Chương 2. Những đặc điểm của Chủ nghĩa hiện thực kì ảo trong tiểu thuyết Trưng Trắc
2.2 Không gian kì ảo
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên
trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó...”
Không gian nghệ thuật là một trong những phương diện thể hiện yếu tố huyền ảo một cách rõ nét nhất trong tác phẩm của Hồ Anh Thái. Với không gian nghệ thuật, tác gia đã chọn một cách xử lí khá độc đáo và khéo léo khi vừa thực hoá không gian ảo, vừa ảo hoá không gian thực. Bên cạnh đó là việc sử dụng một loạt các thủ pháp nghệ thuật về không thời gian như đồng hiện và đan xen, phi tuyến tính và nhảy cóc, tượng trưng và biểu tượng, cá nhân hoá, tâm linh hoá,
huyền ảo hoá...làm cho không gian nghệ thuật trong tác phẩm của ông có một sức hấp dẫn lạ kì...
* Không gian trộn lẫn thực - ảo
“Không gian và thời gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ
thuật. Nếu như mọi vật trong thế giới đều tồn tại trong không gian ba chiều: cao, rộng, xa và chiều thời gian, thì không có hình tượng nghệ thuật nào là không có không gian, không có nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó” [1, tr.115] Mỗi
tác phẩm có một hình thức không gian đặc trưng phù hợp với thể loại, với hệ thống nhân vật của nó. Là hình thức mang tính quan niệm, không gian nghệ thuật biến thiên do nhiều nguyên nhân, trong đó giữ vai trò quyết định vẫn là quan niệm nghệ thuật về con người. Hệ thống nhân vật kì ảo trình bày trên đây cùng với quan niệm truyền thống của nhân loại đã chi phối trực tiếp đến việc xây dựng không gian nghệ thuật của Hà Phạm Phú.
Trước hết, dấu ấn của yếu tố kì ảo thể hiện rõ nhất ở việc nhà văn thực hoá không gian ảo, khiến cho cái không gian ấy hiện lên sống động trước mắt người đọc như nó đang hiện hữu ở đâu đó trên đất nước này, trên thế giới này. Việc hiện thực hoá không gian ảo ấy xét đến cùng đã đem đến cho tác phẩm không khí thời đại sâu sắc, do đó đánh động được đến lòng người vì chúng ta tìm thấy ở đó những cảnh tượng ta đã từng bắt gặp hoặc đang chứng kiến hàng ngày.
Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Hà Phạm Phú biểu hiện đa dạng, phong phú, giàu ý nghĩa, có tầm bao quát rộng lớn. Từ không gian nơi kinh thành tráng lệ đến không gian miền quê mộc mạc; từ không gian thực-ảo trộn lẫn đến không gian linh thiêng gắn với những huyền thoại, truyền thuyết. Nhìn chung, chúng ta có thể xếp chúng vào hai không gian chính: không gian hẹp và không gian rộng. Không gian hẹp gắn liền với những quy tắc, luật lệ khắt khe, những mưu mô lẫn nhau, tranh quyền đoạt lợi. Ngược lại, không gian rộng gắn với
thiên nhiên bao la, khoáng đạt, nơi chỉ còn tự do, tình yêu và lí tưởng giúp nước, phục thù.
Không gian rộng lớn với các mảng màu sáng tối khác nhau này mặc dù chỉ là một không gian ảo nhưng quả thực đã được hiện thực hoá một cách tối đa, đem đến cho tác phẩm không khí vừa huyền ảo lại vừa chân thật.
Đó là bức tranh lồng ghép những truyền thuyết, huyền thoại đất Việt từ xa xưa. Là màu sắc buồn bã, ưu thương trong câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy mà Trắc từ bé đã được cha kể mãi. Trong ánh bếp bập bùng, đám Trắc, Măng vừa ăn xôi nếp và gà luộc chấm muối ớt, vừa nghe bà cụ già đất Khê kể lại Mỵ Châu - Trọng Thủy. Mỗi khi một truyền thuyết được cất lên, không gian câu truyện lại được nhuốm thêm màn sương màn ảo. Truyền thuyết dân gian vốn được lưu truyền, vốn đã ẩn chứa nửa hư nửa thực. Nay Hà Phạm Phú bằng các lớp truyện của mình, thông qua cái nhìn của Trắc, đã đồng điệu với những số phận lịch sử xưa kia, không thiên kiến, trách móc mà như đối đãi với một cá nhân có nỗi khổ như bao người. Điều đó thể hiện qua lời bình của Trắc sau khi nghe xong truyện: “Lời bình của Trắc: Ngày đó ta đã đi thăm thành ốc không chỉ một lần, câu chuyện
thành ốc đã gợi cho ta nhiều suy nghĩ về chiến tranh, về tình yêu, về cuộc đời.
