2.3. Vận dụng hiệu quả phương pháp nghiên cứu mới vào nghiên cứu văn hóa
2.3.1. Phương pháp điền dã dân tộc học
Trong lịch sử dân tộc học Pháp, ông Nguyễn Văn Huyên thuộc về thế hệ đầu tiên, đồng thời cũng là một trong những người đi đầu trong việc đi điền dã.
Một đóng góp quan trọng của Nguyễn Văn Huyên là đưa phương pháp điền dã dân tộc học phương Tây vào nghiên cứu khoa học xã hội.
15 Dẫn theo Bùi Minh Hào: Nguyễn Văn Huyên trong nghiên cứu văn hóa dân gian,
http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1595/seo/Nguyen-Van-Huyen-trong-nghien-cuu-van-hoa-dan- gian/Default.aspx
Vào thời ông Nguyễn Văn Huyên, nghiên cứu xã hội và văn hóa Việt Nam do người Việt thực hiện trên cơ sở các phương pháp khoa học phương Tây mới chỉ đang ở buổi đầu, tức là giai đoạn tập hợp tài liệu. Theo Nguyễn Phương Ngọc, đó là lý do chính giải thích cho việc Nguyễn Văn Huyên tập trung công sức vào việc đi điền dã. [Nguyễn Phương Ngọc 2015: 104]. Trong nhiều bài viết và thuyết trình, GS.
Nguyễn Văn Huyên nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đi nghiên cứu thực tế như điều kiện tiên quyết để có thể mang lại kiến thức mới và không lặp lại một cách sách vở những gì đã được viết trước đây.
Sau khi về nước ông tiếp tục triển khai và sử dụng các phương pháp đó để nghiên cứu các vấn đề về văn hóa dân tộc.
Chính Nguyễn Văn Huyên đã đưa cách nghiên cứu của dân tộc học Pháp vào nghiên cứu tín ngưỡng dân gian một cách nghiêm túc; quan sát, phỏng vấn và tổng hợp những tri thức từ người dân. Đó là bài học lớn cho nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh khi đọc các nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên: “Nghiên cứu văn hóa thì phải tiếp xúc với con người đã tạo ra văn hóa đó. Phải đi thực địa và cảm nhận từ thực địa, tổng hợp tư liệu để nghiên cứu”.16
Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh thì Nguyễn Văn Huyên vận dụng phương pháp điền dã dân tộc học rất mẫu mực: “Khi đọc nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên về Hội Gióng, tôi thấy dù không được theo ông đi thực địa nhưng qua đọc các công trình của Nguyễn Văn Huyên, tôi thấy Cụ phải đi thực địa rất nhiều và có phương pháp khoa học mới có được những tư liệu đó. Đó là những quan sát tinh tế, mô tả và giải thích thú vị. Các công trình khoa học của Cụ đầy tư liệu thực địa và có giá trị cao”.17
16 Dẫn theo Bùi Minh Hào 2013: Nguyễn Văn Huyên trong nghiên cứu văn hóa dân gian,
http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1595/seo/Nguyen-Van-Huyen-trong-nghien-cuu-van-hoa-dan- gian/Default.aspx
17 Dẫn theo Bùi Minh Hào 2013: Nguyễn Văn Huyên trong nghiên cứu văn hóa dân gian,
http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1595/seo/Nguyen-Van-Huyen-trong-nghien-cuu-van-hoa-dan- gian/Default.aspx
Quả vậy, khi nghiên cứu về Hội Gióng trong công trình Hội Phù Đổng (Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam) Nguyễn Văn Huyên đã đi thực địa.
