CHƯƠNG 3: THÀNH CÔNG, HẠN CHẾ VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH “CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG – CEO”
3.2. Hạn chế của chương trình
Mặc dù đã đạt được những thành công hết sức đáng kể trong lịch sử 10 năm tồn tại của mình. Nhưng trên thực tế, chương trình “Chìa Khoá Thành Công – CEO” vẫn còn tồn tại một số vấn đề còn hạn chế cần được chỉ ra để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian sắp tới. Trong khuôn khổ luận văn này, tác giả đưa ra một
số nhận định dựa trên quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, quan sát và trực tiếp làm việc của mình.
Tính giả định cao
Mặc dù nội dung các chủ đề chương trình đưa ra luôn được khán giả đón nhận và đánh giá cao về tính thời sự và thực tế. Tuy nhiên, về hình thức thể hiện chương trình vẫn còn có nhiều yếu tố giả định.
Thứ nhất, người chơi tham gia giải quyết vấn đề không phải là chủ thể trực tiếp đang phải đối mặt với vấn đề đó. Ví dụ, trong chương trình “Chìa Khoá Thành Công – CEO” SME 2015 số 19 với chủ đề “Mua bán và sáp nhập – Tiến thoái lưỡng nan”, người chơi chính tham gia trong vai trò CEO để giải quyết vấn đề là Giám đốc của một sàn giao dịch bất động sản Hà Nội. Nhưng khi tham gia vào chương trình, người chơi sẽ phải đặt mình vào vị trí CEO của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sữa và nước hoa quả. CEO sẽ phải giải quyết một vấn đề liên quan đến hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp với những quan điểm, lập luận do chương trình yêu cầu. Tương tự, đối với những người chơi tham gia trong vai trò phản biện, họ cũng là các doanh nhân đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác nhau. Khi tham gia chương trình, họ sẽ đứng trên quan điểm, lập trường đối lập với CEO của chương trình để gây nên những mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm. Dựa trên những quan điểm, lập luận mà chương trình đưa ra, các người tham gia chương trình sẽ phải phát triển, mở rộng hay đào sâu tìm hiểu để đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục hơn để bảo vệ quan điểm đó. Không ít doanh nhân vào cuối buổi khi được người dẫn chương trình phỏng vấn về cảm nghĩ thì họ cho rằng, bản thân họ ngoài đời thực tế điều hành doanh nghiệp ở lĩnh vực khác và chưa gặp phải vấn đề của doanh nghiệp trong chương trình đó. Bên cạnh đó, một số khác lại cho rằng, trên thực tế họ đồng tình với quan điểm của bên đang có mâu thuẫn với quan điểm của mình. Do đó, việc phải nói lên quan điểm, ý kiến trái ngược với mong muốn của mình khiến họ gặp không ít khó khăn khi chuẩn bị. Trên thực tế, điều này mang đến khá nhiều bất lợi cho chương trình, khi những người chơi họ không được chia sẻ hết những kiến thức, kinh nghiệm thực của mình. Các vấn đề kỹ thuật, hay những nội dung trọng yếu liên quan đến từng lĩnh vực ngành nghề sẽ không được chia sẻ do bản thân họ không phải là những người trong ngành
đó. Các thông tin, kiến thức người chơi đưa vào có thể thiếu chính xác do không tìm hiểu hết các đặc thù của từng lĩnh vực. Thậm chí, một số chơi còn bị đuối sức, lạc
đề do gặp phải những chủ đề quá sức với họ. Điều này sẽ làm giảm nội dung chất lượng chương trình cũng như tạo rào cản tâm lý cho người chơi. Đây là một trong những điểm hạn chế rất đáng lưu tâm và là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến chương trình còn có tính giả định cao.
Ngoài ra, một điểm hạn chế khác của chương trình nhận được nhiều ý kiến của khán giả đó nội dung thảo luận giữa CEO và nhóm phản biện ở phần một của chương trình. Trong số những người được phỏng vấn có 76,1% cho rằng nên điều chỉnh cách thức thể hiện nội dung của phần một để hấp dẫn hơn. Trong đó, có không ít khán giả gửi ý kiến góp ý cho rằng “phần tranh luận giữa CEO và nhóm
phản biện cần đi vào giải pháp thực tế hơn là tranh biện ai đúng, ai sai”. Thực tế
cho thấy, có khá nhiều chương trình có nội dung phần một còn kém phần hấp dẫn cuộc tranh biện giữa CEO và nhóm phản biện thiếu chiều sâu, thiếu thông tin...
Nhiều chương trình chỉ mới dừng lại ở cuộc tranh luận lòng vòng, lặp ý của người chơi chính với những người chơi khác. Họ không đi sâu được vào bản chất vấn đề
và tạo ra kịch tính cho chương trình. Trong một số chương trình khác do người phản biện lấn át vai trò CEO tạo ra những cuộc tranh biện có phần hơi quá đà nhưng hàm lượng thông tin ít, chất lượng nội dung chưa cao.
