3.2. XÂY DỰNG CÔNG CỤ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC HỌC SINH TRONG DẠY HỌC MÔN HÓA HỌC
3.2.6. Hồ sơ học tập
a) Xây dựng và sử dụng hồ sơ học tập
Hồ sơ học tập là tập tài liệu về các sản phẩm được lựa chọn một cách có chủ đích của HS trong quá trình học tập môn học, được sắp xếp có hệ thống và theo một trình tự nhất định.
Phân loại: Các loại hồ sơ học tập gồm:
- Hồ sơ tiến bộ: Bao gồm những bài tập, các sản phẩm HS thực hiện trong quá trình học và thông qua đó, người dạy, HS đánh giá quá trình tiến bộ mà HS đã đạt được. Để thể hiện sự tiến bộ, HS cần có những minh chứng như: Một số phần trong các bài tập, sản phẩm hoạt động nhóm, sản phẩm hoạt động cá nhân (giáo án cá nhân), nhận xét hoặc ghi nhận của thành viên khác trong nhóm.
- Hồ sơ quá trình: Là hồ sơ tự theo dõi quá trình học tập của HS, học ghi lại những gì mình đã học được hoặc chưa học được về kiến thức, kĩ năng, thái độ của các môn học và xác định cách điều chỉnh như điều chỉnh cách học, cần đầu tư thêm thời gian, cần sự hỗ trợ của giảng viên hay các bạn trong nhóm,…
- Hồ sơ mục tiêu: HS tự xây dựng mục tiêu học tập cho mình trên cơ sở tự đánh giá năng lực bản thân. Khác với hồ sơ tiến bộ, hồ sơ mục tiêu được thực hiện bằng việc nhìn nhận, phân tích, đối chiếu nhiều môn với nhau. Từ đó, HS tự đánh giá về khả năng học tập của mình nói chung, tốt hơn hay kém đi, môn học nào còn hạn chế…, sau đó, xây dựng kế hoạch hướng tới việc nâng cao năng lực học tập của mình.
- Hồ sơ thành tích: HS tự đánh giá về các thành tích học tập nổi trội của mình trong quá trình học. Thông qua các thành tích học tập, họ tự khám phá những khả năng, tiềm năng của bản thân, như năng khiếu về Ngôn ngữ, Toán học, Vật lí, Âm nhạc… Không
chỉ giúp HS tự tin về bản thân, hồ sơ thành tích giúp họ tự định hướng và xác định giải pháp phát triển, khai thác tiềm năng của bản thân trong thời gian tiếp theo.
Những sản phẩm có thể lưu trữ trong hồ sơ học tập gồm:
- Các bài làm, bài kiểm tra, bài báo cáo, ghi chép ngắn, phiếu học tập, sơ đồ, các sáng chế,… của cá nhân HS.
- Các báo cáo, bài tập, nhận xét, bản kế hoạch, tập san, mô hình, kết quả thí nghiệm… được làm theo nhóm.
- Các hình ảnh, âm thanh như: ảnh chụp, băng ghi âm, đoạn video, tranh vẽ, chương trình/phần mềm máy tính v.v…
Tuy nhiên cần lưu ý rằng: hồ sơ học tập không chỉ đơn giản là tập hợp tất cả các sản phẩm đã thực hiện của HS. Các yếu tố đưa vào trong hồ sơ học tập cần được lựa chọn cẩn thận và có cân nhắc để phục vụ cho mục đích cụ thể.
Mục đích sử dụng
Hồ sơ học tập có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, nhưng hai mục đích chính của hồ sơ học tập là:
- Trưng bày/giới thiệu thành tích của HS: Với mục đích này, hồ sơ học tập chứa đựng các bài làm, sản phẩm tốt nhất, mang tính điển hình của HS trong quá trình học tập môn học. Nó được dùng cho việc khen ngợi, biểu dương thành tích mà HS đạt được, cũng có thể dùng trong đánh giá tổng kết hoặc trưng bày, giới thiệu.
- Chứng minh sự tiến bộ của HS về một chủ đề/lĩnh vực nào đó theo thời gian. Loại hồ sơ học tập này thu thập các mẫu bài làm liên tục của HS trong một giai đoạn học tập nhất định để chẩn đoán khó khăn trong học tập, hướng dẫn cách học tập mới, qua đó cải thiện việc học tập của họ. Đó là những bài làm, sản phẩm cho phép GV, bản thân HS và các lực lượng khác có liên quan nhìn thấy sự tiến bộ và sự cải thiện việc học tập theo thời gian của HS.
Qua mục đích của hồ sơ học tập có thể nhận thấy: hồ sơ học tập mang tính cá nhân rất cao, mỗi hồ sơ có nét độc đáo riêng. Nó không dùng vào việc so sánh, đánh giá giữa các HS với nhau. Hồ sơ học tập tập trung vào hỗ trợ và điều chỉnh việc học của HS. Nó cho phép HS cơ hội để nhìn nhận lại và suy ngẫm về sản phẩm và quá trình mà họ đã thực hiện, qua đó họ phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế trong học tập.
