Các nghiên cứu về công cụ đo lường sức khỏe tâm thần

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 34 - 42)

Chương 1. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA TRẺ EM MỒ CÔI

1.3. Các nghiên cứu về công cụ đo lường sức khỏe tâm thần

Để đánh giá sức khỏe tâm thần một cách hiệu quả, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, các nhà nghiên cứu đã phát triển nhiều công cụ đo lường khác nhau. Những công cụ này giúp chẩn đoán, đánh giá và theo dõi các vấn đề liên quan đến SKTT ở trẻ em. Trong phần này, chúng tôi sẽ tổng quan một số thang đo phổ biến và phù hợp để đánh giá SKTT ở trẻ em, bao gồm cả trẻ em mồ côi.

- Thang đánh giá trầm cảm RADS (Reynold Adolescent Depression Scale)

Thang đánh giá trầm cảm RADS (Reynold Adolescent Depression Scale) là một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá trầm cảm ở thanh thiếu niên. Thang đo này do William M. Reynolds xây dựng vào năm 1986 và được sử

dụng chính thức từ năm 1987 [32]. RADS gồm 30 mục đánh giá, phù hợp cho đối tượng từ 10 đến 20 tuổi. Thang đo này đánh giá các triệu chứng trầm cảm theo 4 mức độ, từ không có đến luôn luôn, với điểm số từ 0 đến 3. Các thành phần cơ bản được đánh giá bao gồm loạn khí sắc, cảm xúc tiêu cực, mất hứng thú, tự đánh giá tiêu cực và phàn nàn về cơ thể.

RADS có ưu điểm là dễ sử dụng, chỉ mất khoảng 5-10 phút để hoàn thành. Cách tính điểm đơn giản, với tổng điểm từ 31-40 được xem là trầm cảm nhẹ, 41-50 là trầm cảm vừa và trên 51 là trầm cảm nặng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh độ tin cậy cao của RADS, với hệ số tin cậy dao động từ 0,92 đến 0,96 [175], [146], [139], [171].

Đặc biệt, RADS cũng được sử dụng phổ biến để đánh giá trầm cảm ở trẻ em mồ côi [36], [202].

- Thang đo trầm cảm Tổ chức Y tế PROMIS (PHO)

Một công cụ khác là thang đo trầm cảm PROMIS (Patient-Reported Outcomes Measurement Information System) của Tổ chức Y tế Thế giới. Thang đo này dựa trên tiêu chuẩn DSM-5, phù hợp cho trẻ em từ 11-17 tuổi. PROMIS gồm 14 mục đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm trong 7 ngày qua, sử dụng thang điểm 5 mức độ. Tổng điểm dao động từ 14 đến 70, với điểm số cao hơn thể hiện mức độ trầm cảm nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu cho thấy PROMIS có độ tin cậy cao với hệ số alpha Cronbach là 0,95 cho trầm cảm và 0,93 cho lo âu [170].

- Thang đo lo âu và trầm cảm ở trẻ em đã sửa đổi (RCADS)

Thang đo lo âu và trầm cảm ở trẻ em đã sửa đổi (RCADS - Revised Child Anxiety and Depression Scale) là một phiên bản cải tiến của thang đo lo âu ở trẻ em Spence (SCAS). RCADS đánh giá 5 đặc điểm chính của rối loạn lo âu theo DSM-IV (rối loạn lo âu chia ly, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ) và rối loạn trầm cảm nặng. Nhiều nghiên cứu trên cả mẫu cộng đồng và lâm sàng đã chứng minh RCADS là một công cụ hiệu quả để thanh thiếu niên tự đánh giá về trầm cảm nặng và các rối loạn lo âu [65].

