CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
1.5 Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới khi áp dụng thuế GTGT
Người đầu tiên nghĩ ra thuế GTGT là ông Carl Friedrich Von Siemens (người Đức, là thành viên của gia đình sáng lập Công ty Siemens A.G), tuy nhiên, ông không thuyết phục được chính phủ Đức lúc bấy giờ (1918) thực thi loại thuế này, mà mãi đến năm 1968 thuế GTGT mới được áp dụng ở Đức.
Trên thực tế, thuế GTGT được khai sinh từ nước Pháp. Vào năm 1954, chính phủ Pháp đã ban hành một loại thuế mới với tên gọi là thuế GTGT để thay thế cho thuế
doanh thu hiện hành (phát hiện sự cần thiết đưa thuế GTGT vào hệ thống thuế Pháp là ông Maurice Laure, một cán bộ thuế).
Tính đến nay đã có trên 120 quốc gia trên thế giới đã áp dụng sắc thuế này. Tuy nhiên, về tên gọi ở một số nước có thể không giống nhau, chẳng hạn như: các nước Pháp, Anh, Thụy Điển…. thì gọi là thuế GTGT, một số nước gọi là thuế hàng hóa và dịch vụ như: Canada, Niu di lân…, ở Phần Lan, Áo, Đức…. vẫn dùng tên gọi cũ là thuế doanh thu cũ, chỉ thay đổi nội dung và biện pháp thu.
Khi nói đến kinh nghiệm là phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nhưng tổng kết kinh nghiệm áp dụng thuế GTGT của các nước là việc khó thực hiện. Trong nội dung phần này, đề tài cũng chỉ nêu lên những nét cơ bản của Luật thuế GTGT được áp dụng ở một số nước trên thế giới, qua đó rút ra những điểm cơ bản về nội dung có thể vận dụng vào điều kiện của Việt Nam hiện nay.
1.5.1. Kinh nghiệm ở Thụy Điển về việc qui định áp dụng một thuế suất.
Ngay từ khi áp dụng thuế GTGT (01/01/1960), Thụy Điển đã áp dụng một thuế suất là 4%, sau đó lại mở rộng áp dụng ba mức thuế suất là 4%, 12%, 20%. Nhưng kể từ ngày 01/01/1991 cho đến nay, Thụy Điển áp dụng một thuế suất duy nhất là 25%, đánh vào tất cả các hàng hóa, dịch vụ (trừ những loại ngành hàng và dịch vụ qui định được miễn thuế GTGT như giáo dục, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, hội họa, mỹ thuật, sách báo, tạp chí, dịch vụ tang lễ…).
Như vậy, xu hướng thuế suất của Thụy Điển là ngày càng cao và ít thuế suất, không phân biệt ngành hàng, mặt hàng. Tuy nhiên, điều kiện áp dụng của Thụy Điển là hệ thống thuế của họ đã có từ lâu đời, được tổ chức tập trung, thống nhất và việc thu thuế đã trở thành nề nếp, áp dụng kỹ thuật hiện đại. Hơn nữa, Thụy Điển là một nước có nền kinh tế phát triển cao, nhân dân Thụy Điển đã quen với sự quản lý nhà nước bằng Pháp luật, tinh thần tự giác chấp hành luật thuế rất cao, các cơ sở nộp thuế GTGT luôn chấp hành tốt chế độ kê khai và mở sổ sách kế toán, sử dụng hóa đơn đầy đủ.
Ở Việt Nam, hiện nay với một nền kinh tế phát triển chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật còn thấp. Do đó, khi rút kinh nghiệm cần quan tâm đến các nội dung:
- Nếu quy định nhiều mức thuế suất thì việc áp dụng sẽ rất phức tạp, khó thực hiện. Vì vậy cần hướng đến một thuế suất GTGT duy nhất và mức thuế suất điều chỉnh cần hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
- Cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền về pháp luật, nhất là pháp luật về thuế để nâng cao ý thức chấp hành về thuế trong nhân dân khi triển khai thực hịên. Có như thế thì mới thực hiện thuế GTGT một cách có hiệu quả.
1.5.2. Kinh nghiệm của Indonesia về việc tổ chức thực hiện Luật thuế GTGT theo từng bước và mở rộng dần diện chịu thuế.
Trước khi áp dụng thuế GTGT, Indonesia cũng đã vận dụng kinh nghiệm của những nước đi trước nhưng họ luôn coi trọng đặc điểm kinh tế xã hội ở nước mình để từng bước thực hiện sao cho phù hợp. Thuế GTGT của Indonesia tương đối đơn giản, áp dụng ít thuế suất, với thuế suất thấp và các qui định miễn giảm chặt chẽ. Luật thuế chỉ qui định hai thuế suất: 0% áp dụng đối với xuất khẩu, còn đối với tất cả các loại hàng, hóa, dịch vụ khác áp dụng thuế suất 10%. Những hàng hóa, dịch vụ miễn giảm được qui định rất cụ thể.
Thời gian đầu thực hiện triển khai Luật thuế GTGT, do trình độ quản lý của cán bộ thuế chưa cao và nhận thức của người nộp thuế còn nhiều hạn chế nên để phù hợp với khả năng nhận thức, Chính phủ Indonesia đã có kế hoạch tổ chức thực hiện thuế GTGT theo từng bước. Thời gian áp dụng thuế GTGT cho từng đối tượng cụ thể như sau:
- Năm 1985 áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ và người nhập khẩu, sau đó mở rộng đến các Tổng địa lý bao tiêu sản phẩm, dịch vụ.
