thủ tục hành chính
Cải cách hành chính mà đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển của nước ta nhằm hướng tới một nền hành chính minh bạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Trong nhiệm vụ chung đó, việc tiến hành “dịch vụ một cửa” cũng
phải gắn với công tác cải cách thể chế và thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hóa và đơn giản hóa.
Ngày 4/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 07/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30), trong đó có việc thành lập Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Để bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có kết quả Đề án 30 theo Kế hoạch đã được phê duyệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Đề án 30 theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng chỉ rõ, phải xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức có hành vi chậm trễ, tắc trách, gây cản trở trong quá trình thực hiện Đề án này; đồng thời đăng tải những trường hợp này trên trang tin điện tử của Tổ công tác và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc loại bỏ những quy định thủ tục bất cập để xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu quả.
Để góp phần mimh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện dịch vụ một cửa, cần chú ý một số điểm như sau.
- Phải xác lập được hệ thống thống nhất, đầy đủ, công khai và minh bạch về các thủ tục hành chính và các bước cần tiến hành đối với một dự án đầu tư.
- Công khai quy trình thực hiện và đơn vị chịu trách nhiệm.
- Tăng cường rà soát và hoàn thiện các thủ tục hành chính bằng nhiều cách thức. Ví dụ, quá trình ứng dụng CNTT có thể giúp cải cách chính các thủ
tục hành chính bởi khi dữ liệu hóa các quy trình thủ tục sẽ phát hiện sự chồng chéo, trùng lắp của quy trình, thủ tục hành chính, từ đó có thể nhanh chóng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền thống nhất quy trình, biểu mẫu, tiến đến đơn giản hoá thủ tục, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, cho bộ máy nhà nước.
Theo kinh nghiệm thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, CNTT không chỉ là công cụ mà còn là nội dung của CCHC. Đó là phương tiện giúp minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Nếu ứng dụng tốt CNTT thì hồ sơ cụ thể chuyển đến đâu, xử lý như thế nào thì người dân biết được đến đó. Một khi quy trình đã rõ ràng, minh bạch thì người chịu trách nhiệm về quy trình xử lý đó chịu một áp lực phải làm đúng, làm nhanh… Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại làm thay đổi tổ chức, quản lý điều hành các hoạt động quản lý, giảm thiểu rườm rà khi giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính khi có yêu cầu.