Chương 1: Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đối với
1.1. Những yếu tố tác động đến quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đối với phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010
1.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội
Tỉnh Bạc Liêu được tái thành lập năm 1997 (được tách ra từ tỉnh Minh Hải), nằm trên bán đảo Cà Mau, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền đất cực nam của Việt Nam, trải dài từ 105014’15” đến 105051’54” kinh độ Đông, từ 9000” đến 9038’9” vĩ độ Bắc. Phía Bắc giáp với tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp với tỉnh Sóc Trăng, phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 56 km, phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Cà Mau và phía Tây Bắc giáp với tỉnh Kiên Giang. Diện tích đất tự nhiên khoảng 2.570 km2, chiếm gần 0.8% diện tích cả nước và chiếm 1/16 diện tích đất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Bạc Liêu nằm ở vị trí trung chuyển trên tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng của cả nước (quốc lộ 1A), cách thành phố Cần Thơ khoảng 110 km và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 280 km về phía Bắc; hiện nay còn có các tuyến đường mới như Nam Sông Hậu, Ngã Bảy - Cà Mau (Quản Lộ - Phụng Hiệp) đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu trong sự giao lưu, phát triển kinh tế.
Do nằm ở cuối hệ thống sông Cửu Long nên Bạc Liêu không bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt, nhưng lại chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều Biển Đông và một phần của chế độ nhật triều biển Tây. Nhờ vậy, nửa diện tích Bắc Quốc lộ 1A có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều kiện tự nhiên của Bạc Liêu có những đặc điểm chung của thiên nhiên Nam Bộ, vừa mang những nét riêng biệt ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Ở luận văn này, tôi xin trình bày những những điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Khí hậu: Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đồng thời chịu ảnh hưởng rõ rệt của biển, thời tiết chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô hay còn gọi là mùa nắng thường bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau. Quanh năm nhiệt độ trung bình hầu như không thay đổi, nhiệt độ trung bình năm hiện nay từ 23 - 280C, nhiệt độ thấp nhất trong năm là 210C, nhiệt độ cao nhất trong năm là 360C. Tổng số giờ nắng trung bình từ 2500 đến 2600 giờ/năm. Với khí hậu và lượng nắng này đã tạo điều kiện thuận lợi để trồng các loại cây nhiệt đới và phơi sấy các loại nông sản.
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, 5 tăng dần từ tháng 6 đến tháng 10 và kết thúc vào tháng 11. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.300 mm đến 2.400 mm. Mùa mưa và lượng mưa hàng năm có ý nghĩa đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp vùng này, góp phần cung cấp nước tưới cho nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân.
Độ ẩm nơi đây tương đối thấp so với miền Bắc và Trung Bộ, trung bình từ 81 - 85%, nhưng được bù lại bằng một lượng mưa khá điều hòa. Thời tiết tương đối mát về đêm và sáng sớm nên khá thuận cho sự phát triển thực vật của các loại cây lương thực và cây ăn quả.
Với nhiều lợi thế tương đối của tỉnh ven biển lại nằm trong đồng bằng châu thổ sông nên Bạc Liêu ít bị ảnh hưởng của những tác động xấu từ thiên nhiên, đây là điều kiện tốt để Bạc Liêu phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đất đai và địa hình: Bạc Liêu là vùng đất trẻ, phần lớn đất đai trong tỉnh có lượng mùn và đạm cao, và ít chịu ảnh hưởng của bão lũ hoặc nắng hạn hán kéo dài. Đất của tỉnh là đất phù sa mới do biển bồi lấp, do thường xuyên chịu tác động của thủy triều nên chủ yếu gồm đất nhiễm phèn và đất nhiễm mặn.
