PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.2 CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.2.1 Thực trạng chất lượng lao động ở Việt Nam và trên thế giới
2.2.1.1 Thực trạng chất lượng lao động ở trên thế giới và một số công ty nước ngoài tại Việt Nam
Theo báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF về tình hình lao động toàn cầu, thị trường lao động thế giới đã tăng gấp 4 lần so với năm 1980 và theo dự kiến, đến năm 2050, thị trường này sẽ tăng gấp đôi so với hiện
nay. Việc hòa nhập nền kinh tế thế giới của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Âu cùng với sự tăng trưởng dân số toàn cầu đã đóng góp đáng kể cho lực lượng lao động tham gia vào thương mại quốc tế [Thái Thị Tuyết, 2009].
Theo IMF, sự phát triển của thị trường lao động quốc tế được thể hiện trên ba kênh: xuất nhập khẩu các sản phẩm tinh chế, sản xuất theo hướng phi tập trung của các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động. Xu hướng quốc tế hóa thị trường lao động đang làm cho nhiều nước được hưởng lợi. Các nước đông dân và các nước đang phát triển giải quyết được vấn đề việc làm, cải thiện thu nhập của người dân. Trong khi đó, nhập khẩu lao động mang lại nguồn lợi lớn cho các nước phát triển. Vấn đề thiếu nhân công ở các nước Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản đang dần được giải quyết, Chỉ tính riêng ở Mỹ, dân nhập cư đã đáp ứng được 15% nhu cầu lao động trong nước, còn ở Tây Âu, con số này tuy thấp hơn nhưng cũng đáp ứng được một phần nhu cầu lao động ở các nước này. Đa số các nước phát triển thì chất lượng lao động ngày càng được nâng cao. Việc đòi hỏi lao động chất lượng cao từ các ngành, các doanh nghiệp đã đặt ra cho ngành đào tạo ngày càng được quan tâm khắt khe. Đặc biệt là các ngành công nghệ thông tin, các ngành nghiên cứu khoa học luôn có đội ngũ lao động có nhiều khả năng tư duy sáng tạo trong công việc. Đối với các nước khu vực Đông Nam Á vấn đề hiệu quả lao động ngày càng được quan tâm đúng mức Chính phủ các nước tăng cường đầu tư vào giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng lao động
Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam là một thành viên của tập đoàn C.P Thái Lan (Charoen Pokphand) được cấp giấy phép đầu tư số 545A/GP vào năm 1993 với hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuụi... Chiến lược về lao động của Cụng ty rất rừ ràng và được chỳ trọng.
Việc tuyển chọn đầu vào của CP cũng khá khắt khe chính vì vậy lao động của
CP làm việc rất hiệu quả. Có thể nói CP là cái nôi đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp khác cùng ngành. Lao động trong Công ty có trình độ đào tạo và các kỹ năng làm việc rất chuyên nghiệp. Lao động văn phòng có khả năng tin học và tiếng anh thành thạo đáp ứng tốt nhu cầu làm việc mà Công ty đòi hỏi.
Công ty BP Petco là liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí BP, một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới – với Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty hạ nguồn lớn nhất Việt Nam. Công ty đã đầu tư để xây dựng nhà máy pha chế dầu mỡ nhờn công suất lớn nhất Việt Nam và hiện đại nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại thời điểm đầu tư xây dựng. Nhà máy được hoạt động vào năm 1997 cùng với sự đầu tư về các nguồn lực vốn, nhà máy, công nghệ thì lao động và chất lượng lao động là một vấn đề luôn được quan tâm và đầu tư. Công ty đã đào tạo đội ngũ lao động làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Đồng thời các chính sách đãi ngộ và văn hóa doanh nghiệp luôn được quan tâm xây dựng và giải quyết nhằm không ngừng nâng cao năng suất lao động.
2.2.1.2 Thực trạng chất lượng lao động ở Việt Nam
Nước ta có nguồn lao động dồi dào, chiếm 54% dân số cả nước, với 46,6 triệu lao động. Tuy nhiên, có đến gần 80% người lao động trong độ tuổi từ 20-24 khi tham gia thị trường lao động chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo thị còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp. Chất lượng lao động của nước ta tiếp tục thấp, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý ngay từ khi đào tạo khiến thị trường lao động tiếp tục phải tiếp nhận một nguồn lao động không đạt yêu cầu[19]. Đây là thực tế đòi hỏi có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
Chiến lược phát triển giáo dục quốc gia 2001-2010 đã khẳng định “ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo lao động, đặc biệt chú trọng lao động khoa học trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân lỹ thuật lành nghề trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế...”. Thế nhưng,
đến nay chất lượng lao động của nước ta tiếp tục thấp, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý ngay từ khi đào tạo do đó lực lượng lao động vẫn không đáp ứng được nhu cầu về lao động của thị trường.
