Cây Bò khai còn có tên khác là Dây hương và có tên khoa học là
Erythropalum Scandens Blume thuộc họ Dây hương– Erythropalaceae [94]. Ngoài
ra còn có tên khác là rau Hiến, Khau hương, Phắc hiến (Tày), Nèo tùm (Nùng), Lò châu sói (Dao) [35].
Theo Tạ Minh Hòa [35] Cây Bò khai có mặt phổ biến ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Cũng gặp ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và duyên hải nam Trung bộ; tập trung nhiều ở khu Đông Bắc bao gồm các tỉnh : Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Loài cây này cũng phân bố ở Nam Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Tại miền Bắc Thái Lan, Cây Bò khai được gọi là krlìing, người Kammu bản địa rất quen thuộc với loài rau hoang dại này, họ cho biết loài cây này thường mọc ven các sườn núi. Người bản địa ở đây thường thu hái krlìing từ rừng về chế biến một số món ăn hàng ngày, đặc biệt có 2 món đặc sản được chế biến cùng với krlìing là “Hoa chuối rừng hầm với krlìing” và “Soup măng đắng – trứng kiến – krlìing” , theo người Kammu các món ăn đặc sản này rất tốt cho sức khỏe của họ [120]
Ở Việt Nam Bò khai là loài cây thường mọc hoang ven rừng thứ sinh, rừng đang phục hồi hoặc rừng nghèo bị tác động mạnh của kiểu rừng thường xanh ẩm nhiệt đới, tập trung nhiều ở ven rừng, mọc trên núi đá vôi; cây ưa ẩm mọc nhanh, hầu như ra chồi mọc lá quanh năm chỉ trừ một vài tháng mùa đông nhiệt độ thấp. Cây tái sinh bằng hạt hay chồi. Giai đoạn cây non Bò khai là loại dây leo chịu bóng, thích hợp nơi có nhiều ánh sáng tán xạ, ẩm độ cao và không quá nóng; Song giai đoạn trưởng thành cây ưa sáng, cây sinh trưởng phát triển tốt (phát triển nhanh, ra nhiều chồi..) trong điều kiện ánh sáng toàn phần. Khoảng nhiệt độ thích hợp cho rau Bò khai sinh trưởng phát triển vào khoảng 25-300 C; tuy nhiên giai đoạn đầu yêu cầu cây con cần nhiệt độ và ẩm độ thấp hơn. Độ cao phân bố của cây từ 100 -1500m [29].
Theo Hoang Sam Van, Pieter Baas and Paul J. A. Keβler [103] Loài
Erythropalum scandens Blume (Bò Khai) là một trong 64 loài cây được người dân
thường xuyên khai thác để sử dụng và là một trong 38 loài thực vật thường được khai thác cho mục đích thương mại (đem bán) tại Vườn Quốc gia Bến En – Thanh Hóa. 34% các hộ dân trong vùng khi được hỏi cho biết họ đã từng thu hái sử dụng hoặc đem bán các loại rau rừng trong đó có rau Bò Khai.
Cây Bò khai được coi là một loại rau cổ truyền của người dân tộc. Người ta thường lấy lá và ngọn non thái nhỏ, vò kỹ, rửa sạch để khử mùi khai rồi nấu canh, luộc hay xào ăn có mùi thơm ngon nên có tên Rau hương; nhưng khi đi tiểu thì nước tiểu rất khai nên có tên là Dây Bò khai, Rau khai [29].
Những năm trước đây khi rau Bò khai mới được khai thác như là một thứ rau dại mọc tự nhiên trong rừng, người dân hái rau này về ăn như là một thứ rau bình thường trong bữa ăn của người dân vùng cao, từ khi phát hiện được những giá trị quý báu của rau Bò khai và nhất là do nhu cầu thị trường tăng lên, con người ta đã nghĩ đến việc đem rau về nhà trồng trong vườn gia đình. Loài rau này đang được đánh giá là có tiềm năng khá lớn, trên thị trường hiện nay loại rau này có giá từ 15 ÷ 20.000đ/ kg ngọn non. Khoảng gần mười năm nay, rau Bò khai được bán nhiều ở các chợ thành phố Lạng Sơn, thị xã Cao Bằng, Bắc Kạn và trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích [35]. Tuy vậy nguồn gốc của rau bán trên thị trường chủ yếu vẫn là được thu hái từ rừng.
