Nghiên cứu về trường hợp điển hình

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 150 - 162)

Chương 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA TRẺ EM MỒ CÔI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

4.3. Nghiên cứu về trường hợp điển hình

4.3.1. Trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng trong trung tâm bảo trợ 4.3.1.1. Một số thông tin cá nhân

Em N.D.T sinh năm 2007, hiện đang học lớp 10. Em mồ côi cha, em bị gia đình bỏ lại tại Trung tâm bảo trợ lúc em 2 tháng tuổi.

Câu chuyện của em N.D.T: Khi 2 tháng tuổi cha mẹ em đưa em vào Trung tâm bảo trợ, năm 6 tuổi thì cha em mất, 8 tuổi thì mẹ em lấy chồng mới. Trước khi mẹ chưa lấy chồng và cha chưa mất thỉnh thoảng cha và mẹ vẫn vào thăm em, tuy nhiên sau khi cha mất và mẹ lấy chồng mới không còn ai vào thăm em. Em cũng không biết mẹ em hiện đang ở đâu và cũng không có bất cứ thông tin liên hệ gì với mẹ em. Theo

N.D.T, mẹ em không vào thăm em là do không muốn người chồng hiện tại của mẹ em biết được sự tồn tại của em. Em còn có người thân là bác và dì nhưng em chưa bao giờ gặp vì bác và dì chưa một lần vào thăm em, bác và dì của em hiện tại ở tỉnh Điện Biên.

Hiện tại gia đình em đang sống trong trung tâm có tất cả 10 thành viên, có chị lớn nhất sinh năm 2002, em là thứ 2 và có 8 em nhỏ khác. Gia đình em có 2 mẹ chăm sóc. Buổi sáng thì khoảng 5h30 cả nhà dậy, các chị lớn thì giúp các em nhỏ đánh răng, rửa mặt và phụ mẹ nấu đồ ăn sáng cho các em. Sau khi ăn sáng xong thì các em

sẽ đi học, em hiện tại học chiều nên sáng em sẽ phụ mẹ đi lấy thực phẩm cho cả ngày và phụ mẹ nấu cơm. Khoảng 11h30 các em đi học về rồi ăn cơm và đi học ca chiều, có xe đưa đón đi học hoặc đi học cùng bạn. Tối khoảng 17h30 đi học về thì em phụ mẹ tắm cho các em nhỏ, dọn cơm, ăn cơm và giúp mẹ dọn dẹp.

Em N.D.T chia sẻ rằng: Em cảm thấy buồn, nhiều khi cảm thấy cô đơn về hoàn cảnh của mình và trách cha mẹ tại sao lại bỏ rơi, nhiều khi em thấy các bạn khác có cha, có mẹ trong khi đó em không được như các bạn nên thỉnh thoảng em cảm thấy chạnh lòng. Cũng vì mẹ em có người chồng mới, không muốn chồng mới của mẹ biết đến em nên bỏ rơi em mà không đón em về sống cùng.

Em cũng cảm thấy mọi người có phân biệt đối xử với em vì em là trẻ mồ côi.

Tuy nhiên, cũng may mắn là em cũng thích giao tiếp nên em cũng không có mấy khoảng cách với các bạn trong lớp em đang học. Mặc dù trong Làng có nhiều bạn cùng trang lứa với em nhưng em không chơi thân với ai, vì trong này em thấy không ai đáng tin. Trong gia đình có 2 mẹ chăm sóc, có một mẹ em chia sẻ và có thể giúp em khi em gặp khó khăn, còn một mẹ, em không hợp nên em hay xung khắc và có nhiều ý kiến bất hòa. Ở trong này em cảm thấy vui, đặc biệt là vào buổi tối có các anh chị sinh viên các trường đến tổ chức hoạt động vui chơi, những ngày lễ, tết có các đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà nên tụi em rất thích. Ngoài ra, thỉnh thoảng các cô chú, các mẹ cũng tạo điều kiện cho em và các bạn được đi du lịch nếu đạt được thành tích học tập tốt, giống như một phần thưởng.

Em có nhiều ước mơ, ước mơ đầu tiên là em sẽ tìm và gặp được mẹ, vì lâu rồi em chưa được gặp mẹ. Ngoài ra, sau này học hết 12 em sẽ học Cao đẳng vì khả năng học của em không được tốt, hoặc em sẽ đi học nghề, em thích những nghề làm đẹp như nghề nail hay trang điểm. Em cũng hy vọng em sẽ có một công việc ổn định và kiếm được nhiều tiền để cuộc sống của em đỡ vất vả.