Ông đã tham dự và quan sát bốn hội làng lớn ở Quan Nhân, Yên Sở, Phù Đổng và Thụy Phương. Lí do ông chọn bốn làng này vì mỗi làng đều có tổ chức khác nhau, dân bốn làng thờ bốn vị thành hoàng có nguồn gốc khác nhau và cách thờ cúng cũng khác nhau. [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 9]. Nhờ trực tiếp quan sát tham dự, ông miêu tả hết sức sống động lễ hội. Ông chú trọng miêu tả lễ diễn lại trận đánh, lần lượt khảo tả chi tiết từ việc phân công, các đợt chuẩn bị đến chính trận đánh. Được sống trong không khí lễ hội, ông có sự đồng cảm đã bày tỏ những cảm nhận của mình: “Đây thực sự là một lễ hội của Hòa bình và An lạc. (…). Lễ hội thật tràn đầy biểu tượng. Tôi chỉ muốn ghi lại đây bốn biểu tượng. Đó là: “Trung”,
“Hiếu”, “Thuận”, “Nghịch”. Lập tức đáp lại lời kêu gọi của Vua, đó là Trung. Cúi mình trước đền thờ Mẹ trước khi ra trận và đốt pháo mừng lúc khải hoàn, Thánh Gióng là người con chí Hiếu. Vạch đúng chữ “lệnh” bằng những động tác hoàn toàn ăn khớp, đó là Thuận, bởi thế mà Thánh đã giành được Hòa bình trọn vẹn. Nhưng khi đã hành động theo tư tưởng Nghịch, trái với trật tự tự nhiên hay sự vật đã được an bài, thì Hòa bình là mong manh và niềm An lạc sẽ chỉ là nhất thời” [Nguyễn Văn Huyên 2003 - tập 2: 31].
Khi nghiên cứu về vị thành hoàng Lý Phục Man, tháng 4 năm 1937 ông đã tiến hành một cuộc điều tra tại Yên Sở, nơi mai táng Lý Phục Man. Ở đây, ông đã dự ngày hội Lý Phục Man diễn ra hằng năm, kéo dài 17 ngày.
Ngoài những tài liệu trên sách vở, ông đã tiếp xúc phỏng vấn người dân địa phương để thu thập nhiều nguồn tài liệu, từ truyền thuyết đến những văn bia tại địa phương về tiểu sử, cuộc đời Lý Phục Man. Chằng hạn như về truyền thuyết dân gian nói về cái chết của thần, một ông đồ làng Yên Sở đã cho ông mượn một bản chép tay bằng chữ Nôm kể lại cuộc đời của Lý Nam Đế, và quả quyết là đã chép bản đó từ một văn bản giữ trong điện thờ. Trong bản thảo này, nói rằng Lý Phục Man được Lý Nam Đế cử đánh quân xâm lược Chăm. Ông đánh tan được chúng tại Cửu Đức, nhà vua giao cho ông canh giữ biên cương giáp Lâm Ấp. Sau đó, quân
Trung Quốc sang đánh Việt Nam. Vua Lý chạy lánh nạn, quân của Lý Phục Man bị bao vây, vì thiếu lương thực và cứu viện, ông tự sát. Những người thân cận cảm thương đưa ông về quê tại Cổ Sở và chôn cất ông bên bờ Hồ Mã. Như vậy theo truyền thuyết, Lý Phục Man đã chết trong khi Lý Nam Đế chạy trốn, trước khi Triệu Quang Phục lên ngôi, trong thời gian giữa năm 546 và năm 548 [Nguyễn Văn Huyên 2001 - tập 2: 737].
Về tư liệu văn bia, Nguyễn Văn Huyên [2001 - tập 2: 740] cho biết ở đình Yên Sở có những bia nói về Lý Phục Man, và ông đã dịch tấm bia ghi tiểu sử đầy đủ nhất của vị thần để cung cấp một ý niệm về tình trạng tín ngưỡng dân gian. Bia được khắc vào năm thứ ba đời Bảo Thái nhà Lê (1728). Tấm bia đó, “ngoài tiểu sử Lý Phục Man ở phần đầu, còn kể các tước vị mà các vua nước ta phong cho vị thần này. Nó cho chúng ta thấy khá chính xác việc thờ cúng Phục Man sống động như thế nào” [Nguyễn Văn Huyên 2001 - tập 2: 745]. Và còn nhiều tư liệu văn bia khác nữa.
Từ những nguồn tài liệu quý giá mà Nguyễn Văn Huyên thu thập được trong quá trình thực địa đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vị Thành hoàng này. Đồng thời, trực tiếp quan sát lễ hội giúp ông miêu tả rõ ràng chính xác kiến trúc của các đền thờ cúng Lý Phục Man, tái hiện sinh động lễ hội hàng năm trong công trình nghiên cứu Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man.
Các nhà nghiên cứu từ xưa tới nay, kể cả các nhà nho, ai cũng phải đi lấy tài liệu, tích góp các tư liệu để phục vụ cho những nghiên cứu của mình. Như thế cũng có thể gọi là đi điền dã, ví dụ như thời Lê Quý Đôn chẳng hạn, Lê Quý Đôn đi đến đâu ghi chép đến đấy, từng tờ phiếu một, tất cả tập hợp lại sau này mới thành ra Kiến văn tiểu học, Phủ biên tạp lục. Đó là cái cách đi điền dã của những người ngày xưa. Nhưng có thể nói rằng đối với lĩnh vực nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam thì Nguyễn Văn Huyên là người đầu tiên sử dụng các phương pháp khoa học hiện đại cho việc điền dã. Đó là các phương pháp quan sát, phỏng vấn, điều tra bằng bảng hỏi, chụp hình minh họa, và cả ghi âm. Trong quá trình nghiên cứu về hát đối, do
không thể về Việt Nam đi điền dã, ông đã nhờ những người Việt Nam sang Paris dự hội chợ thực hiện việc ghi âm các bài hát, các làn điệu dân ca quan họ lên đĩa để nghe rồi phân tích các làn điệu đó. Đó là một phương pháp hiện đại, một điều mới mẻ trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, qua các công trình của ông, có thể thấy ông rất quan tâm đến việc minh họa bằng hình ảnh, bản đồ, sơ đồ,… giúp cho công đoạn miêu tả trong các công trình của ông trở nên sinh động, rõ ràng, dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, trong công trình Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man, có tất cả 25 trang ảnh, 19 hình vẽ và 2 bản đồ minh họa;
trong công trình Hội Phù Đổng: một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam, có 7 ảnh và 3 hình minh họa; trong Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á có 87 hình vẽ mặt bằng nhà, 15 ảnh minh họa; và còn nhiều công trình khác cũng trở nên phong phú, chính xác hơn nhờ những minh họa mà Nguyễn Văn Huyên đã thực hiện.
Chúng ta có thể nhận thấy quan điểm nghiên cứu của ông rất quan tâm việc nghiên cứu thực địa; khi thực sự không thể đi thực địa, ông chú trọng tìm kiếm, thu thập những tài liệu từ bản xứ thông qua nhiều nguồn khác nhau. Trong bản tóm tắt luận án phụ Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á, Nguyễn Văn Huyên [2003 - tập 1: 438 - 439] đã viết:
“Để mô tả các ngôi nhà này lẽ ra tôi phải đi đến các nước. Nhưng điều này rất khó: khoảng không gian phải đi qua trong các vùng này, mà thường không có đường đi, là rất lớn. Những điều kiện vật chất đối với chúng tôi là một trở ngại quá lớn.
Vì vậy tôi đã làm việc dựa trên tài liệu của các du khách. Những tài liệu này không phải là ít. Tôi đã nghiên cứu các tài liệu phong phú ở châu Âu mà giá trị về mặt địa lý và dân tộc lại thường rất khác nhau.
