CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH “CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG - CEO” …
2.3. Đặc điểm của chương trình phiên bản 02
Tháng 11 năm 2006, thời điểm chương trình “Làm Giàu Không Khó?” đã lần lượt giới thiệu đầy đủ 36 kế sách làm giàu đến khán giả. Đồng thời, đây cũng là thời điểm môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều thay đổi. Các bí quyết kinh doanh và các kế sách làm giàu không còn là những vấn đề cao xa với cộng đồng khi số lượng các doanh nhân, doanh nghiệp thành công ngày càng nhiều. Lúc này, nhận thấy nhu cầu được học hỏi, tìm hiểu những kinh nghiệm, những bí quyết thành công của các doanh nghiệp, doanh nhân trên ngày càng hiện hữu. Những người thực hiện chương trình đã quyết định cho ra đời phiên bản hai, thay thế “Làm Giàu Không Khó?”, với tên gọi “Đường Tới Thành Công”. Nếu “Làm Giàu Không Khó?” là chương trình đối thoại dành cho các chuyên gia kinh tế về các kế sách, bí quyết làm giàu thì “Đường Tới Thành Công” là chương trình trò chơi dành cho sinh viên chuyên ngành kinh tế. Với mục tiêu hướng đến nghiên cứu, phân tích các yếu
tố thành công, cách thức vận dụng kế sách ở phiên bản một vào thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, ở phiên bản này hầu hết định dạng, nội dung và hình thức thể hiện của chương trình đều được đổi mới hoàn toàn, kể cả thời lượng
và khung giờ phát sóng.
- Đặc điểm về định dạng
Kế thừa sự thành công của phiên bản đi trước “Làm Giàu Không Khó?”,
“Đường Tới Thành Công” tiếp tục là một chương trình có định dạng thuần Việt 100%. Với định dạng của một chương trình trò chơi truyền hình, “Đường Tới Thành Công” là một cuộc thi đấu giữa các đội chơi là sinh viên chuyên ngành kinh
tế đến từ các trường đại học trên toàn quốc. Mỗi chương trình có thời lượng 45 phút
và được chia ra làm ba vòng thi đấu. Vòng thi thứ nhất có tên Những Mảnh Ghép
Thành Công, vòng thi thứ hai có tên Kế Sách Làm Giàu và vòng thi thứ ba với
tên gọi Rubic Ý Tưởng. Ví dụ, trong chương trình “Đường Tới Thành Công” số 37 với cuộc thi đấu giữa ba trường Đại học Ngoại Thương, Đại học Bưu chính Viễn thông HN và Đại học Hà Nội. Ở phần Những Mảnh Ghép Thành Công, các thí sinh
sẽ xem một đoạn phim “Đầu Tư Cho Uy Tín” của doanh nhân Nguyễn Thanh
Phương kinh doanh trong lĩnh vực phân phối sản phẩm bình nước nóng lạnh. Sau khi xem đoạn phim, các đội sẽ có 5 phút để đưa ra những yếu tố làm nên thành công cho doanh nhân này và có 60 giây để biện luận yếu tố mình tâm đắc nhất. Đội nào đưa ra nhiều đáp án đúng sẽ được Hội đồng giám khảo cho điểm tối đa. Tiếp đến, ở phần Kế sách Làm giàu, các đội sẽ phải thi phát hiện ra kế sách mà doanh nghiệp trên đã áp dụng để kinh doanh thành công là gì. Các kế sách đó có thể là: vịt phải biết bơi, đổi gạch lấy ngọc…Các đội sẽ tiếp tục được cho điểm và nhận được sự đánh giá ở Hội đồng giám khảo. Đến với vòng thi Rubic Ý Tưởng, các đội sẽ được xem một đoạn phim “Trà Hà Ba Bánh” nói về những khó khăn trong việc kinh doanh cửa hàng trà đá của cậu sinh viên nghèo Trường đại học Mỹ thuật. Nhiệm vụ của các đội chơi là tìm ra các giải pháp kinh doanh căn bản giúp cho hoạt động kinh doanh của cậu sinh viên này thoát khỏi tình trạng khó khăn. Cũng như các phần thi trước, phần thi này Hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm dựa trên phần biện luận của mỗi đội. Và sau ba vòng, đội nào có số điểm cao nhất sẽ thắng. Các đội chiến thắng
ở các vòng thi loại, tuần, tháng, quý, năm sẽ lần lượt nhận các mức giải thưởng từ 5 triệu đồng, 10 triệu đồng…đến 30 triệu đồng.