4.3.1.2. Biểu hiện sức khỏe tâm thần

- Cảm nhận hạnh phúc: Với thang đánh giá chỉ số hạnh phúc WHO-5, kết quả cho thấy mức độ hạnh phúc của em N.D.T ở mức điểm 40 so với 100 điểm, mức điểm dưới trung bình. Kết quả cho thấy cảm nhận hạnh phúc của em T tương đối thấp. Kết

quả này phần nào đánh giá được khi nghiên cứu về những khó khăn, lo lắng của em T đang sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội.

- Về trầm cảm: Thông qua quá trình khai thác thông tin và đánh giá mức độ trầm cảm của trẻ, cho thấy điểm trầm cảm của trẻ là 35, đánh giá trầm cảm theo thang RAD trẻ có biểu hiện trầm cảm ở mức nhẹ. Biểu hiện một số thông tin như em N.D.T cảm thấy mẹ không yêu thương em, bỏ rơi em theo một người đàn ông khác. Em

N.D.T cảm thấy buồn chán và không tin tưởng được ai tại nơi em đang sống. Em cũng không có bạn bè thân và ít khi chia sẻ những vấn đề của mình với những người trong gia đình. Em cảm thấy buồn và cô đơn vì hoàn cảnh của mình. Em N.D.T cũng cảm thấy thỉnh thoảng lo lắng việc học ở trường, đặc biệt là môn tiếng Anh. Em thiếu niềm tin vào tương lại tốt đẹp, nhiều khi cảm thấy chán nản.

- Về lo âu: Với điểm đánh giá là 8, theo thang đánh giá lo âu của Beck, em

N.D.T có mức lo âu nhẹ. Biểu hiện ở tim đập nhanh, lo sợ về những điều chưa xảy ra, cụ thể em lo lắng về tương lai của chính mình, thỉnh thoảng em cũng cảm thấy đầu em căng ra và không kiểm soát được cảm xúc. Điều này thể hiện em có những cuộc cãi vả với các em trong nhà và mẹ nuôi của em.

- Về Stress: Em N.D.T cũng có những biểu hiện về stress với mức điểm đánh

giá theo thang PSS-10 là 14 điểm, ở mức stress vừa. Biểu hiện buồn phiền, thất vọng, lo lắng, căng thẳng về học tập và không tự tin giải quyết được những công việc cá nhân. Khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc. Em cũng có những biểu hiện tức giận đối với những việc xảy ra ngoài ý muốn của em.

Như vậy, đánh giá tâm lý của em N.D.T cho thấy em đang gặp phải một số vấn đề như trầm cảm nhẹ, lo âu nhẹ, căng thẳng vừa phải và mức độ cảm nhận hạnh phúc tương đối thấp. Những khó khăn về tình cảm, học tập và hoàn cảnh sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

4.3.1.3. Nhận xét

Như vậy thông qua phỏng vấn, khảo sát bằng bảng hỏi, có thể đưa ra nhận xét về trường hợp của em N.D.T, trẻ em mồ côi hiện đang sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội.

Hoàn cảnh gia đình: Trải qua tổn thương tâm lý khi bị cha và mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng. Sự thiếu vắng tình thương yêu của gia đình đã để lại nhiều tổn thương trong tâm hồn N.D.T. Dù em được chăm sóc tại Trung tâm nhưng vẫn luôn muốn được gặp mẹ.

Hoàn cảnh sống hiện tại: Được sự chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm nhưng môi trường sống chưa thực sự ấm áp, thân thiện, em có những xung đột với một "mẹ

nuôi". Trong Trung tâm có bạn bè chơi cùng nhưng em vẫn cảm thất cô đơn và thiếu niềm tin ở bạn bè. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, xa lánh của xã hội càng khiến N.D.T thêm tổn thương.

Tác động đến SKTT: Em cảm thấy cô đơn và mặc cảm khi nhìn thấy các bạn có gia đình đầy đủ. Em cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương của gia đình nên xuất hiện sự hoài nghi, trách móc đối với cha mẹ ruột. Cảm giác bị phân biệt, đối xử vì hoàn cảnh dẫn đến những tổn thương ở N.D.T.

Ước mơ, hoài bão: Em N.D.T ước mơ được gặp mẹ ruột, được học nghề hoặc học lên cao đẳng với mong có một công việc ổn định và cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Nhìn chung, N.D.T phải trải qua nhiều thử thách về mặt tâm lý, xã hội và hoàn cảnh sống do bị bỏ rơi từ nhỏ, điều này có tác động đến SKTT của em. Những tổn thương tinh thần, sự thiếu hụt về tình cảm đang là những vấn đề cần được quan tâm, hỗ trợ để N.D.T có thể phát triển toàn diện và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

4.3.1.4. Một số kiến nghị

- Đối với Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em: Cần xây dựng những chuyên đề về tâm lý lứa tuổi cho các mẹ, người nuôi dưỡng để hiểu rõ những đặc điểm tâm lý của các em; Xây dựng nội quy, quy định đảm bảo chuẩn mực nhưng mềm dẽo không tạo những áp lực cho các em; Tăng cường các hoạt động tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, giúp các em có không gian để bày tỏ cảm xúc, chia sẻ nỗi niềm.

