Xây dựng, củng cố chính quyền kết hợp với phát triển văn hoá, giáo dục và y tế

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo xây dựng chính quyền phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1975) (Trang 37 - 45)

CHƯƠNG 1: ĐẢNG BỘ HÀ NỘI LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM 1968

1.3. Xây dựng chính quyền kết hợp với ổn đinh đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chiến tranh

1.3.2. Xây dựng, củng cố chính quyền kết hợp với phát triển văn hoá, giáo dục và y tế

Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố, các cấp chính quyền thực hiện đẩy mạnh không ngừng công tác tư tưởng văn hoá. Khi bước vào chiến tranh, Thành phố đã xác định: “Phải kịp thời chuyển hướng về tư tưởng, nội dung,

tổ chức, quyết tâm khắc phục khó khăn, trở ngại để bảo đảm cho sự nghiệp giáo dục phát triển, phù hợp với hoàn cảnh mới” [2; tr 181].

Đảng uỷ các cấp xác định đây là một mặt trận quan trọng trong chiến đấu và bảo vệ thủ đô Hà Nội. Công tác về tư tưởng văn hoá có vững mới có thể vận động quần chúng thủ đô đi đúng hướng theo đường lối lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, mặc dù trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vẫn phải được đảm bảo.

Thực hiện chủ trương trên của Đảng bộ Hà Nội, chính quyền thành phố

đã chỉ đạo đưa 10 vạn học sinh nội thành được sơ tán theo phương thức gửi về các trường lớp ngoại thành. Mặt khác, thành phố đã tổ chức những lớp học sơ tán tập trung nội trú phân tán về các thôn xóm và tổ chức theo lớp học thời

chiến, cơ động, linh hoạt, quân sự hóa và bảo đảm an toàn. Những trường cấp

ba có vị trí trung tâm thành phố được chuyển ra ngoại thành. Chủ yếu là sơ tán về các nông - lâm trường ngoại thành vừa bảo đảm an toàn, vừa kết hợp học đi đôi với hành và lao động sản xuất.

Nhờ công tác xây dựng chính quyền đảm bảo khoa học nên những nhiệm vụ về văn hoá giáo dục được thủ đô thực hiện tốt. Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc tạo ra đội ngũ trí thức tương lai trong xây dựng và phát triển thủ đô sau hoà bình. Từ năm 1965 đến năm 1968, Hà Nội tổ chức được cho 5 vạn học sinh vỡ lòng tới lớp, 24 vạn học sinh phổ thông vẫn được tiếp tục học tập. Hà Nội tiếp tục thực hiện phổ cập cấp I, đáp ứng nhu cầu học sinh cấp II, đảm bảo 60% học sinh tốt nghiệp lớp 7 được vào học cấp III. Từ năm

1965, Hà Nội đã hình thành một hệ thống các trường trung học, sơ học chuyên nghiệp theo các ngành kinh tế, văn hoá. Năm 1969, toàn thành phố có

37 trường sơ trung học, quy mô nhỏ, khoảng 200-300 học viên. [2, tr 182]

Tuy nhiên, do hoàn cảnh có chiến tranh nên ngành giáo dục vẫn còn một số hạn chế: thứ nhất, vẫn chưa thu hút được các cháu trong độ tuổi đi học mẫu giáo, vỡ lòng. Tỷ lệ học sinh đi học cấp I, II và III còn chưa đảm bảo liên tục trong các năm. Cơ sở vật chất thiếu nghiêm trọng, trường hợp học 3 - 4 ca khá phổ biến, cán bộ giảng dạy thiếu và yếu, chất lượng đào tạo thấp. Nhìn chung, chất lượng giáo dục giảm sút so với trước 1965.