Có thể thấy, định dạng của “Đường Tới Thành Công” mang đậm màu sắc và đặc điểm của một chương trình trò chơi truyền hình. Trong đó, các yếu tố trò chơi
và luật chơi được quy định rõ ràng và chặt chẽ đã làm tăng thêm kịch tính và làm cho sự đối kháng của chương trình lên cao. Đồng thời, “Đường Tới Thành Công”
có còn những đặc điểm vượt trội khác mà phiên bản trước đó chưa có.
Tính tương tác
Không giống như phiên bản “Làm Giàu Không Khó?”, ở phiên bản “Đường Tới Thành Công” tính tương tác của chương trình được đẩy cao. Sự tương tác giữa những người chơi với Hội đồng giám khảo, giữa người chơi với khán giả là một trong những đặc điểm nổi bật của chương trình. Trong ba vòng thi đấu, các đội chơi
và Hội đồng giám khảo đều có sự trao đổi qua lại với nhau. Hội đồng giám khảo không chỉ chấm điểm, nhận xét mà còn đưa ra những gợi ý, hướng dẫn dành cho các đội chơi. Ở phần thi thứ hai Kế sách làm giàu, một số giám khảo còn tiến lên
khu vực trung tâm sân khấu để chất vấn các đội chơi. Điều này đã giúp cho sự tương tác giữa người chơi và Hội đồng giám khảo thật hơn, gần gũi hơn. Ở vòng thi Rubic Ý Tưởng số 18, cả hai vị giám khảo cùng với người dẫn chương trình cùng tham gia trao đổi trực tiếp trên sân khấu với các người chơi. Ngoài ra, sự giao lưu của người dẫn chương trình với các khán giả và kết nối sự cổ vũ của các khán giả đến với các đội chơi cũng là một yếu tố thúc đẩy và mở rộng sự tương tác của chương trình. Mặc dù tính tương tác với khán giả trong phiên bản này chưa thực sự cao, nhưng việc bổ sung thêm yếu tố này vào định dạng cũng là một bước tiến đầu tiên cho thấy sự chú trọng tiếp cận khán giả của chương trình.
Tính thực tế
Với định dạng này của “Đường Tới Thành Công”, tính thực tế của chương trình cũng bắt đầu được chú trọng hơn. Việc đưa vào những câu chuyện thật của các doanh nhân, doanh nghiệp đã mang đến cho chương trình tăng sức thuyết phục cũng như làm cho chương trình giàu tính thực tế va gần gũi hơn với khán giả. Những câu chuyện của những thương hiệu nổi tiếng như : Cà phê Trung Nguyên, Công ty Sài gòn Địa ốc, Kềm Nghĩa....Những câu chuyện của những người trẻ mới khởi nghiệp lần đầu như: quán trà Hà của cậu sinh viên trường Mỹ thuật Công nghiệp, cửa hàng thời trang Carrotta của ba nữ sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, tiệm hớt tóc của cậu sinh viên nghèo...đã được chương trình thực hiện thành các bộ phim phóng sự hết sức thú vị và ý nghĩa. Với việc đưa thêm các yếu tố thực tế vào chương trình, mặc dù chưa thực sự nhiều nhưng đã cho thấy nỗ lực của chương trình trong việc thu hút sự quan tâm của khán giả.
- Đặc điểm về nội dung:
Mặc dù định dạng, hình thức thể hiện của chương trình có nhiều sự thay đổi nhưng nội dung của “Đường Tới Thành Công” có sự kế thừa từ phiên bản trước.