- Thang đo lo âu Hamilton Anxiety Rating Scale (HAM-A)

Thang HAM-A là một trong những thang đánh giá đầu tiên được phát triển để đo lường mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu và ngày nay vẫn được sử

dụng rộng rãi trong cả môi trường lâm sàng và nghiên cứu. Thang đo HAM-A được

công bố phiên bản đầu tiên vào năm 1959 bởi Max Hamilton. Thang đo bao gồm 14 mục, mỗi mục được xác định bởi một loạt các triệu chứng và đo lường cả lo âu tâm lý và lo âu cơ thể, mất khoảng 15-20 phút để hoàn thành bài tự đánh giá. Mỗi mục được ghi trên thang 5 điểm, dao động từ 0 = không có vấn đề, 1= nhẹ, 2= trung bình, 3= nghiêm trọng và 4 = rất nghiêm trọng. Thang đo Ham-A có thể sử dụng, đánh giá lo âu ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em. Trong nghiên cứu của Gjerris và cộng sự (1983), thang đo lo âu Hamilton ban đầu được xây dựng cho những bệnh nhân mắc chứng lo âu thần kinh, đã được áp dụng cho những bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm với 22 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, 13 bệnh nhân trầm cảm nội sinh và 9 bệnh nhân trầm cảm không nội sinh khi được phân loại theo ICD-8. Thang đo HAM-A được xác định độ tin cây có ý nghĩa về mặt thống kê

[101]. Thang đo lo âu Hamilton (HAM-A) đã được kiểm tra về độ tin cậy và giá trị trong hai mẫu khác nhau, một mẫu (n = 97) được xác định bởi rối loạn lo âu, mẫu còn lại (n = 101) được xác định bởi rối loạn trầm cảm. Độ tin cậy và hiệu lực đồng thời của thang đo HAM-A đã được chứng minh là đủ. Tuy nhiên khả năng ứng dụng của thang HAM-A trong các nghiên cứu điều trị lo âu còn hạn chế [142].

- Thang đánh giá lo âu của Beck (Beck Anxiety Inventory -BAI)

Thang đánh giá lo âu của Beck (BAI - Beck Anxiety Inventory) là một công cụ quan trọng khác được phát triển bởi nhà tâm lý học Aaron T. Beck và cộng sự. BAI gồm 21 câu hỏi mô tả các triệu chứng lo âu khác nhau, với 4 mức độ từ 0 đến 3. Tổng điểm từ 0 đến 63, được chia thành các mức độ lo âu: không lo âu (0-7 điểm), lo âu nhẹ (8-15 điểm), lo âu trung bình (16-25 điểm) và lo âu nghiêm trọng (26-63 điểm).

BAI phù hợp cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh độ tin cậy và tính hợp lệ của BAI trên nhiều đối tượng khác nhau. Ví dụ, nghiên cứu của Ying Liang và cộng sự (2018) trên 762 bác sĩ Trung Quốc cho thấy phiên bản tiếng Trung của BAI có độ tin cậy đảm bảo.

Một nghiên cứu khác trên 82 bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoảng sợ với chứng sợ khoảng trống cũng chứng minh BAI có độ tin cậy tốt trong khoảng thời gian 5 tuần [80]. Tính hợp lệ của BAI đã được chứng minh trên nhiều nhóm đối tượng khác nhau

như người trưởng thành [42], [44], [97], [194]. Vị thành niên [117], [195], bệnh nhân người lớn tuổi [118], các mẫu cộng đồng [53] và trẻ em mồ côi [28], [69].

- Thang đo SCARED (Screen for Child Anxiety Related Emotional Disorders)

Thang đo SCARED (Screen for Child Anxiety Related Emotional Disorders) là một công cụ được thiết kế đặc biệt để đánh giá lo âu ở trẻ em từ 8 đến 18 tuổi.

