Hiện trạng rác thải nhựa đại dương trên Thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Đánh giá lượng rác thải nhựa từ Đất liền ra biển tại thành phố quy nhơn, tỉnh bình Định (Trang 22 - 25)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan về rác thải và rác thải nhưạ

1.1.4. Hiện trạng rác thải nhựa đại dương trên Thế giới và ở Việt Nam

Ô nhiễm nhựa xảy ra ở tất cả đại dương và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đến năm 2005, 60% tổng lượng nhựa trở thành rác thải, phần lớn trong số đó trôi vào đại dương. Đã có nhiều ước tính khác nhau nhưng nhìn chung có thể đã có khoảng 86 - 150 triệu tấn (MMT) nhựa đã tích tụ trong các đại dương và con số vẫn đang liên tục tăng. Năm 2010, ước tính có 4,8 - 12,7 MMT rác thải nhựa đã xâm nhập đại dương từ đất liền (Borrele, 2020). Trong số đó nhựa sử dụng một lần chiếm 60 - 95% ô nhiễm nhựa đại dương tính đến năm 2018 (Schnurr, 2018). Nhựa thất thoát từ đất liền (gần bờ biển và các con sông nằm sâu trong đất liền) góp phần lớn vào ô nhiễm nhựa đại dương. Ngoài ra còn một lượng lớn đáng kể nhựa đến từ biển, nhất là hoạt động đánh bắt cá. Không khí cũng là một môi trường phân tán ô nhiễm nhựa là nguồn phát thải vi nhựa chính.

Có thể khẳng định rằng con người đang sống trong “kỷ nguyên nhựa” có mặt ở khắp nơi. Chính nhu cầu sử dụng cao dẫn đến lượng rác thải nhựa ngày một tăng trong khi thời gian để phân hủy có thể lên đến hàng trăm năm do đó nhân loại đang đối đầu với hiện tượng ô nhiễm trắng.

Trên thế giới

Trên thế giới hiện đang phải đối mặt với 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái Đất. Rác thải nhựa ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm đất. Bên cạnh đó, 13 triệu tấn rác không được xử lý đã đổ ra đại dương gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động vật, thực vật biển khiến 1,5 triệu động vật trên đại dương chế vì ngộ độc rác thải nhựa mỗi năm (Nguyễn Luận, 2019). Chỉ riêng năm 2018, đã có 360 triệu tấn nhựa từ các nhà sản xuất nhựa trên thế giới. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được

tiêu thụ đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi con số hiện tại trong 20 năm tới.

Chỉ để đổi lại sự tiện dụng là khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng do quá trình phân hủy nhựa diễn ra từ từ, các hạt vi nhựa sẽ xâm nhập vào chuỗi thức ăn và tích tụ trong cơ thể con người. Nguy hiểm hơn, ước tính chỉ có khoảng 9% số rác thải nhựa được tái chế, khoảng 12% được đốt cháy, còn lại 79% vẫn đang tồn đọng trong các bãi chôn lấp, rác thải và trong môi trường tự nhiên.

Không những thế, đại dương đang là nơi hứng chịu lượng rác thải nhựa khổng lồ. Ước tính lượng rác thải nhựa đổ xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương. Những “đại dương ngập rác” sẽ giết chết những sinh vật biển nơi chưa có một giải pháp nào xử lý được, trong khi phải mất rất nhiều thời gian để tự hủy một cách tự nhiên.

Tính riêng các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) chi 1,3 tỷ USD mỗi năm để giải quyết ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa, chưa kể những thiệt hại kinh tế xuất phát từ tác động tới môi trường hay sức khỏe con người, ví dụ rác thải trên đại dương gây thiệt hại cho hệ thống sinh thái biển ít nhất 8 tỷ USD/ năm.

Tại Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tại Việt Nam trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng không ngừng tăng lên, hiện đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong 20 năm tới.

Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8 kg/năm/người vào năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2005. Điều phải kể đến, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, cụ thể là năm 2016 đã nhập 18.548 tấn, năm 2017 là 90.839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn (Bộ tài nguyên, 2019).

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi ni lông mỗi tháng. Chỉ tính riêng tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã thải ra ngoài môi trường 80 tấn nhựa và túi ni lông. Trong đó Hà Nội đã thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải ni lông chiếm 7-8%

(WWF).

Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, quá trình khám, chữa bệnh và sinh hoạt hàng ngày như các hoạt động sinh hoạt của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế hoặc các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… cũng đều làm phát sinh rác thải nhựa ra ngoài môi trường.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng nhựa sử dụng một lần tăng cao, làm gia tăng áp lực quản lý rác thải nhựa trên toàn thế giới (Peng et al., 2021). Các nhà khoa học dự đoán rằng gần như tất cả các mảnh vụn nhựa liên quan đến đại dịch COVID-19 sẽ trôi dạt trên bề mặt hoặc đáy biển sâu vào cuối thế kỷ này và trên khắp thế giới vào cuối thế kỷ này. Tổng lượng rác thải nhựa dưới đáy biển do đại dịch COVID-19 tạo ra là 28,8% và lượng rác thải nhựa trôi nổi trên mặt biển là khoảng 70,5% (Lương, 2021).

Hình 1.3: Rác thải nhựa tràn ngập bờ biển Đầm Nại (thị trấn Khánh Hải, huyện

Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN (Nguồn: https://baotintuc.vn/xa-hoi/giam-o-nhiem-rac-thai-nhua-dai-duong-can-

mot-giai-phap-dong-bo-20220930074744268.htm)

Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu khi lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa cũng đang được xúc tiến một cách tích cực.

Để ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Năm điểm chính trong kế hoạch bao gồm: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển và trên biển; kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Đánh giá lượng rác thải nhựa từ Đất liền ra biển tại thành phố quy nhơn, tỉnh bình Định (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)