Công tác quản lý và tổ chức thu thuế còn hạn chế

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhảm nâng cao vai trò của thuế giá trị 2 (Trang 52 - 56)

CHƯƠNG II: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA THUẾ GTGT ĐẾN ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM TỪ NĂM 1999 ĐẾN NAY

2.5. Những hạn chế về chính sách, quản lý và tổ chức thu thuế ảnh hưởng đến vai trò kích thích kinh tế của thuế GTGT

2.5.2 Công tác quản lý và tổ chức thu thuế còn hạn chế

2.5.2.1. Công tác tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật về thuế chưa sâu rộng.

Chưa xây dựng được kế hoạch dài hạn cho công tác tuyên truyền thuế từ trung ương đến địa phương. Công tác này chỉ mới dừng lại ở các hình thức tuyên truyền có tính chất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và đầu tư cho công tác tuyên truyền theo chiều sâu.

Công tác tuyên truyền chủ yếu nhằm phổ biến văn bản mới và rút kinh nghiệm quản lý thu thuế của nội bộ ngành, chứ chưa nhận thức được công tác tuyên truyền thuế là phải nhằm vào đối tượng nộp thuế, vào các tầng lớp dân cư để họ có nhận thức đúng về luật, chế độ chính sách thuế mà từ đó thực hiện một cách tự nguyện.

Các hình thức sử dụng phương tiện hiện đại cho công tác tuyên truyền như hệ thống điện thoại tự động, hệ thống thư tín điện tử để đối tượng nộp thuế có thể tìm hiểu về thuế một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất đến nay ngành thuế chưa có điều kiện triển khai.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuế của những người làm công tác tuyên truyền hỗ trợ chưa được quan tâm đúng mực. Khi trả lời trực tiếp cho ĐTNT thường lúng túng, thiếu chính xác do chưa nắm vững chính sách, chế độ. Từ đó, gây nên tâm lý không tin tưởng, bất mãn từ ĐTNT đối với cơ quan thuế. Do vậy, khi có vướng mắc trong chính sách thuế, thông thường ĐTNT sẽ gửi văn bản hỏi để có bút tích của cơ quan thuế. Để khi thực hiện theo văn bản, nếu có sai sót ĐTNT sẽ không chịu trách nhiệm.

Mặt khác, việc nắm bắt một cách đầy đủ các quy định thuế hiện hành trở thành nỗi lo lắng lớn đối với các DN. Do vậy, trong nhiều trường hợp, DN nhờ vào sự hướng dẫn gần như hoàn toàn của cán bộ thuế. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả: các chính sách của Chính phủ không xuống đến CSKD, tạo thói cửa quyền nơi cán bộ thuế, nảy sinh sự thông đồng giữa cán bộ thuế và ĐTNT để trốn thuế, thất thu lớn cho ngân sách.

2.5.2.2. Công tác kiểm tra, thanh tra kém hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thuế chưa được đặt đúng tầm, chưa phù hợp với thực trạng nước ta. Nhiều trường hợp trốn thuế, lậu thuế, gian lận thuế GTGT nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời.

Việc kiểm tra, thanh tra thuế tại các DN chủ yếu dựa trên phương pháp thủ công, đối chiếu xác minh bằng văn thư, chưa áp dụng được công nghệ tin học hiện đại.

Việc điều tra, khởi tố các vụ vi phạm nghiêm trọng về thuế; chế tài xử phạt vi phạm về thuế chưa rõ ràng, các hình thức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ mức ngăn chặn các hành vi gian lận thuế…

Cán bộ thanh tra, kiểm tra nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế, không hiểu về môi trường kinh doanh nói chung, về tình hình hoạt động đặc thù, trọng yếu trong sản xuất kinh doanh của đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, có nhiều trường hợp cán bộ thanh tra, kiểm tra thiếu tư cách đạo đức, phẩm chất chính trị đã gây ra nhiều khó khăn cho Cty, DN làm ăn chân chính, nhưng lại nhận tiền để những Cty, DN làm ăn bất chính hoạt động công khai, gây bất bình trong xã hội và thất thu thuế cho NSNN.

Theo thanh tra Bộ Tài Chính, trong 2 năm 2004, 2005 ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 266.000 đối tượng nộp thuế, qua đó phát hiện và truy thu vào NSNN số thuế ẩn lậu hơn 2.140 tỷ đồng. Tuy nhiên sai phạm của cán bộ nhân viên ngành thuế cũng không nhỏ, qua kiểm tra, ngành thuế cũng đã phát hiện và xử lý 345 cán bộ có vi phạm. Sai phạm của cán bộ thuế phổ biến là thực hiện chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho đối tượng không đúng chế độ.