Hồ sơ học tập được sử dụng trong nhiều thời điểm khác nhau của năm học. Với hồ sơ đánh giá sự tiến bộ của HS thì sẽ được sử dụng thường xuyên. Sau mỗi lần lựa chọn sản phẩm để đưa vào hồ sơ, GV có thể tổ chức cho HS đánh giá cho từng sản phẩm đó.
Vào cuối kì hoặc cuối năm, toàn bộ các nội dung của hồ sơ học tập sẽ được đánh giá tổng thể, khi đó GV cần thiết kế các bảng kiểm, thang đo hay rubric để đánh giá. GV cũng có thể sử dụng hồ sơ học tập trong các cuộc họp phụ huynh cuối kì, cuối năm để thông báo cho cha mẹ HS về thành tích và sự tiến bộ của HS.
Trong dạy học môn Hóa học, GV có thể đánh giá qua 2 loại hồ sơ: hồ sơ quá trình sẽ cung cấp tư liệu học tập tốt nhất để minh chứng sự tiến bộ qua các thời kì (theo học kì hay năm học); hồ sơ sản phẩm chứng minh về việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể (khi thực hiện chủ đề tích hợp, chủ đề giáo dục STEM, các dự án).
GV cần thống nhất yêu cầu HS thiết lập, trình bày các danh mục (hay còn gọi là mẫu công việc) trong hồ sơ nhằm cung cấp bằng chứng rõ ràng về tiêu chí cần đánh giá.
Hồ sơ cần được tổ chức tốt, có mục lục tra cứu dễ dàng.
b) Ví dụ minh họa Ví dụ 1: Hồ sơ quá trình của HS theo học kì hay năm học với các nội dung trong
hồ sơ học tập như sau:
- Trang bìa: gồm tên HS, lớp, trường, môn học và trang trí theo sở thích cá nhân.
- Trang giới thiệu về bản thân: Viết theo sở thích cá nhân, có thể gồm ảnh cá nhân, lời nói đầu, thông tin cá nhân quá trình học tập, sở thích.
- Bảng chú dẫn: Đưa ra các chú dẫn về cấu trúc hồ sơ học tập và các kí hiệu sử dụng trong hồ sơ (nếu có).
- Thư mục tài liệu: Liệt kê các phần trong hồ sơ học tập theo thứ tự để tiện tra cứu.
- Các minh chứng: những sản phẩm chứng minh năng lực của HS bao gồm:
+ Các bài kiểm tra, bài báo cáo, ghi chép ngắn, phiếu học tập, sơ đồ, các sáng chế, sản phẩm/hình ảnh sản phẩm, v.v… của cá nhân HS.
+ Các báo cáo, bài tập, nhận xét, bản kế hoạch, tập san, mô hình, kết quả thí nghiệm, sản phẩm/hình ảnh sản phẩm dự án… được làm theo nhóm.
- Tự đánh giá và kế hoạch phát triển cá nhân: HS tự đánh giá ở các thời điểm khác nhau, từ đó đưa ra những kế hoạch phát triển bản thân trong thời gian tiếp theo. Để làm được điều này GV có thể thiết kế các phiếu hướng dẫn HS tự đánh giá về năng lực hợp tác, năng lực tự học, mức độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập,… HS tự đánh giá theo các tiêu chí và lập kế hoạch phát triển bản thân.
Tiêu chí đánh giá hồ sơ gồm:
- Bố cục của hồ sơ học tập: Cấu trúc, hoàn chỉnh, tính đa dạng, sáng tạo độc đáo.
- Về chất lượng minh chứng: Tính xác thực, giá trị thời sự, phù hợp tính đa dạng, số lượng.
- Về chất lượng của việc tự nhận thức và tự đánh giá: Nhận thức về chủ đề, nhận thức về năng lực và trải nghiệm, nhận thức có chiều sâu, sự tiến bộ, tư duy phê phán, tự nhận thức có ý nghĩa.
- GV có thể thiết kế bảng kiểm để đánh giá hồ sơ học tập như sau:
Tiêu chí đánh giá Có Không
Đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, lớp, trường, môn học, ảnh).
Có lời giới thiệu hồ sơ.
Đủ sản phẩm học tập (Bài kiểm tra định kì, Phiếu học tập nhóm, kết quả hoạt động nhóm, phiếu học tập,…).
Trình bày sáng tạo.
Tự đánh giá của cá nhân.
Lập kế hoạch phát triển bản thân.
Và có thể thiết kế các phiếu đánh giá theo tiêu chí để đánh giá một số nội dung trong hồ sơ: lời giới thiệu, tự đánh giá của cá nhân, lập kế hoạch phát triển bản thân.
