CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Tổng quan về thành phố Quy Nhơn
1.2.4. Hiện trạng phát sinh và công tác quản lý chất thải nhựa tại Quy Nhơn
Phát sinh chất thải nhựa tại Quy Nhơn
Theo quyết định 1672/QĐ-TTG ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển của thành phố là phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm vùng duyên hải miền Trung. Đến năm 2035 là trung tâm kinh tế biển quốc gia theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển tạo sức lan toả đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân tăng 14,3%/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2019 đạt trên 19triệu tấn, tăng 9% so với năm 2018.
Công tác quy hoạch, quảng bá du lịch được tăng cường; thành phố có hơn 600 khách sạn-khu nghỉ dưỡng du lịch lớn nhỏ, Năm 2019, Quy Nhơn đón được hơn 7,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước tính đạt 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên ở các địa phương ven biển thuộc vịnh Quy Nhơn đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt chưa được thu gom triệt để, ý thức của cộng đồng ngư dân chưa cao, đặc biệt là tình trạng xả rác bừa bãi, xả rác trực tiếp ra biển trong đó có lượng lớn rác thải nhựa khó phân hủy đi vào đại dương gây tác động xấu đến môi trường biển, tính đa dạng sinh học Vịnh Quy Nhơn.
Công tác quản lý chất thải nhựa tại Quy Nhơn
Quyết định số 470/QĐ - UBND ngày 18/02/2020 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trong đó có thành phố Quy Nhơn. Với mục đích Nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên vùng biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom;
80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó
phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển. Từ đó đã nêu ra một số các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương.
- Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển.
- Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn.
- Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương.
- Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Dự án “Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Chương trình tài trợ nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP), Chính phủ Na Uy tài trợ, UBND thành phố Quy Nhơn đối ứng kinh phí; thực hiện xong giai đoạn 1 từ tháng 8/2020 đến tháng 10/2022 tại 4 xã, phường thành phố Quy Nhơn, gồm: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng, đã giúp các địa phương nâng cao năng lực quản lý rác thải tổng hợp đạt hiệu quả tích cực.
Theo đó, xã đảo Nhơn Châu thành lập tổ thu gom rác thải, cấp 518 thùng rác ba ngăn để người dân phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng mô hình làm phân compost sử dụng trồng rau tại 50 hộ dân. Riêng rác thải khó phân hủy, xã thu gom và thuê phương tiện vận chuyển (3 - 4 lần/tháng) từ đảo về đất liền để Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định đưa đi xử lý. Dự án đã giúp nâng cao nhận thức người dân cùng chung tay giữ gìn môi trường sạch đẹp, giúp xã thực hiện tốt tiêu chí môi trường, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Tỉnh và thành phố đã hỗ trợ xã hơn 11 tỷ đồng xây dựng lò đốt rác thải công suất 330 kg/giờ, dự kiến đầu quý II/2023 sẽ đưa lò vào hoạt động, khi đó năng lực xử lý rác thải của địa phương sẽ tốt hơn trước rất nhiều.
Tuy vậy vẫn còn một số tồn tại trong công tác thu gom, xử lý rác thải như sau:
- Tần suất thu gom ở một số địa phương còn thấp, một số khu vực ngoại thành thu gom với tần suất 1 tuần/lần, dẫn tới tình trạng người dân xả rác bừa bãi tại các khu vực công cộng, sông suối, ao hồ, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
- Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; chưa xây dựng và triển khai Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
- Ngân sách chi cho công tác thu gom, xử lý rác chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương có quan điểm việc thu gom và xử lý rác thải do các đơn vị tư nhân thực hiện bằng nguồn thu phí từ các hộ dân và nhà nước không có trách nhiệm hỗ trợ.
- Một số địa phương chưa xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành mức giá dịch vụ tối đa đối với hoạt động thu gom và xử lý rác thải áp dụng đối với các hộ gia đình, cá nhân. Một số địa bàn có tình trạng thu giá dịch vụ của các hộ dân không theo mức giá nhà nước ban hành và không phát hành biên lai. Phần lớn các địa phương chưa tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí phục vụ cho công tác thu gom và xử lý rác thải, chưa ban hành mức giá dịch vụ đối với hoạt động thu gom và xử lý rác thải áp dụng cho các đơn vị làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải để có cơ sở thực hiện việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
- Các địa phương chưa đầu tư đảm bảo trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện vận chuyển rác thải, do đó, khó khăn trong việc mở rộng địa bàn và tăng tần suất thu gom rác.
- Trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu áp dụng phương pháp chôn lấp để xử lý rác thải; một số bãi chôn lấp cấp huyện và phần lớn các bãi rác cấp xã chưa đảm bảo quy chuẩn hợp vệ sinh. Công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải tại các bãi chôn lấp chưa được thực hiện đồng bộ.
- Việc xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải vẫn gặp nhiều khó khăn, cả 3 nhà máy xử lý rác xã hội hóa đến nay đều chưa xây dựng.
- Ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi và không nộp giá dịch vụ thu gom rác thải.