CHƯƠNG 2: ĐẢNG BỘ HÀ NỘI ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI, PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC TỪ NĂM 1969 ĐẾN NĂM 1975
2.3. Xây dựng chính quyền gắn với chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chi viện chiến trường miền Nam, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1969- 1975)
2.3.1. Xây dựng, củng cố chính quyền gắn với ổn định phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân những năm 1969-1975
Về khôi phục kinh tế, năm 1969, thành phố đã căn bản hoàn thành chuyển các cơ sở và các hoạt động từ nơi sơ tán về thành phố. Chính quyền
Hà Nội đã khắc phục được một bước khó khăn về các mặt nguyên liệu, năng lượng bằng cách ban hành quyết định về tiết kiệm điện, xăng dầu, chất đốt…Một số các xí nghiệp được bố trí, cơ cấu lại hoặc cải tạo và mở rộng.
Nhiều chỉ tiêu đạt hoặc vượt mức trước chiến tranh, trong đó riêng sản lượng công nghiệp địa phương năm 1970 tăng 42% so với năm 1965. Đặc biệt, Đảng
bộ thành phố chủ trương đẩy mạnh các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hàng tiêu dùng,…Vì đây là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và chiến đấu. Bên cạnh đó, thủ công nghiệp cũng được chính quyền thành phố quan tâm, phát triển. Giá trị sản lượng tiểu thủ công nghiệp tăng liên tục qua các năm với tốc độ bình quân 5,4%, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội của thành phố sau chiến tranh. Sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều tiến bộ; giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1970
vượt kế hoạch 5,7%; tăng 16,8% so với năm 1969. [26; tr128]
Năm 1973, sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội được Ủy ban Hành chính xác định là: kịp thời chuyển hướng các mặt hoạt động cho phù hợp với tình hình mới nhằm mau chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất,
ổn định đời sống và các mặt sinh hoạt của Thủ đô, tăng cường quản lý về mọi mặt, chuẩn bị tích cực cho những kế hoạch phát triển dài hạn. Đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm. Tích cực cải tiến công tác quản lý xí nghiệp, từng bước tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại các phòng ban
và bố trí hợp lý dây chuyền sản xuất. Trong giai đoạn này, Đảng bộ và chính quyền tập trung lãnh đạo dựa trên ba nội dung chính là: thứ nhất là động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm; thứ hai là tích cực tham gia nề nếp quản lý kinh tế, củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; thứ ba là đấu tranh xóa bỏ tệ nạn xã hội, những hiện tượng tiêu cực trong sản xuất và đời sống.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Hà Nội, chính quyền thành phố đã sắp xếp, bố trí sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn thời bình. Huy động sức mạnh toàn quân và dân thủ đô vào sự nghiệp khôi phục kinh tế - xã hội.
Về công thương nghiệp, thành phố đã chỉ đạo các khu, huyện vận động những hợp tác xã không bị thiệt hại trong chiến tranh trợ giúp các hợp tác xã
bị thiệt hại nặng về địa điểm, vật liệu, dụng cụ, lao động, thu dọn mặt bằng để nhanh chóng đi vào sản xuất. Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp của thành phố chóng ổn định trở lại sản xuất. Những cơ sở bị địch đánh phá nặng được thành phố quan tâm chỉ đạo cụ thể các bước khắc phục và tổ chức sản xuất.