Vì vậy, Đảng bộ Hà Nội đã chỉ đạo Uỷ ban Hành chính thành phố sắp xếp, tổ chức lại ngành giáo dục. Đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp. Theo đó,

hệ thống mẫu giáo mầm non được quan tâm hơn về chất lượng trường lớp và phụ cấp phần ăn cho trẻ. Giáo dục phổ thông được cơ cấu, phân công nhiệm

vụ phù hợp với thời chiến. Đảm bảo việc dạy học và triển khai các phong trào lao động sản xuất. Hệ thống các trường chuyên nghiệp được phân thành 12 trường theo nguyên tắc: Trường chuyên nghiệp tổ chức theo chuyên ngành do

người có chuyên môn quản lý, có nhiệm vụ đào tạo cho nhu cầu chung của thành phố; mỗi trường chuyên nghiệp tuỳ theo yêu cầu có thể đào tạo cán bộ trung học và sơ học; quy mô trường chuyên nghiệp địa phương khoảng 500-

1000 học viên. [26; tr 126]

Bên cạnh đẩy mạnh công tác giáo dục, Đảng bộ và chính quyền các cấp không ngừng đẩy mạnh hoạt động văn nghệ, thông tin truyền thanh. Cùng với

cả nước, phong trào “tiếng hát át tiếng bom” vang lên khắp các nhà máy, xí nghiệp, khắp các làng xã trong thành phố. Trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, cả nước với tinh thần sục sôi giải phóng Tổ quốc. Có thể nói, văn nghệ

đã góp phần làm nên thành công của cuộc kháng chiến. Văn hoá nghệ thuật thực sự có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng, đi vào trái tim hàng triệu người một cách chân thực và sinh động. Mặt trận đó tạo ra nguồn sống mạnh mẽ nuôi dưỡng tinh thần bộ đội, tạo thêm sức mạnh cho người lính tự tin vượt qua hy sinh mất mát. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, những bản nhạc, những bài thơ, những trang văn đã “thổi” vào lớp thanh niên thủ đô nói riêng và cả nước nói chung một khí thế hừng hực sẵn sàng ra trận, kêu gọi, thôi thúc họ đến nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến đấu.

Chính vì sức mạnh của mặt trận văn hoá, Đảng bộ thủ đô đã chỉ đạo chính quyền các cấp phải thường xuyên phát động phong trào ca hát chống

Mỹ sâu rộng trong thanh thiếu niên, trong học sinh sinh viên và trong các nhà máy xí nghiệp. Hệ thống truyền thanh được củng cố và tăng cường, đã tổ chức nhiều chương trình có nội dung sâu sắc, thiết thực giáo dục tư tưởng, tình cảm, ý chí quyết tâm chống Mỹ và phổ biến khoa học kỹ thuật sản xuất vào đời sống.

Mặt khác, cùng với đẩy mạnh phát triển văn hoá, giáo dục, chính quyền thành phố không ngừng tăng cường công tác y tế để thiết thực phục vụ chiến đấu. Tính riêng năm 1965, Thành phố đã đào tạo được gần 200 bác sĩ và hơn

500 y sĩ, tăng gấp đôi so với năm 1964. Các cơ sở điều trị có 4.300 giường bệnh với 20 bệnh viện, 113 bệnh xá, 32 nhà điều dưỡng và 120 trạm y tế, nhà

hộ sinh. [2; tr 184]. Đặc biệt, công tác cứu chữa nạn nhân trong chiến tranh

phá hoại của giặc Mỹ được giải quyết tốt ngay từ tuyến cơ sở và giải quyết triệt để ở tuyến trên, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Hệ thống tổ chức y

tế của Hà Nội đã thực sự phát huy được hiệu quả trong chiến tranh đã chứng

tỏ sự chỉ đạo và tổ chức hệ thống y tế thời chiến của thành phố là rất hiệu quả, kịp thời và nhanh chóng. Hệ thống y tế thời chiến được kiện toàn đến cấp khu phố và xã. Theo đó, mỗi khu phố và xã được trang bị những thiết yếu phục vụ công tác cứu thương và có cán bộ y tế trực tiếp đảm nhiệm công việc.