SCARED gồm 41 câu hỏi chia thành 5 phần, tương ứng với phân loại rối loạn lo âu

theo DSM-IV. Thang đo này được phát triển bởi Boris Birmaher và cộng sự, giúp xác định các triệu chứng lo âu cụ thể như lo âu tổng quát, lo âu xã hội, sợ hãi khi xa cha mẹ và các rối loạn lo âu khác. Nghiên cứu của Birmaher và cộng sự (1997) trên 341 trẻ em thanh thiếu niên ngoại trú và 300 phụ huynh cho thấy SCARED có cấu trúc 5 yếu tố với độ tin cậy nội bộ tốt (alpha từ 0,74 đến 0,93) và độ tin cậy test-retest cao (hệ số tương quan nội bộ từ 0,70 đến 0,90) [51]. Một nghiên cứu khác của Su L. Y.

và cộng sự (2008) trên 1559 học sinh Trung Quốc cũng chứng minh SCARED có tính nhất quán nội bộ từ trung bình đến cao (alpha từ 0,43 đến 0,89) và độ tin cậy tốt [197]. Nhiều nghiên cứu khác cũng khẳng định SCARED là một công cụ đáng tin cậy

và hợp lệ để sàng lọc các rối loạn lo âu ở trẻ em trong môi trường lâm sàng [50].

- Thang đo Chỉ số hạnh phúc WHO-5 (The well-being index - WHO, 1998) Thang đo Chỉ số hạnh phúc WHO-5 (The Well-being Index) do Tổ chức Y tế Thế giới phát triển năm 1998 là một công cụ đánh giá sức khỏe tâm thần được sử dụng rộng rãi [218]. WHO-5 được rút gọn từ thang đo 28 mục ban đầu, bao gồm các mục được chọn lọc từ nhiều thang đo sức khỏe tâm thần khác như thang trầm cảm Zung, bảng hỏi sức khỏe tổng quát và thang hạnh phúc tâm lý tổng quát [41]. Điểm đặc biệt của WHO-5 là tập trung vào các khía cạnh tích cực của SKTT, phù hợp với quan điểm của WHO về hạnh phúc như một thành phần quan trọng của SKTT tổng thể. WHO-5 gồm 5 mục hỏi, sử dụng thang đo Likert 6 mức độ từ 0 ("Không bao giờ") đến 5 ("Lúc nào cũng vậy"). Tổng điểm từ 0 đến 25 được chuẩn hóa thành thang điểm 0-100 bằng cách nhân với hệ số 4. Điểm số càng cao thể hiện mức độ hạnh phúc càng cao. WHO-5 đã được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ và sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu toàn cầu. Công cụ này phù hợp cho đối tượng từ 9 tuổi trở lên, do đó có thể áp dụng cho nghiên cứu về trẻ em mồ côi.

- Thang đo MHC-SF (Mental Health Continuum-Short Form)

MHC-SF là phiên bản rút gọn từ dạng dài MHC-LF, thích hợp cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Thang đo này đánh giá ba khía cạnh của hạnh phúc: Cảm xúc, xã hội và tâm lý. MHC-SF được Keyes sử dụng lần đầu vào năm 2002, với độ tin cậy cao (>0,8) [127]. Độ tin cậy kiểm tra lại trong 3 tháng và 9 tháng lần lượt là 0,68 và 0,65

[135]. MHC-SF đã được xác thực trong nhiều nghiên cứu ở Hoa Kỳ, bao gồm mẫu đại diện quốc gia của người trưởng thành [99], sinh viên đại học [177] và thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi [130]. Ngoài ra, thang đo cũng được kiểm chứng tại Nam Phi [129]

và Hà Lan [135]. Cách tính điểm MHC-SF thường gán điểm từ 0 đến 5 hoặc 1 đến 6 cho mỗi câu hỏi. Điểm trung bình từ 1-2,9 được xem là mức hỗ trợ thấp, 3-5 là mức trung bình, và 5,1-7 là mức cao.

- Thang đo đánh giá nhận thức về mức hỗ trợ của xã hội MSPSS.

