Dân cư – Văn hóa 1. Dân cư

Một phần của tài liệu Khóa luận Các giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Bà rịa Vũng Tàu (Trang 20 - 23)

Dân số toàn tỉnh vào khoảng 821.300 người (thống kê năm 2000) với mật độ phân bố 416 người/km2. Vùng đất BR-VT ngày nay, trước khi những lưu dân Việt đến khai phá và định cư, đã có những cư dân bản địa cư trú gồm người Châu Ro, người Khmer và một

6

số ít người S’tiêng, người Chămpa. So với các làng Việt, các làng dân tộc ở Bà Rịa xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Lý do chính là do cuộc sống du canh, du cư vốn là tập quán lâu đời của họ. Phương thức canh tác cổ truyền của người Châu Ro là kinh tế nương rẫy, du canh và du cư. Không ít những ruộng đất mà người Việt đến khai phá về sau nguyên là những dải rừng đã được người Châu Ro phát quang để trồng tỉa trước đó, sau bỏ đi.

Trong số những dân tộc ít người ở BR-VT , người Châu Ro chiếm số lượng đông nhất. Hiện nay số dân Châu Ro đứng thứ ba trong tỉnh sau người Kinh và người Hoa. Họ sống đông nhất ở huyện Châu Đức, còn lại phân bố ở thị xã Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc, huyện Tân Thành và một số ít sống ở huyện Long Đất. Người Châu Ro thuộc nhóm Môn – Khmer, bắt nguồn từ dân tộc Mạ, cư trú lâu đời trên địa bàn nằm giữa hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp, tức vùng đất miền Đông Nam Bộ ngày nay. Các nhà nghiên cứu dân tộc học hầu như đã thống nhất với nhau rằng có một tiểu vương quốc Mạ nằm ở phía Bắc Bà Rịa, Biên Hòa, Long Khánh đến Đồng Nai Thượng và phía Tây Bình Thuận. “Sang đầu đời Nguyễn thì những người Mạ ở phía Nam tỉnh Bình Thuận và phía Đông tỉnh Biên Hòa trở thành những sách, thuộc, man của hai tỉnh ấy” – Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb.Thuận Hóa, 1994, tr.212.

2.2.2. Văn hóa - Lễ hội

Lễ hội đình: Ở BR-VT xưa, mỗi làng đều có một ngôi đình. Trong thiết chế văn hóa của làng, đình là cơ sở tín ngưỡng có tính chất truyền thống. Hàng năm các lễ cúng chính của làng đều được tổ chức tại đình. Lễ Kỳ Yên tức lễ cầu an là lễ cúng lớn nhất.

Ngày giờ tổ chức lễ tùy thuộc từng làng, không giống nhau. Ngoài lễ Kỳ Yên, mỗi năm đình làng còn có hai lễ khác là Hạ Điền và Thượng Điền. Lễ Hạ Điền tổ chức vào đầu mùa mưa, mang ý nghĩa người nông dân xuống đồng để cày cấy. Lễ Thượng cử hành vào cuối mùa mưa, lúc này mùa màng đã thu hoạch xong. Thực chất đây làloại lễ nghi nông nghiệp gắn với chu kỳ tuần hoàn của mùa vụ trong năm.

Lễ hội Nghinh Ông:

Được coi là lễ hội nước phổ biến và lớn nhất của ngư dân Nam Bộ. Lễ hội Nghinh Ông được ngư dân tổ chức hàng năm tại những đền thờ cá Ông, thường được gọi là

“lăng” hay “miếu”, có nơi gọi “dinh Ông Nam Hải”. BR-VT có số lượng và mật độ đền

thờ cá Ông thuộc loại cao nhất ở Nam Bộ. Có 10 ngôi đền thờ cá Ông lớn nhỏ ở các nơi:

xã Bình Châu (Xuyên Mộc), Phước Hải, Phước Tỉnh (Long Đất), Xóm Lăng (thị xã Bà Rịa), các làng Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu)… Trong số này, những đền thờ có quy mô lớn nhất và dĩ nhiên cũng là nơi diễn ra lễ hội Nghinh Ông to nhất là ở Phước Hải, Phước Tỉnh và Thắng Tam.

Lễ hội Nghinh Cô:

Lễ hội diễn ra Dinh Cô bên chân núi Thùy Vân trông ra biển thuộc thị trấn Long Hải. Đây là một trong những lễ hội nước lớn nhất của cư dân ven biển Nam Bộ hàng năm, diễn ra vào các ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch. Ngày 12 là ngày chánh lễ.