Những người cùng thời với đồng chí nhà văn đã không hiểu Mỵ Châu, đã gán cho nàng nhiều tội. Thật không công bằng. Ta có thể chia sẻ với đồng chí nhà văn”.
Đó cũng là truyện về Thục Phán An Dương Vương xây thành Loa, thành Ốc. Trắc từ bé nghe chuyện mà thuộc lòng. Nhưng nàng cũng tò mò, bởi làm sao thành vững chắc thế chỉ xây trong một ngày? Nàng đặt câu hỏi liệu huyền thoại ấy có đáng tin. Để rồi trưởng thành, Trắc quyết tâm đến tận đất Khê để tai nghe mắt thấy, giải thích cho câu hỏi khôn nguôi của mình.
Trong chuyến đi ấy, người đọc bị cuốn vào không khí cổ xưa. Bởi những người dân ở vùng đất Khê này ai ai cũng thuộc lòng câu chuyện, ai ai cũng kể lại tường tận được những huyền sử, dã sử gắn với địa thế vùng này. Một ông lái đò cũng rành rẽ câu chuyện về An Dương Vương, tiếp thêm màu sắc ma quái, liêu trai cho huyền tích: “Con đò chầm chậm lướt trên sóng sông Vàng, lượn quanh tòa
thành ốc. Ông lái đò nói, cứ theo sông mà đi, sẽ đi hết một vòng thành, nhưng phải hết nửa ngày. Trắc bảo ông lái ghé vào bến gần núi Thất Diệu. Ngọn núi có nhiều cây to, mờ mịt sương khói, ngổn ngang gò đống. Ông lái bảo, mạn bắc chân núi Thất Diệu có một nghĩa trang dành cho các bậc công hầu, các nhà quyền quý.
Mạn núi tây có nghĩa trang dành cho đám lạc dân, đám vô gia cư du thủ du thực.
Nghe đồn phía ấy nhiều ma trơi, quỷ nhập tràng, ban đêm rậm rịch tiếng bước chân, ì xèo tiếng cãi chửi nhau. Đấy là đám ma kéo nhau đi kiếm ăn, tranh cãi nhau chia quả thực”
Mặt khác, một trong những biện pháp xử lý không gian làm tăng thêm chất hiện thực kì ảo của tác giả đó là ảo hoá không gian thực. Trái ngược với việc thực hoá không gian ảo ở trên, ở đây tác giả lại gia tăng cho không gian chất ảo thay vì chất hiện thực. Nghĩa là, tác giả tập trung xóa nhoà đường viền ranh giới giữa thực và ảo của không gian, khiến cho người đọc lạc vào một thế giới tưởng tượng. Màu sắc của không gian bây giờ sẽ mang cái huyền ảo của tâm linh, kí ức, tưởng tượng.
Xét cho cùng việc ảo hoá không gian thực ở đây cũng chính là một cách hấp dẫn người đọc bởi ngoài việc tìm thấy ở tác phẩm không khí hiện thực, người đọc cũng mong muốn thấy ở đó cả những điều huyền diệu không thể bắt gặp trong đời thường nữa.
Hà Phạm Phú đã để cho các nhân vật sống với nhau trong những quan hệ xã hội dày đặc: chị em, vợ chồng, cha con, thầy trò, chủ tớ... Quan hệ gần gũi, thân thiết, cùng chung một chí hướng nhưng mỗi người lại càng nhiều nỗi niềm riêng.
Niềm riêng đứng trước nghiệp chung thì chẳng sá gì, thế nên có những nhân vật thâm trầm, băn khoăn về thời cuộc, về ý nghĩa thực sự về cuộc đời mình như Trùm Lý; có người miên mải bởi trọng trách trên vai, ngày đêm nghĩ suy cho vận nước như Lạc Tướng; người thì nhỏ bé hơn với những tình yêu, khát vọng thầm kín như nàng Nhài, bà Thiện... Trong không gian cô đơn và hoan lạc, các nhân vật của Hà Phạm Phú trần mình đi tìm bản thể. Mỗi người phải đấu tranh để tồn tại, cố tách ra khỏi vòng những băn khoăn, toan tính ích kỷ và tha thứ bao dung giữa người với người, giữa thấp hèn và thanh cao, để sống một cuộc đời tốt đẹp, chân chính hơn.
Việc ảo hóa không gian thực xuất hiện trong những lần gặp mặt giữa Trùm Lý và đạo sĩ. Trong lần gặp đầu tiên, giữa ông Trùm - đạo sĩ chưa có gì là đồng điệu nhau, sau một hai câu muốn nói mà thôi, vị đạo sĩ nọ “bước đi như gió, phút
chốc biến khỏi tầm mắt của ông Trùm”. Và sau khi đạo sĩ đi, ông Trùm bỗng cảm
thấy bản thân như đang ở một không gian khác lạ. “Ông Trùm đứng lại một mình,
cảm thấy như vừa lạc vào một màn sương mù thăm thẳm ướt át, trí não bị tê liệt như vừa bị một loài sâu bọ nào cắn, thành thử lúc quay về chỗ ngủ, ông không thấy hai bóng người, một nam một nữ ôm nhau ở trong lều chợ…” [23, tr.10].