Toàn tỉnh có 257.094,08 ha đất tự nhiên trong đó đất nông nghiệp là 224.530,95 ha (đất sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, làm muối), chiếm 79,24% diện tích tự nhiên [22, tr. 7]. Trong đó có 152.000 ha đất đã được ngọt hóa theo Chương trình ngọt hóa Quản lộ Phụng Hiệp của Trung ương. Toàn tỉnh có 70.000 ha đất sản xuất lúa trong vùng ngọt hóa, có 40.000 ha đất nuôi tôm (có khoảng 20.000 trong vùng ngọt hóa), 5000 – 6000 ha có
khả năng sản xuất muối; 56 km bờ biển và 940,9 ha đất bãi bồi ven biển có khả năng khai thác, nuôi trồng các loài thuỷ sản... Bạc Liêu có khả năng sử dụng 83,58% diện tích đất tự nhiên để trồng lúa, cây lâu năm, đất trồng rừng, nuôi tôm, làm muối là 13,49% đất sông, kênh, rạch khoảng 2,9%.
Biển Đông có chế độ bán nhật triều không đều, do tác động của dòng hải lưu tạo nên nơi lở, nơi bồi, song mỗi năm nước biển tự lùi ra xa để lại gần 300 ha đất bãi bồi, bổ sung vào quỹ đất tự nhiên của toàn tỉnh, đồng thời là yếu tố quan trọng đưa kinh tế biển của Bạc Liêu phát triển.
Địa hình Bạc Liêu khá bằng phẳng, không có đồi núi mà chủ yếu là đồng bằng, sông rạch và kênh đào chằng chịt. Bờ biển thấp và phẳng rất thích hợp để phát triển nghề làm muối, trồng trọt hoặc nuôi tôm, cá.
Trên góc độ địa lí Bạc Liêu được chia thành hai vùng sinh thái khá rõ nét:
+ Vùng đất phía Bắc Quốc lộ 1A có địa hình thấp, độ cao trung bình từ 0,2 đến 0,3m, vùng này về cơ bản đã được ngọt hóa, song theo quy hoạch vẫn có thể đưa 1 phần lớn diện tích vào nuôi trồng thủy sản, hoặc xen canh tôm lúa.
Đây là lợi thế cơ bản của Bạc Liêu mà ít có tỉnh nào trong khu vực có được.
+ Vùng đất phía Nam Quốc lộ 1A cao hơn khu vực phía Bắc trung bình từ từ 0,4 đến 0,8m, là vùng đất phèn mặn cao, chịu ảnh hưởng lớn từ chế độ bán nhật triều của Biển Đông có từ rất lâu đời, tạo nên những giồng cát không liên tục làm cho địa hình hơi nghiêng từ cao xuống thấp tính từ biển vào. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho nông dân các xã vùng ven Thị xã Bạc Liêu phát triển nghề trồng màu và cây ăn trái, do vậy đây cũng là điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và nghề làm muối, bởi nước biển Bạc Liêu được pha trộn từ nguồn nước ngọt của sông Mê Kông đổ về tạo nên chất lượng muối của Bạc Liêu cao, mang vị mặn, ngọt và không chát như muối của nhiều tỉnh khác trong cả nước.
Địa hình trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc tận dụng thủy triều đưa nước mặn vào ruộng phục vụ nuôi trồng thủy sản, đồng thời cũng tạo nên những vùng trũng cục bộ, nhất là đối với các khu vực chuyển đổi sản xuất ở các huyện Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai.
Đặc điểm sông ngòi: Toàn tỉnh Bạc Liêu có 1.497 km sông, rạch. Bạc Liêu chỉ có 2 con sông tự nhiên nằm ở phía bắc và phía nam của tỉnh, đó là sông Cái (ranh giới tự nhiên với tỉnh Hậu Giang) và sông Gành Hào (ranh giới tự nhiên với tỉnh Cà Mau), còn lại trên địa bàn tỉnh là các kênh đào. Giống như các tỉnh khác ở miền Tây, Bạc Liêu sở hữu một hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng đa phần là các con kênh nhỏ, chỉ có 1 vài con kênh lớn, lớn nhất là kênh Bạc Liêu - Cà Mau và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp.
Kênh rạch ở Bạc Liêu chia làm 2 phần riêng biệt, từ kênh Bạc Liêu - Cà Mau trở xuống phía Nam đến bờ biển, nước của các con kênh ở đây là nước mặn, hệ sinh thái dưới nước của các con kênh này là hệ sinh thái nước mặn.