Là một loại rau đa tác dụng: vừa làm thực phẩm, vừa có tác dụng như những vị thuốc chữa bệnh về gan, thận, tiết niệu [29], có giá trị kinh tế cao, nên rau Bò khai đã được con người quan tâm tìm hiểu và thử nghiệm nhằm mục tiêu phát triển loài rau rừng đa dụng này trở thành loài rau vườn nhà, hình thành và phát triển nghề trồng rau mới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong những năm qua, đã có một số nghiên cứu về cây Bò khai như sau:
Theo Dương Hữu Phùng [64] Cây Bò khai có 2 lứa quả trong năm, lứa đầu ra hoa tháng 6, chín tháng 8, kết quả gieo thử nghiệm hạt từ lứa quả này cho tỷ lệ mọc 47,5%. Lứa quả thứ 2 của cây là ra hoa tháng 9, quả chín tháng 11, kết quả thử nghiệm gieo hạt của lứa quả này đạt tỷ lệ nảy mầm cao hơn (82,6%). Sự chênh lệch về tỷ lệ hạt nảy mầm của 2 lứa quả được cho là vì chất lượng hạt giống ở hai lứa là khác nhau, mặt khác thời vụ gieo hạt vào tiết Đông – Xuân cũng phù hợp hơn. Cũng theo kết quả nghiên cứu của Dương Hữu Phùng, cây Bò khai trong tự nhiên có khả
năng phát tán thấp là do quả của loại cây này khi chín có mùi vị hấp dẫn một số loài chim, thú đến ăn và phá hại.
Ngoài khả năng nhân giống từ hạt, Bò khai cũng là loài cây có thể nhân giống bằng biện pháp vô tính. Nếu chiết cành thì sau chừng 6 – 7 tháng có thể đem trồng
(Dương Hữu Phùng và cs, 1999)[64]. Độ dài cành chiết khác nhau cũng cho tỷ lệ ra
rễ và xuất vườn khác nhau. Cành dài 30-40cm (3lá) cho tỷ lệ ra rễ 88,5%. Cành dài 10-20cm (1 lá) chỉ cho tỷ lệ ra rễ 74,2%. Về khả năng giâm cành, thời vụ giâm có ảnh hưởng lớn đến thời gian ra rễ và tỷ lệ mọc của hom giâm. Vụ giâm tháng 11 cho kết quả xuất vườn đạt tỷ lệ 83%, thời gian từ khi giâm đến mọc là 24 ngày. Vụ giâm tháng 1 chỉ cho tỷ lệ xuất vườn đạt 75,3%, thời gian từ khi giâm đến mọc là 36 ngày. [65] Các loại cành giâm khác nhau (bánh tẻ, trung bình, già) cũng cho kết quả khác nhau, loại cành trung bình và bánh tẻ cho tỷ lệ sống cao (84,1 -85,2%), loại cành già chỉ đạt tỷ lệ sống là 56,2%.[65].
So sánh về sự sinh trưởng của 2 loại cây (cây gieo hạt và cây giâm cành) ở tuổi 1 cho thấy: Trong năm đầu cây trồng từ hạt thể hiện sinh trưởng yếu hơn cây giâm cành, số ngọn trung bình là từ 2,6 – 10,3 ngọn/cây/tháng. Trong khi đó cây giâm cành đạt 3,8-14,2 ngọn/cây/tháng. Tuy vậy sang đến năm thứ 2 thì sự sai khác nhỏ dần và cân bằng, sau đó cây gieo hạt lại thể hiện sinh trưởng mạnh hơn, số ngọn trung bình là từ 6,8 – 21,5 ngọn/cây/tháng. Trong khi đó cây giâm cành chỉ đạt 5,6- 19,2 ngọn/cây/tháng. [65]
Theo Trần Văn Dũng (2007) [27] Cây rau Bò khai là cây không quá khó trồng, có thể thích ứng tốt trong điều kiện trồng trọt tại Thái Nguyên. Cây Bò khai ưa đất ẩm nhưng không chịu được úng ngập, thích hợp đất nhiều mùn. Khi triển khai trồng tại vườn rau tăng gia của tiểu đoàn 2 – Trung đoàn 601 – Quân khu I, các chiến sĩ ở đây đã cho vào mỗi gốc cây một tảng đá vôi (nguyên khai) lớn. so sánh với những cây không cho tảng đá như vậy thì thấy cây trồng với các tảng đá sinh trưởng tốt hơn, lá màu xanh thẫm và mướt hơn.
Trung tâm Nghiên cứu Lâm đặc sản - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng đã nghiên cứu thử nghiệm nhân giống cây Bò khai tại Hoành Bồ Quảng Ninh, bước đầu thành công bằng cách giâm hom, đồng thời giới thiệu một số kỹ thuật gây trồng cơ bản [29], [35].
Kỹ sư Phạm Quang Thắng - Trường Đại học Tây Bắc với “ Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng và phát triển rau Bò khai, rau Sắng tại Sơn La”, cho thông tin về kết quả nghiên cứu bước đầu như sau: Nhân giống bằng phương pháp giâm hom có sử
dụng chất kích thích sinh trưởng cho tỉ lệ nảy mầm khá cao, biến động từ 65 – 85% tuỳ vào loại thuốc kích thích (IAA, IBA, NAA) và thời vụ giâm hom. Qua kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy IBA tỏ ra khá hiệu quả đối với việc kích thích ra rễ hom giâm cây Bò khai.
Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi - Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cũng đã và đang tiến hành khảo nghiệm giâm cành rau Bò khai và bước đầu đã đạt một số kết quả khả quan.
Theo Trần Ngọc Cường (2010) [23], cây Bò khai có thể lấy hom để giâm từ gốc lên hết phần bánh tẻ cây mẹ 3 tuổi trở lên. Cắt thân thành nhiều đoạn hom, mỗi hom dài 20 -25cm, to trên 3mm, có từ 1-3 lóng gồm 2-4 mắt, cắt bỏ hết lá. Cắt hom đến đâu đem giâm đến đó.Giâm hom lên luống đã chuẩn bị theo rạch sâu 10cm, rạch nọ cách rạch kia 30cm. Làm giàn che và tưới đủ ẩm cho cây, sau 20-25 ngày hom ra rễ ở phía dưới và nảy chồi ở các đốt phía trên. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn phải cao 20-25 cm, rễ dài 5-6cm, có 5-6 cặp lá trở lên, cây sinh trưởng tốt. Thời vụ trồng là xuân hoặc thu. Chọn ngày râm mát hoặc có mưa, có thể trồng dưới tán rừng tự nhiên, trồng dưới tán rừng trồng, trồng nơi có cây che bóng phù trợ trên đất sau nương rẫy còn tốt, trồng dưới tán cây ăn quả trong các vườn nhà, hoặc trồng thuần theo hướng thâm canh ở các đất đồi, bãi.
Hiện tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp Việt Nam cũng đã và đang tiến hành dự án phát triển cây rau bò khai tại tỉnh Bắc Kạn trong khung dự án CoDI “Liên kết để đa dạng hóa thu nhập từ cây trồng ít sử dụng” giai đoạn 2008-2011 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thông nông nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả Việt nam và các tổ chức của Ấn Độ cùng thực hiện, kết quả bước đầu của dự án cũng đã khẳng định cây Bò khai có thể nhân giống bằng phương pháp giâm hom, các thử nghiệm về chăm sóc sau trồng cũng đang có những tín hiệu tích cực. [59]
Do nhu cầu về rau Bò khai ngày càng lớn nên nhiều gia đình ở các xóm làng vùng sâu ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang đã biết bảo vệ, gìn giữ những khu rừng có cây Bò khai phân bố tự nhiên. Một số chủ vườn rừng đã bắt đầu để tâm nghiên cứu, trồng thử để dần dần đưa Bò khai vào vườn cây của mình. Cây Bò khai có thể trồng bằng hạt hoặc bằng hom, cách thức mà người dân ở đây thường sử dụng để nhân giống là cắt dây Bò khai từ rừng đem về giâm trồng trực tiếp xuống đất trong vườn nhà [35].
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, do vậy kết quả có thể còn nhiều vấn đề phải bàn luận, để có những kết luận chính xác và đầy đủ hơn cần phải có thời gian và những tìm hiều sâu, rộng hơn.
Căn cứ vào kết quả các công trình nghiên cứu đã được tổng quan trên đây, trong khuôn khổ luận án này sẽ tiến hành nghiên cứu bổ sung một số vấn đề sau:
- - -
Các kiến thức bản địa về cây Bò khai
Một số đặc điểm sinh thái học của cây Bò khai
CHƯƠNG 2
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. ĐỐI TƯỢNG VÀ GIỚI HẠN PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.1.1. Đối tượng nghiên cứu
Cây Bò khai – Erythropalum scandens Blume
2.1.2. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái học của cây Bò khai tự nhiên và thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt theo hướng thâm canh trong điều kiện canh tác thông thường tại tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên.