Cảnh kết truyện, hình ảnh hai bà Trưng hi sinh cũng được huyền ảo hóa:
“Cửa sông Hát hôm đó bất ngờ nổi sóng to, gió lớn. Rồi sau chiến trường im ắng
một cách kỳ lạ. Những đám cỏ bị giẫm nát chậm chạp vươn dậy. Trên bầu trời sông Hát, hiện lên hai áng mây hồng, bay về phía núi Ba Sơn” [23, tr.356].
Việc lồng ghép các bài hát, bài đồng dao cũng góp phần làm tổng thể bức tranh không gian trở nên huyền thoại, ma mị. Đơn cử như bài đồng dao: “Lạc
tướng Mê Linh/ Dòng dõi vua Hùng/ Trưng Trắc nữ kiệt/ Khôi phục non sông”
xuyên suốt từ đầu truyện, cho đến tận lúc nữ vương hi sinh cũng góp phần tạo nên một không gian lịch sử vừa hư, vừa thực.
* Không gian linh thiêng
Trong tiểu thuyết đương đại, xu hướng xây dựng không gian tâm linh, tín ngưỡng theo truyền thuyết huyền thoại hóa dân gian ngày càng gia tăng, nhất là trong các tác phẩm chú trọng tả thực. Cái ảo xuất hiện trong tác phẩm tả thực một phần là để hạn chế sự trần trụi, nghiệt ngã của cái thực, một phần là để góp phần lột tả cái thực một cách thực hơn. Hiện thực cố nhiên rõ ràng, sáng tỏ nhất là khi Hà Phạm Phú đi giải thích nguyên căn của góc khuất, mảng tối ấy dưới cái nhìn nhân văn. Nhưng hiện thực còn có phần huyền ảo, linh diệu và nhiệm màu. Cái siêu hình, ẩn mật này đôi khi lại nằm ngay trong vẻ ngoài bình dị quen thuộc của đời sống. Nhà văn Bùi Hiển trong bài tiểu luận văn học rất thú vị “Cảnh cửa sổ mở ra cõi mung lung” đã viết: “Đúng ra có thể nói: mở vào. Vì cái chốn mung lung
cần phải soi rọi vào ấy, lại chính là tâm hồn, tâm thức, tâm linh, là những điều gì diễn ra trong tầng sâu ý thức, trong bộ não, trái tim con người trước khi thể hiện ra ngoài (mà cũng có thể không thể hiện) bằng cử chỉ và hành động (...). Văn học, với chức năng của nó là khám phá bản thể con người (song song với việc khám phá ngoại giới), lẽ tự nhiên nó rất khát khao soi tìm vào những miền uần áo của nội tâm, vào những động cơ thầm kín đến mức tăm tối của những ứng xử ý thức:
các hiện tượng mà người ta gọi siêu tâm lý”.
Toàn bộ đời sống bên trong gắn liền với tín ngưỡng, niềm tin vào những thế lực siêu hình cùng các mối quan hệ bí ẩn của con người, những sức mạnh thuộc về
“linh giác”, “trực cảm”, những khả năng kỳ lạ mà khoa học chưa giải thích được, nhưng có thể diễn tả bằng nghệ thuật, những xúc cảm về linh thiêng, cùng những khoảnh khắc vụt sáng của toàn bộ tâm thức có sự mách bảo của một nhà thông thái vô hình. Nghiên cứu tính chất phức tạp, kì diệu của con người, Nguyễn Khải đưa ra nhận định đầy sức thuyết phục: “Tôi vẫn suy ngẫm con người là một sinh vật
không bao giờ tự hạn chế trong những cơ cấu sinh lý. Luôn luôn nó vươn tới cái tuyệt đối, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mãi mãi con người không đạt
tới. Vì không thể đạt tới, nên nó gầm thét và than thở qua thi ca, qua nghệ thuật tôn giáo”
Nói cách khác, việc khám phá sâu vào lĩnh vực không gian tâm linh, những bí ẩn không cùng của con người, chính là xuất phát từ một quan niệm về đời sống, từ cách nhìn đa dạng nhiều chiều về con người, từ ý muốn khám phá con người ở nhiều thanh bậc giá trị, ở những mối quan hệ phong phú, qua đó đề xuất những chuẩn mực đánh giá con người hợp tự nhiên và bản thân hơn nhằm đem lại cho văn học khả năng chiếm lĩnh đời sống phong phú. Đó cũng là một cái mới cái khác của văn xuôi hiện nay so với giai đoạn trước.