- Đối với trường trung học nơi em N.D.T đang theo học: Hỗ trợ tăng cường các buổi học ngoại khóa nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ, giúp giảm áp lực học tập;

Tạo môi trường học tập thân thiện, không phân biệt đối xử, giúp em hòa nhập tốt hơn.

- Đối với các mẹ, các nhân viên chăm sóc em N.D.T: Cần có sự quan tâm, chia sẻ và kết nối với em N.D.T để giải tỏa những mâu thuẫn và thu hẹp khoảng cách giữa em và mẹ nuôi.

- Đối với các chuyên gia tâm lý: Hỗ trợ tham vấn tâm lý để giúp em N.D.T thư giãn, làm dịu lo âu; Học cách chấp nhận việc mình là “trẻ mồ côi”; Nhận diện được những suy nghĩ tiêu cực, niềm tin tiêu cực về bản thân, người khác và cuộc sống để lấy lại các niềm tin đúng đắn (kỹ thuật nhận biết và tái cơ cấu nhận thức, kỹ thuật thử nghiệm hành vi, kỹ thuật phơi nhiễm); Nhận diện và quản lý cảm xúc; Giúp em T có kỹ năng giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ (luyện tập kỹ năng xã hội).

- Đối với em N.D.T: Chủ động tham gia các hoạt động tham vấn, trị liệu tâm lý để giải tỏa căng thẳng và cải thiện SKTT; Mở lòng đón nhận sự giúp đỡ và yêu thương từ những người xung quanh; Xây dựng mục tiêu và hoài bão cho tương lai, cố gắng phấn đấu và tin tưởng vào chính mình; Tăng cương tham gia các khóa học thêm nâng cao tiếng Anh.

4.3.2. Trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng bên ngoài Trung tâm bảo trợ

4.3.2.1. Một số thông tin cá nhân

N.H.Y, sinh năm 2009, hiện đang cư trú tại Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Em có hoàn cảnh mồ côi cha và bị mẹ ruột bỏ rơi từ nhỏ để đi theo người đàn ông khác. Hiện tại, em đang sống cùng với bà nội và không có nhiều kỷ niệm về mẹ.

Câu chuyện của em N.H.Y: Em sống với cha và bà nội nhưng khi em 10 tuổi thì cha em mất, khi đó em buồn lắm, em khóc rất nhiều, em không biết rồi cuộc sống của mình sẽ như thế nào? Không còn cha để em có thể nương tựa. Lúc đó em thấy suy sụp vô cùng, em thấy mình lạc lõng và bơ vơ. Mặc dù cha em mất lâu rồi nhưng em vẫn nhớ cha em, vì chỉ có cha em là thương em nhiều nhất, không như mẹ em.

Mẹ đã bỏ em đi và từ đó đến nay mẹ chưa một lần về thăm cũng như hỏi thăm đến em. Cha em mất, mẹ cũng không về, em cũng không biết mẹ hiện đang ở đâu và không có bất cứ thông tin gì về mẹ của mình. Em học buổi sáng nên em dậy sớm để ăn sáng rồi đi học, mặc dù bà nội em không có nhiều tiền nhưng lúc nào cũng chuẩn bị đồ ăn sáng đầy đủ cho em, khi thì em ăn mì, khi thì em ăn xôi... Khoảng 11h30 đến 12h thì em đi học về, thường về thì bà nội đã nấu cơm, hoặc có hôm nào đông khách

bà nội bận bán hàng thì em về mới nấu cơm nhưng đa phần là bà nội đã chuẩn bị sẵn cơm cho em, vì em về cũng trễ. Ăn cơm xong em phụ bà nội dọn dẹp và rửa chén bát.

Buổi chiều em phụ làm nước bán với bà nội em, bà nội em mở một gian hàng nước nhỏ, bán đủ các loại nước khác nhau. Em phụ bà nội bán đến khoảng 5h thì em nấu cơm tối. Bà nội bảo em đi học thêm, nhưng em thấy em tự học ở nhà được, tiết kiệm tiền đó để ăn uống, sinh hoạt vì bà nội nuôi em đã vất vã lắm rồi em không muốn làm bà nội mệt thêm vì phải lo cho em. Em chỉ buồn vì em mất cha thôi, còn em không buồn vì mẹ. Mẹ em đã vì một người đàn ông khác mà bỏ em, em không có gì phải buồn. Em rất thương bà nội em, vì bà nội em cũng lớn tuổi rồi (hơn 60 tuổi) nhưng bà nội vất vả kiếm tiền để nuôi em ăn học. Gia đình các bác em cũng khó khăn nên cũng chỉ phụ được em một ít tiền học. Em chỉ mong lớn nhanh để có thể kiếm tiền phụ và nuôi bà nội em. Nhìn các bạn đi học được cha, mẹ đón về bằng ô tô em cũng rất chạnh lòng. Em không cần đón em bằng ô tô, đi xe đạp cũng được nhưng nếu cha em còn sống thì tốt biết mấy. Em sẽ không phải buồn nhiều và tủi thân như bây giờ.

