CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.3. Phương pháp khảo sát và phân loại mẫu
Mục đích là xác định khối lượng, thành phần, chỉ số phát sinh rác thải và rác thải nhựa từ các nguồn đã xác định, từ đó đánh giá hiện trạng phát sinh rác thải nhựa trên địa bàn.
a. Hộ gia đình
Thu mẫu trong 07 ngày liên tục, trong đó có cả hai ngày cuối tuần (thứ 7 và chủ nhật) tại 07 phường với mật độ dân số khác nhau, được phân thành các nhóm:
Phường có dân số mật độ cao (≥ 10.000 người/km2): Phường Nguyễn Văn Cừ, Phường Trần Phú, Phường Lê Lợi, Phường Ngô Mây. Phường có dân số mật độ dân số trung bình (5.000 - 10.000 người/km2): Phường Thị Nại. Phường có mật độ dân số thấp (≤ 5.000 người/km2): Phường Ghềnh Ráng, Phường Hải Cảng.
Bên cạnh đó thực hiện khảo sát, thu mẫu tại 67 hộ gia đình dựa trên các tiêu chí các hộ không sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và vị trí của các hộ gia đình (trong hẻm, ngoài mặt đường), số thành viên trong gia đình (3 - 4 người), với số lượng 8 - 10 hộ gia đình/ phường.
Hình 2.2: Phạm vi thu mẫu rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trên địa bàn thành
phố Quy Nhơn
Việc khảo sát, thu gom, phân loại rác thải nhằm xác định khối lượng rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Từ đó đánh giá được tỷ lệ thành phần các loại rác thải (nhựa, hữu cơ, kim loại, gỗ, vải…), tỷ lệ các loại rác thải nhựa (túi nilon, chai lọ, nhựa dùng một lần…). Kết hợp với dữ liệu đầu vào tương ứng với từng nguồn thải, sẽ đánh giá được được sự biến đổi lượng rác và rác thải nhựa phát sinh giữa các ngày trong tuần, giữa các đối tượng được thu mẫu. Các bước chuẩn bị và tiến hành khảo sát, thu gom và phân loại mẫu tại thành phố Quy Nhơn được thực hiện như sau:
Đối với các hộ gia đình: Phát túi đựng rác cho các hộ gia đình đã lựa chọn và hướng dẫn cách thu gom, bỏ rác vào túi theo từng ngày. Trên túi có dán nhãn ghi mã số, tên chủ hộ, địa chỉ và số nhân khẩu. Bỏ lượt rác thu được vào ngày đầu tiên để tránh lẫn rác tồn dư trước đó và đảm bảo các hộ gia đình thực hiện đúng theo hướng dẫn. Tiến hành thu gom rác trong 7 ngày liên tục, trong đó có ngày cuối tuần và được thực hiện tại từng hộ gia đình vào buổi chiều tối (sau 19h30). Các hộ gia đình không thu được mẫu hoặc có khối lượng chênh lệch bất thường đều được ghi chú để xử lý dữ liệu.
Bảng 2.1: Thông tin về nhân khẩu thuộc các hộ gia đình thực hiện khảo sát tại các
phường của thành phố Quy Nhơn
STT Phường Diện
tích (km2)
Dân số (người)
Mật độ dân số (người/km2)
Xếp hạng
Số mẫu (hộ gia đình)
Số nhân khẩu (người)
1 Nguyễn
Văn Cừ 1,43 17814 12457 C 10 43
2 Lê Lợi 0,57 10306 18081 C 10 40
3 Ngô Mây 1,24 23308 18797 C 10 33
4 Trần Phú 0,66 10088 15285 C 6 19
5 Thị Nai 1,9 10357 5451 TB 10 41
6 Ghềnh Ráng
26,13 13397 513 T 10 37
7 Hải Cảng 10,7 15817 1478 T 11 48
Sau khi thu gom rác trong từng ngày từ các nguồn nêu trên, rác được đưa về địa điểm phân loại tập trung, phân loại. Rác thải sinh hoạt của từng hộ được sắp xếp theo từng phường, cân và ghi khối lượng, sau đó được trộn đều trên bạt nilon và phân loại, xác định chính xác thành phần vật liệu và khối lượng từng loại và ghi thông tin vào bảng phân loại theo mẫu tại Phụ lục 02.
b. Các nguồn phát sinh khác
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy các nguồn phát sinh rác thải khác bao gồm:
- Nhà hàng;
- Dịch vụ ăn uống, giải khát;
- Chợ và siêu thị;
- Cơ sở lưu trú;
- Các cơ quan công sở và doanh nghiệp;
- Nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản;
- Trường học;
- Du lịch;
- Các khu vực công cộng và hoạt động công cộng.
Ước tính tổng lượng phát sinh rác thải từ các nguồn này được tính dựa vào hệ số phát sinh rác nhựa được kế thừa, tổng hợp từ bản báo cáo kết quả khảo sát tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định của UNDP năm 2022 nhân với khối lượng, số lượng tương ứng của các nguồn đó.
Hình 2.3: Tóm tắt các phương pháp điều tra, khảo sát, phân tích mẫu từ các nguồn
phát sinh tại thành phố Quy Nhơn
c. Lượng rác thải nhựa được thu hồi, tái chế
Đối với các cơ sở thu gom, tái chế và xử lý rác thải, thực hiện phỏng vấn chủ cơ sở và người thu gom phế liệu đến bán tại cơ sở, kết hợp lấy mẫu và phân loại nhằm xác định tỷ lệ vật liệu nhựa trong tổng khối lượng rác thải được thu gom, tái chế và xử lý. Các thông tin về hoạt động xuất, nhập phế liệu trong ngày, giá cả của từng loại phế liệu, loại phế liệu nào được tái chế hoặc thải bỏ cũng được nghiên cứu thu thập tại các cơ sở này. Trong quá trình phỏng vấn, nghiên cứu cũng trực tiếp cân và phân loại mẫu từ nguồn phế liệu được thu mua nhưng chưa phân loại tại cơ sở này theo các nhóm chính: nhựa, kim loại, giấy, lon nhôm. Những người thu gom phế liệu đến bán tại cơ sở cũng được nghiên cứu phỏng vấn thông tin về khối lượng nhựa được thu gom hàng ngày, địa bàn thu gom.
Rác thải nhựa được thu gom tại các cơ sở xử lý hợp vệ sinh: Thực hiện phỏng vấn cán bộ thuộc Ban quản lý Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ và hộ kinh doanh phế liệu từ bãi rác, kết hợp lấy mẫu để phân loại thành phần vật liệu. Bãi chôn lấp cho phép nhiều người nhặt rác vào trong bãi để thu hồi, tái chế các vật liệu nhựa, kim loại (lon nhôm, sắt), giấy từ lượng rác thải được vận chuyển về bãi. Sau mỗi ngày, lượng rác thải tái chế này được bán trực tiếp cho một hộ kinh doanh phế
liệu được Ban quản lý bãi rác cho phép kinh doanh trong bãi và vận chuyển ra khỏi Bãi chôn lấp khi đủ khối lượng.
Phỏng vấn người thu gom, cơ sở thu gom phế
liệu
Phân loại mẫu rác thải và rác thải nhựa
Cân, ghi chép thành phần rác thải và rác thải nhựa
Hình 2.4: Các hoạt động thu gom, phân loại rác thải và rác thải nhựa