Trên thực tế, văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới cũng đã “mở cánh cửa vào thế giới tâm linh”, nhiều nhà văn đã lao vào khám phá hiện thực linh diệu và nhiệm màu đó, nhất là truyền thống văn hóa dân gian cổ xưa hay những ẩn ức trong tâm linh của chính mỗi con người với những mức độ và biểu hiện khác nhau. Tiêu biểu là các tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều
ma của Nguyễn Khắc Trưởng; Chim én bay của Nguyễn Trí Huân; Ăn mày đĩ vãng
của Chu Lai; Cha và con và ... Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người của Nguyễn Khải... hay truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái...Một số tiểu thuyết lịch sử như Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Mẫu thượng
ngàn của Nguyễn Xuân Khánh cũng đã tiếp nối được khuynh hướng này.
Trong Trưng Trắc, chúng ta dễ nhận thấy một hệ thống những không gian tôn giáo, hình tượng tôn giáo như ngôi chùa, sư, người truyền giáo từ Ấn Độ, những người thiếu nữ Hindu... cũng thường xuyên xuất hiện với mật độ cao trong tiểu thuyết. Niềm tin tôn giáo đã giúp các nhân vật trong tiểu thuyết Hà Phạm Phú tin tưởng, hy vọng vào những điều bình dị trong cuộc sống, giúp con người vượt lên những khó khăn, làm cho đời sống tinh thần được thăng hoa.
Đó là không gian chùa Khải trên núi Thiên Thai, nơi có vị sư Tát Đa người Hindi đang trú ngụ. Sư từ Tây Trúc sang Giao Chỉ tu luyện được mấy năm, lại
vòng qua Hàm Dương bên Trung Nguyên, sau cùng lại trở về Giao Chỉ. Nơi này diễn ra cuộc chuyện trò giữa Lạc Tướng với sư Tát Đa, bàn về những ý vị sâu xa, triết lý tu thân của con người. “Ông Trùm cũng có dịp gặp các nhà sư truyền giáo,
chẳng hạn sư Tát Ðạt đến từ xứ Ấn Độ. Ông đã nghe nhà sư kể về thân thể Đức phật. Ngài nguyên là Thái tử Tấtđạtđa vì bất bình với sự phân chia đẳng cấp, với sự kì thị màu da, vì cảm thông với sự thống khổ của muôn dân mà sáng lập ra đạo Phật. Đức Tấtđạtđa rời nhà đi tu lúc gần ba mươi tuổi, đến núi Tuyết tu sáu năm khổ hạnh, không có thành tựu gì, đức ngài nhận ra đã đi nhầm đường, bèn lên đường, gặp một cây bồ đề lớn, bèn lấy cỏ làm nệm, ngồi tĩnh tọa 49 ngày đêm, thấy đầu óc tựa đêm đen trở sáng như ban ngày, ngài ngửa mặt lên trời mà kêu lên, ta đã tìm thấy điều bấy lâu tìm kiếm. Từ đó Đức ngài đi khắp thiên hạ truyền bá tư tưởng của ngài, thiên hạ gọi ngài là Bụt, là đấng giác ngộ, là Phật. Người đi theo ngài ngày một đông lên, ở khắp gầm trời, đạo của ngài được gọi là đạo Phật.”[23, tr.117].
Không gian linh thiêng ấy còn thể hiện trong những dịp lễ hội, giàu bản sắc dân tộc. Dịp lễ hội phồn thực Nỏ Nường vừa bình dị, dân dã nhưng quy củ, trang nghiêm. Hay không khí đau đớn, trầm mặc nhưng linh thiêng khi mọi người đến viếng thăm buổi đưa rước Lạc Tướng. “Trước lúc nhập quan, một người lót vào
trong quan tài tàu lá cọ non để trấn áp ma quỷ. Thi thể Lạc tướng được đưa vào quan tài, thầy Năng Tế đặt dưới đầu Lạc tướng con dao găm, ống điếu, rất nhiều hạt mướp khô, một số đồ tượng trưng quyền lực của Lạc tướng, rồi phủ lên thi thể ông tấm vải mỗi lần lên công đường ông vẫn khoác”. Và “Bảy chàng trai trẻ, mỗi người đến đứng trước một cây vầu, bắt đầu dùng dùi gỗ gõ lên những tiếng đinh đang báo tin người chết”. [23, tr.117]. Thầy Năng Tế thì dùng chày giã mạnh lên
mặt chiếc trống lớn, dồn dập. Tiếng trống vang xa, từ làng này truyền sang hương khác, báo tin Lạc tướng Mê Linh vừa từ trần.