Tính dự báo thấp
Một trong những chức năng quan trọng của các thông tin, chương trình liên quan đến kinh tế là tính dự báo. Thông thường, các thông tin dự báo thường được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích khoa học về các dữ liệu đã thu thập được. Đồng thời, được các chuyên gia nghiên cứu, tiên đoán dựa trên các số liệu thu thập và được xử lý trong quá khứ và hiện tại. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động dự báo có vai trò rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp nhận biết và phát hiện ra những xu hướng, những thay đổi của thị trường và môi trường xung quanh. Đồng thời, đây là những thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp kịp thời có những điều chỉnh phù hợp trước các vấn đề còn tồn tại trong bộ máy hay hoạt động của mình. Trong chương trình “Chìa Khoá Thành Công – CEO”
các thông tin mang tính dự báo đã được đưa ra và lồng ghép vào nội dung. Ví dụ,
trong chương trình “Chìa Khóa Thành Công – CEO” số 12 với chủ đề “Cạnh tranh thời hội nhập – Lựa chọn chiến lược” lời giới thiệu của người dẫn chương trình có đoạn : “Thưa quý vị, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế
khu vực và thế giới. Và khi cộng đồng kinh tế chung AEC chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm sẽ là lúc nước ta thực sự hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp VN, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng gay gắt. Và với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì sự cạnh tranh với các đối thủ AEC sẽ còn khốc liệt hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, hầu hết trong các chương trình, thông tin mang tính dự báo đều dừng lại ở mức độ lời dẫn giới thiệu hơn là đi vào phân tích, đánh giá. Trong phần nội dung chương trình, các thông tin mang tính dự báo có thể sẽ được các người chơi, chuyên gia nhắc lại và lồng ghép vào nội dung trao đổi. Nhưng các nội dung này cũng chỉ dừng lại ở việc minh họa thêm cho quan điểm, ý kiến của người tham gia, nội dung thông tin dự báo không phải là điểm chính. Đối với một chương trình kinh tế, các thông tin liên quan đến dự báo như vậy là có phần hạn chế, nếu không nói là quá ít. Điều này sẽ không mang đến cho nội dung chương trình sự toàn diện
và giải quyết thấu đáo các vấn đề. Đồng thời, sẽ không giúp cho các người chơi lĩnh hội thêm các thông tin cần thiết cũng như tăng kỹ năng dự báo và phân tích thị trường.
Tính khả dụng chưa cao
Tính khả dụng ở đây được hiểu là khả năng áp dụng các giải pháp chương trình đưa ra cho doanh nghiệp. Trong các chương trình “Chìa Khóa Thành Công – CEO” những giải pháp mà các chuyên gia đưa ra hầu hết được đánh giá rất cao.
Trong cuộc điều tra khảo sát, khi được hỏi về điểm đặc sắc nhất về nội dung của chương trình Chìa Khoá Thành Công – CEO SME 2014 mang đến sự hấp dẫn cho khán giả thì 55,3% ý kiến cho rằng đó là giải pháp của các chuyên gia trong chương trình. Tỷ lệ này cao nhất trong số các mục khác mà tác giả liệt ra của câu hỏi nằm trong bảng điều tra. Tuy nhiên, một trong những điểm khiến nhiều doanh nhân, đặc biệt đối với những người đã tham gia chương trình băn khoăn là khả năng áp dụng các giải pháp do các chuyên gia đưa ra chưa cao. Nguyên nhân là trong mỗi chương
trình, các chuyên gia mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các giải pháp, các gợi ý cho vấn
đề mà chưa có sự hướng dẫn cụ thể cách thức áp dụng. Thông thường, một chủ đề của chương trình sẽ được chia ra làm hai phần và phát sóng trong hai tuần. Tuần thứ nhất với phần một, chương trình sẽ đặt vấn đề thông qua cuộc tranh luận giữa CEO
và các đối tượng liên quan. Ở phần này, hầu hết nội dung chỉ xoay quanh cuộc tranh luận, bảo vệ ý kiến, quan điểm của các bên chứ không đưa ra bất kỳ giải pháp hay kết luận nào. Ở phần thứ hai, các chuyên gia sẽ làm việc với CEO thông qua việc chất vấn và đưa ra giải pháp cho vấn đề. Với thời lượng 45 phút, thông thường phần chất vấn của chuyên gia với CEO diễn ra trong vòng 30 – 35 phút, thời gian còn lại dành cho phần kết luận giải pháp và các vấn đề khác của hậu kỳ. Như vậy, phần kết luận giải pháp của các chuyên gia thông thường chỉ diễn ra trong vòng 10 – 12 phút.
Do đó, ở phần này các chuyên gia chỉ mới đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp mà chưa có sự hướng dẫn cụ thể cũng như cách thức ứng dụng các giải pháp này cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, mỗi doanh nghiệp với đặc thù nghề nghiệp và lĩnh vực khác nhau sẽ cần có những hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng các giải pháp mà chương trình đưa ra khi gặp tình huống tương tự. Đồng thời, các giải pháp đó còn cần có thêm những khuyến cáo của các chuyên gia để các doanh nghiệp áp dụng không bị rập khuôn, cứng nhắc. Thậm chí, chương trình còn chưa có sự thống kê, kiểm tra kết quả áp dụng các giải pháp tại doanh nghiệp mà các chuyên gia đưa ra nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Những vấn đề hạn chế này ít nhiều ảnh hưởng đến chương trình và hạn chế sự hoàn chỉnh trong nội dung của CKTC – CEO.
Bảng 3.4: Tổng hợp kết quả đánh giá của khán giả điểm đặc sắc nhất về nội dung của chương trình mang đến sự hấp dẫn cho khán giả (Đơn vị: số lượng: người; tỷ lệ: %)
STT Điểm đặc sắc của nội dung Số lƣợng Tỷ lệ
1 Format chương trình 8 17%
2 Các chủ đề và Nội dung được đưa ra giải quyết 22 46.8%
3 Các Clip phim tình huống đề bài 10 21.3%
4 Nội dung cuộc tranh luận giữa CEO và nhóm phản biện
21 44.7%
5 Cuộc trao đổi giữa chuyên gia và CEO 25 53.2%
6 Giải pháp của các chuyên gia trong chương trình 26 55.3%
7 Lời giới thiệu và dẫn dắt của người dẫn chương trình
11 23.4%