Thực tế này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, như cơ khí, điện tử... Ông Trần Quang Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng: “Chúng ta cần phải thay đổi toàn bộ hình thức đào tạo công nhân và kỹ sư. Hiện nay, chúng ta có nhiều thợ, nhiều kỹ sư, nhưng kỹ sư giỏi và thợ lành nghề ít vì vậy mà chúng ta chỉ có thể gia công. Kỹ sư của chúng ta mới quen làm việc theo công nghệ, mẫu mã của nước ngoài. Còn tự mình thiết kế sản phẩm, hoặc sáng tạo ra mẫu mã mới còn rất ít. Đây là thực tế đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục”.
Thực tế thiếu lao động chất lượng cao không chỉ là vấn đề của ngành điện tử, mà còn là tình trạng chung của nhiều ngành khác như theo thống kê của Hiệp hội Dệt may thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may hiện đang cần khoảng 40.000 lao động điều hành sản xuất ở các chưc danh giám đốc, quản đốc, quản lý chất lượng, thiết kế... nhưng không tìm đâu ra. Ở ngành tin học cũng trong tình trạng tương tự khi ngành cần ngay khoảng 25.000 chuyên gia phần mềm và lập trình viên, nhưng hiện nay, hệ thống đại học chỉ có thể cung cấp 5.000 chuyên gia công nghệ thông tin mỗi năm vào làm việc ngành phần mềm.
Doanh nghiệp “tìm không ra” nhưng lao động từ các trường đại học lại thừa. Theo Sở Lao động- Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh, số lao động tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm hiện tại vào khoảng 8.000 đến 10.000 người, nhưng số sinh viên ra trường đáp ứng được việc làm cho các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 25% số còn lại phải làm công việc trái ngành nghề đã học hoặc phải chờ việc.
Chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý chính là “điều kiện” khiến cho thị trường lao động luôn ở tình trạng thừa mà... thiếu. Chính vì vậy, để góp phần khắc phục tình trạng này, một trong những yêu cầu cơ bản đặt ra là bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo ở khu vực đại học, cũng cần có quy hoạch chi tiết và phát triển mạng lưới các trường dạy nghề, đảm bảo đồng bộ về quy mô, cơ cấu ngành nghề và cấp trình độ đào tạo với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, doanh nghiệp... Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng cục trưởng cục dạy nghề cho rằng: “Để thực hiện chỉ tiêu Chính Phủ đặt ra là nâng tổng số lao động qua đào tạo đến hết năm 2010 là 50%, trong đó dạy nghề là 30% thì phải có các giải pháp hết sức căn bàn. Đặc biệt quan tâm đến chất lượng, kiên quyết chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu; đẩy mạnh dạy nghề thường xuyên, thực hiện triển khai dạy nghề thường xuyên và tăng cường công tác quản lý Nhà nước với đào tạo nghề tại doanh nghiệp và tại nơi làm việc.
Hiện nay, thị trường lao động của nước ta phát triển tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có các khu công nghiệp, khu chế xuất, và ở 3 vùng kinh tế trọng điểm. Nhiều địa phương khác thì thị trường lao động còn ở mức sơ khai, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành của các địa phương chưa có sự gắn kết với kế hoạch sử dụng lao động. Đặc biệt, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị của nhiều địa phương chưa gắn với tạo việc làm ổn định cho người lao động. Giải pháp khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Đại Đồng – Vụ trưởng Vụ lao động việc làm- Bộ lao động thương binh xã hội, các địa phương cần có sự hoàn thiện về chính sách liên quan đến thị trường lao động. Bộ Lao động thương binh và xã hội đang được Chính phủ giao nhiệm vụ chuẩn bị đề án về phát triển thị trường lao động để thị trường lao động phát triển phù hợp với quy luật thị trường nói chung và thị trường lao động nói riêng. Bài toán chất lượng nhân lực, hay nói cách khác, nghịch lý
“cung thừa” “cầu thiếu”, đã được đề cập nhiều trong các diễn đàn. Tuy nhiên,
cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Để nhân lực đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế, tránh tình trạng thiếu nhân lực có chất lượng, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự “bắt tay chặt chẽ” ngay từ khâu đào tạo nhân lực.
Khi đó, nhà trường sẽ có kế hoạch đào tạo đúng với nhu cầu của thị trường.
