Tình hình nghề cá thế giới

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác hải sản gần bờ của các hộ ngư dân xã cẩm nhượng, huyện cẩm xuyên, tỉnh hà tĩnh (Trang 27 - 31)

PHẦN 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.2 CƠ SỞ THỰC TIỄN

2.2.1 Tình hình nghề cá thế giới

2.2.1.1 Một vài nét khái quát về tình hình nghề cá thế giới

Tài nguyên biển không chỉ là sự quan tâm của một quốc gia mà là sự quan tâm trong sự liên kết khu vực và quốc tế, không chỉ quan tâm của Chính phủ, của giới doanh nhân mà ngày càng có sự tham gia, can dự của các tổ chức lấy bảo tồn, bảo vệ môi trường là khẩu hiệu hành động. Do đó, thủy sản đang có vai trò ngày càng to lớn trong an ninh thực phẩm thế giới, xóa đói giảm nghèo và có vị trí thương mại quốc tế.

Trên thế giới có sự chuyển đổi cơ cấu ngành thủy sản một cách mạnh mẽ để khắc phục hạn chế sản lượng kéo dài. Sự chuyển đổi cơ cấu này được thực hiện thông qua định hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nuôi trồng, cơ cấu lại nghề khai thác, tận dụng các nguồn thủy sản có trước nay trong truyền thống còn đang lãng phí. Sự chuyển đổi cơ cấu đó đi cùng với các liên kết toàn cầu đã đi đến xây dựng các thỏa ước gìn giữ nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái

biển cho sử dụng bền vững nguồn lợi chung. Tập trung nhất là sự ra đời luật ứng xử về nghề cá có trách nhiệm được thông qua năm 1995, được hội nghị bộ trưởng các nước thành viên tổ chức Nông lương (FAO) cam kết thực hiện năm 1999.

Sau công ước quốc tế về luật biển năm 1982, đặc biệt sau công ước này có hiệu lực năm 1994, sự quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, dường như đã xảy ra sự phân bố lại bản đồ nghề cá thế giới. Các nước đang phát triển đang có vai trò ngày một to lớn trong cung cấp cá làm thực phẩm trên thế giới và đã thu lợi khá lớn trong xuất khẩu thủy sản. Sự hội nhập quốc tế và khu vực trong nghề cá diễn ra mạnh mẽ nhưng đồng thời tranh chấp cũng diễn ra thường xuyên. Khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò to lớn trong việc tạo giống mới, gìn giữ các đối tượng có giá trị phục vụ khai thác, nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi, tạo các sản phẩm thương mại mới, giảm các thất thoát sau thu hoạch. Khoa học về nguồn lợi đang là công cụ để các nước hoạch định chính sách phát triển thủy sản của riêng mình.

2.2.2.2 Kinh nghiệm của một số nước về quản lý tàu thuyền nghề cá a) Kinh nghiệm quản lý tàu thuyền nghề cá ở Trung Quốc

Về quản lý tàu thuyền: Tàu thuyền nghề cá ở Trung Quốc cũng đa dạng như ở Việt Nam, số lượng tàu thuyền cỡ nhỏ ở các vùng biển tương đối nhiều.

Do vậy, để quản lý được tàu thuyền Trung Quốc không quản lý các tàu thuyền đánh cá của các hộ khai thác thủy sản mang tính chất “nông nhàn”, phục vụ cho sinh hoạt gia đình, các tàu thuyền loại nhỏ phục vụ cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.

Các tàu thuyền nghề cá thuộc diện phải đăng ký được phân thành 2 nhóm chính là: tàu đánh cá “nội địa” và tàu đánh cá “đại dương”.

Hiện tại Trung Quốc đang có chủ trương cho phát triển đội tàu cá đại dương lắp máy với công suất từ 1000CV trở lên.

Đối với tàu thuyền đánh cá “nội địa” Trung Quốc chủ trương giữ nguyên số lượng tàu thuyền hiện có, không phát triển thêm tàu mới. Đối với đội tàu hiện

có, chỉ được phép sữa chửa và đóng bổ sung để thay thế và khi tiến hành các công việc này chủ tàu thuyền phải xin phép cơ quan quản lý thủy sản.

Về việc cấp giấy phép khai thác thủy sản: Trung Quốc hiện nay vẫn đang thực hiện việc cấp giấy phép khai thác thủy sản. Nội dung của giấy phép tương tự như giấy phép khai thác thủy sản ở Việt Nam. Điểm khác là giấy phép do địa phương cấp chỉ có giá trị hoạt động trong vùng biển địa phương. Khi muốn hoạt động ra vùng biển tỉnh khác phải có giấy phép được trung ương cấp hoặc chấp thuận. Khi đánh cá ở đại dương còn phải có ý kiến của Bộ Ngoại giao.

Trong việc cấp giấy phép, Trung Quốc quan tâm tới các vấn đề sau:

Vùng hoạt động của tàu thuyền: Theo luật nghề cá Trung Quốc, hàng năm sẽ cấm tàu thuyền khai thác ở một số vùng (các vùng này do tỉnh công bố nhằm phù hợp điều kiện sinh thái ở từng vùng, căn cứ vào các kết quả điều tram nghiên cứu của các cơ quan khoa học).