Do nằm ở vị trí đẹp, sơn thủy hữu tình, đường ô tô lại thuận tiện, lễ hội diễn ra vào mùa khô (là mùa du khách đến tắm biển đông nhất) nên lễ hội Nghinh Cô thu hút rất nhiều nguồn khách từ các nơi đổ về. Không gian lễ hội không còn đơn thuần là lễ hội xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu, hay một lễ hội nghề nghiệp của ngư dân. Từ một lễ hội mang đậm bản sắc tín ngưỡng dân gian như bao lễ hội nơi làng quê bình dị, lễ hội Nghinh Cô đã bị tác động của xu thế đô thị hóa và kinh tế thị trường làm cho biến dạng đáng kể. Sự hiện diện của nhiều thành phần tham dự lễ hội cùng với cung cách ăn chơi, sinh hoạt, xài tiền của họ có làm cho không khí của phần hội thêm phần náo nhiệt, sôi đông hơn, hình thức, màu sắc rực rỡ hơn, xôm tụ hơn, còn mục đích và ý nghĩa của một lễ hội dân gian cổ truyền bắt nguồn từ tục thờ Mẫu đã mờ nhạt đi rất nhiều.

Lễ hội Bà Thiên Hậu:

Bà Thiên Hậu dân gian thường gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu, là một nữ thần gốc Trung Hoa. Những người Hoa di cư sang Việt Nam vào thế kỉ thứ XVII, XVIII mà tuyệt đại đa số đều đi bằng thuyền, trong hành trình những ngày trên biển, họ thường khấn vái Bà phù hộ cho “đi đến nơi, về đến chốn”. Để tỏ lòng biết ơn Bà, sau khi định cư trên đất mới, họ đã lập chùa thờ Bà Thiên Hậu ở nhiều nơi tại Hội An (Quảng Nam), chợ Lớn (t/p Hồ Chí Minh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và nhiều nơi ở BR-VT như Long Điền, Long Hương, chợ Bến, núi Dinh Cô, Phước Hải, thành phố Vũng Tàu,…

Lễ hội được tổ chức vào ngày Vía Bà (23 – 3 âm lịch) thu hút không chỉ du khách người Hoa mà cả đông đảo khách người Việt. Trong phần nghi lễ có xen giữa những tập

8

tục Hoa và Việt, như lễ cúng Tiền hiền, lễ nghinh Bà Thủy, lễ Khai Viên, cúng cô hồn ở ngoài sân, lễ Đại bội. Trong hành lễ cũng có cử Chánh bái, Bồi bái, đọc văn tế, học trò tế.

Vật dâng cúng Bà chỉ toàn đồ chay, không có đồ mặn. Ở phần hội, chủ yếu là hò Quảng và các tuồng tích cổ Trung Quốc.

Lễ hội Ốp Yan Va:

Đây là lễ hội tổ chức hàng năm của người Châu Ro ở BR-VT, gắn liền với tục thờ thần Lúa. Lễ hội diễn ra vào những đêm trăng sáng, đẹp trời vào tháng 3, tháng 4 âm lịch.

Người dân tổ chức lễ hội cúng thần Lúa để mừng thành quả của một mùa lao động (người Châu Ro mỗi năm chỉ trồng một mùa lúa rẫy), cùng nhau vui hưởng thành quả ấy, đồng thời cầu nguyện thần linh phù hộ cho mùa sau được mùa hơn năm trước. Lễ hội được tổ chức sắp xếp thời gian sao cho không bị trùng lắp giữa các gia đình mà luân phiên nhau để khi một nhà tổ chức thì các nhà khác cùng được tham dự, vui chơi.

Lễ hội Ốp Yan Vri:

Đây cũng là lễ hội của người dân Châu Ro, gắn liền với tục cúng thần rừng, cứ 3 năm tổ chức một lần, cũng diễn ra vào thời điểm sau thu hoạch. Khác với Ốp Yang Va, diễn ra trong từng nhà, lễ hội Ốp Yang Vri được thực hiện ở ngoài trời, dưới một gốc cây cổ thụ được già làng chọn làm nơi linh thiêng để thực hiện lễ cúng. Vật phẩm dâng cúng do dân trong buôn tự nguyện đóng góp từ gạo, nước đến gà, dê, heo và tiền bạc. Theo tập tục, cuối mỗi buổi lễ, người ta kết một chiếc thuyền bằng bẹ chuối trên đó đặt các thức cúng, do hai con rùa kéo để đưa tiễn thần linh.

Một phần của tài liệu Khóa luận Các giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Bà rịa Vũng Tàu (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w