Các kế sách trong “Làm Giàu Không Khó?” được nhắc lại và phân tích cặn kẽ, được tìm tòi và sáng tạo cách thức áp dụng vào thực tế kinh doanh. Các nội dung của chương trình tiếp tục bám sát tiêu chí gần gũi, dễ hiểu và thực tế. Trong chương
trình “Đường Tới Thành Công” người chơi được tiếp cận với những tình huống, những vấn đề người thật việc thật. Trên cơ sở đó, các đội chơi phải thể hiện tài năng
lý luận, phân tích dựa trên cơ sở các kế sách ở phiên bản trước và kiến thức kinh doanh của mình. Ví dụ trong “Đường Tới Thành Công”, chương trình đã đề cập đến câu chuyện kinh doanh của Công ty Liên doanh thẻ MK. Theo đó, chương trình đã
kể lại câu chuyện của ông chủ doanh nghiệp này khi là người đầu tiên đưa thẻ Datacard vào phân phối tại Việt Nam. Chương trình đã mô tả lại con đường đầy gian nan, thách thức để kinh doanh loại thẻ này cũng như những thành công sau này
vị doanh nhân này đã đạt được. Ở vòng thi đấu Những Mảnh Ghép Thành Công, ba đội sẽ phải tìm ra những yếu tố làm nên thành công của doanh nghiệp nói trên. Và đáp án đúng là: có nhãn quan; có hướng phát triển đúng; chọn đối tác đúng; tận dụng lợi thế trong nước; người đứng đầu; sản phẩm đa dạng...Đến với vòng thi đấu
thứ hai với tên gọi Kế sách làm giàu, các đội sẽ phải thi phát hiện các kế sách mà doanh nghiệp trên đã áp dụng. Và các kế sách đó là: vịt phải biết bơi, ve sầu thoát
xác, mượn đá vá trời, lấy nhàn thắng mệt…Đến với vòng thi đấu cuối cùng là Rubic
ý tưởng, các đội chơi sẽ được chứng kiến sự khó khăn của một doanh nghiệp thực tế
và tìm giải pháp cho doanh nghiệp đó. Các giải pháp đó phải do chính người chơi tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra ý tưởng để thi đấu với nhau. Với cách thức triển khai nói trên, nội dung của “Đường Tới Thành Công” có những ưu điểm mà nhiều chương trình trò chơi truyền hình khác không có được.
Tính phổ cập
Với định hướng phổ biến các kiến thức kinh doanh cơ bản, các kinh nghiệm thành công đã được chứng minh trong thực tiễn đến cộng đồng rộng, nội dung của chương trình có tính phổ cấp cao. Các vấn đề chương trình đề cập đến hết sức cụ thể, chi tiết và được minh hoạ một cách đơn giản, dễ hiểu. Thông qua sự phân tích,
lý giải của người chơi là các sinh viên đến từ các trường kinh tế các nội dung chương trình được truyền đi một cách dung dị, hóm hỉnh. Tuy nhiên để vẫn có sự định hướng, phân định đúng sai chương trình có sự tham gia phân tích, mổ xẻ và đánh giá của Hội đồng giám khảo. Trong ba phần thi đấu, mạch nội dung của
chương trình đi từ thấp đến cao, có sự dẫn dắt và kết nối chặt chẽ, liền mạch. Bắt đầu từ vòng thử sức, các đội chơi sẽ thi phát hiện kế sách và đặt tên cho nó. Ở vòng tiếp theo, ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh được rút ra từ các kế sách và các đội chơi sẽ lần lượt tìm ra ví dụ về thực tế kinh doanh của doanh nghiệp đã áp dụng thành công. Và ở vòng thi cuối, các đội sẽ phải vận dụng sự sáng tạo của mình để tìm giải pháp xoay chuyển tình thế trước những tình huống kinh doanh hết sức khó khăn. Với cách thức xây dựng tiến trình nội dung như vậy đã giúp cho chương trình
có lượng khán giả phong phú, đa dạng từ: sinh viên, nhân viên văn phòng, doanh nhân, tiểu thương...
Lý luận kết hợp thực tiễn
Chương trình có sự kết hợp cân bằng giữa các thông tin, các vấn đề mang tính lý luận với những câu chuyện người thật, việc thật trong thực tiễn kinh doanh.
Nếu như ở các chương trình kinh tế khác, nội dung thường nặng về phần lý luận thì
cả ba vòng thi đấu của “Đường Tới Thành Công” đều có sự kết hợp, xen kẽ giữa nội dung có tính lý luận và thông tin thực tiễn. Điều này, không chỉ khắc phục được những điểm mà các chương trình kinh tế đang mắc phải mà còn mang đến sự mới
mẻ cũng như phong phú về lượng thông tin cho chương trình. Đặc biệt, việc vận dụng và liên hệ giữa các nội dung lý thuyết và thông tin thực tiễn được các chuyên gia hướng dẫn, giải thích cặn kẽ càng tăng thêm sức thuyết phục cho chương trình.
Trong quá trình theo dõi chương trình, khán giả sẽ cùng một lúc tiếp nhận cả những nội dung mang tính lý thuyết, thông tin thực tiễn và được hướng dẫn cách thức áp dụng.
