Kiến nghị đối với các bộ ngành có liên quan

Một phần của tài liệu Dịch vụ một cửa trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Thực trạng và giải pháp (Trang 93)

a) Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quan của Chính phủ thực hiện công tác quản lý về ĐTNN trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy việc thực hiện “dịch vụ một cửa” cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến khích và hướng dẫn thực hiện để đáp ứng được nhu cầu của các nhà ĐTNN cũng như yêu cầu về mặt quản lý nhà nước.

Để triển khai thực hiện tốt “dịch vụ một cửa” trong hoạt động ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với UBND các địa phương thực hiện ngay một số công tác như sau:

- Đẩy nhanh công tác quy hoạch chi tiết các khu vực trên địa bàn để làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, đảm bảo phát triển bền vững;

- Thực hiện tốt công tác đến bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư triển khai đúng tiến độ; quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ khâu quy hoạch, lựa chọn địa điểm dự án đến khâu giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy tính chủ động của địa phương, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, thực hiện đầy đủ và đúng lộ trình cam kết quốc tế;

- Công khai hoá thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn;

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần có hướng dẫn các đơn vị, các địa phương về việc tham khảo ý kiến Bộ quản lý chuyên ngành đối với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện khi xem xét cấp GCNĐT để các UBND cấp tỉnh, thành tham khảo. Đối với các dự án nằm ngoài quy hoạch ngành, khi xem xét cấp GCNDT ĐTUBN cấp tỉnh cũng nên tham khảo ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần quy định về thẩm quyền của BQL KCN, KKT trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với trường hợp cấp GCNĐT đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại KCN, KKT hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại KKT.

b) Đối với Bộ Công thương:

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ĐTNN chịu sự quản lý của Bộ Công thương trong rất nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Bộ Công thương cần có hướng dẫn các đơn vị có thẩm quyền về việc thực hiện các thủ tục và cấp các giấy chứng nhận hoặc giấy phép có liên quan trong quá trình hoạt động của DN ĐTNN.

Bộ Công thương trong thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực để đưa ra các quy định thống nhất trong phạm vi quản lý hoạt động ĐTNN của mình. Trong quá trình xem xét thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, Bộ Công Thương nhận thấy thủ tục và hồ sơ cấp phép đã được nêu cụ thể tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thông tư số 09/2007/TT-BTM ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thi hành Nghị định 23/2007/NĐ-CP và Thông tư sửa đổi số 05/2008/TT-BCT ngày 14 tháng 4 năm 2008 của Bộ Công Thương vẫn còn chưa thống nhất. Vì vậy, để thống nhất trong việc lập và thẩm định hồ sơ cấp phép, ngày 13/7/2009, Bộ Công thương đã có công văn số 6656/BCT-KH hướng dẫn cụ thể hồ sơ cấp phép thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 23/2007/NĐ-CP. Hướng dẫn này của Bộ Công thương đã giúp các DN có vốn ĐTNN tránh được sự phức tạp trong quá trình thực hiện mua bán hàng hoá.

Tuy nhiên trong thực tế hoạt động của các DN vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp và các văn bản quy định chồng chéo. Vì thế trong thời gian tới Bộ

Công thương cần có những hướng dẫn thống nhất và cụ thể hơn để tạo sự thông thoáng trong quá trình quản lý hoạt động của các DN.

Đặc biệt đối với các DN trong các KCN tập trung, Bộ Công thương cần hướng dẫn BQL KCN, KKT giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho DN có vốn ĐTNN đã được cấp GCNĐT hoặc Giấy phép đầu tư tại KCN, KKT đồng thời nghiên cứu ủy quyền và hướng dẫn BQL KCN, KKT cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa các Mẫu (A, E, S, AK...) đối với hàng hóa sản xuất trong BQL KCN, KKT.

c) Đối với các bộ khác:

Việc thực hiện “dịch vụ một cửa” tuy do một đầu mối thực hiện nhưng có liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ ngành khác nhau. Vì vậy các bộ ngành cần có sự phối hợp với các đơn vị thực hiện “dịch vụ một cửa” bằng cách đưa ra các hướng dẫn cụ thể hoặc đưa ra các khuyến nghị để các đơn vị có thể thực hiện tốt hơn chức năng của mình.

