2.3. Vận dụng hiệu quả phương pháp nghiên cứu mới vào nghiên cứu văn hóa
2.3.2. Phương pháp xã hội học
Về mặt phương pháp, Nguyễn Văn Huyên vừa sử dụng cả phương pháp đặc trưng của dân tộc học là điền dã, cũng như phương pháp xã hội học trong luận án cùng nhiều công trình nghiên cứu của mình. Phương pháp xã hội học mà ông sử dụng là điều tra xã hội học bằng các bảng hỏi, và phân tích xã hội học để phân tích định lượng các số liệu mà ông tự mình điều tra được hoặc sử dụng kết quả các cuộc điều tra sâu rộng mà Trường Viễn Đông Bác cổ đã thực hiện.
Như ta đã biết, sau khi bảo vệ luận án chính, Nguyễn Văn Huyên còn trình bày bản luận án phụ nhan đề: Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn Đông Nam Á.
Luận án này cũng được in thành sách và cũng nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt. Nói về cuốn sách này, trong mục điểm sách trên tờ Anthropos, một tạp chí có giá trị viết bằng tiếng Đức, Rudolf Rahman viết: “Bên cạnh các tài liệu thành văn, trước hết tác giả đã khai thác được những sưu tập của các bảo tàng châu Âu và, ngoài ra, còn gửi đi những bản phỏng vấn theo mẫu in sẵn. Nhờ vậy, tác giả có thể đưa ra được một bản khái quát rất có giá trị” [Dẫn theo Hà Văn Tấn - Phạm Minh Hạc 2001: 13].
Nhà nghiên cứu Jules Sion cho đăng trên tờ Annales d’Histoire esconomique et social (Niên giám lịch sử kinh tế và xã hội) một bài bình luận dài về cuốn sách này nhan đề Một loại hình cư trú nhiệt đới: nhà sàn. J. Sion viết: “Bên cạnh những điều tra dài hơi dẫn các nhà địa lý học đến với cư trú nông thôn ở châu Âu, ở đây, trên một bố cục rất khác, một quyển sách nghiêm túc viết về một loại hình cư trú chiếm ưu thế ở vùng Đông Nam Á. Tác giả đã miêu tả những hình thức khác nhau, từ dân tộc này đến dân tộc khác, theo những nhà du lịch cũng như những phục chế trong các bảo tàng Hà Lan hoặc La Mã. Rồi ông rút ra những đặc điểm chung. Ông áp dụng các phương pháp của địa lý học và xã hội học nghiên cứu lý do giải thích sự phân bố, những sự kiện văn hóa gắn liền với kiểu cư trú này .(…)” [Dẫn theo Hà Văn Tấn - Phạm Minh Hạc 2001: 13-14].
Trong nhiều công trình nghiên cứu của ông, ông vừa đi nghiên cứu trên thực địa, vừa xử lí thống kê định lượng dữ liệu của một số cuộc điều tra lớn. Chẳng hạn như cuộc điều tra năm 1937-1938 của “Hội đồng điều tra thuộc địa” khi Mặt trận nhân dân lên nắm quyền ở Pháp với mục đích tìm hiểu tình hình ở các thuộc địa, nhất là về các vấn đề ăn uống và nhà ở; số tài liệu thu được tại Đông Dương vẫn còn được lưu giữ một số lượng lớn tại Kho Lưu trữ Hải ngoại Pháp. [Nguyễn Phương Ngọc 2015:]. Trên cơ sở các dữ liệu này, cũng như nghiên cứu thực địa của mình, Nguyễn Văn Huyên đã viết các bài nghiên cứu Một cuộc điều tra về tình hình ăn uống của người Việt Nam, Một cuộc điều tra về nhà ở tại Đông Dương và công bố một bài báo về Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ đăng trên tạp chí Est năm 1939 gây tiếng vang lớn tong giới trí thức Đông Dương.
Về cuộc điều tra về tình hình ăn uống của người Việt Nam, Ban điều tra đã sử dụng những bảng câu hỏi riêng phù hợp cho các thầy thuốc, các quan chức địa phương, các viên chức nông nghiệp, các nhà giáo và các nhân viên bản xứ. Theo Nguyễn Văn Huyên, mặc dù cuộc điều tra cũng có vài hạn chế, nhìn chung cũng đã cung cấp được một số dữ kiện đủ gợi ý cho những gì liên quan đến Việt Nam. Và trong bản báo cáo nghiên cứu về vấn đề ăn uống, mà ông cho là vấn đề cấp bách nhất, ông đã tiến hành phân tích những dữ liệu đó, đánh giá kết quả, nêu lên thực
trạng về vấn đề ăn uống của người dân Việt Nam, phân tích nguyên nhân dẫn đến những thực trạng đó và gợi ý một số giải pháp cho chính quyền cai trị.
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Ngọc, ở Viễn Đông Bác cổ Pháp, ông Huyên đã đề xướng và phụ trách điều tra về tín ngưỡng thành hoàng được tổ chức năm 1938 tại miền Bắc và một phần miền Trung. Dữ liệu của điều tra này, nay được lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội Trung ương, mới được ông bước đầu khai thác. Năm 1942, ông tham gia tổ chức điều tra về hương ước mà kết quả mới chỉ là một bài thuyết trình, nay chỉ còn một bản tóm tắt ngắn. “Các hương ước thu thập được từ cuộc điều tra này, cũng như đã được rải rác sưu tầm trước và sau đó, cũng vẫn còn là một kho tàng tài liệu cho các nhà khoa học trong tương lai như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét” [Nguyễn Phương Ngọc 2015: 106].
