PHẦN 2: Ý TƯỞNG DỊCH VỤ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC
2.1.2. Khu vực đến (Hoa Kỳ)
2.1.2.1. Một số quy định nhập khẩu đối với hàng thủy sản của Hoa Kỳ Tuân thủ quy định yêu cầu đối với từng nhóm/loại thực phẩm
Nhìn chung hầu hết các sản phẩm thực phẩm đều phải đáp ứng các quy định về ghi nhãn sản phẩm, quy định đối với phụ gia, màu. Tuy nhiên, mỗi loại thực phẩm khác nhau phải đáp ứng những quy định riêng đối với từng nhóm thực phẩm như thức uống, đường và kẹo, thực phẩm đóng hộp, các sản phẩm sữa. Ví dụ như cơ sở thực phẩm đóng hộp và thực phẩm axit thấp thì phải đăng ký số cơ sở thực phẩm đóng hộp (FCE) và quy trình sản xuất đối với từng sản phẩm (SID). Nhà sản xuất cần nắm rõ các quy định đó cũng như tham vấn luật sư chuyên về luật FDA để đảm bảo tuân thủ quy định của FDA.
Đạo luật chống khủng bố sinh học năm 2002 (BTA).
Đạo luật này được ban hành vào năm 2002 với mục đích bảo vệ cộng đồng và ngăn ngừa những cuộc khủng bố thông qua nguồn thực phẩm được nhập vào trong Hoa Kỳ.
Theo đạo luật này, hàng hóa trước khi được nhập vào Hoa Kỳ cần phải được theo dõi và xác định về nguồn gốc, các thông tin về sản phẩm phải được các công ty, nhà máy chế biến đăng ký trước với các cơ quan quản lý quản lý thực phẩm trước khi được nhập vào để tiêu thụ.
Chương trình an toàn thuỷ sản nhập khẩu
FDA chịu trách nhiệm cho sự an toàn của thuỷ sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Mỹ. Thuỷ sản nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự giám sát của FDA. Do đó, các cơ sở thuỷ sản xuất khẩu vào Mỹ cần đặc biệt tuân thủ các quy định của FDA cũng như lưu ý các công cụ giám sát của cơ quan này đối với thuỷ sản.
HACCP
HACCP là bộ tiêu chuẩn đánh giá, phân tích các mối nguy và đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực phẩm sẽ được theo dõi chặt chẽ từ khâu chọn lựa, nuôi trồng cho tới khi được chế biến sao cho phòng ngừa và thải loại những tác động tiêu cực của thực phẩm trước khi được tiêu dùng, tránh các vấn đề liên quan tới thực phẩm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người. Tiêu chuẩn này đã xuất hiện tại Mỹ vào những năm thập niên 60, sau đó được đưa vào hệ thống quản lý thực phẩm. Doanh nghiệp nuôi trồng, kinh doanh thủy sản cũng là một trong những đối tượng cần áp dụng HACCP. Chẳng hạn, tháng 9 năm 2019, FDA đã ban hành hướng dẫn mới nhất (phiên bản lần thứ 4) áp dụng đối với thuỷ sản và các sản phẩm thuỷ sản, trong đó có hướng dẫn áp dụng quy định giám sát phòng ngừa theo quy định của Luật hiện đại hoá an toàn thực phẩm.
Chứng nhận của bên thứ ba (Accredited Third-party Certification Program)
Là một chương trình tự nguyện. FDA công nhận các cơ quan chứng nhận (Accreditation bodies), nhiệm vụ của các cơ quan này là chứng nhận các tổ chức chứng nhận của bên thứ ba. Các tổ chức sau đó sẽ tiến hành thẩm định tính an toàn của thực phẩm, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp thực phẩm ở nước ngoài.
Những chứng nhận được sử dụng cho hai mục đích:
Các chứng nhận có thể xác định khả năng đủ điều kiện tham gia Chương trình Nhà nhập khẩu Đủ điều kiện Tự nguyện (VQIP), chương trình này cung cấp dịch vụ đánh giá nhanh và nhập khẩu thực phẩm.