Còn từ kênh Bạc Liêu - Cà Mau trở ra phía Bắc, nước của các con kênh ở đây là nước ngọt, hệ sinh thái dưới nước của các con kênh này là hệ sinh thái nước ngọt. Vào mùa khô, đôi khi tình trạng xâm nhập mặn vào các con kênh nội đồng vẫn còn hay xảy ra.
Với điều kiện thuận lợi về sông ngòi đã giúp Bạc Liêu có tiềm năng lớn để phát triển vận tải biển và du lịch, cùng với những vườn cây ăn trái và những cánh rừng phòng hộ ven biển tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch sinh thái.
Ngoài ra Bạc Liêu còn có nhiều cửa sông, cửa biển lớn như Cái Cùng, Chùa Phật, Gành Hào, Nhà Mát là nơi có khả năng phát triển hậu cần nghề cá.
Cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt được nối liền với nhau thành một hệ thống liên hoàn thuận tiện cho giao thông đường thủy và cấp thoát nước, đồng thời cùng với sự di chuyển của thủy triều từ biển Đông và một phần thượng lưu sông Hậu đổ về theo kênh Quản lộ Phụng Hiệp tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trong tỉnh [171, tr. 11-16].
Tài nguyên: Bạc Liêu thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn, các rừng chủ yếu như rừng tràm, chà là, giá, cóc, lâm vồ,... Rừng Bạc Liêu có 104 loài thực vật, 10 loài thú nhỏ, 8 loài bò sát... Với đường bờ biển dài 56 km và có vùng biển thuộc quyền quản lý của tỉnh Bạc Liêu rộng hơn 20.000 km2, biển Bạc Liêu với nhiều loài tôm, cá, ốc, sò huyết... đây là một vùng biển giàu tiềm năng, nguồn lợi hải sản rất phong phú và đa dạng. Hàng năm, sản lượng khai thác đạt gần
100 nghìn tấn cá, tôm, trong đó, sản lượng tôm gần 10 nghìn tấn. Điều đó, giúp ngành khai thác thủy, hải sản Bạc Liêu phát triển mạnh mẽ.
Nhìn chung, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi đã giúp cho Bạc Liêu có thể phát triển một nền nông nghiệp toàn diện: Vùng Bắc Quốc lộ 1A là khu vực ngọt hóa. Phía Đông – Bắc thích hợp với trồng lúa, màu và cây nông nghiệp. Phía Tây thích nghi cho nuôi trồng thủy sản và lúa – tôm. Vùng Nam Quốc lộ 1A phù hợp với nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng rừng ngập mặn và phát triển du lịch biển.
Về kinh tế, sau 9 năm lãnh đạo phát triển kinh tế từ khi tái thành lập tỉnh (1997- 2005) mà trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, đến năm 2005, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã thu được những kết quả đáng kể, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2005 đạt 9.917,383 triệu đồng.
Mặc dù đã chuyển một phần lớn đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, nhưng vùng trồng lúa vẫn được phát triển một cách ổn định, sản lượng lương thực tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Năm 2005, sản lượng lúa đạt 663,533 tấn với năng suất gần 50 tạ/ha [18, tr. 56].
Theo số liệu điều tra thủy sản ngày 1-1-2005, toàn tỉnh có 68.892 hộ nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 118,459 ha. Huyện có số hộ và diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất là huyện Đông Hải với 20.880 hộ nuôi chiếm 30,30% số hộ nuôi trong toàn tỉnh.
Diện tích nuôi tôm - lúa kết hợp toàn tỉnh là 19.733,16 ha, chiếm 16,65%
tổng diện tích nuôi trồng thủy sản. Huyện có số hộ nuôi kết hợp tôm - lúa đáng quan tâm nhất là huyện Phước Long với 11.925 hộ và 7.292 ha nuôi trồng. Đây là lợi thế quan trọng để duy trì hệ sinh thái và đảm bảo cho nghề nuôi tôm bền vũng và lâu dài ở tỉnh ta.
Lợi thế lớn đối với kinh tế thủy sản Bạc Liêu lúc này là có đủ điều kiện để phát triển 3 loại hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến, trên diện tích nuôi tôm lúa kết hợp đều cho giá trị kinh tế lớn, hiệu quả và lợi nhuận cao.