2.5.2.3. Tin học hoá ngành thuế chưa được thực hiện.

Công nghệ thông tin đã tham gia xử lý các phần việc thuộc Ngành Thuế như:

lưu trữ danh sách toàn bộ đối tượng nộp thuế đã được cấp mã số; chuyển nhập số thuế nợ đọng tính đến cuối tháng 12 năm 1998; nhập và kiểm tra tính thuế trên tờ khai; xử

lý số liệu thuế miễn, giảm, hoàn, phạt và quyết toán; theo dõi số thuế nộp; nhận giấy nộp tiền từ kho bạc, chứng từ hoàn thuế; truy xuất nhật ký thu, báo cáo nhanh và các báo cáo khác theo quy định. Tuy nhiên, việc áp dụng máy tính trong quản lý thu thuế chưa đồng bộ trên phạm vi cả nước. Do đó công tác phối hợp và kiểm tra chéo để kiểm soát đối tượng nộp thuế vẫn bị bỏ ngỏ. Mặc dù trang WEB ngành thuế đã được xây dựng nhưng các văn bản chính sách, chế độ thuế, cung cấp thông tin tham khảo cho đối tượng nộp thuế vẫn chưa cập nhật kịp thời.

Về hạ tầng kỹ thuật hiện nay, tuy đã được tăng cường trang thiết bị tin học nhiều hơn so với các năm trước đây, nhưng so với nhu cầu quản lý thuế thì còn thiếu rất nhiều, chưa đủ sức để có thể hiện đại hóa ngành thuế để kết nối với hệ thống tin học tài chính quốc gia hiện đại sau này.

2.5.2.4. Quy trình và tổ chức bộ máy ngành thuế còn chồng chéo.

Hiện nay, bộ máy ngành thuế được tổ chức thành 03 bộ phận độc lập: bộ phận đăng ký thuế và kiểm tra tờ khai; bộ phận tính thuế và đôn đốc thu nộp; bộ phận thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, từ đó hạn chế được tiêu cực, từng bước thực hiện chuyên môn hóa quản lý theo chức năng. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế do phân công trách nhiệm quản lý ĐTNT theo vị trí địa lý hành chính trong khi phạm vi giao dịch thương mại của các DN diễn ra khắp cả nước và mở rộng ra nước ngoài. Do vậy, việc theo dõi, kiểm tra có nhiều hạn chế.

Qui trình chưa hướng dẫn cụ thể các quy chế phối hợp giữa các bộ phận, không dự kiến hết các tình huống thực tế, nên trong khi áp dụng gặp nhiều trở ngại, lúng túng cho cả cơ quan thuế lẫn đối tượng nộp thuế. Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các bộ phận còn chồng chéo, chưa cụ thể.

Bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra và công tác xử lý thông tin.

Cơ chế tổ chức và phối hợp giữa các bộ phận thu NSNN chưa phù hợp. Tổ chức phối hợp, trao đổi thông tin giữa Ngành Thuế với các ngành khác như Hải quan, Ngân hàng, Kho bạc… chưa chặt chẽ, đồng bộ, nên việc theo dõi, nắm bắt tình hình kinh doanh của các Cty, DN, cũng như việc thực hiện các biện pháp giải quyết nợ đọng thuế,… chưa triệt để.

KẾT LUẬN CHƯƠNG II

Qua gần 10 năm thực hiện, thuế GTGT đi vào cuộc sống đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế, xã hội của đất nước và vai trò kích thích kinh tế phát triển của thuế GTGT hình thành rõ nét và bắt đầu phát huy tác dụng đạt được mục tiêu đề ra của nhà nước. Tuy nhiên qua thực tế thực hiện, Luật thuế GTGT đã phát sinh một số nội dung còn chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước theo xu thế hội nhập và cần thiết phải sửa đổi.

Bối cảnh hội nhập đã tạo rất nhiều thuận lợi để môi trường đầu tư và thị trường trong nước được cải thiện và phát triển; theo đó, thị trường hàng hoá đã được mở rộng theo các cam kết WTO; thị trường tiền tệ, vốn, chứng khoán được hình thành và đã có bước phát triển mạnh mẽ, thị trường bất động sản đang nóng lên… Thêm vào đó, nhu cầu chi ngân sách tiếp tục tăng cao khi Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực văn hoá giáo dục, đào tạo, cải cách hành chính và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Để đảm bảo các cân đối vĩ mô, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, thuế GTGT cần sửa đổi về cả chính sách và công tác hành thu. Những khuyến khích ưu đãi sẽ công bằng và có tính khả thi cao, trên cơ sở đó thúc đẩy thị trường phát triển, kinh tế tăng trưởng đồng bộ và bền vững, tạo ra quy mô nền kinh tế lớn hơn, lưu chuyển hàng hoá nhiều hơn, đồng thời cũng tạo ra cơ hội để tăng nguồn thu.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhảm nâng cao vai trò của thuế giá trị 2 (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)