Kiến nghị đối với Chính phủ

Một phần của tài liệu Dịch vụ một cửa trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Thực trạng và giải pháp (Trang 86)

Để đảm bảo việc thực hiện “dịch vụ một cửa” trong hoạt động ĐTNN có hiệu quả và ổn định, cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa trong các chính sách quản lý từ cấp Chính phủ. Dưới đây là một số kiến nghị về các chính sách quản lý của nhà nước.

Thứ nhất, cần có các chính sách thích hợp để duy trì và thúc đẩy việc thu hút FDI.

Hiện nay Việt Nam đang thu hút một lượng FDI lớn hàng năm. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, Việt Nam đã và đang bộc lộ khá nhiều điểm yếu có thể làm cho những kỳ vọng của các nhà đầu tư giảm sút. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách để khắc phục những điểm yếu này nhằm thu hút các nhà ĐTNN để sức hút FDI của Việt Nam như hiện nay không là hiện tượng nhất thời, như vậy mới đảm bảo được lượng khách hàng tiềm năng cho sự hoạt động ổn định của các đơn vị cung cấp dịch vụ một cửa.

Để có được những chính sách thích hợp và đúng đắn, Chính phủ cần chú trọng tới một số vấn đề còn đang vướng mắc mà rất nhiều NĐTNN đang quan tâm như sau.

Vấn đề thứ nhất là thị trường lao động của Việt Nam tuy khá cạnh tranh nhưng trên thực tế các DN lại rất khó tuyển dụng. Mặc dù mức lương hàng tháng của kỹ sư, công nhân và cán bộ quản lý cấp trung gian gần như thấp nhất trong khu vực nhưng, lại không phải là yếu tố quan trọng nhất khi tuyển dụng lao động. Trên thực tế, các nhà ĐTNN rất quan tâm đến chất lượng lao động (nhất là năng suất lao động và trình độ đã qua đào tạo) và an ninh lao động. Đặc biệt, số lượng quản lý cấp trung gian và kỹ sư chuyên nghiệp vẫn thiếu hụt trầm trọng và kéo dài từ nhiều năm qua. Vì vậy, Chính phủ cần có một chiến lược dài hạn và tập trung nhằm phát triển các nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất.

Vấn đề thứ hai là Việt Nam đang thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu tỷ lệ cung cấp nguyên phụ liệu tại chỗ của Việt Nam năm 2006 đạt 22,6% thì đến năm 2007 chỉ nhích lên ở mức 26,5%. Trong khi đó mức trung bình ở các nước trong khu vực là 40,1%.[11] Như vậy có thể thấy rằng so với mức trung bình trong khu vực thì khả năng cung cấp tại chỗ của nước ta còn rất thấp, vì vậy Chính phủ cần chú trọng phát triển ngành sản xuất thô, hay là nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Theo đề xuất của Hiệp hội các DN

Nhật Bản tại Việt Nam, giải pháp tối ưu cho Việt Nam hiện nay là kêu gọi và hỗ trợ các DNNVV đầu tư vào lĩnh vực này để làm trụ cột của công nghiệp sản xuất phụ trợ.

Vấn đề thứ ba là tập trung giải quyết các khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động ĐTNN nói chung và các dự án ĐTNN nói riêng, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo; sự lạc hậu trong chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo, trường dạy nghề; phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp lao động nhằm hạn chế các cuộc đình công có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư. Thời gian qua Chính phủ đã rất quan tâm đầu tư tới hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu thông thương trong và ngoài nước thì hệ thống cấp điện, cấp nước, sự ổn định về cung cấp năng lượng, công tác giải phóng mặt bằng, hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng biển của Việt Nam,... cần được nâng cấp hơn nữa để đảm bảo hoạt động ổn định, giao thông xuyên suốt, vận tải dễ dàng.

Ngoài ra, đối với các nhà ĐTNN thì sự thay đổi chính sách một cách đường đột và việc vận dụng các chính sách một cách không rõ ràng cũng khiến nhiều DN không an tâm để kinh doanh. Ví dụ, giá thuê văn phòng ngày càng tăng cao khiến chi phí sinh hoạt của người nước ngoài tại Việt Nam đã bị đội lên đáng kể, gây nhiều khó khăn cho các DN. Chính phủ cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ và biện pháp phòng ngừa để đảm bảo một môi trường chính sách ổn định, minh bạch. Điều này không chỉ tạo nên sự vững tâm cho các nhà ĐTNN mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ổn định của toàn xã hội.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh về hệ luật pháp để phù hợp với yêu cầu của Tổ chức WTO. Đây là một trong những nguyên nhân để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong 2 năm 2006 và 2007. Nhưng để hiện tượng “bùng nổ Việt Nam” không là một hiện tượng nhất thời và vốn đầu tư tăng bền vững thì cần có những biện pháp thực thi nhằm cải thiện hơn nữa trên cả 2 mặt kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng của môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nếu không có những biện pháp khắc phục những vấn đề này thì Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu và mất lợi thế so với các nước trong khu vực. [11]

Thứ hai, tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với các thủ tục liên quan đến lĩnh vực ĐTNN.

