Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 57 - 78)

Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA TRẺ

2.3. Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi

2.3.1. Khái niệm sức khỏe tâm thần trẻ em mồ côi

Dựa trên khái niệm sức khỏe tâm thần theo Tổ chức Y tế thế giới [223], khái niệm trẻ em và khái niệm trẻ em mồ côi, chúng tôi khái quát về sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi như sau: Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi là trạng thái cảm

xúc đa chiều, từ chiều tích cực đến chiều tiêu cực, phản ánh khả năng thích ứng của trẻ trước thách thức của cuộc sống trong hoàn cảnh thiếu vắng cha mẹ.

2.3.2. Những biểu hiện sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi

Trẻ mồ côi dễ bộc lộ những khó khăn về tâm lý so với các bạn cùng trang lứa.

Những khó khăn tâm lý bao gồm trầm cảm, tức giận, lo âu và cảm giác buồn bã [209].

Theo WHO, các vấn đề liên quan đến SKTT có hơn 300 loại khác nhau. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu về các biểu hiện của SKTT ở trong nước và trên thế giới về SKTT trẻ em mồ côi, chúng tôi chỉ tập trung những vấn đề phổ biến được nhiều tác giả nghiên cứu cũng như các biểu hiện được giới hạn trong nghiên cứu này, cụ thể những vấn đề về SKTT như sau: Cảm nhận hạnh phúc, trầm cảm, lo âu và stress.

2.3.2.1. Biểu hiện sức khỏe tâm thần theo chiều hướng tích cực.

Cảm nhận hạnh phúc: Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa hạnh phúc là trạng thái

hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và phúc lợi xã hội, không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm yếu [220]. Hạnh phúc được định nghĩa là sự đánh giá tổng thể về toàn bộ cuộc sống của một người, nói theo cách khác là thể hiện mức độ yêu thích cuộc sống mà một người [214]. Hạnh phúc còn có nghĩa là hài lòng với mọi thứ bạn có, ở bên những người bạn muốn và không bị trầm cảm [154]. Cảm nhận hạnh phúc là việc mỗi cá nhân tự đánh giá dựa trên nhận thức và tình cảm về sự hài lòng, dễ chịu đối với cuộc sống của họ, về mức độ đáp ứng các nhu cầu cảm xúc tích cực

[10], [60].

Cảm nhận hạnh phúc là trạng thái tâm lý tích cực, thể hiện chất lượng cuộc sống và sự thỏa mãn trong các lĩnh vực khác nhau. Cảm nhận hạnh phúc bao gồm một số khía cạnh chính sau:

Cảm xúc tích cực: Cảm nhận những cảm xúc tích cực như sự vui vẻ, phấn khởi, yêu đời, lạc quan và thoải mái về thể chất lẫn tinh thần;

Sự hài lòng với cuộc sống: Hài lòng về chất lượng cuộc sống nói chung, cảm thấy hài lòng với những gì đang có và đạt được;

Ý nghĩa và mục đích sống: Cảm thấy sống có mục đích, cuộc sống có ý nghĩa, đáng để sống và phấn đấu cho những mục đích lớn lao hơn bản thân;

Thành tựu cá nhân: Cảm giác được thực hiện và đạt được những mục tiêu, dự định cá nhân trong các lĩnh vực quan trọng như công việc, gia đình, sức khỏe;

Mối quan hệ xã hội tốt: Có những mối quan hệ lành mạnh, gắn bó, nhận được sự ủng hộ xã hội từ người thân, bạn bè;

Sự tự quyết và kiểm soát: Cảm nhận mình có khả năng kiểm soát và lựa chọn cho cuộc sống của chính mình.

Thang đo cảm nhận hạnh phúc của WHO với 5 câu hỏi đánh giá một cách toàn diện các khía cạnh SKTT tích cực. Nó bao gồm yếu tố cảm xúc (vui vẻ, bình tĩnh),

sinh lý (năng động, mạnh mẽ), và nhận thức (tìm thấy sự yêu thích trong cuộc sống) [204].

Theo Zautra (2003) cho rằng những người hạnh phúc sẽ đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong cuộc sống, bởi vì họ cởi mở hơn với thế giới và tự tin hơn. Những người hạnh phúc cũng ít có khả năng trở thành nạn nhân của kiểu suy nghĩ tiêu cực khi gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc lựa chọn những hành động mang tính chất tiêu cực [230].

Để có được hạnh phúc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Trong đó, yếu tố chủ quan là kỹ năng sống, sự quyết tâm, năng lực xã hội và khả năng phục hồi. Do đó, việc cải thiện những kỹ năng như vậy có thể nâng cao hạnh phúc của một cá nhân [215]. Bên cạnh đó, việc chúng ta lựa chọn, đưa ra những quyết định, hướng đi giúp chúng ta cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống của mình [95].