Còn doanh nghiệp chủ động hơn về nhân lực cho phát triển sản xuất, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ý kiến của phần lớn các chuyên gia lao động khi nói về chất lượng lao động Việt Nam cho rằng: “Chất lượng lao động thấp và không được đào tạo bài bản đã khiến cho người lao động phải chịu lép vế và phải chịu nhường lại các vị trí có thu nhập cao cho người nước ngoài”, “khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thì chất lượng lao động thấp sẽ có tác động xấu tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo ông Lê Duy Đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có một thực tế là nguồn lao động của ta rất dồi dào nhưng rất nhiều doanh nghiệp lại kêu thiếu lao động. Sự khan hiếm tập trung ở số lao có trình độ, kỹ năng làm việc và có khả nắm giữ một số vị trí chủ chốt của doanh nghiệp. Trong khi đó, số lượng lớn lao động giản đơn đặt gánh nặng giải quyết việc làm lên các cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc cung lớn hơn cầu đối với lao động giản đơn đang đẩy tiền công có xu hướng ngày càng thấp và lợi thế luôn thuộc về chủ sử dụng lao động.
Ông Lê Duy Đồng lấy ví dụ, tại Nhà máy Nghi Sơn (Thanh Hóa), do không tìm được người bản sứ có khả năng đáp ứng được yêu cầu nên những vị trí chủ chốt đều do người Nhật nắm giữ. Tổng quỹ lương của 20 người Nhật làm việc trong Nhà máy này bằng tổng quỹ lương của gần 2.000 người Việt Nam làm việc ở đây. Còn ở một số dịch vụ khác như: ngân hàng, y tế,vv...có tới 40% tổng số lao động có thu nhập từ 14.000 USB/năm trở lên thuộc người nước ngoài.
Theo diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2005, chất lượng lao động của Việt Nam xếp thứ 53 trong số 59 quốc gia được khảo sát. Cơ cấu lao động tỉ lệ đại học (cử nhân, bác sĩ, kỹ sư)/ trung học chuyên nghiệp/ công nhân kỹ thuật trung bình ở nước ta (1:1,16:0,92); còn trung bình của thế giới 1:4:10), như vậy nước ta nghiêng tỉ lệ thầy nhiều hơn thợ quá lớn, chưa đáp ứng chuẩn mực đào tạo.
Theo thống kê của Bộ giáo dục đào tạo, có 63% tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Trong số 37% sinh viên có việc làm, thì cũng không đáp ứng được công việc,không ít công ty phải mất 1-2 năm đào tạo lại. Bằng cấp đào tạo chưa được thị trường lao động quốc tế thừa nhận, tốt nghiệp đại học ở Việt Nam chưa hẳn ở nước ngoài đã được trả lương theo văn bằng. Năm 2008 số sinh viên tốt nghiệp đại học là 161.411. Theo ước tính, mỗi tấm bằng đại học người dân bỏ ra 40 triệu đồng, còn Nhà nước đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, với tỷ lệ 63% sinh viên ra trường chưa có việc làm, có thể làm một phép tính để thấy kinh phí đã đầu tư rồi sinh viên vẫn thât nghiệp (161.411 SV*63%*70 triệu). Chỉ tính riêng năm 2009 ít nhất là 7.117 tỷ đồng (trong đó 4.067 tỷ đồng của dân, còn là 3.050 tỷ đồng của Nhà nước). Cũng theo thống kê về thị trường lao động tại 3 thành phố Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh có tới 64% lực lượng lao động chưa được đào tạo và tới 78% thanh niên trong độ tuổi từ 20-24 không đạt được các yêu cầu của thị trường lao động.
Theo bảng xếp hạng các nước châu Á chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng, theo đánh giá mới của Ngân hàng thế giới (WB). Một nghiên cứu khác cho thấy lao động Việt Nam chỉ đạt 32/100 điểm. Trong khi đó, những nền kinh tế có chất lượng lao động dưới 35 điểm đều có nguy cơ mất sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Theo PGS.TS Nguyễn Đại Thành, Nguyên Vụ trưởng vụ Giáo Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) khẳng định nguồn lao động của nước ta có năng suất lao động quá thấp, đứng thứ 77/125 nước và vùng lãnh thổ, sau cả Indonesia, Philippine và Thái Lan.
Ngay tại Thủ đô, có chưa tới 15% lực lượng lao động biết tiếng Anh và sử
dụng thành thạo máy tính, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế- xã hội Hà Nội cho biết. Theo bảng số liệu do PGS.TS Đặng Quốc Bảo cung cấp thì tỉ lệ lao động không có chuyên môn ở Hà Nội hiện là 41,4%, Hải Phòng 64%, Đà Nẵng 54,4%, TP. Hồ Chí Minh 55% và Bà Rịa Vũng Tàu là 62,9%. Như vậy cho thấy chất lượng lao động Việt Nam còn quá thấp so với yêu cầu của nền kinh tế [8].
2.2.2 Một số nhận xét thông qua tổng kết thực tiễn chất lượng lao động