Tổng quan nghiên cứu trên thế giới và trong nước

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HOÀN THIỆN CHUỖI CUNG ỨNG RAU AN TOÀN PHƯỜNG HƯƠNG AN VÀ HƯƠNG CHỮ, THỊ XÃ HƯƠNG TRÀ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 22 - 27)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ CHUỖI

1.1. Tổng quan nghiên cứu trên thế giới và trong nước

Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay vấn đề tăng cường, nâng cao chất lượng rau quả ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng. Nhiều bộ tiêu chuẩn sản xuất đã được các nước, tổ chức quốc tế đặt ra và áp dụng cho mặt hàng rau quả như HACCP, ISO 2200, SQF100/2000, IFS, BRC, OGANIC, EUREPGAP, GLOBALGAP… nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Một số khu vực và quốc gia đã dựa trên các nội dung tiêu chuẩn và phương thức tiến hành của EUREPGAP để xây dựng các tiêu chuẩn GAP cho khu vực và nước mình. Các nước trong tổ chức Đông Nam Á (ASEAN) có AsianGAP; Thái Lan có ThaiGAP với chứng chỉ “Q” về chất lượng và an toàn thực phẩm (nên còn gọi là Q-GAP); Singapore có GAP-F; Indonesia có IndoGAP; Malaysia có MalaysiaGAP dựa trên hệ thống chứng nhận SALM cho các trang trại và sản phẩm đã thực hiện GAP, Trung Quốc có ChinaGAP, Nhật Bản có JapanGAP, Ấn Độ có IndiaGAP.... Năm 2005, tổ chức EUREPGAP đã chứng nhận cho 35.000 nhà sản xuất và hơn 60 quốc gia. Tại Châu Á và Châu Úc năm 2009 có 6.475 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận Global GAP.

Niuzilân là nước có số lượng cơ sở được cấp phép lớn nhất với 1.691 cơ sở, tiếp đến là Ấn Độ (1.555 cơ sở); Thái Lan (923 cơ sở); Trung Quốc (272 cơ sở); Việt Nam có 66 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP; tại Trung và Bắc Mỹ có 1.972 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận Global GAP [36]. Trên thế giới hiện nay có khá nhiều nghiên cứu về chuỗi cung ứng rau an toàn. Cụ thể:

Năm 2012, D. Kumara Charyulu and M. Prahadeeswaran nghiên cứu và công bố công trình: "Xây dựng năng lực nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại và điều hành giá cả trong nông nghiệp ở Ấn Độ". Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng sản phẩm rau phụ thuộc lớn vào khâu thu hoạch và độ dài của chuỗi cung ứng rau. Ứớc tính khoảng 30-35% tổng lượng rau hỏng do khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Chính vì thế, nghiên cứu đề xuất sự cần thiết phải áp dụng tiến bộ khoa học

công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản vào hệ thống chuỗi cung ứng rau ở Ấn Độ [35].

Năm 2013, hai tác giả: Vipul Chandra Tolani and Huzefa Hussain đã nghiên cứu "thay đổi mục tiêu trong mô hình chuỗi cung rau quả". Kết quả nghiên cứu cho thấy, chuỗi cung rau an toàn ở Ấn Độ là khá dài và gồm nhiều tác nhân. Trong đó, nổi bật là tác nhân trung gian bán sỉ làm quá trình vận chuyển dài đã làm tăng 10-12% chi phí và ảnh hưởng đến sự chất lượng sản phẩm rau quả vùng nghiên cứu. Các hạn chế lớn là cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông kém, thiếu kho lạnh lưu trữ, chính phủ chưa có chính sách và hướng dẫn rõ ràng về tiêu thụ rau sạch, sản xuất và tiêu thụ quy mô hộ nông dân nhỏ và còn phân mảnh [41].

Năm 2014, các tác giả Chris J Backhouse, Chong Xu (Đại học Loughborough, Vương Quốc Anh) and Norizah Mohamad (Trường Kỹ thuật điện và Điện tử, thuộc Đại học Sains Malaysia đã công bố công trình nghiên cứu: "Hệ thống cung cấp lương thực bền vững trong siêu thị ở Trung Quốc" tại Hội thảo quốc tế "Kỹ thuật công nghiệp và quản lý điều hành" năm 2014 ở Bali, Indonesia. Công trình khẳng định, chuỗi cung ứng rau cho siêu thị Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn là cung cấp kịp thời khối lượng lớn rau quả tươi chất lượng cao với chi phí giao cao. Để giải quyết những vấn đề này, các siêu thị có nhiều khả năng hợp tác với các nhà cung cấp rau có quy mô sản xuất lớn; có khoảng cách ngắn giữa họ và các nhà máy chế biến và các thành phố; hỗ trợ các hợp đồng dài hơn với các siêu thị và được cấp giấy chứng nhận nhà sản xuất. Các siêu thị hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nhà sản xuất. Kết quả là, thị trường nông sản thực phẩm của Trung Quốc đã thay đổi từ một số lượng lớn các hộ nông dân nhỏ và các nhà kinh doanh nông dân thành các hợp tác xã chuyên nghiệp. Để phát triển chuỗi cung ứng rau quả vào các siêu thị ở Trung Quốc, các tác giả đề xuất: Chính phủ và các siêu thị Trung Quốc cần nhiều nỗ lực để đảm bảo chất lượng thực phẩm và độ tươi bao gồm hỗ trợ tài chính và công nghệ; hỗ trợ pháp luật từ Chính phủ; mua giá cao từ nông dân nếu họ cung cấp số lượng lớn các thực phẩm chất lượng cao liên tục cho các siêu thị; siêu thị có tiêu chuẩn và kiểm tra riêng. Tuy nhiên, thực phẩm nhiễm bẩn vẫn xảy ra trong thị trường thực phẩm hiện nay. Kết quả là, cần

