2.1.1. Khái niệm về chỉ thị và chỉ số môi trường
Hiện nay trên thế giới tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về chỉ thị và chỉ số môi trường, trong đó định nghĩa được đánh giá là tốt nhất và được sử dụng dụng rộng rãi nhất đó là định nghĩa của Viện tài nguyên thế giới (WRI). WRI đã định nghĩa về chỉ thị và chỉ số bằng việc thiết lập mô hình tháp thông tin. Với mô hình tháp này, càng lên cao, khả năng tích hợp của thông tin càng tăng, mức độ bao quát càng lớn. Vì thế dung lượng số liệu cần thiết cũng giảm dần. (Nguyễn Thị Vân Hà, 2007). Mô hình tháp thông tin được thể hiện theo 4 bậc như Hình 2-1.
Hình 2-1. Tháp thông tin
Số liệu thô: toàn bộ thông tin chi tiết nhất của môi trường tại một khu vực, một
địa phương mà chưa qua phân tích đánh giá.
Số liệu được phân tích: là bộ số liệu sau khi đã loại bỏ các số liệu không đáng
tin cậy, các số bất thường do sự cố hệ thống hay do một sai sót của kỹ thuật đo đạc
Chỉ thị: trên nền tảng số liệu đã phân tích, các chỉ thị được kết xuất để đại diện
cho một trạng thái môi trường, tài nguyên thiên nhiên hay một điều kiện nào đó có quan hệ chặt chẽ với tình trạng môi trường riêng biệt. Chúng là chỉ điểm cho sự hiện hữu của các yếu tố này trong 1 môi trường nào đó
Chỉ số: là tập hợp các chỉ thị được tích hợp hay nhân với trọng số, là công cụ được dùng để giám sát, lập báo cáo về hiện trạng và dự báo xu hướng biến đổi của MT dựa trên những tiêu chuẩn quy định.
Tại Việt Nam, một số nhà nghiên cứu cũng đưa ra quan điểm về chỉ thị và chỉ số, như quan điểm của Nguyễn Đình Hòe, Chế Đình Lý…Các quan điểm này nhìn chung đều xem chỉ số môi trường là một công cụ được tạo ra nhằm làm giảm một số lượng lớn dữ kiện thành một dạng đơn giản nhất mà có thể dễ dàng thông tin về trạng thái môi trường ở một khu vực nào đó.
2.1.2. Vai trò và chức năng của chỉ số môi trường
Chỉ số về môi trường có vai trò và chức năng cụ thể khác nhau ở từng quốc gia.
Tuy nhiên, có thể tóm tắt một số vai trò cơ bản của chỉ số môi trường như sau:
- Phản ánh hiện trạng và xu hướng biến đổi CLMT, đảm bảo tính phòng ngừa của công tác QLMT
- Cung câp thông tin cho người ra quyết định hay các nhà quản lý, các nhà hoạch định chiến lược, cân nhắc các vấn đề MT và KT-XH đảm bảo nhu cầu PTBV
- Thu gọn kích thước, đơn giản hóa thông tin để dễ quản lý, sử dụng và lưu trữ, tạo ra tính hiệu quả của thông tin
- Thông tin cho cộng đồng về chất lượng MT, nâng cao nhận thức BVMT trong cộng đồng.
Ở Việt Nam, khái niệm chỉ số được đưa ra với các vai trò và chức năng cụ thể, bao gồm: Cảnh báo (sớm); Đánh giá hoạt động; Đánh giá chính sách; Đối chiếu;
Quy hoạch và dự báo; Nâng cao nhận thức.
