Công tác quản lý môi trường tại TP.HCM vẫn còn một số tồn tại và thách thức, cụ thể như sau:
1.8.1. Hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ môi trường.
- Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, khoáng sản vừa mới điều chỉnh, ban hành chưa kịp thời tác động tích cực đến cuộc sống, chiến lược môi trường Thành phố cần phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung.
- Nhận thức về yêu cầu bảo vệ môi trường chưa cao dẫn đến sự tuân thủ, thực hiện các nguyên tắc, biện pháp bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, xây dựng và trong cộng đồng dân cư chưa cao. Tình trạng vệ sinh tại các khu phố trong Thành phố vẫn còn kém, xả rác, phóng uế bừa bãi trên đường phố, làm suy giảm chất lượng môi trường Thành phố. Chế độ khen thưởng và chế tài, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của cán bộ – Đảng viên chưa đủ hiệu lực để tác động đến ý thức bảo vệ môi trường của các tầng lớp trong xã hội.
- Công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường đã được triển khai nhưng kết quả còn hạn chế, do chi phí xử lý chất thải không thể tăng lên để bù đắp chi phí hiện nay, chưa có chính sách khuyến khích về các khoản thu nộp ngân sách. Đây cũng là lý do làm cho việc thu hút đầu tư nước ngoài cho bảo vệ môi trường còn ít.
1.8.2. Phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.
- Quá trình công nghiệp hóa gia tăng rất nhanh trong thời gian qua đã gây áp lực mạnh lên môi trường và gia tăng mức độ khai thác các nguồn tài nguyên; hình thành mới nhiều KCN – KCX cùng với các xí nghiệp công nghiệp, nhà máy, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hiện hữu xen lẫn trong các khu dân cư;
- Số lượng doanh nghiệp tăng cao trong thời gian qua nhưng tỉ lệ đơn vị xây dựng công trình xử lý ô nhiễm không cao, không vận hành thường xuyên;
- Tình hình phát triển nhanh các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp (nhất là nuôi trồng thủy sản) tại các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải góp phần rất lớn vào việc gây ô nhiễm.
1.8.3. Đánh giá tổ chức bộ máy
- Đội ngũ cán bộ chuyên ngành còn quá ít, hệ thống cán bộ cấp cơ sở chưa được đào tạo kịp thời.
- Chưa hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Thành phố với các Sở – Ban – Ngành, quận – huyện, giữa Nhà nước với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp nhằm thống nhất hành động trong công tác quản lý môi trường, gắn với mục tiêu chung về phát riển kinh tế xã hội của Thành phố.
1.8.4. Đánh giá chi phí dành cho bảo vệ môi trường
Cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động quản lý môi trường không đầy đủ. Hệ thống quan trắc chất lượng không khí hiện đại rất ít (thông qua các dự án tài trợ của nước ngoài), thiếu các thiết bị đo đạc, lấy mẫu phục vụ cho công tác khảo sát, kiểm tra về môi trường. Chi tiết về kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn năm 2006 – 2009 (xem Bảng 1-5).
Bảng 1-5. Kinh phí sự nghiệp môi trường các năm 2006 – 2009
Đơn vị tính: 1000 đồng
Stt Năm Dự toán Quyết toán
1 2006 559.305.790,308 558.593.491,849 2 2007 728.560.960,337 728.736.993,639 3 2008 1.032.922.790,182 1.031.374.316,471 4 2009 1.148.264.000,000 1.209.745.000,000
(Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm của TPHCM từ 2005-2009)
Với những thực trạng về chất lượng môi trường của Tp.HCM và công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế như hiện nay thì vấn đề làm thế nào để xây dựng hệ thống quản lý môi trường đạt chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thông tin cho cộng đồng và các nhà quản lý để tất cả mọi người có thể cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Quản lý môi trường bằng việc xây dựng chỉ số đánh giá chất lượng môi trường là một trong những công cụ được đánh giá cao hiện nay. Chương 2 sẽ trình bày cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp xây dựng chỉ số này.