Hạnh phúc còn phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố môi trường, trong đó có yếu tố điều kiện sống và điều kiện làm việc, học tập, các yếu tố về dịch vụ y tế, cơ sở vật chất được đảm bảo làm gia tăng sự hạnh phúc của mỗi người. Vì vậy, những người dân sống ở các nước có điều kiện kinh tế tốt sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn so với các nước còn khó khăn về kinh tế [215].

Đối với trẻ em mồ côi, mặc dù phải đối mặt với những mất mát lớn lao khi thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ, nhưng nhiều trẻ em mồ côi vẫn thể hiện được những cảm xúc tích cực và sự lạc quan. Vì vậy, hạnh phúc không chỉ là một nhu cầu tâm lý cơ bản, mà còn là động lực sống vô cùng quan trọng để các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn và tiếp tục phấn đấu. Việc quan tâm đến điều kiện sống, dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em là điều kiện đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho trẻ em mồ côi, giúp các em cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống [86]. Các kết quả nghiên cứu tổng quan cho thấy, mức độ hạnh phúc của trẻ em mồ côi ở mức tương đối cao từ 77,5%

đến 99,8%. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những em có mức cảm nhận hạnh phúc thấp hoặc không cảm thấy hạnh phúc.

2.3.2.2. Những biểu hiện SKTT theo chiều hướng tiêu cực

Trầm cảm: Trầm cảm là một vấn đề SKTT ngày càng phổ biến và nghiêm trọng,

đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO (2020), trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến trong đó các triệu chứng bao gồm tâm trạng chán nản, khả năng mất hứng thú hoặc niềm vui, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi, giá trị bản thân thấp, rối loạn giấc ngủ hoặc thèm ăn và kém tập trung [225].

Trầm cảm xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên khi thời gian buồn bã hoặc khó chịu trong một thời gian dài. Triệu chứng trầm cảm khá phổ biến ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên nhưng thường các em không nhận ra được. Một số trẻ có thể nói rằng chúng cảm thấy “không vui” hoặc “buồn”. Những người khác có thể nói rằng họ muốn tự làm tổn thương bản thân hoặc thậm chí tự sát. Trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm có nguy cơ tự làm hại bản thân cao hơn, vì vậy cần có sự quan tâm của gia đình và những người có chuyên môn. Tuy nhiên, chỉ vì một đứa trẻ có vẻ buồn bã, điều đó không nhất thiết có nghĩa là chúng bị trầm cảm. Nhưng nếu nỗi buồn trở nên dai dẳng hoặc cản trở đến sở thích, việc học tập hoặc cuộc sống gia đình và hoạt động xã hội, điều đó có nghĩa là trẻ cần sự hỗ trợ.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên mồ côi có thể lên đến 36,4% với các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, cảm giác buồn chán, bất lực và cô lập

xã hội [81]. Đặc trưng của trầm cảm ở tuổi vị thành niên là cảm giác buồn dai dẳng, mất hứng thú và năng lượng, cáu kỉnh, cảm thấy tiêu cực và vô giá trị.

Trên thế giới, trầm cảm là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra bệnh tật ở trẻ vị thành niên từ 15-19 tuổi và đứng thứ mười lăm đối với những người từ 10-14 tuổi.

Đáng chú ý, những bé gái phải đối mặt với nguy cơ cao hơn gấp ba lần so với bé trai trong việc trải qua tình trạng trầm cảm và thực hiện các hành vi tự gây tổn thương cho bản thân [224].

Tác động của trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể rất nghiêm trọng và lâu dài. Nó có thể gây ra những thay đổi đáng kể về cảm xúc, hành vi và nhận thức, ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào các hoạt động học tập, duy trì mối quan hệ với

bạn bè và gia đình, cũng như hình dung một tương lai tiêu cực. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như bỏ học, thất nghiệp ở tuổi trưởng thành, lạm dụng chất kích thích, mang thai hoặc làm cha mẹ quá sớm, và

trầm cảm kéo dài đến tuổi trưởng thành [68].

Đặc biệt nghiêm trọng hơn, trầm cảm là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tự tử. Trên toàn thế giới, tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở lứa tuổi 15-19. Ở châu Á, trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ vị thành niên. Có tới 11,7% trẻ vị thành niên ở Châu Á có ý tưởng tự tử và tỉ lệ trẻ từng có ý muốn tự tử chiếm 2,4% ở sáu quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [52],[167].

Để đánh giá mức độ trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên, một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi là Thang đo đánh giá trầm cảm cho trẻ em độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi (RADS). Thang đo này gồm 30 mục, đánh giá bốn khía cạnh chính của trầm cảm:

Rối loạn cảm xúc: Đánh giá trạng thái cảm xúc tiêu cực như buồn bã, khóc lóc, cảm giác cô đơn và tự thương hại. Các biểu hiện cụ thể, bao gồm "Tôi cảm thấy buồn"

hoặc "Tôi cảm thấy cô đơn". Biểu hiện này phản ánh sự thay đổi tâm trạng đặc trưng của trầm cảm, ảnh hưởng đến cách cảm nhận của thanh thiếu niên với môi trường xung quanh.