2.1.3. Cơ sở khoa học xây dựng chỉ thị, chỉ số môi trường
Hệ thống các chỉ thị và chỉ số môi trường trên thế giới thường được dựa vào các phương pháp luận được đề xướng bởi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm 1993. OECD đưa ra 2 mô hình như sau:
- Khung “Áp lực – Hiện trạng – Đáp ứng” (PRS = Pressure – State - Response) - Khung “Động lực – Áp lực – Hiện trạng – Tác động – Đáp ứng” (DPSIR = Driver - Pressure – State – Impact – Response)
Áp lực là những nguyên nhân gây ra những thay đổi về điều kiện môi trường;
Hiện trạng là những tác động của các hoạt động của con người lên môi trường;
Đáp ứng là những hành động thực hiện đáp ứng lại các thay đổi của trạng thái môi trường;
Hình 2-2 thể hiện mô hình Áp lực – Hiện trạng – Đáp ứng.
Hình 2-2. Mô hình Áp lực – Hiện trạng – Đáp ứng
Hình 2-3. Mô hình Động lực – Áp lực – Hiện trạng – Tác động – Đáp ứng
Mô hình “Áp lực – trạng thái – đáp ứng” thể hiện mối quan hệ giữa trạng thái kinh tế và trạng thái môi trường. Trạng thái môi trường sẽ bị biến đổi khi các hoạt động kinh tê – xã hội của con người ngày càng phát triển mạnh, tạo áp lực lên các tài nguyên và môi trường. Con người muốn bảo vệ và duy trì sự bền vững của môi trường cần có những hành động đáp ứng với các áp lực đó như thực hiện các biện pháp giảm thiểu và ngăn ngừa sự ô nhiễm môi trường.
Mô hình “Động lực – Áp lực – Hiện trạng – Tác động – Đáp ứng” mô tả sự tương tác giữa hiện trạng môi trường (S), áp lực từ phía con người (P) và các động lực trực tiếp và gián tiếp (D). Bên cạnh đó, ảnh hưởng I của các thay đổi hiện trạng môi trường và đáp ứng (R) của xã hội nhằm khắc phục những ảnh hưởng ngoài ý muốn.
Các mô hình này nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng chỉ thị và chỉ số môi trường. Các tiêu chí được lựa chọn dựa trên nguyên tắc thể hiện được đặc trưng cho ba quá trình “áp lực – trạng thái – đáp ứng”. Đồng thời việc lựa chọn cũng cần xét đến điều kiện thực tế để đảm bảo rằng các tiêu chí đó có đủ cơ sở khoa học để xác định một cách định lượng, có thể dễ thông tin và dễ hiểu (Phạm Ngọc Đăng, 2008).
2.1.4. Các tiêu chí đánh giá môi trường đô thị
Tiêu chí là một khái niệm tổng hợp được dùng để biểu thị những đặc trưng cơ bản của đối tượng nghiên cứu. Mỗi đối tượng nghiên cứu được biểu thị bằng nhiều tiêu chí khác nhau. Các tiêu chí có mối liên hệ với nhau tạo thành hệ thống có thể phản ánh toàn diện đối tượng nghiên cứu. Mỗi tiêu chí có thể được đo lường bằng mặt lượng thông qua một hay nhiều chỉ tiêu. Việc đánh giá mức độ đạt được của một tiêu chí cần thực hiện qua các chỉ tiêu hoặc chỉ số (Nguyễn Hữu Đoàn, 2009).
Cơ sở để xác định hệ thống các tiêu chí là các tiêu chí phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Tính chính xác : có thể xác định rõ ràng được giá trị chỉ số từ các dữ liệu tu
thập, đo đạc được.
Tính so sánh : có thể định lượng và được tính bằng các phép đo xác định (công
thức toán học), để so sánh giữa các địa phương, quốc gia, khu vực cũng như giữa các giá trị chỉ số theo thời gian.
Tính liên tục : có thể được cập nhật đều đặn, có tính đại diện cho toàn hệ thống
(chỉ số) hay một tính chất đặc trưng của hệ thống (chỉ thị).
Tính sẵn có : đơn giản, dễ tính toán thu thập với chi phí rẻ và dễ cập nhật.