2.2. PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.2.1. Phương pháp luận
Do đối tượng nghiên cứu là một loài cây bản địa đa tác dụng, vừa làm thực phẩm, vừa làm thuốc, vì vậy việc bảo tồn và phát triển loài cây này cần phải tiếp cận nghiên cứu trên các khía cạnh sau: (i) Đặc điểm và điều kiện tồn tại của loài Bò khai, (ii) tri thức bản địa về khai thác, sử dụng loài cây Bò khai , và (iii) kỹ thuật gây trồng. Từ đây, các nghiên cứu sẽ liên quan đến cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội – nhân văn, cần phải sử dụng kỹ thuật của nhiều chuyên ngành, có sự tham gia của cộng đồng. Nội dung luận án có áp dụng theo cuốn "Hướng dẫn bảo tồn cây thuốc" của WHO, WWF và IUCN, là tài liệu hướng dẫn trên phạm vi toàn cầu. Các kỹ thuật nghiên cứu áp dụng trong luận án là triển khai nghiên cứu trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, bao gồm các kỹ thuật nghiên cứu liên quan đến (i) Sinh thái học; (ii)
Nông học; (iii) Lâm học; (iv) Kinh tế tài nguyên.
2.2.2. Nội dung nghiên cứu
Nội dung I : Điều tra, phân tích về điều kiện tự nhiên và các kiến thức bản địa (về khai thác, trồng trọt và sử dụng cây Bò khai) liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển sản xuất cây Bò khai của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn
Nội dung II: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái tự nhiên của cây Bò khai
Nội dung III: Nghiên cứu thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật nhân giống
và gây trồng cây Bò khai làm rau xanh (Kỹ thuật nhân giống bằng hom; ảnh hưởng của chế độ che sáng đối với cây ở giai đoạn đầu; ảnh hưởng của một số tổ hợp phân bón tới sinh trưởng và năng suất của cây)
Nội dung IV: Xây dựng mô hình thử nghiệm và bổ sung hoàn thiện đề xuất
một số biện pháp kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất cây rau Bò khai tại Bắc Kạn và Thái Nguyên
2.3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3.1. Phương pháp điều tra, phân tích về điều kiện tự nhiên và các kiến thứcbản địa về khai thác, trồng trọt và sử dụng cây Bò khai bản địa về khai thác, trồng trọt và sử dụng cây Bò khai
* Điều tra, thu thập số liệu về đặc điểm điều kiện tự nhiên – KTXH của vùng
nghiên cứu (tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn) liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển sản xuất cây Bò khai bằng phương pháp kế thừa số liệu thứ cấp tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân
* Điều tra kiến thức bản địa (về khai thác, gây trồng và sử dụng cây Bò khai)
bằng các phương pháp sau: - Phỏng vấn nông dân:
+ Chọn mẫu: Theo phương pháp phân tầng - ngẫu nhiên [118]. Tầng được sử dụng là (i) các hộ có trồng cây Bò khai và (ii) các hộ không trồng cây Bò khai. Các hộ gia đình sau đó được chọn bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên. Tổng số 62 hộ (32 hộ tại vùng đệm VQG Ba Bể - Bắc Kạn và 30 hộ nằm trong KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng – Võ Nhai – Thái Nguyên) đã được lựa chọn phỏng vấn.
+ Thu thập thông tin: Theo phương pháp điều tra hộ gia đình. Sử dụng biểu mẫu chung (Phụ lục 1) thông tin được thu thập thuộc các nhóm chính là (i) điều kiện xã hội, (ii) điều kiện kinh tế, (iii) hoạt động khai thác cây Bò khai tự nhiên, (iv) tình hình gây trồng cây Bò khai tại vườn gia đình, và (v) phần điều tra kiến thức, thái độ và thực hành (KAP - knowledge, attitudes practices)
- Thảo luận nhóm: Sử dụng các công cụ của PRA gồm: thảo luận nhóm tập trung, lược sử thôn bản, vẽ sơ đồ tài nguyên cộng đồng, lịch mùa vụ [10], [32], [99], [117]. Tổng cộng 4 đợt thảo luận đã được thực hiện với 62 người tham gia trong thời gian thực hiện luận án.
2.3.2. Phương pháp nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái của cây Bò khai
Điều tra thảm thực vật, sự phân bố và điều kiện sinh thái của cây Bò khai được điều tra thông qua hệ thống ô tiêu chuẩn (ô nhỏ) [99],[106]. được thực hiện qua các bước sau:
- Chọn mẫu và xác định ô tiêu chuẩn (ÔTC):
Theo phương pháp điển hình, dựa trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 của khu vực nghiên cứu, có chú ý độ cao, độ dốc, hướng phơi, vị trí (chân, sườn, đỉnh) trạng thái rừng. Mỗi ô có kích thước 500 m2 (10 x 50m) được xác định bằng cách đặt một thước dây dọc tâm của ô, theo hướng đỉnh núi. Chiều dài của ô được xác định dựa trên kết quả tính toán sau khi xác định độ dốc. Ranh giới của ô được xác định bằng
dây nilon màu, được đặt song song ở 2 phía của thước dây với khoảng cách 5m mỗi