3.3.3. Kiến nghị đối với các đơn vị thực hiện “dịch vụ một cửa”

Để thực hiện “dịch vụ một cửa” trong hoạt động ĐTNN một cách hiệu quả, thì ngoài sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, bản thân các đơn vị cần chủ động, sáng tạo hoàn thiện cơ chế thực hiện tại đơn vị mình.

Một là, chuẩn hóa các quy trình thủ tục, khuyến khích sử dụng những tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại.

Việc thực hiện “dịch vụ một cửa” sẽ cần sự liên hệ làm việc với nhiều đối tác khác nhau, với nhiều quy trình thủ tục khác nhau. Vì thế nếu bản thân đơn vị thực hiện không chuẩn hóa các quy trình thủ tục nội bộ thì vô hình chung, việc thực hiện loại hình dịch vụ này sẽ trở nên rất phức tạp.

Theo những mô hình của một số đơn vị trong khu vực Châu Á đã được đề cập đến tại chương 1, việc thực hiện “dịch vụ một cửa” cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, có quy trình và quy định quy trình rõ ràng. Với việc phân rõ nhiệm vụ của từng bộ phận và các bước thực hiện, việc thực hiện sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Từ đó mới nâng cao được chất lượng các dịch vụ.

Hai là, tăng cường các kênh quảng bá về đơn vị, thu hút sự quan tâm của các nhà ĐTNN.

Kinh nghiệm của các đơn vị trên thế giới cho thấy, việc quảng bá về đơn vị mình có vai trò rất quan trọng. Dù cho đơn vị thực hiện “dịch vụ một cửa” là đơn vị có thu hay không có thu, tư nhân hay nhà nước thì cũng cần thu hút được đông đảo các nhà ĐTNN vì đó là những khách hàng sử dụng dịch vụ của đơn vị. Trong trường hợp của InvestHK, cơ quan này thường xuyên có những hoạt động quảng bá về môi trường đầu tư để tận dụng lợi thế của mình là một cơ quan chuyên trách về XTĐT. Rất nhiều nhà đầu tư đã tìm đến InvestHK khi bắt đầu tiến hành kinh doanh tại thị trường Hồng Kông. Vì thế mà chất lượng dịch vụ của InvestHK ngày càng được hoàn thiện và được mở rộng hơn.

Để thực hiện việc quảng bá cho mình, các đơn vị có thể tham gia các sự kiện XTĐT như các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm; tăng cường giới thiệu về đơn vị mình cũng như các dịch vụ được cung cấp trên tờ rơi, áp phích, báo chí truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là trên mạng internet.

Ba là, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, đồng thời chủ động sáng tạo áp dụng vào thực tiễn của đơn vị mình để đưa ra kế hoạch thực hiện phù hợp và đề xuất chính sách ưu đãi cũng như .

Việc thực hiện “dịch vụ một cửa” cho các nhà ĐTNN tại Việt Nam còn tương đối mới mẻ, nhưng loại hình này đã được các nước trên thế giới và trong khu vực đã thực hiện với một số mô hình khác nhau. Từ ba mô hình tại ba đơn vị của các nước trên thế giới, có thể thấy rằng các đơn vị có những lựa chọn khác nhau để thực hiện “dịch vụ một cửa”. Tận dụng lợi thế của người đi sau, các đơn vị tại Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị trên thế giới. Tuy nhiên tùy theo tình hình của mỗi địa phương, mỗi đơn vị, các mô hình thực hiện này lại khác nhau. Vì thế cần có một cái nhìn sâu sắc về tình hình thực tế của đơn vị mình để lựa chọn một mô hình thực hiện và đưa ra kế hoạch thực hiện phù hợp, đồng thời chủ động đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động của mình với cơ quan chủ quản và các bộ ngành có liên quan.