- Đánh giá tiêu cực: Thể hiện cách đánh giá, nhìn nhận về bản thân và tương lai của thanh thiếu niên. Các biểu hiện bao gồm "Tôi cảm thấy mình không có giá trị"

hoặc "Tôi nghĩ cuộc sống của mình sẽ không bao giờ tốt đẹp". Biểu hiện này phản ánh sự tự đánh giá tiêu cực và cảm giác vô vọng, thường gặp trong trầm cảm.

- Triệu chứng về cơ thể: Đánh giá các biểu hiện sinh lý của trầm cảm như mệt mỏi, đau đớn, rối loạn giấc ngủ hoặc không cảm giác ngon miệng. Các mục có thể bao gồm "Tôi cảm thấy mệt mỏi" hoặc "Tôi gặp khó khăn khi ngủ". Biểu hiện này nhấn mạnh mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và thể chất trong trầm cảm.

- Sự mất hứng thú: Phản ánh giá sự thiếu quan tâm hoặc mất niềm vui trong các hoạt động thường ngày. Các biểu hiện bao gồm "Tôi cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, vô vị" hoặc "Tôi cảm thấy thất vọng không muốn làm gì cả", “Tôi muốn xa lánh, chạy

trốn khỏi mọi người”. Biểu hiện này là một triệu chứng quan trọng của trầm cảm, phản ánh sự chán nản và mất hứng thú với niềm vui của cuộc sống [32].

Ngoài ra, theo UNICEF, trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu khác nhau, bao gồm cả triệu chứng thể chất và tinh thần. Về mặt thể chất, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc năng lượng thấp, bồn chồn hoặc khó tập trung, khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, thay đổi khẩu vị hoặc mất ngủ và đau đớn không rõ nguyên nhân. Về mặt cảm xúc và tinh thần, trẻ có thể trải qua nỗi buồn dai dẳng, lo âu hoặc cáu kỉnh, mất hứng thú với bạn bè và các hoạt động yêu thích, cảm giác cô đơn, vô giá trị hoặc tội lỗi, và có xu hướng chấp nhận rủi ro hoặc tự làm hại bản thân.

Như vậy, trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên là một vấn đề SKTT nghiêm trọng. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm thông qua các công cụ như thang đo RADS cũng với sự quan sát của người chăm sóc là rất quan trọng để giúp phát hiện, ngăn ngừa kip thời để tránh những hậu quả nghiệm trọng có thể xảy ra.

Lo âu: Lo âu là trạng thái tâm lý phổ biến, biểu hiện qua cảm giác lo lắng và sợ

hãi về một điều gì đó. Đây là phản ứng tự nhiên của con người trước những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Ở mức độ vừa phải, lo âu có thể mang lại lợi ích, như thể hiện ý thức trách nhiệm, tạo động lực hoàn thành công việc tốt hơn và giúp đối phó với các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi lo âu vượt quá tầm kiểm soát, kéo dài và gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nó trở thành một rối loạn tâm lý cần được quan tâm và điều trị.

Ở trẻ vị thành niên, lo âu là một vấn đề SKTT phổ biến, đặc trưng bởi sự lo lắng và sợ hãi dữ dội, quá mức và dai dẳng. Theo nghiên cứu, lo âu là nguyên nhân thứ chín gây ra bệnh tật, khuyết tật cho trẻ từ 15-19 tuổi và đứng thứ sáu đối với nhóm 10-14 tuổi. Đáng chú ý, tỷ lệ mắc lo âu ở trẻ em gái cao hơn trẻ em trai và thường tăng cao ở giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên [110].

Trẻ vị thành niên mắc chứng lo âu có nguy cơ cao dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như trầm cảm, lạm dụng chất kích thích và khó khăn trong học tập. Họ thường gặp trở ngại khi tham gia các hoạt động học tập, thể thao và các tình huống xã hội khác [228]. Hai biểu hiện lo âu phổ biến nhất ở lứa tuổi này là: Lo âu xã hội (sợ hãi

tột độ trong môi trường xã hội) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD - có những suy nghĩ, ý tưởng hoặc ám ảnh không mong muốn lặp đi lặp lại).

Để đánh giá mức độ lo âu, các nhà nghiên cứu thường sử dụng thang đo Beck

Anxiety Inventory (BAI) [43]. Thang đo này đánh giá các biểu hiện lo âu theo 4 hướng chính:

- Biểu hiện thể chất: Tê hoặc râm ran, khó tiêu, run rẩy, tim đập nhanh, khó thở, đổ mồ hôi.