Cũng theo số liệu điều tra ngày 1-1-2005, toàn tỉnh có 828 tàu đánh bắt biển, trong đó đánh bắt xa bờ 355 chiếc. Số lượng tàu thuyền có công suất đánh
bắt nhỏ đang giảm dần, số lượng tàu thuyền có công suất lớn, có khả năng đánh bắt xa bờ được đầu tư và phát triển.
Hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp năm 2005 đạt 1.908 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp và xây dựng hơn hẳn nông, lâm, ngư nghiệp. Nhiều sản phẩm tăng cao và tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là các sản phẩm chế biến nông, thủy sản, điều đó cho thấy công nghiệp tỉnh Bạc Liêu chủ yếu là công nghiệp chế biến, gắn liền với sự phát triển nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp, ngư nghiệp, những ngành chứa yếu tố rủi ro về thị trường và thời tiết.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển, chất lượng dịch vụ được nâng lên đáp ứng nhu cầu của kinh tế - xã hội, làm tốt chức năng là đòn bẩy, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, đến năm 2005 dịch vụ ở Bạc Liêu vẫn còn nhiều hạn chế như: chậm phát triển các trung tâm thương mại, thiếu chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu, chưa có chính sách hữu hiệu để huy động nguồn vốn trong nhân dân phục vụ cho sản xuất…điều đó đã làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Về cơ sở hạ tầng, đến năm 2006, toàn tỉnh có 30/48 xã có đường ô tô đến trung tâm, 433/459 ấp có đường bê tông, nhựa; tất cả các xã đều có lưới điện quốc gia, với 93,5% số hộ sử dụng điện; 91,5% số hộ sử dụng nước sạch…giao thông nông thôn phát triển mạnh, góp phần phục vụ tốt cho CDCCKT, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc phòng được củng cố [18, tr. 70].
Về xã hội, Bạc Liêu có số dân là 885.547 người (2015) với mật độ là 345 người/km². Khác với các tỉnh khác trong khu vực cũng như nhiều tỉnh khác trong cả nước, Bạc Liêu có mật độ dân số ít, thấp hơn mức bình quân và chiếm khoảng 4,59 % trong tổng số dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn tỉnh có khoảng 136.330 hộ với 621.759 người sinh sống ở nông thôn (chiếm hơn 74% dân số trong tỉnh); trong đó có 109.522 hộ sản xuất nông nghiệp (chiếm 80,35% tổng số hộ nông thôn); lao động xã hội chiếm khoảng 64,13% tổng số dân. Tỷ lệ này cho thấy đa phần người dân ở tỉnh vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Có 54 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản
và 1.948 trang trại... Với những đặc điểm trên, Bạc Liêu có nhiều điều kiện để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá một cách toàn diện.
Bạc Liêu gồm 3 dân tộc chính là Hoa (2,5%), Khơme (8%) và đa phần là người Việt (89,5%). Dân cư phân bố không đồng đều, thường tập trung tại các đô thị lớn, thị trấn, thị tứ và ven đường bộ, hoặc sống ven kênh rạch.
Sinh sống trên mảnh đất lịch sử giàu truyền thống cách mạng, người Bạc Liêu có tinh thần yêu nước, lao động cần cù, thông minh, sáng tạo và có lối sống phóng khoáng. Lợi thế về khí hậu và tài nguyên đất nơi đây từ lâu đã giúp người dân Bạc Liêu hình thành tập quán sản xuất là trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản và làm muối, trong đó phổ biến nhất trồng lúa và nuôi tôm.
Với những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khá thuận lợi là nguồn nội lực để Bạc Liêu tiến hành phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH. Tuy nhiên trong quá trình đó, Bạc Liêu phải vượt qua không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhất là hệ thống giao thông đường bộ và thủy lợi chưa phát triển ở nông thôn, nguồn nhân lực còn chủ yếu vẫn là lao động phổ thông và còn non kém về khoa học kĩ thuật, sản xuất hàng hóa tuy phát triển nhưng nền kinh tế còn mang nặng tính thuần nông. Điều đó cũng quy định phát triển kinh tế nông nghiệp phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu.