Cuộc cách mạng trong phương thức công nghệ sản xuất vật chất thế kỷ XX

Một phần của tài liệu Mối liên hệ của các cuộc cách mạng trong sản xuất vật chất và khoa học tự nhiên (Trang 82 - 88)

CHƯƠNG 2. MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA CÁC CUỘC CÁCH MẠNG TRONG SẢN XUẤT VẬT CHẤT VÀ CÁCH MẠNG TRONG KHOA HỌC TỰ NHIÊN

2.2. Sự kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất vật chất và khoa học tự nhiên trong giai đoạn hiện nay

2.2.2. Cuộc cách mạng trong phương thức công nghệ sản xuất vật chất thế kỷ XX

Bước sang thế kỷ XX, những thành tựu to lớn tiếp tục nảy nở trên các lĩnh vực. Khi hệ thống kỹ thuật dựa vào máy hơi nước, than đá và sắt thép truyền thống đã tận dụng hết công suất của mình, nền công nghiệp muốn nhảy vọt thì phải cần đến một hệ thống kỹ thuật mới hiệu quả hơn, thôi thúc các ngành khoa học - kỹ thuật sáng tạo nên những thành tựu thật xứng đáng trước các yêu cầu cháy bỏng từ công cuộc phát triển chung của xã hội loài người.

Thế kỷ XIX là thế kỷ các phát minh kỹ thuật nối tiếp nhau ra đời. Nó còn là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh vật học, toán học… đến nỗi người ta tưởng chừng như lâu đài khoa học đã được xây dựng xong, người đời sau có chăng chỉ tô điểm thêm

chút hoa lá. Thế nhưng sự tự mãn ấy của khoa học không tồn tại được bao lâu khi thuyết tương đối hiện đại của Anhxtanh ra đời vào đầu thế kỷ XX. Từ đây, khác với thế giới vĩ mô có thể sờ mó thấy hàng ngày ở thế kỷ trước, khoa học thế kỷ XX đã đi sâu vào thế giới vi mô, thế giới vô cùng nhỏ nằm sâu trong hạt nhân nguyên tử, thế giới mà bằng mắt thường không thể nhìn thấy được, tay không thể sờ thấy được mà chỉ có thể phát hiện gián tiếp bằng các máy móc điện tử. Chính các nghiên cứu tưởng chừng như thuần túy lý thuyết này đã dẫn đến những phát minh khoa học - kỹ thuật kỳ diệu, tạo nên cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật thế kỷ XX.

Khác với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất mà nội dung chủ yếu là cơ khí hóa, cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ hai này là tự động hóa cao độ bằng cách sử dụng rộng rãi máy tính điện tử, hiện đại hóa kỹ thuật và sản xuất trên cơ sở những phát minh khoa học mới nhất. Chính vì vậy mà cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ hai này được gọi là cách mạng khoa học - kỹ thuật với ý nghĩa là những phát minh về kỹ thuật bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học, khoa học gắn liền với kỹ thuật, hòa vào làm một, tạo thành “một con sông cách mạng khoa học - kỹ thuật duy nhất, hùng vĩ, tràn đầy nước” [17, tr. 13].

Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật thời đại ngày nay được đặc trưng bởi sự cải biến trên nhiều bình diện nền sản xuất vật chất, bao gồm hàng loạt các hiện tượng cách mạng mới về nguyên tắc trong lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất vật chất (cũng như khoa học). Tuy nhiên, trong số đa dạng đến bất thường các quá trình cách mạng trong sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ hiện đại, một số tác giả đã rất thuyết phục tách ra sự tự động hóa như là cơ sở của tất cả các cải biến đó, như là cuộc cách mạng mới trong phương thức công nghệ sản xuất.

Vậy bản chất cuộc cách mạng này là gì? Như đã biết, để trả lời câu hỏi đó cần phải phân biệt thiết bị tự động với máy móc. Tuy nhiên, nhiều ý đồ xác lập ranh giới giữa tự động hóa và cơ giới hóa đã chỉ ra, điều đó không hề đơn giản.