- Đặc điểm về hình thức thể hiện:
Là chương trình trò chơi truyền hình về kiến thức dành cho sinh viên, hình thức thể hiện của “Đường Tới Thành Công” vừa có những nét đặc trưng chung của trò chơi truyền hình vừa có những điểm riêng biệt của chương trình. Ngoài việc sử dụng các đặc trung của trò chơi truyền hình như: trò chơi, luật chơi, kịch tính, sự đối kháng…và đặc biệt là có sự tham gia của khán giả, chương trình còn có hình
thức thể hiện riêng đầy sáng tạo để lôi cuốn và thu hút khán giả. Các yếu tố như: bộ hình hiệu và trường quay, âm nhạc, phim tình huống đề bài, kỹ thuật cắt chuyển các
cú máy…đều được chương trình đầu tư công phu và kỹ lưỡng. Điều này đã làm nên
sự đồng bộ và sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung và hình thức thể hiện cho chương trình.
Tính đồng bộ cao
Trước hết, đối với trường quay và bộ hình hiệu, khán giả có thể thấy được sự nhất quán trong hình thức thể hiện của hai yếu tố này. Hình hiệu chương trình là hình ảnh con thuyền đi trong biển đêm và khi ngọn hải đăng soi sáng con thuyền đi
về phía trước và cập bến thành công. Và bến đỗ của con thuyền đấy chính là trường quay của “Đường Tới Thành Công” và tại trường quay hình ảnh của con thuyền được mô phỏng lại, những người chơi đứng trên boong thuyền và xung quanh là đại dương mênh mông. Sự thể hiện đầy tính liên kết này mang đến cho khán giả những cảm quan đầy hứng khởi khi theo dõi chương trình. Đi cùng với bộ hình hiệu của chương trình là các clip nhỏ khoảng 7 – 10 giây nhằm cắt chuyển giữa các phần của chương trình. Những hình ảnh cắt chuyển đó cũng hết sức thú vị và giàu ý nghĩa với tên của các vòng chơi: Những mảnh ghép thành công, Kế sách Làm giàu, Rubic ý tưởng. Tiếp đến, âm nhạc của chương trình cũng là một trong những điểm nhấn ấn tượng. Âm nhạc hoành tráng, sôi động, được dàn dựng công phu, tính toán chi tiết trong mỗi thời khắc chương trình nhằm tăng sức hút cho người xem, đồng thời dẫn dắt mạch tư duy cũng như cảm giác của khán giả: nhạc hào hứng, bừng sáng khi bắt đầu chương trình, nhạc sôi động, thúc giục khi cổ động, nhạc gay cấn khi các đội suy nghĩ, nhạc cổ vũ khi các đội trả lời, nhạc hồi hộp khi công bố kết quả… Tính đồng bộ cao trong “Đường Tới Thành Công” không chỉ làm nên sự khác biệt mà còn mang đến cho chương trình một hình ảnh hết sức chuyên nghiệp, hiện đại và tầm cỡ của một chương trình truyền hình kinh tế.
Tính giải trí cao
Là một chương trình trò chơi truyền hình, tự thân “Đường Tới Thành Công”
đã mang yếu tố giải trí trong đó. Tuy nhiên, do là một chương trình được phát sóng
trên kênh VTV1 nên tính giải trí của “Đường Tới Thành Công” có những đặc điểm riêng và được tiết chế phù hợp. Hình thức tranh đua giữa các đội chơi thông qua lý
lẽ, sự biện luận, khá năng ứng phó và kiến thức mang tới tâm lý chờ đợi, mong ngóng cho khán giả. Bên cạnh đó, với sự dí dỏm, thông minh của các bạn sinh viên chuyên ngành kinh tế càng làm cho chương trình tăng thêm phần hấp dẫn, vui vẻ.
Sự đánh giá, chấm điểm và nhận xét của các chuyên gia cũng không nặng nề, gay gắt mà ngược lại, manh tính chất định hướng, gợi mở, và chính các vị giám khảo còn làm chương trình thêm phần thú vị. Bên cạnh đó, việc tiếp tục khai thác triển để yếu tố hoạt hình trong chương trình cũng mang lại những điều hấp dẫn cho chương trình. Ở cả 3 vòng thi, khi các đội suy nghĩ, minh họa là hình ảnh các chú Mquiz - biểu tượng may mắn gắn với từng đội đang lao động… Mỗi đội thi đấu gắn với một biểu tượng may mắn với nhân vật Mquiz trong các vai khác nhau: Mquiz luật sư, Mquiz võ sư, Mquiz họa sỹ … Bằng việc sử dụng các yếu tố này, tính vui vẻ, nhẹ nhàng của chương trình được đẩy lên cao mang đến cho khán giả những giây phút vừa thư giản vừa có được những bài học hữu ích.
Hình 2.3. Trường quay chương trình “Đường Tới Thành Công”