Tiếp theo những văn bản liên quan đến việc thực hiện cơ chế một cửa, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ nhằm mục đích cải cách thủ tục hành chính. Gần đây Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 về việc phê duyệt Đề án Đơn giản hóa Thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007- 2010 (Đề án 30) và Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2008 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 30 nhằm đưa ra một hệ thống giải pháp tổng thể, công khai, minh bạch nhằm thống kê, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc thực hiện đề án 30 được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn thống kê thủ tục hành chính, giai đoạn rà soát và giai đoạn thực hiện các khuyến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Nhận thức được tính cấp thiết của việc cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam, đề án 30 đã nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao cua nhiều bộ ngành. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp: giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương sau khi kết thúc giai đoạn 2 của đề án 30 phải đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về thủ tục hành

chính [10] nhiều đơn vị chỉ hiểu rằng đây là việc cắt cơ học mà không đi sâu vào quy trình thực sự của các thủ tục. Việc thực hiện đề án nếu chỉ dừng ở số lượng mà không chú trọng vào chất lượng thì dễ dẫn đến lãng phí và thậm chí là còn phức tạp hóa các thủ tục. Vì vậy, cho ý kiến chỉ đạo về việc triển khai giai đoạn 2 (là giai đoạn rà soát) của Đề án 30, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu “phải gắn việc thực hiện chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các

quy định hiện hành về TTHC với việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC của cá nhân, tổ chức thông qua việc loại bỏ các TTHC không có mục tiêu rõ ràng, trùng lặp, áp dụng biện pháp thay thế để giảm chi phí thực hiện; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; loại bỏ những yêu cầu, điều kiện, hồ sơ cũng như việc xác nhận vào mẫu đơn, mẫu tờ khai khi không đạt được mục tiêu đặt ra; đơn giản hóa trình tự thực hiện, cách thức giải quyết, các loại hồ sơ, giấy tờ phải nộp theo hướng tối thiểu, nhằm tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức; việc cắt giảm thời gian thực hiện TTHC phải bảo đảm khả thi và gắn với việc đề xuất cắt giảm hồ sơ, quy trình thực hiện và đổi mới cách thức giải quyết”.[10]

Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách hành chính nói chung và thực hiện Đề án 30 nêu trên còn gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời và sâu sát. Đề án 30 đã bước đi đến giai đoạn cuối cùng, nhưng để đảm bảo rằng việc đưa ra các khuyến nghị phù hợp và chính xác không phải là điều đơn giản. Đặc biệt đối với lĩnh vực ĐTNN, nhà ĐTNN rất khó tiếp cận ngay với các thủ tục hành chính của nước sở tại và họ thường coi đây là một trong những rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện đầu tư. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những biện pháp khuyến khích hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực ĐTNN.

Thứ ba, phân định chức năng và quyền hạn của các cấp quản lý hoạt động ĐTNN.

Trong lĩnh vực ĐTNN hiện nay tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều cấp quản lí. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc phân định một cách hợp lí chức năng và quyền hạn cho các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này như trao quyền cấp GCNĐT cho UBND các tỉnh thay vì chỉ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư như trước đây nhưng trên thực tế vẫn có rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Bên cạnh đó, thực tế hoạt động của nhà ĐTNN không chỉ dừng ở việc xin cấp GCNĐT mà còn liên quan đến rất nhiều các hoạt động khác như thuế, hải quan, xuất nhập khẩu v.v...

Về vấn đề phân cấp cho các BQL các KCN, KCX, gần đây Chính phủ đã có Nghị định số 29/2008/NĐ-CP nhằm phân quyền nhiều hơn cho BQL các KCN, KCX, KKT, KCNC. Đây là một động thái rất tích cực để những đơn vị này có thể thực hiện “dịch vụ một cửa” một cách đầy đủ hơn. Tuy nhiên để có thể đảm bảo được sự hài hòa và tương thích trong quá trình chuyển giao thì các bộ ngành có liên quan cần phải thực hiện một cách đồng bộ có tính đến yêu cầu của tình hình thực tế.