Trước hết, tự động hóa sản xuất, như thường thấy, được đặc trưng với tư cách là thời kỳ của sản xuất bằng máy móc, của sự hoàn tất giản đơn việc tự động hóa, là “từ đồng nghĩa với cơ giới hóa tiên tiến”. Điều đó tức thì xóa nhòa ranh giới khách quan giữa cơ giới hóa và tự động hóa. Và việc xét theo kiểu đó, tự động hóa như là một giai đoạn của cơ giới hóa là không hợp lý giống như coi chính cơ giới hóa là giai đoạn của sản xuất bằng tay chân. Mặc dù cơ giới hóa do mâu thuẫn của sản xuất tay chân sinh ra, nó không phải là tiếp nối sự phát triển của sản xuất đó mà là sự phát triển của sản xuất chân tay thành hình thái công nghệ mới về chất. Cũng chính xác như vậy, tự động hóa được đưa vào cuộc sống bởi mâu thuẫn của cơ giới hóa, là hình thái công nghệ sản xuất vật chất mới về chất chứ không phải là hình thức đặc thù của cơ giới hóa, không phải là giai đoạn đặc biệt của nó. Thiếu sự phân định như thế - tự động hóa với cơ giới hóa - thì về nguyên tắc không thể hiểu được đầy đủ hết ý nghĩa cách mạng của tự động hóa cả đối với sự phát triển của chính sản xuất vật chất lẫn đối với sự phát triển của xã hội nói chung.

Hiện nay quan điểm phổ biến nhất là: có thể phân định tự động hóa với cơ giới hóa trên cơ sở hiểu thiết bị tự động như cỗ máy thực hiện sứ mệnh có mục đích (hữu hạn) của mình mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ phía con người trong toàn bộ chu trình sản xuất (làm việc) của mình, tức là liên tục. Tuy nhiên, định nghĩa đó về thiết bị tự động vẫn chưa đủ để phân biệt được tự động hóa với cơ giới hóa.

Vấn đề là thiết bị cơ giới bất kỳ cũng có sứ mệnh hướng đích nào đó mà nó thực hiện (nó đảm trách những chức năng sản xuất nhất định) trong khoảng thời gian xác định một cách liên tục và cũng không cần sự tham gia trực tiếp của con người. Vì thế, thứ nhất, sứ mệnh hướng đích của nó có thể xét chính như là sứ mệnh hữu hạn, còn chu kỳ làm việc liên tục của nó không có sự tham gia trực tiếp của con người - như là toàn bộ chu kỳ sản xuất (làm việc) của nó. Theo quan điểm trên thì mọi thiết bị hễ cứ thay thế lao động cơ

bắp của con người - đã là tự động, nhưng chỉ thiết bị đặc thù: thiết bị cơ giới tự động vốn nhờ kết cấu của mình thực hiện thay cho con người một số chức năng cải biến chất tự nhiên trong tiến trình sản xuất vật chất. Tiếp theo, nếu cứ theo quan điểm đó thì cơ giới hóa chính là tự động hóa các chức năng sản xuất nhằm cải biến chất tự nhiên, các chức năng đòi hỏi lao động cơ bắp của con người. Nói khác, theo cách định nghĩa nêu trên về thiết bị tự động thì cơ giới hóa cần phải được xem là sự tự động hóa lao động cơ bắp. Nhưng như vậy thì cơ giới hóa và tự động hóa bị đánh đồng với nhau trên cơ sở là cả cái này lẫn cái kia đều gắn với việc chuyển giao một số chức năng sản xuất cho thiết bị kỹ thuật. Nếu vậy thì đã vượt khỏi tầm ngắm cái việc là, sự chuyển giao một số chức năng sản xuất cho dạng thiết bị kỹ thuật nào đó là cơ giới hóa, trong khi sự chuyển giao một lớp xác định khác các chức năng sản xuất cho dạng thiết bị kỹ thuật khác về nguyên tắc lại là tự động hóa.

Như vậy, việc phân định ranh giới giữa kỹ nghệ tự động hóa mà sự chế tạo ra nó đã mở ra cuộc cách mạng công nghệ mới và kỹ nghệ cơ giới hóa vốn đặc trưng cho cuộc cách mạng trước đó đã gặp khó khăn bởi sự đồng nhất khách quan cơ giới hóa và tự động hóa như là các hình thức sản xuất vật chất gắn liền với việc thay thế sự thực hiện do con người các chức năng sản xuất sang sự thực hiện do kỹ nghệ. Nhưng vào thời của mình, các nhà khoa học đã rất khó khăn trong việc phân định ranh giới giữa công cụ và máy móc, và như vậy giữa tiến bộ kỹ thuật trong khuôn khổ phương thức công nghệ sản xuất bằng tay chân và sự phát triển của kỹ thuật đã vượt ra khỏi khuôn khổ đó, đã bước lên con đường cách mạng trong chính phương thức sản xuất cùng với tất cả các hệ quả rút ra từ đó đối với tiến bộ xã hội.

Mác đã vượt qua khó khăn đó xuất phát từ đặc thù của mâu thuẫn lực lượng sản xuất vốn đặc trưng cho phương thức sản xuất tay chân. Ông chỉ ra rằng, những mâu thuẫn đó đòi hỏi chế tạo các thiết bị gánh vác việc thực hiện các chức năng gắn với sự cải biến chất của tự nhiên trong tiến trình sản xuất.

Mọi thiết bị không phụ thuộc vào chuyện nó thực hiện các chức năng cải biến chất của tự nhiên chỉ với sự tham gia trực tiếp của con người hay không có con người, theo tiêu chí mácxít về sự tự động hóa như là cuộc cách mạng công nghệ đặc thù, đều là máy. Và theo Mác, hệ thống máy móc, khi đã xuất hiện rồi, phát triển tiếp thành thiết bị tự động đặc thù theo nghĩa, nó vận hành thiếu mọi sự tham gia trực tiếp của con người vào việc hiện thực hóa bất kỳ chức năng cải biến chất tự nhiên nào trong tiến trình sản xuất, trong khi nhờ đến sự trợ giúp của con người chỉ với tư cách là phương tiện kiểm soát và điều khiển, vả lại ở nhiều trường hợp, hệ thống máy móc tự động đòi hỏi sự trợ giúp của con người chỉ ở bước khởi đầu chính quá trình sản xuất được thực hiện bởi hệ thống đó với tư cách là sứ mệnh hướng đích hữu hạn của nó.

Tuy nhiên, Mác không coi “thiết bị tự động” như thế là thiết bị đã mở ra cuộc cách mạng mới trong phương thức công nghệ của sản xuất, mà chỉ như kỹ thuật đã khép lại (hoàn tất) một giai đoạn của cuộc cách mạng đó trong phương thức sản xuất, như là cơ giới hóa. Suy ra, việc chế tạo cỗ máy - tự động, tức là thiết bị tự động cơ giới thực hiện thay con người các chức năng cải biến vật chất, không thể mở ra cuộc cách mạng hiện đại trong phương thức công nghệ của sản xuất.

Vậy cuộc cách mạng đó gắn với kỹ thuật nào? Câu trả lời chỉ có thể có nhờ phân tích đặc thù của mâu thuẫn ở giai đoạn hoàn tất của cuộc cách mạng công nghệ trước đó - ở sự cơ giới hóa tổ hợp phức tạp mà đúng là được đặc trưng bởi việc chế tạo ra các máy móc - tự động, hay các thiết bị tự động cơ giới hóa.

Vai trò cơ bản của con người trong sản xuất cơ giới hóa tổ hợp là ở việc thực hiện các chức năng xử lý thông tin và điều khiển kỹ nghệ cơ giới, các chức năng mà bản thân máy móc - tự động không thể thực hiện. Nhưng sự phức tạp, tác động nhanh chóng và độ chính xác trong vận hành của các máy móc trong nền sản xuất cơ giới hóa tổ hợp đã đạt tới mức độ thực hiện các

chức năng xử lý thông tin sản xuất và điều hành sự thực hiện bằng máy móc các quá trình sản xuất đã trở thành nhiệm vụ vượt quá sức giải quyết của con người. Vì thế trong nền sản xuất đó đã chín muồi hết mâu thuẫn gắn các năng lực hạn chế của con người thể hiện với tư cách là sự bổ sung thông tin - quản lý của các máy móc và các hệ thống máy móc.