- Năm 1989 áp dụng đến các Địa lý bán buôn.
- Năm 1992 áp dụng đến các cửa hang bán lẻ và người tiêu dùng.
Tóm lại, ở Indonesia đã tổ chức thực hiện luật thuế GTGT theo từng bước và mở rộng dần diện chịu thuế GTGT, trong thời gian cụ thể sẽ có những đối tượng không áp dụng thuế GTGT. Có như vậy, cán bộ thuế có đủ thời gian thích nghi với luật thuế mới, có điều kiện nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh luật thuế phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, điểm yếu của việc điều chỉnh dần đối tượng chịu thuế theo cách triển khai này là dễ gây ra thất thu cho ngân sách, không đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế.
1.5.3. Kinh nghiệm của Pháp về đối tượng áp dụng thuế GTGT.
Thời gian đầu áp dụng, Luật thuế GTGT áp dụng tại Pháp có 04 thuế suất: 9%, 20%, 25% và 33%, đến nay nhằm phù hợp với thuế suất theo cộng đồng Châu Âu, Pháp áp dụng còn 02 mức thuế suất là 18,6% đánh vào tất cả các hàng hóa, dịch vụ và
5,5% đánh vào các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa dịch vụ hoặc gia công theo qui định cụ thể, hàng xuất khẩu sẽ được miễn thuế GTGT. Các đối tượng thuộc diện nộp thuế GTGT phải thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách, chứng từ hóa đơn đúng qui định, phải có nghĩa vụ khai báo và nộp thuế cho cơ quan thuế. Ngoài ra, tại Pháp cũng qui định về thuế khoán thu thuế với mức ấn định áp dụng đối với những cơ sở kinh doanh thuộc lại vừa và nhỏ có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng chịu thuế GTGT mà nhà nước qui định.
Như vậy, rút kinh nghiệm từ Pháp, khi thực hiện Luật thuế GTGT, Việt Nam cần xem xét các vấn đề:
- Chỉ áp dụng thuế GTGT đối với những cơ sở kinh doanh lớn, mở sổ sách kế toán và sử dụng hóa đơn chứng từ đúng qui định của Luật.
- Đối với những hộ vừa và nhỏ có doanh thu hàng năm thấp không đạt đến ngưỡng phải đưa vào diện chịu thuế GTGT hoặc vi phạm về chế độ kế toán chứng từ hóa đơn thì chuyển sang diện thu thuế khoán theo tỉ lệ ấn định trên doanh thu nhằm tránh việc thất thu đối với các hộ này. Nhà nước phải qui định cụ thể ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT áp dụng phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh và trình độ phát triển kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn.
Từ sự phân tích về những bài học kinh nghiệm của một số nước khi áp dụng thuế GTGT, chúng ta có thể rút ra những nhận xét chung và có thể coi đó là những bài học cơ bản để đảm bảo sự thành công của luật thuế GTGT.
Thứ nhất, phải áp dụng thuế GTGT trên phạm vi rộng từ sản xuất, lưu thông cho đến tiêu dùng không phân biệt hàng hóa sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với những cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ có doanh thu hàng năm phát sinh thấp thì vẫn áp dụng hình thức ấn định thuế không nên đưa vào diện nộp thuế GTGT vì điều này sẽ dẫn đến hiệu quả quản lý thuế thấp và chưa tập trung.
Thứ hai, chỉ nên áp dụng một hoặc hai thuế suất và trong hai thuế suất đó có một thuế suất là 0% nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở kinh doanh, đảm bảo được tính đơn giản của Luật thuế và dễ áp dụng.
Thứ ba, phải chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế và nhất là thuế GTGT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người công dân.
Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, chúng ta cần phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thứ tư, tăng cường quản lý chặt chẽ hóa đơn, sổ sách kế toán làm cơ sở cho việc khấu trừ thuế được chính xác, tránh tình trạng gian lận tiền thuế trong khấu trừ và hoàn thuế GTGT.
Cuối cùng, ngành thuế phải chủ động xây dựng qui trình quản lý thuế khoa học trên cơ sở sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo huấn luyện các bộ thuế thực hiện thuế GTGT.
KẾT LUẬN CHƯƠNG I
Những nghiên cứu về lý thuyết đã chỉ ra rằng thuế GTGT là một sắc thuế tiên tiến có nhiều chức năng và vai trò quan trọng. Trong đó, xuất phát từ bản chất, chức năng hàng đầu của thuế là tái phân phối thu nhập xã hội – còn gọi là chức năng thu ngân sách và chức năng thứ hai: điều tiết kinh tế vĩ mô.
Xu thế các nước chuyển sang áp dụng thuế GTGT ngày càng nhiều, từ những nước có nền kinh tế phát triển đến những nước kém phát triển như là một minh chứng cho những ưu việt mà sắc thuế này mang lại cho nền kinh tế cũng như ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, để phát huy hết ưu điểm này cần phải xây dựng chính sách thuế GTGT hướng vào kích thích kinh tế dựa trên các nguyên tắc quan trọng là tính minh bạch, tính hiệu quả, tính linh hoạt, tính công bằng, tính chắc chắn.
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, thuế GTGT nói riêng và chính sách thuế nói chung không thể tách khỏi hoạt động kinh tế. Từ một công cụ tài chính – công cụ thu ngân sách nhà nước; thuế GTGT được sử dụng để trở thành một công cụ kinh tế với những đặc trưng: toàn diện, trực tiếp và nhạy cảm. Điều này đang được xã hội đón nhận như một thành tố khách quan của thực tiễn kinh tế.