Ông đã áp dụng phương pháp xã hội học để thực hiện các nghiên cứu đời sống xã hội nông dân trong những công trình chuyên biệt như Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ. Từ các số liệu thống kê về diện tích đất đai, sản lượng thóc được sản xuất hàng năm, dân số, … ông áp dụng phương pháp phân tích xã hội học để phân tích các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống nông dân.
Chẳng hạn, về vấn đề lương thực ông đã có những phân tích sau: Số dân ở đồng bằng Bắc Kỳ có thể lên tới 700, 800, thậm chí 1000 người một cây số vuông, phân bố tập trung trong vùng tam giác chỉ chiếm một phần bảy đất Bắc Kỳ. Số dân vốn quá đông, lại không ngừng tăng lên. Số sinh đẻ quá nhiều theo tỷ lệ 13 trên 1000, tức là tăng mỗi năm 100 nghìn dân. Trong khi đó, 1/5 diện tích đồng bằng không được canh tác, những ruộng lúa lại cho năng suất không đều nhau. Người ta ước tính rằng ruộng chiêm có năng suất 8 tạ mỗi hecta, ruộng mùa là 10,5 tạ, còn ruộng lúa hai vụ có năng suất hàng năm 17 tạ. Diện tích các loại ruộng khác nhau là:
ruộng chiêm: 250.000 hécta, ruộng mùa: 350.000 hécta; ruộng hai vụ: 500.000 hécta. Như vậy, có thể sản xuất nhiều lắm từ 18 đến 22 triệu thóc tạ thóc mỗi năm.
Mà cơ sở lương thực của nông dân ta là gạo. Phải xuất khẩu 2 triệu tạ, phải giao cho miền núi phần 700.000 tạ, nửa triệu tạ cho các nhà máy rượu, giữ lại 750.000 tạ để
gieo mạ. Như vậy phần tiờu thụ bị khấu đi 4 triệu tạ thúc, gần ẳ tổng số thu hoạch:
như vậy lương thực cho địa phương không đủ. [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 35 -37].
Ông đã đưa ra những vấn đề sau: “Đồng bằng này, nơi đất đai bị xới lên khắp nơi, có thừa đến một triệu rưỡi miệng ăn phải nuôi. Một mặt khác của vấn đề, hậu quả bình thường của dân số quá đông này là sự khó khăn của việc phân phối lao động” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 37]. Tiếp theo, ông đã phân tích ngân sách của nông dân để có một ý niệm về mức sống và mức độ thiếu thốn của họ đến như thế nào.. Ông đã đưa ra kết luận: “mức sống trong môi trường nông thôn rất thấp, và tình trạng thiếu dinh dưỡng hầu như phổ biến” [43]. Từ đó, ông đã nghiên cứu những vấn đề xã hội phát sinh từ sự thiếu thốn này. Đó là: sự vay mượn và nợ nần, rồi dẫn đến cờ bạc; một hậu quả nữa của sự nghèo khó là nhiều tệ tục mê tín. Trước những hệ quả xã hội đó, ông đề xuất giải pháp giải quyết thực trạng này. Theo ông,
“nếu chỉ nhìn mặt vật chất của vấn đề, thì ta chỉ tìm được những giải pháp nhất thời, những phương thức tạm bợ” và việc cải thiện điều kiện sinh hoạt của nông dân chỉ có thể là một công cuộc lâu dài [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 55-56].
Cuối cùng, ông đưa ra kết luận: “Xem xét vấn đề trong tất cả quy mô của nó, chúng tôi nghĩ rằng sẽ chẳng làm được gì hết chừng nào ta chưa làm thay đổi được tâm lý nông dân, chừng nào ta chưa chú tâm chuẩn bị những thế hệ có ý thức hơn về quyền lợi thật sự của họ. (…)Vì thế, sự nghiệp chủ yếu, việc làm cơ bản, mà nếu không có thì sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc, chính là việc giáo dục nông dân.
Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ “quặt quẹo và nghèo khổ” này và thử làm cho chúng trở thành những con người có một hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Khi đó sẽ là tiến được một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 57].
Bằng phương pháp xã hội học, ông đã có một công trình nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị về vấn đề nông dân các làng xã Bắc Kỳ.
Tiểu kết
Có thể nói tiếp cận liên ngành là công cụ đặc biệt, cần thiết và hữu hiệu trong nghiên cứu văn hoá. Trong thực tiễn nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam đã vận dụng thành công phương pháp tiếp cận liên ngành, và Nguyễn Văn Huyên là một trong số những người đi đầu đã sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp này trong các công trình nghiên cứu của mình. Ông sử dụng kết hợp các phương pháp dân tộc học thực địa, phương pháp quan sát, phỏng vấn mở của tâm lý học và xã hội học, phân tích và hệ thống các văn bản; đồng thời tiếp cận liên ngành để thu thập tư liệu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông đã sử dụng cách tiếp cận đối tượng một cách hệ thống, đặt đối tượng vào trong bối cảnh chung và hoàn cảnh riêng để nghiên cứu.
Bên cạnh kế thừa các phương pháp nghiên cứu văn hóa truyền thống từ các nhà nghiên cứu đi trước, Nguyễn Văn Huyên vận dụng những cách thức nghiên cứu hiện đại để phát huy hết hiệu quả các phương pháp nghiên cứu văn hóa, đạt được những kết quả tốt nhất.
Ông sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học một cách mẫu mực để đi sâu thấu hiểu văn hóa, thâm nhập vào ý nghĩa bên trong của các hiện tượng và giá trị của nó.
CHƯƠNG 3