc họ phải lặn dưới nước. Thời cổ đại, tục xăm mình này chắc là có một giá trị tôn giáo.

Tục lệ đó còn tồn tại đến tận thế kỷ XIII, lúc vua Trần Anh Tông (1293 -1314) không chịu cho vẽ lên hai chân mình hình rồng, biểu tượng của sức mạnh và can đảm, và lôi kéo cả nước bắt chước. Ngày này, chỉ một số người thuộc các giai tầng dưới trong xã hội Việt Nam còn giữ tục đó.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 763]

Tiếp theo phần khảo tả về loại hình cơ thể, ông phân tích loại hình tinh thần của người Việt. Trong phần này, để có thể đưa ra những nhận định về đặc điểm tinh thần người Việt Nam, ông đã khái quát lại bức chân dung thể chất của người Việt Nam.

Nguyễn Văn Huyên sử dụng kiến thức địa lý, xã hội lý giải cho đặc điểm tầm vóc, sức khỏe của người Việt. Theo ông, người Việt Nam có tầm vóc nhỏ bé là do: “Sống dưới một khí hậu nóng ẩm, ở một dải đồng bằng nhỏ không đủ nuôi một cư dân sinh sản nhiều, người Việt Nam thường ăn uống quá kham khổ. Người nào ăn đều đặn đủ suất cơm, thịt, hoặc cá của mình thì có tầm vóc vượt xa 1,60m và nặng gần 60 kg.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 763]. Về sức khỏe có vẻ yếu ớt của người Việt, ông lý giải: “Ở một vài bộ phận cơ thể, cơ bắp sức nóng gay gắt của mặt trời làm khô đi từ lúc còn nhỏ tuổi - và tình trạng này tồn tại từ rất nhiều thế hệ

- đã teo lại. Ở dân Thái Bình và Nam Định sống trên mặt nước, đôi chân không phát triển được.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 764].

Và tác động đó của môi trường đã ảnh hưởng đến tính cách của người Việt Nam: “Tác động trực tiếp nhất và cũng bền bỉ nhất của sức nóng thường xuyên, đó là thần kinh uể oải làm cho con người buồn ngủ và lười nhác. Người ta hay nhận xét, và chẳng phải không có lý, rằng nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng, hay ít nhất cũng dễ có khuynh hướng buông trôi.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 764]. Bên cạnh đó, đặc điểm xã hội cũng góp phần tạo nên tính cách này của người Việt: “Sự khó khăn nhất định trong việc cung cấp việc làm có lợi cho hết thảy mọi người trong một xứ sở quá đông dân, cũng góp phần khiến người Việt Nam sống ngày nào biết ngày ấy.” [764].

Theo quan điểm nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên, nên tránh khái quát hóa quá mức: “… chẳng có mặt nào của tính cách người Việt lại không có mặt bù lại, và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại.” Như vậy, để giải thích cho đặc điểm tính cách của người Việt Nam, không chỉ dựa vào đặc điểm môi trường địa lý mà còn phải xem xét nhiều yếu tố từ giáo dục, lịch sử, xã hội. Chẳng hạn, về tính biếng nhác của người Việt, ông có nhận định: “Xu hướng biếng nhác càng trầm trọng thêm về mặt tinh thần do một nền giáo dục truyền thống chưa bao giờ có phương pháp. Nếu như xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần, thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục việc trau dồi trí tuệ. Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ của trẻ em, điều đó làm thui chột một số năng lực não bộ của người Việt, óc suy diễn, rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ được phát triển một cách có hệ thống.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 764]. Hay về tính trộm cắp và dối trá mà những nhà quan sát nước ngoài nhìn thấy ở người Việt Nam, theo ông đó là do trong một thời gian dài, nhân dân nước này đã bị cai trị kém; một chính sách ngu dân thật sự đã thấm sâu vào đời sống Nhà nước. “Nếu kinh tế tiến bộ và thuần phong mỹ tục được đưa vào trong hoạt động của bộ máy cai trị, thì dân tộc này sẽ ít sản sinh những con người hèn kém hơn.” [767].

Như vậy, ngay trong chương mở đầu, để giới thiệu chủng tộc người Việt về mặt hình thể cũng như mặt tính cách, Nguyễn Văn Huyên đã không chỉ đơn thuần sử dụng tư liệu nhân chủng học, mà đã tiếp cận với tư liệu các lĩnh vực khác như địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội, giáo dục.

Chương hai của Văn minh Việt Nam có tựa đề Nhà, trong đó Nguyễn Văn Huyên viết về viết về gia đình người Việt Nam vì ông đã nhận định rằng gia đình là cơ sở của xã hội Việt Nam. Trong khi giới thiệu về cơ cấu, tổ chức trong gia đình, dòng họ, ông đã dẫn những bộ luật về gia đình người Việt qua các thời, ở các vùng khác nhau của Việt Nam. Ông sử dụng kiến thức phong phú từ số liệu điều tra xã hội học của ông Pierre Gourou, dữ liệu lịch sử về luật nhà Lê, luật Gia Long, những tư liệu phong tục tập quán liên quan đến gia đình để khái quát về vấn đề gia đình người Việt Nam về nhiều mặt xã hội, lịch sử, văn hóa, giáo dục. Chẳng hạn, khi nói về vấn đề hôn nhân, mà cụ thể là vai trò của người Vợ, ông đã dẫn luật Gia Long, cũng như luật nhà Lê ghi những trường hợp không được bỏ vợ; nêu lên yếu tố văn hóa, xã hội đã ảnh hưởng đến chế độ đa thê: “Chế độ đa thê vẫn luôn luôn được thực hiện ở nông thôn, nhưng những ý kiến chống lại, từ thành phố truyền về, ngày cầng thắng thế. Ở thành phố, trong các giai tầng trên và trung lưu, và cả trong đám bình dân, tục đa thê bị một đòn rất nặng do ảnh hưởng tư tưởng phương Tây, của đạo Cơ đốc, của giáo dục, của các nhu cầu kinh tế, các quan niệm mới về địa vị của người phụ nữ. Việc đọc tiểu thuyết và xem phim ảnh cũng đóng góp nhiều vào việc làm thay đổi tình cảm và ý nghĩ của các cặp vợ chồng về hôn nhân, và có xu hướng tạo cho hôn nhân tính cách một cuộc hôn phối có tính chất cá nhân hơn gia đình. Sự tiến hóa này rất sâu sắc và nhanh chóng.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 789].

Ông cũng tiếp tục sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành tiếp cận nhiều nguồn tư liệu từ các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội,… để khái quát nên nhiều vấn đề của nền văn minh Việt Nam từ làng, nước, nhà cửa, thành phố đến kinh tế, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật.Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên là một nguồn tư liệu lớn có giá trị trong tìm hiểu cũng như nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Trong công trình Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á, khi nghiên cứu về nhà sàn, nói về tính đa dạng của các kiểu nhà ở Đông Nam Á, ông đã đặt vấn đề: “Tính đa dạng này có phải do môi trường tự nhiên không? Thổ nghi, khí hậu đã tác động chừng mực nào đến những kiểu nhà như vậy? Kiểu nhà ở và môi trường tự nhiên có quan hệ gì với nhau? Giữa nhà ở và người ở trong nhà có một mối quan hệ nào không? Đó là bấy nhiêu vấn đề mà cả địa lý học lẫn xã hội học đều quan tâm nghiên cứu.” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 1: 229]. Đó là định hướng tiếp cận liên ngành để tìm hiểu nghiên cứu vấn đề.

Một phần của tài liệu Đóng góp của nguyễn văn huyên trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)