Kích thước mắt lưới: không được nhỏ hơn kích thước cho phép theo qui định của Nhà nước.

Đối tượng khác: Theo luật nghề cá của Trung Quốc có việc quy định về các đối tượng cấm khai thác. Tuy nhiên theo nhận định của các cơ quan chức năng của Trung Quốc việc này rất khó áp dụng và tại một số địa phương mới chỉ triển khai công bố áp dụng đối với một số ít, số loại thủy sản mà chưa áp dụng rộng rãi. Việc cấp hạn ngạch khai thác thủy sản cũng được triển khai tương tự như vậy.

b) Kinh nghiệm quản lý tàu thuyền nghề cá ở Malaysia

Tàu thuyền nghề cá ở Malaysia cũng đa dạng như ở Việt Nam, số lượng tàu thuyền cỡ nhỏ ở các vùng biển cũng tương đối nhiều. Các tàu thuyền nghề cá ở Malaysia đều phải đưa vào quản lý. Malaysia chủ trương giữ nguyên số lượng đội tàu hiện có, không phát triển thêm tàu mới. Đối với tàu hiện có với tổng số là 34.000 chiếc, trong đó có hơn 600 tàu đánh bắt xa bờ (vùng C2) chỉ được phép sửa chữa và đóng bổ sung để thay thế và khi tiến hành các công việc này chủ tàu phải xin phép các cơ quan thủy sản theo phân cấp quản lý tàu thuyền.

Khi đăng ký, các tàu đều được đóng dấu lên tàu (dạng búa gỗ kiểm lâm) và đóng các đinh chuyên dụng để tránh tráo đổi hoặc thay thế mà không xin phép.

Việc quản lý tàu thuyền ở Malaysia tương đối chặt chẽ. Tàu thuyền có thể đi đánh bắt ở bất cứ vùng biển nào, xong phải theo các tuyến đã quy định và phải quay về địa phương đăng ký để bán sản phẩm (quy định màu sơn, cabin cho tàu của mỗi tỉnh). Việc cấp giấy phép được tiến hành theo định kỳ hàng năm cho tất cả các loại tàu thuyền.

Để cấp phép Malaysia chia vùng 4 thành 4 khu vực (tuyến) hoạt động cho 4 nhóm tàu như sau:

Tuyến A: Từ 5 hải lý trở vào cho các tàu làm các nghề truyền thống, nghề vây cá cơm có trọng tải dưới 20 tấn.

Tuyến B: Từ 5 hải lý đến 12 hải lý trở vào cho các tàu làm nghề lưới kéo có trọng tải từ 20 đến dưới 40 tấn với điều kiện chủ tàu đều phải là người điều khiển phương tiện.

Tuyến C: Từ 12 hải lý đến 30 hải lý trở vào cho các tàu làm nghề lưới kéo, lưới vây có trọng tải từ 40 đến dưới 70 tấn.

Tuyến C2: Ngoài 30 hải lý cho các tàu làm nghề lưới kéo, vây, rê, câu vàng có trọng tải trên 70 tấn.

Ứng với mỗi nhóm tàu hoạt động tại các tuyến trên có một loại giấy phép khác nhau và được phân biệt theo màu và cấp quản lý: Nhóm A do các huyện quản lý, nhóm B do cấp bang và nhóm C do cấp liên bang quản lý.

Cấp huyện là đơn vị trực tiếp cấp tất cả các loại giấy phép. Các cơ quan quản lý thực hiện quyền cấp phép của mình thông qua mạng thông tin (hồ sơ tàu của cấp nào quản lý sẽ được cấp huyện tiếp nhận và truyền qua đến cấp đó, nếu đủ điều kiện cấp phép, cấp quản lý sẽ chấp thuận để cấp huyện trực tiếp cấp cho chủ tàu).

Ngoài ra, liên bang thực hiện quyền quản lý, giám sát hoạt động của mình đối với tàu xa bờ, thông qua việc liên lạc hai chiều trực tiếp với các tàu có sự hỗ trợ của hệ thống GPS.

Về hỗ trợ cho ngư dân, Liên bang có hệ thống xử lý ảnh vệ tinh để dự báo và thông báo tình hình về nguồn lợi cho ngư dân.

Về kiểm tra kiểm soát: Cấp huyện trực tiếp quản lý các tàu kiểm ngư. Tại các huyện có các cảng neo đậu tàu kiểm ngư và có các cỡ tàu kiểm ngư phục vụ cho việc giám sát ứng với các tuyến (tuyến bờ có sự hỗ trợ bằng quan sát trên bờ).

Ngoài hệ thống tàu kiểm ngư, còn có phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm của các lực lượng kiểm soát trên biển của các tàu hải quan, cảnh sát biển thông qua sự chỉ huy của ban phối hợp điều hành giám sát biển cấp chính phủ.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác hải sản gần bờ của các hộ ngư dân xã cẩm nhượng, huyện cẩm xuyên, tỉnh hà tĩnh (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w