Khai thác hải sản gần bờ .1 Một số khái niệm

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác hải sản gần bờ của các hộ ngư dân xã cẩm nhượng, huyện cẩm xuyên, tỉnh hà tĩnh (Trang 20 - 23)

PHẦN 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.1 CƠ SỞ LÝ LUẬN .1 Hiệu quả kinh tế

2.1.2 Khai thác hải sản gần bờ .1 Một số khái niệm

a) Vùng gần bờ và vùng xa bờ

Theo nghị định 123/2006/NĐ-CP vùng biển Việt Nam được phân thành:

- Vùng biển ven bờ được tính từ bờ biển (ngấn nước khi thuỷ triều thấp nhất) đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 24 hải lý; Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND cấp tỉnh) ven biển tiếp giáp nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển để xác định và công bố ranh giới vùng biển ven bờ giữa các tỉnh. Vùng biển ven bờ lại được phân thành hai tuyến:

+ Tuyến bờ là vùng biển được tính từ bờ biển đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 6 hải lý.

+ Tuyến lộng là vùng biển được tính từ đường cách bờ biển 6 hải lý đến đường nối các điểm cách bờ biển 24 hải lý.

- Vùng biển xa bờ được tính từ đường cách bờ biển 24 hải lý đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam. Vùng biển xa bờ là tuyến khơi.

Ngoài ra còn có khái niệm khác đó là vùng biển xa bờ được xem xét theo độ sâu - từ 50 m trở lên đối với vùng biển miền Bắc và miền Nam và 30 m trở lên đối vời vùng biển miền Trung và ngược lại các vùng biển Việt Nam có độ sâu thấp hơn được coi là vùng gần bờ.

b) Tàu thuyền khai thác gần bờ và xa bờ

Riêng đối với tàu khai thác thì hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về điều này. Tuy nhiên hiện tại Việt Nam vẫn đang sử dụng khái niệm về công suất máy trên 90 mã lực được coi là tàu có khả năng đánh bắt xa bờ và dưới 90 mã lực được coi là tàu khai thác gần bờ.

* Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại tuyến bờ:

- Tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa được hoạt động tại tuyến bờ.

- Tàu cá tuyến bờ đăng ký tại tỉnh nào chỉ được hoạt động trong tuyến bờ của tỉnh đó;

- Tàu cá tuyến bờ không được hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi.

* Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại tuyến lộng:

- Tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá lắp máy có tổng công suất từ 20 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa được hoạt động tại tuyến lộng;

- Tàu cá tuyến lộng không được hoạt động ở tuyến bờ và tuyến khơi.

* Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại tuyến khơi:

- Tàu cá lắp máy có tổng công suất từ 90 sức ngựa trở lên và tàu cá lắp máy có tổng công suất từ 50 sức ngựa trở lên làm các nghề câu, rê, vây, chụp mực được hoạt động tại tuyến khơi.

- Tàu cá tuyến khơi không được hoạt động ở tuyến bờ và tuyến lộng.

* Tàu cá hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi phải được đánh dấu để nhận biết. Bộ Thủy sản quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết đối với tàu cá hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi.

c) Ngư trường và bãi cá

Ngư trường khai thác là nơi có các quần thể cá (hay hải sản khác) tập trung tương đối ổn định, việc tiến hành khai thác tại đây luôn đạt sản lượng cao. Sự xuất hiện các quần thể cá tại ngư trường thường mang tính mùa vụ, với chu kỳ dài ngắn khác nhau tùy thuộc các yếu tố sinh thái tự nhiên. Các ngư trường thường đựơc gọi tên theo địa danh gần chúng nhất, thường là tên các đảo hoặc cửa sông.

Bãi cá khai thác là vùng nước có những điều kiện sinh thái thích hợp, là nơi hội tụ đàn cá để sinh đẻ hay để kiếm mồi. Tùy theo quần thể cá, các bãi cá được chia thành bãi cá đáy hoặc bãi cá nổi. Mỗi ngư trường thường gồm nhiều bãi cá.

Trong thực tế đôi khi khái niệm bãi cá được dùng chỉ ngư trường.

d) Một số khái niệm khác

Nghề/nghề nghiệp/nghề khai thác/nghề nghiệp khai thác: Được định nghĩa bằng các loại ngư cụ KTHS (lưới, câu…); lưới kéo, lưới vây hay câu mực… đều là các loại nghề nghiệp KTHS được đặt tên theo ngư cụ sử dụng để đánh bắt thuỷ sản.

Khai thác/đánh bắt hải sản: Hoạt động của con người sử dụng tàu thuyền và lưới, lưỡi câu… và các trang thiết bị hàng hải khác để bắt các loại thuỷ sản biển.

Nguồn lợi/nguồn lợi thuỷ sản: Là nguồn lợi tự nhiên bao gồm các thuỷ vực (biển, sông suối, ao hồ…) với các giống loài thuỷ sinh (tôm, cá, cua…), các thực vật thuỷ sinh (rong, tảo…).

2.1.2.2 Đặc điểm khai thác hải sản gần bờ

Trong những năm qua KTHS gần bờ đã mang về một lượng lớn nguồn hải sản, đáp ứng một phần nhu cầu lương thực thực phẩm của con người. KTHS gần bờ đang là vấn đề được nhiều cơ quan ban ngành quan tâm vì nó mang lại thu nhập và đảm bảo đời sống cho một bộ phận không nhỏ các HND ở ven biển.

Tuy nhiên hiện nay nguồn lợi hải sản gần bờ lại có dấu hiệu suy giảm do con người đánh bắt bừa bãi và sử dụng các chất hủy diệt.

- Thời gian cho một chuyến KTHS gần bờ là không dài. Ngư dân có thể đi biển trong một ngày cũng có khi đi đến một tuần. Thường những tàu có công suất nhỏ dưới 20CV hay đi KTHS trong ngày tức sáng đi chiều về. Trong khi đó các tàu có công suất trên 20CV có thể đi biển trong vòng 2 ngày tới 1 tuần.

- KTHS có độ rủi ro cao do công việc được thực hiện trên biển cô lập với thế giới con người, thời tiết diễn biến phức tạp khó đoán trước nên khó tránh khỏi bị thiệt hại về người và của.

- Chi phí ban đầu cho tàu thuyền khá lớn. Để có tàu đi biển người dân phải bỏ tiền đóng tàu, hiện nay các tàu có công suất trên 40CV là khoảng từ 60 - 120 triệu đồng. Số tiền này đối với các HND là không nhỏ.

- KTHS gần bờ phụ thuộc vào thời vụ và tình hình thời tiết. Có những năm ngư dân không khai thác được nhiều do không đúng thời vụ và thời tiết không thuận lợi.

- Thời gian nông nhàn trong KTHS khá nhiều. Thường trong một năm ngư dân chỉ đi KTHS từ 7 – 9 tháng và trong một tháng đôi khi cũng chỉ đi có một lần.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác hải sản gần bờ của các hộ ngư dân xã cẩm nhượng, huyện cẩm xuyên, tỉnh hà tĩnh (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w