Thầy cô giáo và các bạn trong lớp đều biết hoàn cảnh của em, thầy cô cũng rất thương em và động viên em rất nhiều. Các bạn cũng không có thái độ gì với em, chỉ tự bản thân em thấy mình kém may mắn và thiệt thòi so với các bạn. Các bạn trong lớp, em chỉ chơi xã giao em không thân với ai vì em sợ các bạn thương hại vì em không có cha mẹ. Em có một người bạn thân gần nhà em nhưng cũng lâu lâu em mới gặp bạn ấy.

Em ít khi chia sẻ những nỗi buồn của em với bạn bè vì em không muốn các bạn thương hại vì hoàn cảnh của em. Em cũng không muốn nói với bà nội vì sợ bà nội sẽ buồn, sẽ lo lắng thêm cho em. Mỗi khi buồn em thường im lặng, khi nào buồn quá em mới khóc.

Thỉnh thoảng các cô chú ở trên phường cũng xuống cho quà bà nội và em vào những dịp lễ, tết. Em rất biết ơn vì các cô chú quan tâm đến em và gia đình em.

Em đang học lớp 9, em mong em thi đậu được vào lớp 10 rồi học học đại học nhưng em sợ không biết bà nội có đủ sức khỏe nuôi em học đại học không, mặc dù bà nội bảo em cố gắng học, bà nội sẽ nuôi em.

Em thích học tiếng Anh nên em muốn sau này em làm việc liên quan đến tiếng Anh và đây cũng là môn học mà em học tốt nhất ở lớp. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này ra trường, kiếm được việc làm, kiếm được nhiều tiền để nuôi bà nội em và em cũng có cuộc sống tốt như những bạn khác.

4.3.2.2. Biểu hiện sức khỏe tâm thần

- Cảm nhận hạnh phúc: Đánh giá về cảm nhận hạnh phúc em Y ở mức trung

bình với 52 điểm trên 100 điểm, mặc dù điểm về chiều hướng tiêu cực như trầm cảm, lo âu và căng thẳng của em Y cao hơn em T nhưng điểm đánh giá về hạnh phúc lại cao hơn. Nguyên nhân có thể do em còn có chỗ dựa tinh thần là bà nội của em, chính là điểm tựa mang lại cho em cảm thấy tinh thần tốt và thấy cuộc sống có ý nghĩa.

- Trầm cảm: Với thang điểm là 38 theo thang đánh giá trầm cảm RAD, ở mức

trầm cảm nhẹ. Biểu hiện cụ thể là em cảm thấy cuộc sống bất công với mình vì sao mình không giống như những bạn khác cùng trang lứa. Em Y cảm thấy cô đơn vì không chia sẻ được với ai. Em có những cảm xúc tiêu cực và em cảm thấy lo lắng cho hoàn cảnh của mình.

- Lo âu: Đánh giá lo âu theo thang đo của Beck với 21 điểm, em N.H.Y có mức

lo âu nhẹ. Biểu hiện ở tim đập nhanh, em lo lắng về vấn đề kinh tế, việc học và tương lai của chính mình, thỉnh thoảng em cũng cảm thấy hai tay em run run và toát mồ hôi dù không vận động mạnh.

- Về Stress: Em Y cũng có những biểu hiện về stress với mức điểm đánh giá

theo thang PSS-10 là 16 điểm, ở mức stress vừa. Biểu hiện rõ nhất là lo lắng về vấn vấn đề kinh tế, buồn phiền vì hoàn cảnh gia đình. Đặc biệt, em buồn phiền vì bà nội đã lớn tuổi những vẫn phải kiếm tiền, chăm sóc cho em. Em cảm thấy cuộc sống của em có nhiều khó khăn mà em không thể vượt qua.

Như vậy, nhìn chung em N.H.Y đang gặp một số vấn đề SKTT nhưng nhìn chung vẫn ở mức nhẹ và vừa phải. Đặc biệt, em vẫn có cảm nhận hạnh phúc ở mức trung bình (52/100 điểm), bà nội là yếu tố tích cực giúp em duy trì được cảm nhận hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 150 - 162)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(229 trang)