Từ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ thành phố nên tình hình kinh tế sau chiến tranh phá hoại lần hai đã có bước tiến đáng kể. Cuối năm 1973, công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp đã tăng hơn năm 1970 là 22,7%
và vượt 1,5 lần so với năm 1965. [2; tr 236] Tiểu thủ công nghiệp đã được trang bị thêm nhiều thiết bị, thu hút thêm hàng nghìn lao động, sản xuất được nhiều mặt hàng mới và cải tiến các mặt hàng cũ, thêm lượng xuất khẩu có giá trị, góp phần ổn định kinh tế và đời sống. Năm 1974, công nghiệp thành phố tăng 16% so với năm 1973. [26; 131]. Các mặt hàng phục vụ đời sống căn bản đảm bảo được tiêu chuẩn, giá cả ổn định. Về căn bản, những nhu cầu thiết yếu của người dân được đáp ứng. Đây có thể xem là sự cố gắng vượt bậc và là thành công của Đảng bộ thủ đô trong việc lãnh đạo, phát huy vai trò điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, ngành với việc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Tuy nhiên, tình hình thị trường lúc này diễn biến rất phức tạp. Số tư nhân kinh doanh ngày càng tăng, nạn buôn bán đầu cơ vẫn chưa được ngăn chặn, công tác quản lý còn nhiều sơ hở. Để giải quyết những vấn nạn trên, chính quyền thành phố tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; từng bước tháo bỏ những khó khăn.
Hàng chục cửa hàng lương thực, thực phẩm được xây dựng mới và cải tạo.
Các chợ Châu Long, chợ Hôm, chợ Mơ được cải tạo và sửa chữa. Các mặt hàng phục vụ đời sống căn bản đảm bảo tiêu chuẩn, giá cả ổn định.
Trong nông nghiệp, Đảng bộ đề ra chủ trương tích cực khắc phục những vùng nông nghiệp đã bị tàn phá. Những vùng ít bị ảnh hưởng giúp đỡ cho những vùng bị ảnh hưởng bom, đạn. Đặc biệt, việc chăm sóc lại những vùng đất bị bom của đế quốc Mỹ dội xuống. Huy động sức dân cải tạo lại hệ thống thủy lợi ở các xã ngoại thành. Chính quyền thành phố chỉ đạo tích cực việc đưa giống mới ra đại trà, áp dụng kỹ thuật, chăm bón đúng quy trình, đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển mạnh trồng rau và chú trọng cây lương thực. Năm 1973, giá trị tổng sản lượng tăng 17,9% so với năm 1970. Chăn nuôi có chuyển biến đưa lên thành ngành sản xuất chính. Các hợp tác xã tổ chức chuồng trại, khôi phục đàn lợn, mức huy động thịt lợn cho Nhà nước gấp 2 lần so với năm 1971.
Năng suất lúa năm 1974 bình quân đạt 6,4 tấn/ha. [26; tr 132]
Về văn hoá giáo dục, trong những năm 1969-1972, Thủ đô nhận thêm trọng trách mới do Trung ương giao, đó là chuẩn bị lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật cho cách mạng sau khi chiến tranh kết thúc; chi viện một số lớn cán bộ, giáo viên cho vùng giải phóng miền Nam, Lào, Căm-pu-chia đang ngày càng mở rộng. Trước nhiệm vụ nặng nề đó, Uỷ ban Hành chính thành phố chủ trương: nhanh chóng mở rộng và củng cố các trường Sư phạm, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với giáo viên, lấy việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất làm khâu trọng tâm, ra sức nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tiếp tục phát triển các ngành học một cách vững chắc. Ngành giáo dục Thủ đô đã từng bước củng cố và mở rộng hệ thống. Tỷ lệ giáo viên đạt mức trước chiến tranh phá hoại, các cơ quan, xí nghiệp có đủ giáo viên bổ túc văn hoá, các trường điểm có giáo viên nhạc hoạ, nhân viên thư viện, câu lạc bộ. Cùng với giáo dục, phong trào văn hoá quần chúng, thông tin tuyên truyền, y tế cũng phát triển. Mạng lưới y tế nhân dân tiếp tục được kiện toàn và mở rộng. Công tác y
tế chăm lo sức khỏe của nhân dân cũng có nhiều tiến bộ, nhất là tổ chức phong trào vệ sinh, phòng bệnh và tăng cường mạng lưới khám bệnh. Phong trào bảo vệ bà mẹ trẻ em, xây dựng các nhóm trẻ và lớp mẫu giáo phát triển mạnh trở thành một đơn vị khá của miền Bắc.