Bốn là, chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, coi đó là yếu tố cốt yếu để đảm bảo sự thành công của đơn vị mình.

Từ kinh nghiệm tiến hành của một số đơn vị trên thế giới, có thể nhận thấy rằng trình độ của đội ngũ nhân viên trong đơn vị thực hiện “dịch vụ một cửa” là rất quan trọng. Có những đơn vị lấy điều này làm điểm mấu chốt khi giới thiệu về đơn vị mình.

Trong mọi hoạt động, yếu tố con người luôn đóng vai trò tiên quyết tới hiệu quả và sự thành công. Nếu đội ngũ cán bộ không giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ thì hoạt động của các đơn vị sẽ không được đảm bảo. Đặc biệt khi hoạt động cung cấp “dịch vụ một cửa” cho nhà ĐTNN có liên quan đến không chỉ yếu tố nước ngoài, mà còn liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý, nên tương đối phức tạp. Các nhà ĐTNN là những người đã có kinh nghiệm hoạt động ở những nước khác, do đó khi làm việc để đáp ứng những yêu cầu của nhà đầu tư, nếu năng lực của đội ngũ cán bộ

không được đảm bảo thì dễ dẫn đến sai sót và phức tạp. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động chính là nhân tố then chốt mà các đơn vị cần lưu tâm khi thực hiện “dịch vụ một cửa” cho nhà ĐTNN.

KẾT LUẬN

Dịch vụ một cửa là một khái niệm tương đối mới tại Việt Nam nhưng bước đầu đã có những đơn vị thực hiện hiệu quả. Các đơn vị thực hiện “dịch vụ một cửa” trong hoạt động ĐTNN ở nước ta hiện nay có thể chia thành hai khối chính: khối các cơ quan quản lý nhà nước về ĐTNN và khối các khu công nghiệp tập trung. Với cả hai khối này, việc thực hiện có nhiều điểm khác nhau nhưng cùng có một mục đích chung là hỗ trợ nhà ĐTNN trong quá trình tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các thủ tục hành chính. Tuy nhiên hoạt động của các đơn vị thực hiện “dịch vụ một cửa” tại Việt Nam còn khá cầm chừng, chưa thực sự có được hiệu quả và chưa hỗ trợ được nhiều cho nhà ĐTNN.

Từ kinh nghiệm thực tế tiến hành của một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, để các đơn vị có thể thực hiện tốt được “dịch vụ một cửa” thì Chính phủ cần có những biện pháp để khuyến khích hơn nữa hoạt động ĐTNN, tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với các thủ tục liên quan đến lĩnh vực ĐTNN; phân công đơn vị thực hiện ở mỗi địa phương, với quy định rõ ràng về cơ chế thực hiện và kinh phí. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện cần có chuẩn hóa các quy trình thủ tục, sử dụng những tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại; tăng cường các kênh quảng bá về đơn vị, thu hút sự quan tâm của các nhà ĐTNN; học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, đồng thời chủ động sáng tạo áp dụng vào thực tiễn của đơn vị mình; chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, coi đó là yếu tố cốt yếu để đảm bảo sự thành công của đơn vị mình.

Do hạn chế về mặt thời gian và kinh nghiệm khảo sát thực tế, đề tài mới chỉ đưa ra được những kiến nghị như đưa ra tại khuôn khổ luân văn này. Nhưng chắc chắn rằng nếu thực hiện những kiến nghị này, các nhà ĐTNN sẽ được hỗ trợ một cách toàn diện trong quá trình tiến hành đầu tư và hoạt động tại Việt Nam bằng hoạt động “dịch vụ một cửa”.

Một phần của tài liệu Dịch vụ một cửa trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Thực trạng và giải pháp (Trang 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)