Để phân biệt các tài liệu gốc có thể sử dụng với các tài liệu có ý nghĩa thứ yếu tôi đã sử dụng hai phương tiện: những câu hỏi điều tra cụ thể là sự mô tả trực tiếp
của người bản địa, và những hồi ức của du khách; những vật trưng bày ở bảo tàng như hình mẫu nhà, tài liệu ảnh.
Phòng kinh tế Đông Dương, Viện Bảo tàng dân tộc học Trocadéro, Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên đã cho tôi sử dụng phim và ảnh. Các viện bảo tàng ở Leyde, ở Amsterdam, ở Rotterdam, và ở Rome đã cung cấp cho tôi nhiều tài liệu phong phú, cho phép tôi chọn lựa và làm rõ sự việc. sự tiếp xúc của tôi với các du khách và người bản xứ đã giúp tôi làm sáng tỏ nhiều điều.”
Để sưu tầm tư liệu cho bản luận án phụ của mình, khi nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á, tuy ông chưa có khả năng đến các nước khu vực này, nhưng thay vào đó ông đã đi nghiên cứu các hình ảnh, các ma-két, các ngôi nhà được phục dựng lại trong các bảo tàng. Ông đã làm việc tại Bảo tàng Dân tộc học ở Trocadéro, Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên ở Paris, Cơ quan Kinh tế Đông Dương. Ông còn đến Hà Lan hai lần, lần đầu vào cuối mùa hè năm 1931, lần thứ hai vào đầu mùa thu năm 1932, làm việc tại Bảo tàng Rotterdam và tại Viện Thuộc địa Amsterdam, nơi có một bảo tàng dân tộc học rất quý cho phép ông khai thác nhiều tài liệu về nhà sàn ở nơi đây. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, ông đã có thể xem xét những mẫu vật quý nhất trong sưu tập Hà Lan về xứ Inđônêxia. Trong các bảo tàng đó, ngoài một bộ sưu tập ảnh rất phong phú, còn có những kiểu nhà Inđônêxia thu nhỏ, được dựng lên tại chỗ bởi người bản xứ, theo đúng tỉ lệ kích tấc, cùng với những vật liệu như vật liệu dùng để dựng những nhà thật. Nhờ có những mô hình đó, ông có thể kiểm tra lại những điều miêu tả của các nhà du lịch.
Ông đã tiến hành một cuộc điều tra cá nhân ở các bảo tàng nói trên. Sau đó, ông cũng đến làm việc tại Rome, tại Bảo tàng Latran, sử dụng các bộ sưu tập do các giáo sĩ Thiên Chúa giáo tặng cho Vatican, dưới sự bảo trợ của đức Giám mục Ladeuze. Trong chuyến đi đó, ông đã tiến hành một cuộc điều tra thứ hai bên cạnh những người đã từng cư trú ở Inđônêxia mà ông gặp ở Leyde, hoặc La Haye bằng những bảng phỏng vấn được chuẩn bị cẩn thận từ trước. Năm 1931, ông cũng làm
một đợt điều tra như vậy tại cuộc Triển lãm Thuộc địa Quốc tế ở Paris, trong các giới người Đông Dương, nhờ sự ủng hộ của một số vị quan chức và kiến trúc sư.
Có thể thấy, tuy không thể nghiên cứu thực địa, ông vẫn thu thập tư liệu một cách khoa học, có phương pháp nên vẫn thu thập được nguồn tài liệu phong phú và có giá trị.
Trong tổng số 45 công trình của ông để lại, một số ít công trình là từ việc nghiên cứu tổng hợp tài liệu, còn lại đều từ việc đi thực địa quan sát mà có. So sánh những hiện tượng đang diễn ra ngày hôm nay với những ghi chép của Nguyễn Văn Huyên cách đây hơn một nửa thế kỷ, ta thấy sự quan sát và ghi chép, miêu tả của ông không phải là rập khuôn, mà đã có sự chọn lựa, theo một hệ thống, giúp ta hình dung được những cái gì là bản chất của hiện tượng văn hóa.