Khi chiến tranh phá hoại lần thứ hai kết thúc, thành phố chỉ đạo đưa các trường học trở lại nội thành, ngày 12-2, các trường đều khai giảng lại, đón học sinh vào lớp. Trong khó khăn, thiếu thầy, thiếu lớp song ngành giáo dục vẫn cố gắng duy trì học tập, đáp ứng yêu cầu to lớn của con em nhân dân. Số học sinh phổ thông có 32 vạn, tăng hơn năm học 1970-1971 là 7%. Kết thúc năm học 1973-1974, số học sinh tốt nghiệp khá cao: 90% tốt nghiệp cấp I, cấp
II là 79,5%, cấp III là 70%. 100% học sinh tốt nghiệp cấp I vào cấp II, 75%
học sinh tốt nghiệp cấp II ở nội thành và 45% ở ngoại thành đã vào học cấp III. Hơn 8.000 học sinh thi đỗ vào các trường đại học [26; tr 132]. Tình trạng học nhiều ca được khắc phục một bước căn bản. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có bước phát triển mới.
Đặc biệt, đối với công tác chăm lo đời sống nhân dân, Đảng bộ thành phố đã chỉ đạo chính quyền thủ đô phải khẩn trương khắc phục những hậu quả chiến tranh. Cuộc chiến tranh 12 ngày đêm do Mỹ tiến hành đã gây ra cho
Hà Nội những thiệt hại to lớn: nhiều nơi bị đánh đi đánh lại hủy diệt nhiều lần, giết hại 2.289 người, làm bị thương hơn 1.500 người. Ngay khi Mỹ chấm dứt ném bom, Ủy ban hành chính Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo giải quyết hậu quả, cứu sập những nơi bị địch đánh phá nặng chưa làm xong; kịp thời có chế
độ trợ cấp cho các gia đình bị nạn với tổng số tiền gần 1.400.000 đồng (tương đương 4.500 tấn gạo) cho 8.930 hộ với 40.378 nhân khẩu, cung cấp hàng hóa cho nhân dân đón tết chiến thắng khá chu đáo. [142; tr 2-3]. Thành phố cũng chỉ đạo tập trung san lấp các hố bom, chuẩn bị mặt bằng để xây dựng lại những khu vực bị đánh phá. Việc cung ứng vật tư cho nhân dân và tổ chức sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại được tiến hành khẩn trương. Tính từ năm 1971,
đã có thêm 9 vạn m2 nhà ở, trong đó phân phối cho cán bộ và nhân dân 6,5 vạn m2.[2; tr 236]
Phong trào nhân dân tương trợ giúp đỡ những người bị thiệt hại trong chiến tranh được phát động rộng khắp, góp phần cùng trợ cấp của Nhà nước nhanh chóng ổn định tình hình. Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Công đoàn, Đoàn thanh niên đã có nhiều hình thức tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã đón nhận hoặc thực hiện chế độ nuôi dưỡng các cháu mồ côi. Ngày 12-1-1973, Thường vụ Ủy ban Hành chính thành phố cùng với Thường vụ Thành ủy họp liên tịch quyết định xây dựng nhà tạm bằng tranh tre cho các khu Khâm Thiên, Mai Hương,
Tương Mai và các khu có nhà bị đổ hoàn toàn. Ở ngoại thành, từng huyện tổ chức cho các xã không bị đánh phá làm nhà giúp nơi bị thiệt hại. Về công tác quốc phòng an ninh, cùng với việc lãnh đạo phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, Uỷ ban Hành chính thành phố thường xuyên chú trọng củng
cố lực lượng vũ trang, đề phòng địch đánh phá trở lại. Thực hiện Nghị quyết
20 của Thành uỷ về công tác quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô tập trung chỉ đạo, củng cố, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.