CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Tổng quan về thành phố Quy Nhơn
1.2.2. Điều kiện kinh tế- xã hội
Dân số
Theo Chi cục Thống kê thành phố Quy Nhơn, ước tính sơ bộ năm 2022, dân số trung bình thành phố Quy Nhơn là 292.991 người, tăng hơn hai nghìn người so với năm 2020. Trong số đó thành thị là 266.639 người, chiếm 91%; nông thôn là 26.352 người, chiếm 9%. Dân số nam là 145.675 người, chiếm 49,72%; dân số nữ 147.316 người, chiếm 50,28%.
Kinh tế
Quy Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lí như núi rừng, gò đồi, đồng ruộng, bãi, đầm, hồ, sông ngòi, biển, bán đảo và đảo. Với đường bờ biển dài 42 km, Quy Nhơn có diện tích đầm, hồ nước lợ lớn, tài nguyên sinh vật biển phong phú, có nhiều loại đặc sản quý có giá trị kinh tế cao… Bên cạnh đó các ngành kinh tế chính của thành phố bao gồm công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, nuôi và khai thác thủy hải sản, du lịch cũng đang trên đà phát triển, đặc biệt khu kinh tế Nhơn Hội mới được mở thêm. Hiện nay, thành phố có 4 khu đô thị mới: Khu đô thị mới An Phú Thịnh tại phường Đống Đa và phường Nhơn Phú; khu đô thị Đại Phú Gia tại phường Nhơn Bình; khu đô thị Xanh Vũng Chua tại phường Ghềnh Ráng; khu đô thị An Phú tại phường Quang Trung.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, năm 2022, tình hình kinh tế- xã hội của thành phố Quy Nhơn có nhiều khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vữ so với cùng thời kỳ năm 2021. Cụ thể như sau:
giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (theo giá so sánh 2010) ước đạt 33.842,68 tỷ đồng, tăng 6,76%, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 24.201,99 tỷ đồng, tăng 6,4%, giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 9.640,69 tỷ đồng, tăng 7,68%; giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản ước đạt 2.099,07 tỷ đồng, tăng 3,16%; giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 19.347,8 tỷ đồng, tăng 18,17%; giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.012,5 triệu USD, tăng 2,3%; giá trị kim ngạch nhập khẩu ước đạt ước đạt 255,3 triệu USD, tăng 2,6%; hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 13,5 triệu tấn thông quan, tăng 2,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 19.862,1 tỷ đồng, tăng 15,8%. Đặc biệt trong năm 2022, thành phố ước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 185,2% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó: khách quốc tế ước đạt 71 ngàn lượt; khách nội địa ước đạt 3,6 triệu lượt); doanh thu du lịch ước đạt 3.766,365 tỷ đồng, tăng 161,1% so với cùng kỳ (Ủy ban Nhân dân Thành phố Quy Nhơn, 2023).
Cơ sở hạ tầng, đô thị
Hệ thống điện: Điện lưới quốc gia đã được phủ kín hầu hết các phường, xã của thành phố Quy Nhơn (trừ xã đảo Nhơn Châu). Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn
trang trí, đèn tín hiệu giao thông được đầu tư và phát triển đồng bộ. 100% các tuyến đường được chiếu sáng; số tuyến hẻm có bề rộng lớn hơn 2m được lắp đặt đèn chiếu sáng đạt 85%.
Hệ thống giao thông gồm có đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường biển. Trong đó:
- Đường bộ: Có 3 tuyến Quốc lộ (QL1A, QL1D, QL19) và mạng lưới đường đô thị địa phương. - Quốc lộ 1A đoạn qua qua Thành phố Quy Nhơn có chiều dài 4,7 km, được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường đô thị loại II chỉ giới xây dựng 30 mét. Quốc lộ 1D nối thành phố Quy Nhơn với Thị xã Sông Cầu tỉnh Phú Yên có chiều dài 20,7 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
Tuyến Quốc lộ này đang được thi công, nâng cấp mở rộng đoạn từ để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn. Quốc lộ 19 nối liền Cảng Quy Nhơn đến cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) có tổng chiều dài 238km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và các tỉnh Tây nguyên nói chung, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, các tỉnh Nam Lào, đông bắc Campuchia qua cụm cảng Quy Nhơn.
- Đường sắt: Ga Diêu Trì cách trung tâm thành phố khoảng 15km, là một trong những ga lớn, là đầu mối của tất cả các loại tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ngoài ra tại khu vực trung tâm thành phố còn có Ga Quy Nhơn, là một nhánh của tuyến đường sắt Bắc – Nam, vận chuyển hàng hóa, người đến ga Diêu Trì và là điểm đầu, điểm cuối của đôi tàu Sài Gòn – Quy Nhơn.
- Đường hàng không: Sân bay Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 35 km về phía Tây Bắc. Nhà ga hành khách có diện tích sử dụng khoảng 3.000 m2 với năng lực phục vụ khoảng 300 khách/ giờ cao điểm.
- Đường biển: Các bến cảng biển chính đều tập trung ở thành phố Quy Nhơn và khu vực tiếp giáp đầm Thị Nại (Sở TNMT tỉnh Bình Định, 2021).
Cảng Quy Nhơn: Hiện có 05 cầu tàu, chiều dài cầu cảng từ 115 đến 200 m, tổng chiều dài 1.068 m, độ sâu tại cầu từ -7,4 m đến -12,5 m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT với tần suất bình thường, tàu có trọng tải 50.000DWT giảm tải.
Cảng Thị Nại: Hiện có 02 cầu tàu với tổng chiều dài là 288 m, cỡ tàu lớn nhất tiếp nhận là 10.000 DWT phương tiện và thiết bị chuyên dùng bốc xếp hàng hóa không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 10 thiết bị.
Tân cảng Quy Nhơn: Bến cảng Tân Cảng Quy Nhơn nằm tại phía trái luồng hàng hải Quy Nhơn, hiện có 01 cầu tàu, với chiều dài 200 m, có khả năng tiếp nhận tàu chở container và hàng hóa tổng hợp trọng tải đến 30.000 DWT.