(Multidimensional Scale of Perceived Social Support)

Thang đo đánh giá nhận thức về mức hỗ trợ của xã hội MSPSS là một công cụ quan trọng được phát triển bởi Zimet và cộng sự năm 1988 [233]. MSPSS đánh giá cảm nhận của cá nhân về sự hỗ trợ xã hội từ gia đình, bạn bè và những người quan trọng khác. Thang đo gồm 12 mục với 7 mức độ Likert, từ "rất không đồng ý" đến

"rất đồng ý". Mặc dù không được thiết kế riêng cho thanh thiếu niên, MSPSS đã chứng minh giá trị trong nghiên cứu liên quan đến nhóm đối tượng này, phù hợp cho trẻ từ 10 tuổi trở lên. Thang đo đã được sử dụng và kiểm chứng trong nhiều nghiên cứu với các nhóm đối tượng đa dạng như sinh viên đại học [78],[125],[233], phụ nữ mang thai [234], thanh thiếu niên sống ở nước ngoài, bệnh nhi nội trú, thanh thiếu niên trong khoa tâm thần nội trú [125] và bệnh nhân tâm thần ngoại trú [62].

- Thang đo đánh giá stress PSS-10

Thang đo đánh giá stress PSS-10 (Perceived Stress Scale) là một công cụ phổ biến khác để đo lường mức độ căng thẳng tâm lý. Được phát triển bởi Cohen và cộng sự năm 1983 [71], PSS-10 thích hợp cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Thang đo này là phiên bản rút gọn từ PSS-14 ban đầu, dựa trên phân tích nhân tố từ dữ liệu của 2.387 cư dân Hoa Kỳ. PSS hiện đã được dịch sang 25 ngôn ngữ ngoài tiếng Anh [37],[114],[205]. Thang đo gồm 10 câu hỏi về cảm xúc và suy nghĩ trong vòng 1

tháng gần đây, với 5 mức độ từ 0 ("không bao giờ") đến 4 ("rất thường xuyên"). Tổng điểm từ 0-40, trong đó điểm cao hơn chỉ ra mức độ căng thẳng cao hơn. Cụ thể, 0-13 điểm: căng thẳng ít; 14-26 điểm: căng thẳng vừa phải; 27-40 điểm: căng thẳng nhiều.

PSS-10 đánh giá hai khía cạnh chính: cảm nhận về sự bất lực (6 mục) và thiếu năng lực bản thân (4 mục). Điều này giúp đánh giá toàn diện cảm nhận của cá nhân về khả năng kiểm soát hoàn cảnh và xử lý các vấn đề. Ngoài ra PSS gồm bốn mục (PSS-4) cũng đã được giới thiệu, nhưng các thuộc tính đo lường tâm lý của nó vẫn còn nhiều nghi vấn [72], [136], [200].

Như vậy, mỗi thang đo đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Tuy nhiên, dựa trên tổng quan về các biểu hiện sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi cũng như các nghiên cứu trên thế giới với đối tượng là trẻ em mồ côi từ 12 đến 18 tuổi, nghiên cứu này sử dụng các thang đo sau để đánh giá sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi: Thang đo đánh giá lo âu của Beck, Thang đo đánh giá trầm cảm của Reynolds, Thang đo căng thẳng nhận thức (PSS-10) của Cohen, Thang đo chỉ số hạnh phúc (WHO-5).

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng Thang đo đánh giá sự hỗ trợ xã hội (MSPSS).

Các thang đo này có số lượng câu hỏi ngắn gọn, phù hợp với độ tuổi đối tượng nghiên cứu. Đây là những thang đo được sử dụng phổ biến, có độ tin cậy cao và đã được chuẩn hóa để sử dụng tại Việt Nam.

Đánh giá chung: Kết quả nghiên cứu tổng quan cho thấy những giới hạn khi

tìm hiểu về SKTT của trẻ em mồ côi.

- Các nghiên cứu đều thừa nhận, trẻ em mồ côi có xu hướng có những biểu hiện SKTT theo 2 chiều, chiều tích cực (cảm nhận hạnh phúc và sự phục hồi), chiều tiêu cực là (trầm cảm, lo âu, stress và rối loạn sau sang chấn...). Tuy nhiên, có sự chênh lệch đáng kể giữa các nghiên cứu của các tác giả về mức độ và biểu hiện SKTT, cụ thể: Theo chiều hướng tích cực là biểu hiện cảm nhận hạnh phúc (77,5 - 99,8%), khả năng phục hồi (30 - 65%) và chiều hướng tiêu cực như trầm cảm là (20 - 49%), lo âu (30 - 75%) và căng thẳng (14 - 76%).