thực hiện nhiều bước để đảm bảo chất lượng thực phẩm và không ngừng nâng cao sự phát triển của chuỗi cung ứng thực phẩm. Xem xét các đặc tính của người Trung Quốc và chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay của Trung Quốc, cần chú trong chuyển đổi các chính sách của Chính phủ; chuyển đổi hình thức sản xuất; thay đổi hoạt động bán buôn và tăng cường thực phẩm chế biến [34].

Gần đây nhất, trong công trình của mình, Saurav Negi and Neeraj Anand,

"Issues and challenges in the supply chain of fruits & vegetables sector in India: a review". Nghiên cứu này xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của ngành rau quả ở Ấn Độ. Các yếu tố chính là cơ sở hạ tầng, chế biến và gia tăng giá trị, tài chính và thông tin. Một số lớn xác định những thách thức chính là Thiếu thiết bị cơ sở hạ tầng, chế biến thấp và giá trị Ngoài ra, thu nhập của nông dân thấp, chuỗi cung ứng không hiệu quả, số lượng lớn trung gian / chuỗi cung ứng phân mảnh, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn kém. Vượt qua những vấn đề này sẽ có lợi cho nông dân, chính quyền nhà nước, vận chuyển và chế biến thực phẩm đơn vị trong hình thức giảm thất thoát và lãng phí, tăng tỷ giá của nông dân, cung cấp cơ hội việc làm cho người dân địa phương...[39].

1.1.2. Trong nước

Cùng với sự phát triển của ngành trồng trọt và cây lương thực, sản xuất rau ở nước ta đã ra đời từ khá lâu và đã có nhiều thay đổi, từ việc sản xuất chỉ mang tính tự cung tự cấp thì nay sản xuất rau ở nước ta bắt đầu chuyển sang hướng thị trường với quy mô tăng, đa dạng về chủng loại, và phát triển thành ngành công nghiệp chuyên biệt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm 2012, diện tích gieo trồng rau các loại của nước ta ước khoảng 700 ngàn ha, sản lượng đạt 11,2 triệu tấn.

Giá trị xuất khẩu rau quả nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 1990, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 52,3 triệu USD thì đến năm 2013 kim ngạch xuất khẩu rau quả là 622,5 triệu USD, đạt gấp 10 lần so với năm 1990. Các sản phẩm rau xuất khẩu của nước ta khá đa dạng như đông lạnh, xuất tươi, đóng hộp. Năm 2008 giá trị xuất khẩu của dưa chuột, dưa muối, hành muối đạt 28,7 triệu USD; cà chua bảo quản và chế biến đạt 4,3 triệu USD; nấm các loại bảo quản và chế biến đạt 8,5 triệu

USD; rau các loại chế biến, bảo quản đông lạnh đạt 6,7 triệu USD, rau tươi đạt 9,6 triệu USD. Mặt hàng dưa chuột, dưa muối, hành muối có giá trị xuất khẩu lớn nhất so với các loại rau xuất khẩu còn lại[24].

Chuỗi cung ứng rau quả nói chung, chuỗi cung ứng rau an toàn nói riêng ở nước ta hiện nay còn khá đơn giản, tạm thời. Hệ thống cung ứng chưa được hình thành và chưa có quan hệ liên kết chặt chẽ, chủ yếu mang tính tự phát. Quan hệ liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi chưa rõ ràng, còn mang tính mua đứt, bán đoạn. Chính vì thế hiện nay ở nước ta vẫn chưa nhiều nghiên cứu về chuỗi cung ứng rau an toàn và cũng rất hạn chế. Một số nghiên cứu nổi bật:

Nghiên cứu của Trần Thị Ba, Trường Đại học Cần Thơ với công trình "Chuỗi cung ứng rau đồng bằng sông Cửu Long theo hướng GAP" công bố năm 2008 đã cho thấy, trong chuỗi cung ứng rau an toàn ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân là đối tượng có lượng phân phối rau cho hầu hết các đối tượng khác trong chuỗi cung ứng, đóng một vai trò hết sức quan trọng. Người nông dân ở những những vùng chuyên canh rau của các tỉnh thành lớn nắm khá vững yêu cầu, quy định về trồng rau an toàn.

Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm ngặt các quy định này, họ phải thực sự an tâm về đầu ra vì chi phí cho rau an toàn cao, đầu tư nhiều (nhà lưới, phân bón v.v.) lại ít có nơi thu mua, cũng như chưa có các cửa hàng chuyên biệt bán rau an toàn để tiêu thụ được sản phẩm (như tại TP. Hồ Chí Minh) hoặc xuất khẩu số lượng lớn (như Đà Lạt) khiến rau an toàn vẫn còn được sản xuất với sản lượng thấp, chủ yếu phục vụ các siêu thị trên địa bàn khu vực (Metro, Coopmart, Citimart) hoặc cửa hàng do ngành nông nghiệp địa phương tổ chức, nên hiệu quả không cao [7].

Năm 2010, Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Thế giới (FAO) đã tiến hành nghiên cứu và xuất bản: "Nghiên cứu thị trường rau của Việt Nam". Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại các địa phương nghiên cứu là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Hưng Yên, Lâm Đồng, tiêu chuẩn các loại rau cung cấp cho các kênh phân phối hiện đại là các loại rau được sản xuất tại các cơ sở có chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, có chứng nhận VietGAP. Tiêu chuẩn các loại rau cung cấp cho các công ty chế biến xuất khẩu là các loại rau được sản xuất tại các cơ sở có chứng nhận

đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đạt các chứng chỉ ISO 9001-2008, HACCP do các tổ chức nước ngoài có uy tín công nhận và các yêu cầu cụ thể của từng nước nhập khẩu. Tuy nhiên do chuỗi cung ứng ra khá phức tạp và nhiều hình thức tiêu thụ, nên việc quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm rau theo chuỗi cung ứng rau còn khá hạn chế. Cơ quan chức năng chưa được trang bị đầy đủ các điều kiện và cơ sở vật chất để kiểm tra chất lượng rau ở tất cả các khâu, tác nhân trong chuỗi cung ứng[12].

Năm 2011, Nguyễn Đức Chỉnh, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội với công trình: "rau an toàn ở Hà Nội, phân tích trên khía cạnh chuỗi cung ứng". Nghiên cứu chỉ ra rằng, năm 2008, trên địa bàn Hà Nội, rau an toàn mới đáp ứng được 8,6% nhu cầu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Chuỗi cung ứng rau an toàn cung cấp cho thành phố được hình thành một cách tự phát và hoạt động kém hiệu quả; sự phối hợp giữa các tác nhân thiếu chặt chẽ; mỗi tác nhân theo đuổi mục đích riêng của mình mà chưa quan tâm đến lợi ích của toàn chuỗi cũng như lợi ích của người tiêu dùng cuối cùng. Kết quả là chuỗi hoạt động kém hiệu quả và chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng. Nghiên cứu cũng cho thấy để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về rau an toàn cần quy hoạch các vùng trồng rau an toàn tập trung cùng với sự giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính của nhà nước; khuyến khích sự hình thành và phát triển chuỗi cung ứng rau an toàn; xây dựng các chính sách hợp lý và có chế tài đủ mạnh và tăng nhận thức của cộng đồng về rau an toàn.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thị xã Hương Trà nói riêng, nghề trồng rau đã có từ lâu và được phát triển mạnh trong những năm gần đây. Diện tích rau quả hàng năm của tỉnh lên đến 4.144 - 4.500 ha, phân bố chủ yếu vùng cát ven biển có mạch nước ngầm cao (huyện Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc), vùng đất tốt, làm vành đai thực phẩm cho thành phố như Hương Trà, Quảng Điền, Hương Thủy.

Tuy nhiên, cơ cấu chủng loại rau còn nghèo, chủ yếu là các loại rau ăn lá (rau muống, rau lang, xà lách, rau cải, cải cúc và rau gia vị) [14].

Đối với thị xã Hương Trà, tổng diện tích rau màu hàng năm vào khoảng 720 ha, trong đó cây Hành khoảng 60 ha. Rau ở Hương Trà được tập trung ở các phường

Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân. Trong định hướng phát triển nông nghiệp đến 2020, Hương Trà sẽ xây dựng những vùng rau an toàn với diện tích 100 ha tại các địa phương trên [25].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HOÀN THIỆN CHUỖI CUNG ỨNG RAU AN TOÀN PHƯỜNG HƯƠNG AN VÀ HƯƠNG CHỮ, THỊ XÃ HƯƠNG TRÀ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)