Trong một số ít tình huống cụ thể, để tránh những thực phẩm không đảm bảo được nhập khẩu vào Hoa Kỳ, FDA có thể đòi hỏi sản phẩm nhập vào phải đạt chứng nhận Chương trình xác minh nhà cung cấp nước ngoài (FSVP)
Chương trình này này, chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 5 năm 2017, đòi hỏi các nhà nhập khẩu phải đảm bảo rằng thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ tuân thủ các tiêu chuẩn về giám sát, an toàn sản xuất và đúng nhãn phẩm. Mặc dù chỉ nhắm trực tiếp đến nhà nhập khẩu, chương trình này cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu và cơ sở sản xuất, khi họ phải đảm bảo tuân thủ các quy định của FDA để được chấp nhận là nhà cung cấp đáng tin cậy.
Chương trình nhà nhập khẩu đủ điều kiện tự nguyện (VQIP)
Chương trình Chứng nhận Nhà nhập khẩu Đủ Điều Kiện Tự Nguyện (VQIP) là một sáng kiến dựa trên tính tự nguyện, mà các nhà nhập khẩu tham gia phải trả phí, nhằm cung cấp một quy trình đánh giá nhanh chóng và nhập khẩu các lô hàng thực phẩm cho con người và động vật vào Hoa Kỳ.
Theo chương trình này, những người được xem xét là nhà nhập khẩu VQIP không chỉ bao gồm các nhà nhập khẩu ở Mỹ mà còn bao gồm các cơ sở sản xuất xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Tham gia vào chương trình này có thể giúp cho quá trình nhập khẩu của họ diễn ra nhanh chóng và dự đoán được hơn, tránh được các trục trặc không mong muốn tại các cửa khẩu. Đồng thời, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc chương trình này tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn và bảo mật.
Để được tham gia, các nhà nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí được quy định bởi FDA và trả phí tham gia, bao gồm cả các chi phí liên quan đến việc quản lý chương trình của FDA.
2.1.2.2. Cơ sở hạ tầng điểm đến 2.1.2.2.1. Cảng Los Angeles:
Cảng Quốc tế Los Angeles nằm trên vịnh San Pedro ở San Pedro, cách trung tâm thành phố Los Angeles khoảng 20 dặm (32 km) về phía nam, có vị trí chiến lược, tiếp nhận phần lớn các giao dịch thương mại xuyên bờ Thái Bình Dương.
Cảng có diện tích 7,500 acres, trong đó 4,300 acres được sử dụng cho diện tích đất đai và 3,200 acres được sử dụng cho diện tích vùng nước.
Cảng có 25 bến hàng hóa, bao gồm 7 bến container, 83 cần cẩu container, 122 dặm đường sắt (gồm 5 khu vực trung chuyển hàng hóa và một khu vực phân loại hàng hóa), 1,932 thiết bị phục vụ xếp dỡ hàng hóa.
Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của cảng là đồ nội thất, phụ tùng ô tô, may mặc, nhựa và giày dép. Việt Nam cũng là một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
2.1.2.2.2. Sân bay Los Angeles:
Đường băng
Sân bay quốc tế Los Angeles được xây dựng với 4 đường băng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại và có hệ thống đèn chiếu sáng cho các chuyến bay đêm, trong đó:
- Đường băng 24R/6L dài 2.721m và 24L/6R dài 3.318m nằm ở phía Bắc của nhà ga hành khách.
- Đường băng 25R/7L dài 3.939m và 25L/7R dài 3.382m nằm ở phía Nam của nhà ga.
Sân đỗ tàu bay
Sân đỗ máy bay của sân bay quốc tế Los Angeles hiện đang hoạt động với khoảng 140 vị trí đỗ. Sân đỗ này được lắp đặt những trang thiết bị tiên tiến nhất để có thể tiếp nhận đa dạng các chủng loại máy bay từ tầm trung đến cỡ lớn.
Nhà ga hành khách
Sân bay quốc tế Los Angeles có 9 nhà ga hành khách được thiết kế theo hình chữ U.
2.1.2.2.3. Đại lý của Logitrans.
Logitrans ký hợp đồng đại lý với ClearFreight - một công ty đang hoạt động tại Hoa Kỳ. ClearFreight sẽ thay Logitrans thực hiện những thủ tục và công đoạn cần thiết để vận chuyển lô hàng đến kho của người mua một cách an toàn. Do Logitrans chủ yếu đảm nhận khâu vận tải đường bộ nội địa và thông quan phía Việt Nam, không có cơ sở vật chất và nhân sự bên Hoa Kỳ nên việc có ClearFreight là đại diện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc xử lý đơn hàng do công ty này hiểu rõ về quy định xuất nhập khẩu, có ưu thế về giá cước và am hiểu thị trường Mỹ.