Khuynh hướng giải huyền thoại trong văn xuôi Việt Nam

Một phần của tài liệu Dấu Ấn hiện thực kì Ảo trong trưng trắc của hà phạm phú (Trang 24 - 28)

Chương 1. Chủ nghĩa hiện thực kì ảo - những vấn đề khái quát

1.2 Huyền thoại và giải huyền thoại

1.2.2. Khuynh hướng giải huyền thoại trong văn xuôi Việt Nam

Trong lịch sử phát triển của các nền văn học, song song với quá trình huyền thoại hóa luôn diễn ra quá trình giải huyền thoại, thậm chí là phá vỡ huyền thoại, gắn liền với “tinh thần phản tỉnh”, thái độ chống lại tình trạng áp chế của huyền thoại, mở ra nhu cầu đánh giá lại những câu chuyện thiêng do quá trình huyền thoại hóa tạo nên. “Điều đó cũng có nghĩa, cấu trúc và ý nghĩa vốn được xem là ổn định của các huyền thoại có thể bị phá vỡ và thay đổi” [26, tr.74] Giải huyền thoại là cảm hứng nghệ thuật mới mẻ nhằm lạ hóa, xóa bỏ “lớp sương mù huyền thoại” bao bọc đối tượng, khai mở khả năng hoài nghi, tra vấn các “đại tự sự”.

Với sự thay đổi của bối cảnh xã hội – chính trị từ sau năm 1975 đến nay, văn học đương đại Việt Nam ghi nhận những biến chuyển tinh vi trong nhận thức con người. Nếu như trước đây, con người cộng đồng thể hiện thái độ tôn thờ, sùng kính với huyền thoại thì bây giờ con người cá nhân xuất hiện tâm lí hoài nghi với mọi giá trị. Việc giải huyền thoại mang nhiều ý nghĩa và mục đích khác nhau. Ở vào thời điểm đổi mới, đây được xem như một con đường để hé lộ hiện thực bị bỏ quên, thay đổi lối tư duy nghệ thuật giai đoạn trước. Nhìn từ lí thuyết phê bình cổ mẫu, việc tái tạo, lặp lại các cổ mẫu với ý nghĩa nguyên bản của nó là một biểu hiện rõ nét của huyền thoại hóa; trong khi đó việc đem đến cho cổ mẫu những ý nghĩa phái sinh, thậm chí hoàn toàn trái ngược chính là giải huyền thoại.

“Trong văn học Việt Nam từ sau năm 1986 hình thành hai xu hướng giải huyền thoại chủ yếu giải huyền thoại về lịch sử và giải huyền thoại về văn hóa”

[26, tr.77]. Khác với quan niệm truyền thống coi chính sử là “đại lịch sử” đã cố định, hoàn tất, lý thuyết hậu hiện đại khẳng định lịch sử là quá trình dở dang, chưa hoàn thiện, liên tục được cấu trúc lại, nhìn nhận lại. Giải huyền thoại về lịch sử thể hiện rõ nhất qua các nhân vật lịch sử. Cách thức thường xuyên được các tác giả sử dụng là khám phá chiều sâu trong thế giới nội tâm của nhân vật. Lúc này, nhân vật lịch sử chỉ giống như một chất liệu nghệ thuật để biểu lộ những quan điểm, cách

nhìn của nhà văn về cuộc sống, con người. Xu hướng giải huyền thoại về lịch sử không chỉ nhằm “giải thiêng” các anh hùng quá khứ, mà còn mở rộng quan niệm về hiện thực, đề cao tính hư cấu, tính “trò chơi” trong sáng tạo văn học. Giải huyền thoại về văn hóa được thể hiện qua cái nhìn khác lạ về những hình tượng tôn giáo, những linh vật, những motif trong truyện cổ. Tâm thức dân gian hiện diện bấy lâu trong cộng đồng được giải huyền thoại dựa trên các cấp độ khác nhau: viết tiếp huyền thoại, viết lại huyền thoại, giễu nhại huyền thoại. Sức hấp dẫn của giải huyền thoại nằm ở cách tận dụng và xử lí nguồn tư liệu dân gian đã có từ trước của các tác giả.

Cũng giống như sự thể hiện đa dạng của huyền thoại hóa, giải huyền thoại được trình diễn phong phú qua tất cả các bình diện nghệ thuật của tác phẩm văn học: cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật (ngôn ngữ, hành động, tâm trạng, tính cách), nghệ thuật kể chuyện, kết cấu... Có thể nói, giải huyền thoại là một hướng đi mới mẻ, từ đó khai sinh hệ thống quan niệm mang đậm tinh thần hiện đại. Giải huyền thoại vừa có sự lắng đọng của chất trữ tình dân gian, vừa có sự suy tư, trăn trở của con người hiện đại. Giải huyền thoại nhắc nhở con người không được quên đi những trầm tích văn hóa truyền thống, nhưng quan trọng hơn nữa là không được quên đi cảm giác về thực tại – một mặt đất dưới chân mình.

Tiểu kết

Trên đây chúng tôi vừa trình bày những tiền đề cơ bản làm cơ sở cho những nghiên cứu về đối tượng trong luận văn. Chúng tôi đã tập trung khái quát chủ nghĩa hiện thực kì ảo, về lịch sử hình thành, khái quát đặc điểm cũng sự diễn tiến, ảnh hưởng đến văn học Việt Nam. Có thể thấy, dấu ấn hiện thực kì ảo tạo nên những thay đổi quan trọng của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 ở các mặt đề tài, phương thức phản ánh và kỹ thuật viết để thấy được những đổi mới về tư duy, đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người và hiện thực là một nhu cầu tất yếu xuất phát từ những đòi hỏi cấp bách của thời đại. Điều đó đã tạo ra môi trường tích cực, cởi

mở để các nhà văn phát huy cá tính sáng tạo của mình, học tập các phương thức sáng tác, các kỹ thuật viết hiện đại trên thế giới và khơi mở thêm nhiều biểu hiện, cách thức mới mẻ để làm phong phú thêm cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Và khuynh hướng hiện thực kì ảo đến Việt Nam cùng sự xuất hiện của nhà văn Hà Phạm Phú có tiền đề từ bối cảnh chung ấy. Chúng tôi sẽ khai thác nhằm thấy được những nỗ lực cách tân nghệ thuật tiểu thuyết, tìm ra một lối đi riêng của Hà Phạm Phú, thể hiện màu sắc hiện thực kì ảo trong tác phẩm của mình ở 2 chương sau.

Một phần của tài liệu Dấu Ấn hiện thực kì Ảo trong trưng trắc của hà phạm phú (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w