- Các yếu tố ảnh hưởng đến SKTT của trẻ em mồ côi còn có những ý kiến trái chiều giữa các nghiên cứu trong nước và trên thế giới. Đa số các nghiên cứu đều thừa nhận tình trạng mồ côi ảnh hưởng đến SKTT và chất lượng cuộc sống của trẻ, tuy

nhiên có nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với trẻ chỉ mồ côi cha hoặc mẹ [81], [63]. Về đặc điểm nhân khẩu học, một số nghiên cứu cho rằng trẻ em mồ côi nam có nguy cơ gặp các vấn đề SKTT cao hơn nữ [37], [168], một số nghiên cứu khác lại có ý kiến ngược lại [186], [82]. Yếu tố kỳ thị được đánh giá có ảnh hưởng quan trọng đến SKTT, tuy nhiên các nghiên

cứu chỉ ra rằng mức độ kỳ thị có sự khác biệt giữa các nghiên cứu do sự khác biệt về văn hóa. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về đặc điểm tâm lý cá nhân trong sự tác động đến SKTT của trẻ em mồ côi.

- Các công cụ đo lường (thang đo đã được tiêu chuẩn hóa) về trẻ em độ tuổi dưới 18 tuổi khá phố biến, tuy nhiên đa số chỉ đánh giá mức độ, biểu hiện các vấn đề SKTT, chưa đánh giá được hết các yếu tố ảnh hưởng đến SKTT, cần có các công cụ đo lường khác để đánh giá được toàn diện SKTT của trẻ em mồ côi.

Dựa trên cơ sở những nghiên cứu đi trước, trong nghiên cứu này, chúng tôi xác định hướng nghiên cứu như sau:

- Nghiên cứu thực trạng sức khỏe tâm thần theo hai chiều hướng, chiều hướng

tích cực với đánh giá cảm nhận hạnh phúc và chiều hướng tiêu cực với các vấn đề về trầm cảm, lo âu và căng thẳng của trẻ em mồ côi.

- Nghiên cứu tập trung tìm hiểu mối tương quan giữa các yếu tố nhân khẩu, yếu tố tình trạng mồ côi,... với các biểu hiện SKTT.

- Nghiên cứu các yếu tố tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội, đặc điểm môi trường sống tác động đến SKTT của trẻ em mồ côi.

- Đưa ra một số kiến nghị đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, các Trung tâm bảo trợ, Làng SOS, các trường có trẻ em mồ côi theo học và chính bản thân các em trong việc chăm sóc SKTT.

Tiểu kết Chương 1

Tổng quan nghiên cứu về SKTT của trẻ em mồ côi cho thấy một bức tranh đa chiều với cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực đáng chú ý. Một số nghiên cứu ghi nhận khả năng phục hồi đáng kể và chỉ số hạnh phúc tương đối cao ở trẻ em mồ côi.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra, trẻ em mồ côi thường phải đối mặt với các

thách thức về SKTT tiêu cực, bao gồm trầm cảm ở mức trung bình, cùng với mức độ lo âu và căng thẳng cao.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến SKTT của trẻ mồ côi, bao gồm tình trạng mồ côi, sự kỳ thị từ cộng đồng, đặc điểm nhân khẩu học, chất lượng chăm sóc, hỗ trợ từ Chính phủ và cộng đồng, cũng như vấn đề an ninh lương thực.

Hiện có nhiều công cụ đo lường SKTT, từ thang đo tích cực đến các thang đo đánh giá nguy cơ trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn chưa có thang đo chuyên biệt cho trẻ em mồ côi.

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 34 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(229 trang)