Vì vậy, trong thời gian tới Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc phân cấp và uỷ quyền quản lý hoạt động ĐTNN để nhà ĐTNN có được sự thuận tiện nhất khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề then chốt để xác được được đầu mối thực hiện “dịch vụ một cửa” một cách hiệu quả nhất.

Thứ tư, phân công đơn vị thực hiện ở mỗi địa phương, với quy định rõ ràng về cơ chế thực hiện và kinh phí.

Tại Việt Nam hiện nay các Trung tâm xúc tiến thương mại (thuộc các Sở kế hoạch và Đầu tư) mới chỉ dừng lại ở việc xúc tiến đầu tư cho các hoạt động thương mại của các doanh nghiệp trong nước, còn hoạt động hỗ trợ nhà

ĐTNN thực chất cũng chưa được thực hiện chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Khối các doanh nghiệp thực hiện mới chỉ giới hạn ở các công ty phát triển KCN, KCNC ... và những đơn vị này thực hiện “dịch vụ một cửa” gắn liền mục tiêu của hoạt động kinh doanh, do vậy rất khó điều tiết bằng chính sách quản lý của nhà nước.

Từ kinh nghiệm của các đơn vị trên thế giới cho thấy, mỗi địa phương có một đặc thù riêng, vì vậy cần có cách tổ chức thực hiện riêng. InvestHK hay IPIM dù mang danh nghĩa thực hiện cho toàn vùng lãnh thổ, nhưng thực chất quy mô của Hồng Kông và Đài Loan chỉ tương đương với một tỉnh thành phố của Việt Nam. Trong khi đó, mỗi tỉnh thành phố tại Việt Nam lại có hệ thống quản lý hành chính riêng. Nếu một đơn vị tiến hành “dịch vụ một cửa” cho nhiều địa bàn hoặc một đơn vị cấp trung ương với các chi nhánh tại nhiều địa phương tiến hành “dịch vụ một cửa” tại mỗi địa phương thì sẽ không khả thi. Vì vậy, Chính phủ cần đề ra các khuyến nghị để chính quyền mỗi địa phương có thể xác định mô hình nào sẽ áp dụng, đơn vị nào sẽ thực hiện, cơ chế thực hiện ra sao và các vấn đề khác có liên quan như kinh phí, nhân sự... Như vậy mới đảm bảo được hiệu quả hoạt động của các đơn vị thực hiện dịch vụ một cửa.

Thứ năm, cần coi thực hiện “dịch vụ một cửa” là một trong những công cụ quảng bá và xúc tiến đầu tư rất hữu hiệu.

Các nhà ĐTNN quan niệm “dịch vụ một cửa” là một loại hình dịch vụ hỗ trợ đắc lực họ trong qúa trình triển khai dự án tại nước sở tại. Vì thế họ thường rất quan tâm tới hoạt động này và đặt ưu tiên cho những nơi có thực hiện loại hình dịch vụ này. Chính vì thế, khi muốn XTĐT cho địa phương hay KCN..., đơn vị XTĐT nên đưa ra thông tin về “dịch vụ một cửa” do mình cung cấp.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần coi đây là một công cụ quảng bá và XTĐT. Để thúc đẩy hoạt động ĐTNN, Chính phủ đã có rất nhiều các chương trình, biện pháp XTĐT nhưng chưa có tài liệu hay thông điệp nào nói về việc thực hiện “dịch vụ một cửa” tại Việt Nam. Mặc dù “dịch vụ một cửa” do một đơn vị cung cấp tại một lãnh thổ nhất định nhưng nếu “dịch vụ một cửa” là một công cụ XTĐT do chính nhà nước bảo hộ thì nhà ĐTNN sẽ rất an tâm và tin tưởng.

Thứ sáu, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trong lĩnh vực ĐTNN.

Để hoạt động của “dịch vụ một cửa” có thể được triển khai một cách có hiệu quả thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có một hệ thống pháp luật minh bạch, rõ ràng. Các quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh và các văn bản pháp luật chuyên ngành phải được rà soát, thống nhất đồng bộ; hệ thống các quy định về điều kiện đầu tư và kinh doanh chuyên ngành phải được xây dựng đầy đủ và công bố công khai nhằm minh bạch hóa các tiêu chuẩn, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện tiến hành sản xuất, kinh doanh; cơ chế hậu kiểm, giám sát, quản lý đối với dự án ĐTNN theo Luật Đầu tư 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP phải được xây dựng và ban hành để tạo cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước thực thi chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát.

Một phần của tài liệu Dịch vụ một cửa trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Thực trạng và giải pháp (Trang 86)