1.2. HOẠT ĐỘNG TỰ DOANH VÀ CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TỰ DOANH CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
1.2.1. Hoạt động tự doanh
1.2.1.1. Khái niệm hoạt động tự doanh
Hoạt động tự doanh là việc công ty chứng khoán tự tiến hành các giao dịch mua bán các chứng khoán cho chính mình.
Hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán có thể được thực hiện trên các thị trường giao dịch tập trung ( trung tâm giao dịch chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán), hoặc trên thị trường OTC,.v.v..Trên thị trường giao dịch tập trung, lệnh giao dịch của các công ty chứng khoán được đưa vào hệ thống và thực hiện tương tự như lệnh giao dịch của các khách hàng. Trên thị trường OTC, các hoạt động này có thể được thực hiện trực tiếp giữa công ty với các đối tác hoặc thông qua một hệ thống mạng thông tin. Tại một số nước hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán còn được thực hiện thông qua hoạt động tạo lập thị trường ( ví dụ như ở Mỹ). Trong hoạt động này, công ty chứng khoán đóng vai nhà tạo lập thị trường nẵm giữ một số lượng nhất định của một số loại chứng khoán và thực hiện mua bán với các khách hàng nhằm hưởng phí giao dịch và chênh lệch giá.
1.2.1.2. Đặc điểm hoạt động tự doanh
Hoạt động tự doanh chứng khoán của CTCK có tính độc lập tương đối về mô hình tổ chức.
Hoạt động tự doanh của CTCK có quy mô lớn, mức độ tập trung hóa, đa dạng hóa cao.
Hoạt động tự doanh chứng khoán có tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao.
1.2.1.3. Vai trò của hoạt động tự doanh a. Đối với Công ty Chứng khoán
Hoạt động tự doanh mang lại lợi nhuận cho CTCK. Đây là vai trò quan trọng của hoạt động tự doanh đối với công ty, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong tổng lợi nhuận của một CTCK. Các CTCK sẵn có khả năng chuyên môn, thông tin và đặc biệt là nguồn vốn lớn, nên hầu hết đều triển khai hoạt động tự doanh. Tuy không được ổn định như nghiệp vụ môi giới chứng khoán và là hoạt động tiêu tốn nhiều nhân lực cũng như nguồn tài chính, đồng thời cũng chứa rất nhiều rủi ro nhưng hoạt động tự doanh nhiều khi mang lại cho CTCK những khoản lợi nhuận đột biến.
Hoạt động tự doanh hỗ trợ các nghiệp vụ khác phát triển.Tự doanh là hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho nghiệp vụ bảo lãnh phát hành. Giữa hai nghiệp vụ này có mối quan hệ rất chặt chẽ. Ngoài ra với các nghiệp vụ khác như tư vấn, môi giới…, hoạt động tự doanh cũng có những hỗ trợ đáng kể về thông tin, nhận định hay quan hệ khách hàng. Triển khai hoạt động tự doanh cũng góp phần đa dạng hóa hoạt động, giảm thiểu rủi ro tổng thể cho các CTCK .
Hoạt động tự doanh góp phần phát triển khách hàng. Trong quá trình hoạt động tự doanh, mối quan hệ giữa công ty và các khách hàng được củng cố, từ đó nảy sinh nhiều mối quan hệ tốt đẹp khác, tạo điều kiện phát triển cơ sở khách hàng chung của cả CTCK .
Hoạt động tự doanh giúp các CTCK nắm bắt sát sao tình hình thị trường. Để thực hiện hoạt động tự doanh, các công ty phải theo sát sự biến động của thị trường. Cũng chính từ các thông tin này cộng với sự nhìn nhận, đánh giá chủ quan mà các CTCK đưa ra được chiến lược kinh doanh phù hợp cho từng giai đoạn hoạt động.
b. Đối với Thị trường Chứng khoán
Hoạt động tự doanh góp phần tăng quy mô đầu tư trên thị trường. Tuỳ thuộc vào quy mô và chiến lược đầu tư, mỗi CTCK có một hạn mức giao dịch cổ phiếu, trái phiếu nhất định trên thị trường. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì lượng vốn mà các CTCK đổ vào thị trường cũng là những con số không nhỏ so với các nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ. Điều đó sẽ giúp tăng quy mô giao dịch trên thị trường.
Hoạt động tự doanh góp phần nâng cao chất lượng đầu tư trên thị trường. CTCK là một tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán, đầu tư theo quy trình và phân tích bài bản. Do đó, càng nhiều CTCK thực hiện hoạt động tự doanh cổ phiếu thì phong cách đầu tư theo số đông trên thị trường sẽ dần bị thay thế bởi một cách thức đầu tư có suy tính và phân tích.
Có như vậy, thị trường mới phát triển ổn định và bền vững.
Hoạt động tự doanh góp phần bình ổn giá cả thị trường. Các CTCK hoạt động nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường. Trong trường hợp này, hoạt động tự doanh được tiến hành bắt buộc theo luật định. Luật các nước đều quy định các CTCK phải dành một tỷ lệ % nhất định các giao dịch của mình (ở Mỹ là 60%) cho hoạt động bình ổn thị trường. Theo đó, các CTCK có nghĩa vụ mua vào khi giá chứng khoán bị giảm và bán ra khi giá chứng khoán lên nhằm giữ giá chứng khoán ổn định.
1.2.1.4. Quy trình nghiệp vụ trong hoạt động tự doanh
Cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác, hoạt động tự doanh không có một quy trình chuẩn hay bắt buộc nào. Các công ty chứng khoán, tùy vào cơ cấu tổ chức của mình sẽ có các quy trình nghiệp vụ riêng, phù hợp. Tuy nhiên, trên giác độ chung nhất, quy trình hoạt động tự doanh có thể được chia thành một số giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Xây dựng chiến lược đầu tư.
Trong giai đoạn này, công ty chứng khoán phải xác định được chiến lược trong hoạt động tự doanh của mình. Đó có thể là chiến lược đầu tư chủ động, thụ động hoặc đầu tư vào một số ngành nghề, lĩnh vực cụ thể nào đó.
Giai đoạn 2: Khai thác, tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Sau khi xây dựng được chiến lược đầu tư của công ty, bộ phận tự doanh sẽ triển khai tìm kiếm các nguồn hàng hóa, cơ hội đầu tư trên thị trường theo mục tiêu đã định.
Giai đoạn 3: Phân tích, đánh giá chất lượng cơ hội đầu tư.
Trong giai đoạn này bộ phận tự doanh có thể kết hợp với bộ phận phân tích trong công ty tiến hành thẩm định, đánh giá chất lượng của các khoản đầu tư. Kết quả của giai đoạn này sẽ là những kết luận cụ thể về việc công ty có nên đầu tư hay không và đầu tư với số lượng, giá cả bao nhiêu là hợp lý.
Giai đoạn 4: Thực hiện đầu tư.
Sau khi đã đánh giá, phân tích các cơ hội đầu tư, bộ phận tự doanh sẽ kiển khai thực hiện các hoạt động giao dịch mua, bán chứng khoán. Cơ chế giao dịch sẽ tuân theo các quy định của pháp luật và các chuẩn mực chung trong ngành.
Giai đoạn 5: Quản lý đầu tư và thu hồi vốn
Trong giai đoạn này, bộ phận tự doanh cú trỏch nhiệm theo dừi cỏc khoản đầu tư, đánh giá tình hình và thực hiện những hoán đổi cần thiết, hợp lý. Sau khi thu hồi vốn, bộ phận tự doanh sẽ tổng kết đánh giá lại tình hình thực hiện và lại tiếp tục chu kỳ mới.