- Biểu hiện tâm lý: Sợ hãi quá mức, căng thẳng, lo sợ mất kiểm soát.

- Biểu hiện nhận thức: Khó tập trung, đầu óc trống rỗng.

- Biểu hiện hành vi: Bồn chồn, cáu kỉnh, rối loạn giấc ngủ.

Các nghiên cứu về trẻ em mồ côi cho thấy, tỷ lệ trẻ mồ côi có những biểu hiện về SKTT tương đối cao, ở mức từ 30% đến 70% tuy vào từng nghiên cứu. Điều này

cho thấy được thực trạng của vấn đề lo âu đối với SKTT của trẻ em mồ côi.

Tóm lại, mặc dù lo âu là một phản ứng tâm lý tự nhiên, nhưng khi nó trở thành một rối loạn kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em mồ côi. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu lo âu và có biện pháp can thiệp kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ SKTT cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Stress: “Stress” được sử dụng với ý nghĩa là “sự khổ cực” “hardship” [109], dùng để mô tả sự trải qua thử thách gay go, tai họa hoặc nỗi đau buồn nào đó của con người. Stress cũng là một phần của từ “détresse” và “étresse” trong tiếng Pháp cổ, có nghĩa là chật hẹp, sự đàn áp. Trong tiếng Anh, “stress” có nghĩa là nhấn mạnh. Trong vật lý học, stress là sự sức nén mà vật liệu phải chịu.

Năm 1914, Cannon đã đưa ra định nghĩa về stress trong lĩnh vực tâm lý học:

Stress là căng thẳng thể lý và tâm lý phát sinh do những tình huống, sự kiện, trải nghiệm khó có thể chịu đựng hoặc vượt qua được, như những biến cố nghề nghiệp, kinh tế, xã hội, cảm xúc hoặc thể lý [73]. Định nghĩa này đã mở ra hướng nghiên cứu mới về ảnh hưởng của stress đối với SKTT con người.

Ở Việt Nam đa số các nghiên cứu đều sử dụng khái niệm từ nước ngoài. Tuy nhiên, có một số tác giả đưa ra khái niệm stress riêng, Tô Như Khuê cho rằng: Stress

chính là những phản ứng không đặc hiệu xảy ra một cách chung khắp, do các yếu tố có hại về tâm lý xuất hiện trong các tình thế mà con người chủ quan thấy là bất lợi hoặc rủi ro, ở đây vai trò quyết định không chủ yếu do các tác nhân kích thích, mà do sự đánh giá chủ quan về tác nhân đó” [12]. Theo Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thuỷ và Lê Khanh “Stress là những xúc cảm nảy sinh trong những tình huống nguy hiểm, hẫng hụt, hay trong những tình huống phải chịu đựng những nặng nhọc về thể chất và tinh thần hoặc trong những điều kiện phải quyết định hành động nhanh chóng và trọng yếu” [3].

Stress có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và sinh lý. Ở mức độ nhẹ, stress có thể gây ra mệt mỏi, giảm hứng thú hoạt động và các triệu chứng như nhức đầu, đau lưng, khó tiêu. Khi stress kéo dài, nó có thể dẫn đến suy giảm chức năng sinh lý của cơ thể do việc giải phóng liên tục các hormone liên quan đến stress.

Về mặt lâm sàng, phản ứng stress cấp tính thường biểu hiện qua sự hưng phấn quá mức cả về tâm lý lẫn cơ thể. Các triệu chứng có thể bao gồm tăng trương lực cơ, nét mặt căng thẳng, cử chỉ cứng nhắc, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, khó thở, vã mồ

hôi... Khi stress kéo dài, có thể xuất hiện các rối loạn thực vật kèm theo rối loạn tâm lý và chức năng cơ thể.

Để đánh giá mức độ stress, một trong những công cụ được sử dụng phổ biến là thang đo PSS-10 của Cohen và cộng sự [71]. Thang đo này gồm 10 mục đánh giá về khả năng kiểm soát, đối phó với stress và cảm xúc tiêu cực.

- Khả năng kiểm soát: Cảm thấy không kiểm soát được mọi việc trong cuộc sống, kiểm soát được những cảm xúc khó chịu, tức giận.

- Khả năng đối phó với stress: Cảm thấy tự tin khi giải quyết các vấn đề cá nhân, cảm thấy mọi việc diễn ra theo ý muốn.

- Cảm xúc tiêu cực: Cảm thấy tức giận những việc xảy ra ngoài ý muốn, cảm thấy lo lăng, căng thẳng.

Đối với trẻ em mồ côi, stress là một vấn đề đáng quan tâm. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ mồ côi có nguy cơ gặp phải stress dao động từ 14% đến 76%. Con số này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 57 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(229 trang)