Ví dụ 2: Hồ sơ sản phẩm chứng minh về việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể
Trong dạy học hóa học, khi tổ chức cho HS thực hiện các dự án, ví dụ như:
+ Với chủ đề về phân bón hóa học, GV tổ chức cho HS thực hiện một dự án về xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng phân bón hóa học trong trồng một số loại rau đảm bảo an toàn sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường. HS làm việc theo nhóm, tìm hiểu về phân bón hóa học, cách sử dụng phân bón hóa học đảm bảo an toàn sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường (có yêu cầu tính lượng phân bón hóa học phù hợp và các thời điểm bón) từ đó thống nhất xây dựng nội dung và hình thức cuốn cẩm nang hướng dẫn việc sử dụng phân bón hóa học đúng cách, hiệu quả, an toàn (với sức khỏe và môi trường) trong việc trồng rau.
+ Với chủ đề vềarboxylic acid c, GV tổ chức cho HS chế tạo tên lửa tầm xa để tham gia một cuộc thi bắn tên lửa với các nguyên liệu nhà bếp. Các nhóm HS tự nghiên cứu về tính chất hóa học của carboxylic acid, được cung cấp các nguyên vật liệu cơ bản để nghiên cứu, chọn phản ứng hóa học tạo ra từ các nguyên liệu nhà bếp (giấm ăn và bột baking soda), tính lượng hóa chất, làm bệ bắn xiên với góc phù hợp và kĩ thuật thực hiện, thử nghiệm chế tạo tên lửa tìm ra phương án phóng các tên lửa để dự thi.
Hay với nhiều dự án, chủ đề STEM khác, trong quá trình thực hiện dự án các nhóm cần ghi chép và lưu lại các minh chứng thực hiện dự án thành hồ sơ dự án để đánh giá.
Thường hồ sơ sẽ gồm:
(1) Bìa hồ sơ (ghi rõ hồ sơ thực hiện nhiệm vụ gì, các thành viên của nhóm, lớp, trường, GV phụ trách, thời gian thực hiện).
(2) Các thông cơ bản về dự án: Ý tưởng, nhiệm vụ, sản phẩm của dự án, tiêu chí đánh giá sản phẩm, thời hạn và yêu cầu nộp sản phẩm.
(3) Cơ cấu tổ chức của nhóm.
(4) Ý tưởng ban đầu của nhóm.
(5) Biên bản các buổi họp nhóm. Có thể ghi theo mẫu sau:
Ngày, địa điểm, hình thức họp
Nội dung thảo luận
Ý kiến các thành viên Kết quả
(6) Kế hoạch thực hiện dự án và bảng phân công nhiệm vụ thực hiện dự án.
(7) Bảng theo dõi tiến độ, mức độ hoàn thành công việc (bảng này có thể tích hợp với bảng phân công nhiệm vụ, có thể xây dựng dưới dạng bảng kiểm các công việc đã hoàn thành, mức độ hoàn thành,…).
Ví dụ cách ghi bảng phân công và theo dõi tiến độ:
Nhiệm vụ Người
phụ trách
Thời hạn Yêu cầu
sản phẩm
Đã hoàn thành (ghi rõ ngày)
Chất lượng
hoàn thành
Ghi chú
1 1
…
(8) Minh chứng về tài liệu thu thập được, sản phẩm theo nhiệm vụ của các cá nhân, sản phẩm chung của nhóm.
(có thể yêu cầu HS lập phiếu thu thập dữ liệu theo bảng:
Câu hỏi/Vấn đề Nguồn tài liệu
1.
2.
… Tranh ảnh, bài báo,…) (9) Các phiếu đánh giá:
- Phiếu tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của các cá nhân về năng lực hợp tác.
- Phiếu tự đánh giá sản phẩm của nhóm.
(Nội dung các phiếu đánh giá do GV cung cấp, có thể xem các phiếu đánh giá trong các phần công cụ ở trên).
(10) Các phiếu tổng kết của các thành viên nhìn lại quá trình thực hiện dự án. GV có thể gợi ý một số câu hỏi như:
+ Tôi đã học được những kiến thức gì về ….?
+ Tôi đã phát triển được những kĩ năng gì?
+ Tôi đã xây dựng được những thái độ tích cực nào?
+ Tôi có hài lòng với các kết quả nghiên cứu của dự án không? Vì sao?
+ Tôi đã gặp những khó khăn gì khi thực hiện dự án?
+ Tôi đã giải quyết những khó khăn khi gặp phải trong quá trình thực hiện dự án như thế nào?
+ Quan hệ/sự hợp tác của tôi với các thành viên trong nhóm thực hiện dự án như thế nào?
+ Nhìn chung tôi thích/không thích dự án này vì ….?
(11) Phản hồi của GV.