KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Thực trạng sinh kế của cộng đồng
3.1.2. Đánh giá tài sản vật chất 1. Tài sản tư nhân
3.1.2.2 Tài sản công cộng
+ Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế
Các thôn ở xã Đa Nhim nằm trên tuyến đường Đà Lạt và Nha Trang được trải nhựa rất tốt, còn các con đường vào thôn hoặc đường liên thôn chỉ được rải đá cấp phối hoặc đường đất xe lớn đi được. Bên cạnh các con đường lớn dẫn vào trung tâm thôn, đa phần các con đường dẫn đến đất sản xuất ngoài địa bàn cư trú của thôn hoặc đến các hộ sinh sống biệt lập thường nhỏ, rất dốc và trơn trợt đặc biệt vào mùa mưa gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa. Nhìn chung, sau khi có đường nhựa chạy ngang qua trung tâm xã thì đời sống kinh tế của người dân từng bước được cải thiện nhờ vào việc thông thương hàng hóa nên bán sản phẩm không bị ép giá nhiều như trước kia. Có một số hộ kinh doanh mua bán, mở cửa hàng ăn uống và làm dịch vụ Karaoke nên đã thay đổi diện mạo đời sống của người dân nơi đây.
Điện lưới quốc gia đưa vào xã Đa Nhim từ năm 2002 nên hầu hết các hộ đều có điện, ngoại trừ 23 hộ ở Liêng Bông và 13 hộ ở thôn Đa Ra Hoa do ở xa đường điện nên chưa đấu nối được. Vào thời gian đầu khi mạng lưới điện được xây dựng
thì chi phí kéo điện từ cột vào nhà do dân tự túc nên chỉ có một số hộ khá mới có điều kiện để đầu tư. Chủ yếu điện dùng để thắp sáng và sử dụng cho các đồ điện gia dụng như bàn ủi, quạt, ti vi, nồi cơm điện. Ngoài ra, điện cũng được một số hộ dân sử dụng để chạy máy bơm nước, máy xát cà phê. Từ khi có điện đến nay, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, họ tiếp cận được các thông tin thông qua đài phát thanh, truyền hình. Một số hộ khá giả đã mua máy vi tính và kết nối Internet giúp cho việc trao đổi và tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn. Điều này làm cho người dân tiếp cận được các thông tin kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật. Mặt trái của vấn đề là sau khi có điện thì thanh niên chỉ thích hát karaoke hoặc nghe nhạc trẻ mà quên đi văn hóa truyền thống như các điệu nhạc dân tộc, múa cồng chiêng.
Bảng 3.9. Điện và hệ thống giao thông
Liêng Bông Đa Bla Đa Tro Đa Ra Hoa
Điện lưới (hộ) 155/178 88/88 95/95 105/118
Đường trải nhựa/bê tông (%) 0,20 36,36 66,67 37,50 Đường đất lớn (%) 0,80 63,64 33,33 62,50
(Nguồn: tổng hợp từ phụ lục 3) + Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển xã hội
Các thôn đều có các lớp mẫu giáo và trong xã có một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở. Hiện nay xã Đa Nhim không có trường trung học phổ thông nên học sinh phải học ở Đa Sar hoặc thị trấn Lạc Dương. Như vậy, học sinh ở Đa Nhim nếu đi học ở Đa Sar phải đi một quãng đường khoảng 20 km và xa hơn nếu học ở thị trấn Lạc Dương.
Do tiếp cận sớm với đạo Thiên Chúa và Tin Lành là các tôn giáo khuyến khích người dân sử dụng tây y, hiện nay trong các thôn không tồn tại các cách chữa trị bệnh và sử dụng thuốc truyền thống cũng như không có lương y và thầy cúng.
Trong các thôn cũng không có cơ sở y tế tư nhân. Thay vào đó, trạm xá xã có vai
trò quan trọng đối với người dân các thôn. Hiện nay mỗi xã hoặc thị trấn ở huyện Lạc Dương đều có một trạm xá cấp xã. Bên cạnh đó huyện còn có một Trung Tâm Y Tế huyện. Tổng số giường bệnh ở cả huyện là 50, mỗi trạm y tế xã trung bình có năm giường bệnh. Trong tổng số 14 bác sĩ của huyện, bệnh xá Đa Nhim có hai bác sĩ (PTKLD 2009).
Bảng 3.10. Dịch vụ y tế nhà nước
Dịch vụ y tế Liêng
Bông Đa Bla Đa Tro Đa Ra
Hoa Tổng
Bảo hiểm y tế (hộ) 155 80 86 113 434
Tiêm chủng mở rộng (ca) 392 0 0 0 392
Phòng chống sốt rét (ca) 0 0 0 0 0
(Nguồn: tổng hợp từ phụ lục 3)
Đa phần các hộ có bảo hiểm y tế và chỉ có thôn Liêng Bông thực hiện tiêm chủng mở rộng. Từ nhiều năm nay không còn sốt rét tại địa phương nên người dân không tham gia chương trình phòng chống sốt rét của tỉnh.
Thảo luận chung
Tất cả các thôn đều đã nhận được rất nhiều sự đầu tư và hỗ trợ của nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, từ giao thông liên lạc, giáo dục, chăm sóc sức khỏe đến việc tiếp cận đến các dịch vụ xã hội và cải thiện nhà ở. Hầu hết các cơ sở vật chất đã được xây dựng làm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người dân giúp họ sinh hoạt một cách dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tiếp tục duy trì bao cấp về ngân sách để bảo đảm khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ nói trên, duy trì được các kết quả đã đạt được là khó khăn, nhất là về mặt cơ chế. Hiện tại, một số công trình được đầu tư xây dựng nhưng không được bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa nên đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Tuy vậy, nhiều phần đường trong các thôn chưa được nâng cấp. Bệnh viện và trường học ở trong vùng vẫn còn ở tình trạng yếu và thiếu đã làm giảm chất lượng phục vụ người dân.