Bên cạnh đó, để ổn định đời sống nhân dân, Đảng bộ chỉ đạo chính quyền thành phố phát động phong trào xây dựng các cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đặc biệt, phong trào làm giếng khơi, nhà tắm, làm hố xí hai ngăn đã được phát triển mạnh ở ngoại thành. Đến năm 1968, cả ngoại thành đào được gần 20.000 giếng khơi, căn bản chấm dứt dùng nước ăn ở giếng đất công cộng, hầu hết các gia đình ở nông thôn làm được hố xí hai ngăn. [26; tr127]

Tháng 3-1968, Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế và từ tháng 11-1968 tuyên bố ngừng hoàn toàn ném bom miền Bắc. Quân và dân Hà Nội vẫn đề cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu đồng thời tranh thủ thời gian hòa bình để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Các kỳ họp của Ủy ban Hành chính thành phố tập trung thảo luận

và quyết nghị về kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, chuyển các hoạt động của thành phố từ thời chiến sang thời bình, khắc phục dần tình trạng buông lỏng quản lý, đầu tư phát triển công nghiệp địa phương, nông nghiệp và thủ công nghiệp để góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân sau chiến tranh. Trước hết, phải chuyển phương thức lãnh đạo và làm việc sang điều

kiện thời bình, nhanh chóng khắc phục những thiếu sót trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, Đảng bộ Hà Nội đã phát động cuộc vận động cải tiến tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý kinh tế - xã hội, giảm nhẹ biên chế chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động của thành phố sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

1.3.3. Xây dựng củng cố chính quyền gắn với huy động sức người, sức của cho tiền tuyến những năm 1965-1968

Hướng về miền Nam đang chiến đấu, các cấp chính quyền tổ chức được những phong trào rộng lớn chi viện cho chiến trường. Mở đầu là phong trào “ba sẵn sàng” của thanh niên thủ đô xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Chỉ sau một tháng Mỹ đánh phá miền Bắc, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, đoàn thể, đã có 20 vạn nữ thanh niên đăng ký phong trào “ba đảm đang” thực sự gánh vác nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu cho người thân ra chiến trường. Công tác động viên quân sự được coi là công tác trọng tâm của các cấp chính quyền...Các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố, của Uỷ ban hành chính, của Hội đồng nghĩa vụ thành phố đều nhấn mạnh dù trong bất

cứ tình huống nào cũng phải làm tốt việc vận động tuyển quân, kiên quyết đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho tiền tuyến. Tất cả hệ thống chính quyền và các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, công đoàn… đều phải tổ chức triển khai để thực hiên bằng được bốn yêu cầu: đủ số lượng, chất lượng tốt, đúng thời gian, đúng chính sách...giải quyết tốt giữa sản xuất và chiến đấu, giữa kinh tế với quốc phòng, giữa chi viện tiền tuyến với củng cố hậu phương.

Nhờ sự cố gắng của các cấp chính quyền và đoàn thể quần chúng thành phố luôn luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu. Chỉ trong năm 1965, thành phố đã động viên được 15.000 người vào quân đội thường trực, bằng số quân tuyển trong 5 năm 1959-1964 cộng lại [2; tr190]. Các hình thức xây dựng “Đội thanh niên

dự bị tiền tuyến”, tổ chức rèn luyện 5 môn thể thao quốc phòng, chuẩn bị cho

thanh niên nhập ngũ đã thu hút hàng vạn người tham gia. Năm 1967, được sự chỉ đạo của chính quyền, đoàn thanh niên thành phố đã có sáng kiến phát động các tháng tòng quân giết giặc với khẩu hiệu: “tiền tuyến gọi thanh niên

ba sẵn sàng thủ đô lập tức lên đường chiến đấu” hoặc “tiền tuyến cần bao nhiêu thanh niên Hà Nội có bấy nhiêu”.

Năm 1968, để đáp ứng yêu cầu tiền tuyến tổng tiến công nổi dậy, với

sự cố gắng của các cấp chính quyền, Hà Nội đã giao quân bằng cả hai năm

1966, 1967 cộng lại [2, tr191]. Ngành công nghiệp thủ đô đã động viên 1/3 lực lượng biên chế vào bộ đội. Nhiều xã ngoại thành mỗi năm có hàng trăm thanh niên lên đường nhập ngũ.

Tính chung trong 3 năm (1965-1968), chính quyền thành phố đã tuyển hơn 40.000 quân và hàng chục nghìn thanh niên xung phong. Chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo chỉ đạo các ngành, các cấp cung cấp cho quân đội hàng vạn công nhân kỹ thuật. Uỷ ban Hành chính Hà Nội đã kết hợp với Bộ tư lệnh thủ

đô trực tiếp tổ chức huấn luyện quân tăng cường với số lượng hàng chục tiểu đoàn, đáp ứng cả yêu cầu về thời gian và chất lượng huấn luyện và quân số.