Đặc thù của mâu thuẫn này đòi hỏi không phải chế tạo các thiết bị tự thân thực hiện sứ mệnh có mục đích của mình (các thiết bị như thế thường được chế tạo trong tiến trình cơ giới hóa), mà sự chuyển hướng tiến bộ kỹ thuật lên con đường chế tác các hệ thống kỹ thuật có thể gánh vác trọng trách thực hiện các chức năng xử lý thông tin sản xuất và điều khiển các máy móc.

Các thiết bị như thế là các thiết bị tự động thông tin - điều khiển (không phụ thuộc vào việc, một số trong chúng chỉ thực hiện phần nào các chức năng thông tin - điều khiển và đòi hỏi lao động trí óc của con người để hiện thực hóa phần khác các chức năng này, tức là chỉ có thể vận hành khi có sự bổ sung của con người cho chúng), đúng là đã mở ra kỷ nguyên tự động hóa như cuộc cách mạng mới trong phương thức công nghệ của sản xuất. Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XX, ở các nước đã đạt tới trình độ cơ giới hóa cao thì tự động hóa trở thành phương thức duy nhất tiếp tục nâng cao công suất và năng suất sản xuất vật chất.

Bản chất của tự động hóa là sự thay thế con người như là phương tiện thực hiện các chức năng sản xuất khác nhau về xử lý thông tin và điều khiển sản xuất bởi các lớp thiết bị tự động thông tin - điều khiển khác nhau, thay thế lao động trí óc của con người trong sản xuất vật chất. Suy ra, bản chất của tự động hóa khác căn bản với bản chất của cơ giới hóa, bởi lẽ cơ giới hóa là sự thay thế lao động cơ bắp của con người bằng các lớp thiết bị cơ khí khác nhau, là sự chuyển giao cho các kiểu kỹ thuật cơ khí tương ứng lớp các chức năng sản xuất nhằm cải biến chất tự nhiên. Trong khi, “nếu bản chất của bước ngoặt kỹ thuật nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là việc chế tạo ra các

máy công tác, tức là thay bàn tay con người bằng cơ cấu máy móc thì bản chất của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại là sự chuyển giao các chức năng tư duy của người sản xuất cho máy móc” [42, tr. 136].

Dĩ nhiên, từng kiểu trong số các kiểu kỹ thuật cơ khí có thể được xét với tư cách là lớp đặc biệt các thiết bị tự động cơ giới hóa, nếu hiểu chúng là thiết bị thực hiện thay con người một số chức năng sản xuất, tức là tự động hóa việc thực hiện chúng. Và cách xem xét như thế có thể rất phù hợp, nhưng chỉ trong trường hợp phân biệt được giữa tự động hóa các chức năng của lao động chân tay và lao động trí óc đến mức như một cách tương ứng giữa giới hóa tự động hóa sản xuất. Sự phân biệt như thế đúng là đạt được trên cơ sở kỹ thuật vốn cách mạng hóa phương thức sản xuất ở thời đại chúng ta, như là thiết bị tự động thông tin - điều khiển, chứ không phải như thiết bị tự thân thực hiện sứ mệnh có mục đích của mình trong khoảng toàn bộ chu trình sản xuất. Tiêu chuẩn khách quan của kỹ thuật gắn với cuộc cách mạng hiện đại trong phương thức công nghệ của sản xuất chính là khả năng thực hiện lớp các chức năng xử lý thông tin sản xuất khác nhau và điều khiển các quá trình sản xuất, thuộc tính của nó trở thành thiết bị tự động thông tin - điều khiển.

Vậy là một vòng xoáy trôn ốc mới lại bắt đầu trong sự phát triển của quá trình chuyển giao những chức năng sản xuất do con người đảm nhiệm cho các phương tiện kỹ thuật. Chính điều này cho phép mở ra những con đường rộng mở thênh thang cho sự phát triển kế tiếp của khoa học và đặt ra yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng của quá trình sản xuất vật chất trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Mối liên hệ của các cuộc cách mạng trong sản xuất vật chất và khoa học tự nhiên (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)