CHƯƠNG 2: ĐẢNG BỘ HÀ NỘI ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI, PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC TỪ NĂM 1969 ĐẾN NĂM 1975
2.3. Xây dựng chính quyền gắn với chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chi viện chiến trường miền Nam, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1969- 1975)
2.3.2. Xây dựng củng cố chính quyền gắn với động viên nhân lực, vật lực chi viện tiền tuyến
Với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, Uỷ ban Hành chính Hà Nội phát động nhiều phong trào thi đua sản xuất, lãnh đạo quân dân Thủ đô đẩy mạnh nhịp độ lao động, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Hầu hết các nhà máy, nông trường, hợp tác xã nông nghiệp đều phát động tuần lễ “sản xuất vì miền Nam”, những tháng “thi đua với miền Nam”. Phong trào phát triển sâu rộng trong tất cả các ngành và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Các ngành kinh tế, văn hóa Thủ đô đều tích cực tham gia phục vụ chiến trường miền Nam. Nhiều nhà máy, xí nghiệp của Trung ương và địa phương vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất nhiều phụ tùng thay thế cho các phương tiện vận tải quan trọng phục vụ chiến đấu và tuyến vận tải Trường Sơn như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo chuyên sản xuất các loại phụ tùng xe “Gat” - loại xe dùng phổ biến trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn và quân chủng phòng không, không quân. Hệ thống các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã sản xuất quân trang trong các ngành dệt, may, nhuộm cũng tập trung phần lớn kế hoạch sản xuất phục vụ bộ đội. Các
xí nghiệp dệt kim, dệt bạt cung cấp đầy đủ và kịp thời theo yêu cầu quốc phòng. Các xí nghiệp may X40, X10 chuyên may quân phục, phụ hiệu, cấp
hiệu, áo tăng, áo pháo, áo mưa, bao đạn, bao gạo... Xí nghiệp giầy vải Thượng Đình sản xuất mũ cứng, giầy vải... Nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất những mặt hàng chủ yếu phục vụ quốc phòng như hợp tác xã may Đại Đồng, dệt Thành Công.
Bên cạnh đó, các xí nghiệp dược phẩm ở Thủ đô tích cực sản xuất nhiều loại thuốc men phục vụ bộ đội. Hưởng ứng và chào mừng cuộc tổng tiến công và nổi dậy của đồng bào miền Nam, cán bộ công nhân xí nghiệp dược phẩm II đã thi đua sản xuất tấn thuốc thứ 100 gửi ra tiền tuyến và tổ chức gửi tặng đồng bào chiến sĩ miền Nam 10 tấn thuốc các loại. Một số xí nghiệp chế biến thực phẩm cũng đảm nhiệm sản xuất khối lượng lớn thức ăn khô cho chiến trường.
Từ đầu năm 1973, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, UBHC đã chỉ đạo các cấp các ngành đẩy mạnh chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Trước nhu cầu lớn và khá căng thẳng về giao thông vận tải phục
vụ đời sống và sản xuất của nhân dân thành phố sau chiến tranh, ngành vận tải Thủ đô đã cử 3 công ty vận tải (công ty vận tải thương nghiệp, công ty vận tải xây dựng và công ty vận tải hàng hóa) nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chi viện cho Quảng Trị. Việc củng cố hệ thống giao thông Thủ đô để tăng cường lực lượng chuyển tải qua trạm trung chuyển, đưa thêm nhiều hàng hóa, trang bị vào chiến trường có ý nghĩa rất to lớn.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố, mặc dù gặp nhiều khó khăn, vừa sản xuất vừa chiến đấu nhưng Uỷ ban Hành chính thành phố luôn xác định trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu chi viện cho tiền tuyến. Chính quyền thành phố chỉ đạo trong tuyển quân phải đảm bảo các yêu cầu: bảo đảm số lượng đủ, chất lượng tốt, đúng thời gian, đúng chính sách và giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất và chiến đấu, giữa kinh tế và quốc phòng, giữa yêu cầu chi viện cho tiền tuyến và củng cố hậu phương.
Nhờ vậy mà công tác động viên tuyển quân của thành phố luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi.