Một số đơn vị của Bộ tư lệnh thủ đô vào chiến đấu ở chiến trường khu V đạt hiệu quả cao và lập công xuất sắc.

Được sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền thành phố các nhà máy cơ khí chủ chốt của Trung ương như: Công cụ số 1, Xe lửa Gia Lâm, Cơ khí Trần Hưng Đạo…đã tham gia sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng phục vụ chiến đấu và vận tải. Hàng chục xí nghiệp địa phương cũng tham gia sản xuất nhiều loại quân trang, quân dụng cho bộ đội như giầy dép, quần áo…Nhiều hợp tác

xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất những mặt hàng chủ yếu phục vụ quốc phòng như hợp tác xã may Đại Đồng, dệt Thành Công…Hà Nội đã thực sự phát huy vai trò là một trung tâm công nghiệp của miền Bắc trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nhìn chung, dựa trên sức mạnh của quân và dân thủ đô, Hà Nội đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa sản xuất, đảm bảo chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Bên cạnh đó, cần khẳng định Đảng bộ thành phố đã luôn theo sát tình hình, đề ra chủ trương đúng đắn và có sự điều hành linh hoạt của chính quyền thành phố nên nhân dân thủ đô đã đạt được những thắng lợi trên..

Trong những năm 1965-1968 là những năm tháng đầy khó khăn của lịch sử đất nước và thủ đô Hà Nội. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, với bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân vững mạnh, cùng với cả nước, quân dân thủ đô đã làm nên những kỳ tích trong sản xuất, chiến đấu và chi viện tiền tuyến. Chỉ trong 04 năm (08-1964 đến 11-1968) quân dân thủ đô

đã làm nên những chiến công vang dội. Tính riêng Hà Nội đã bắn rơi 258 chiếc trong tổng số 3.243 máy bay Mỹ toàn Miền Bắc tiêu diệt [2;tr 167].

Thủ đô Hà Nội đứng vị trí thứ 4 sau các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa trong bảng vàng chiến công của các địa phương Miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Trong sản xuất, với khẩu hiệu “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, các cấp chính quyền và hợp tác xã đã huy động được hàng triệu ngày công cho phát triển nông nghiệp. Từ năm 1965 đến 1968, diện tích canh tác được mở rộng. Năng xuất lao động không ngừng nâng cao, ngày càng có nhiều hợp tác xã và nhiều địa phương đạt được “Ba mục tiêu”. Hàng chục ngàn cán bộ, công nhân kỹ thuật được đào tạo để phục vụ nông nghiệp. Trong công nghiệp, năng lực sản xuất ở một số ngành được giữ vững. Các cơ sở lớn

về công nghiệp đã kịp thời sơ tán, phân tán và sớm ổn định đi vào sản xuất, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, đời sống và chiến đấu.

Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo chính quyền tổ chức thực hiện đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường nội và ngoại thành phố. Trong 3 năm từ năm 1965-1968 với sự động viên và tổ chức của chính quyền các cấp

, Hà Nội đã động viên được 40 nghàn quân và hàng chục ngàn thanh niên xung phong nhập ngũ vào miền Nam tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. [27; tr 61]. Vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, thuốc men, lương thực ăn khô cho chiến trường được chính quyền thành phố huy động sản xuất, tiết kiệm để tập trung chuyển vào chiến trường miền Nam. Tính chung, sức người, sức của mà thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung chuyển vào miền Nam trong 4 năm đã tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước. Nguồn lực chi viện trên đây cùng với thắng lợi giành được trong chiến đấu và sản xuất của quân dân thủ đô cho thấy Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo sáng suốt, kịp thời tình hình chiến đấu. Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền thành phố đã phát huy được sức mạnh của một chính quyền thủ đô, nơi có bộ máy đầu não của

cơ quan Trung ương.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo xây dựng chính quyền phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1975) (Trang 37 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)