Sau khi chiến tranh phá hoại vừa kết thúc, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn về khôi phục kinh tế - xã hội, chính quyền thành phố vẫn xác định phải tăng cường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Quân và dân thủ đô đều tự nguyện dành một phần lương hoặc thóc, tham gia sôi nổi phong trào "Toàn dân góp quỹ nuôi quân đánh Mỹ", phấn đấu từ "thóc
đủ cân, quân đủ người" lên "thóc thừa cân, quân thừa người". Năm 1970, toàn thành phố có 4.440 thanh niên nhập ngũ, vượt mức Trung ương giao 7,5%;
năm 1971 tăng lên 7.529 người, vượt chỉ tiêu 5,6%. [26; tr 134]. Năm 1974,
việc huy động nhân lực cho yêu cầu xây dựng và khôi phục kinh tế của thành phố rất khẩn trương nhưng tuyển quân của Thủ đô vẫn vượt chỉ tiêu đề ra với 4.059 tân binh, đạt 101,4% kế hoạch [3; tr 494]. Bộ tư lệnh Thủ đô trực tiếp
tổ chức huấn luyện quân, tăng cường hàng chục tiểu đoàn, đáp ứng cả yêu cầu
về thời gian khẩn trương, chất lượng huấn luyện và quân số. Phong trào tòng quân của thanh niên Thủ đô cũng sôi nổi chưa từng có. Thanh niên các khu phố và làng xã ngoại thành nô nức lên đường nhập ngũ “ra đi trong tiếng súng chiến thắng”. Năm 1975, thành phố đó tuyển quân được 8.212 người, đạt 108
% kế hoạch, đây là một trong những năm đạt kế hoạch cao nhất. [26; tr 135]
Trong giai đoạn nước rút của cuộc chiến, cùng với quân dân cả nước,
Hà Nội cũng thành lập các binh đoàn hùng mạnh hành quân thần tốc chớp thời cơ đánh nhanh, đánh mạnh tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hà Nội góp phần cung cấp, tiếp ứng về vận tải, đảm bảo hỗ trợ về hậu cần. Thực hiện sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ và chính quyền thành phố cũng đã tập hợp lực lượng cán bộ quân sự và dân sự, cả về thực lực
và kinh nghiệm cho miền Nam (đặc biệt là Huế - Đà Nẵng - Sài Gòn) để ổn định và phát triển tình hình kinh tế - xã hội sau khi giải phóng.
Ngày 15-4, Hội đồng nhân dân thành phố, khóa VI kỳ họp thứ 4 đã gửi thư tới đồng bào và chiến sĩ Huế - Sài Gòn: “Hà Nội luôn sát cánh với Huế - Sài Gòn kết nghĩa”. Tất cả các ngành đều sôi nổi cử người đi phục vụ tiền tuyến. Đó là các bác sĩ, y sĩ ở các bệnh viện, công nhân bậc cao đủ mọi nghề nghiệp trong các nhà máy, công trường, các cán bộ ở nhiều cơ quan đơn vị.
Chỉ tính riêng việc huy động cho quân đội trong 10 năm trực tiếp chiến đấu với giặc Mỹ, Hà Nội đã tiến hành 29 đợi tuyển quân, động viên hơn 8,6 vạn thanh niên, quân dự bị bổ sung cho các quân binh chủng và trực tiếp chi viện cho các chiến trường. So với chỉ tiêu được giao đạt 102,7% và so với dân số thành phố chiếm tỷ lệ 7,04%. Hàng nghìn gia đình có từ 2 đến 6 - 7 con đi bộ đội. Hàng trăm gia đình có một con trai độc nhất cũng xung phong tình nguyện nhập ngũ. Hà Nội đã động viên cho chiến trường với chất lượng quân đội khá cao. Trong 10 năm đó thành phố đã động viên cho quân đội 5.107 đảng viên, 36.425 đoàn viên, 163 bác sĩ, 168 y sĩ, 362 kỹ sư, 137 trung cấp kỹ thuật và 3.354 thợ các loại. Số học sinh cấp III và sinh viên đại học chiếm 35,1% quân số động viên của thành phố. [2; tr 252]
Hà Nội có 11.561 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp
vẻ vang của đất nước. Trong hàng vạn gia đình liệt sĩ có hơn 700 gia đình có
từ 2 đến 5 con là liệt sĩ. [2; tr 253]. Trong những năm tháng gian khổ, dưới
sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, nhân dân thành phố, tất cả các ngành các giới, từ công nhân trong các nhà máy xí nghiệp đến nông dân các hợp tác xã ngoại thành, xã viên của hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, cán bộ, trí thức, học sinh, sinh viên, tất cả đem hết sức mạnh cho sự nghiệp chung của cả nước, xứng đáng là người dân Thủ đô của một dân tộc anh hùng.
Trong công cuộc kháng chiến, cùng cả nước đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, với sức người sức của to lớn, Hà Nội đó góp phần cùng cả
nước đi tới đích vinh quang. Trong chiến công chung chói lọi của ngày toàn thắng, Hà Nội đáng tự hào luôn luôn giữ vững được vai trò vị trí và trách nhiệm của Thủ đô. Làm trọn được sứ mệnh vẻ vang đó phải nói đến vai trò to lớn của chính quyền các cấp đã quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của trung ương cũng như thành uỷ Hà Nội, kịp thời nêu ra những chủ trương biện pháp cụ thể để thực hiện.