Điều tra thảm thực vật, sự phân bố và điều kiện sinh thái của cây Bò khai được điều tra thông qua hệ thống ô tiêu chuẩn (ô nhỏ) [99],[106]. được thực hiện qua các bước sau:
- Chọn mẫu và xác định ô tiêu chuẩn (ÔTC):
Theo phương pháp điển hình, dựa trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 của khu vực nghiên cứu, có chú ý độ cao, độ dốc, hướng phơi, vị trí (chân, sườn, đỉnh) trạng thái rừng. Mỗi ô có kích thước 500 m2 (10 x 50m) được xác định bằng cách đặt một thước dây dọc tâm của ô, theo hướng đỉnh núi. Chiều dài của ô được xác định dựa trên kết quả tính toán sau khi xác định độ dốc. Ranh giới của ô được xác định bằng
dây nilon màu, được đặt song song ở 2 phía của thước dây với khoảng cách 5m mỗi phía và 2 đầu mút vuông góc với thước dây có chiều dài 10m. Tổng số 33 ÔTC đã được lập trong khu vực VQG Ba Bể - Bắc Kạn và KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng - Võ Nhai - Thái Nguyên.
- Thu thập thông tin:
Bao gồm (i) thông tin về điều kiện môi trường: Vị trí (chân, sườn, đỉnh); trạng thái rừng; hướng phơi; độ dốc; độ cao; độ tàn che; màu sắc đất; độ ẩm đất; độ xốp đất; độ dày tầng đất; tỷ lệ đá lẫn; tỷ lệ đá lộ đầu; thành phần cơ giới đất; tỷ lệ rễ cây trong đất. (ii) thông tin về thành phần loài cây tại các ÔTC: tên và mật độ các loài cây gỗ ở tầng cao tán; tầng cây tái sinh; tầng cây bụi; lớp thảm tươi; tần số xuất hiện cây Bò khai trong các ÔTC và mật độ, (iii) thông tin về thành phần dinh dưỡng đất
và độ chua: Phản ứng chua sinh lý pHKCl; hàm lượng mùn OM%; Đạm tổng số N %; Lân tổng số (P2O5 TS) %; Kali tổng số (K2O TS) %; Ca %
- Xử lý và phân tích thông tin
Phân tích các chỉ tiêu về đất và các thành phần dinh dưỡng của mẫu cây Bò khai được thực hiện tại Viện Khoa học sự sống – Đại học Thái Nguyên, theo các phương pháp sau: (i) Các chỉ tiêu về đất: pHKCl đo bằng pH meter; hàm lượng mùn OM% theo phương pháp Tiurin; hàm lượng đạm tổng số (N%) theo phương pháp Kjeldahl; hàm lượng lân tổng số theo phương pháp so màu Xeruleo – molypdic; hàm lượng kali tổng số đo trên máy quang phổ hấp thụ AAS; hàm lượng canxi (Ca%) theo phương pháp chuẩn độ bằng EDTA. (ii) Các chỉ tiêu về thành phần dinh dưỡng
trong rau: Phân tích Protein bằng máy K1100 - Automatic Kjeldahl Analyzer; Lipit
bằng máy SOX 406 - Fat Analyzer; Xơ bằng máy F600 - Fiber Analyzer; các chỉ tiêu khác được tính toán theo các kết quả phân tích chính xác.
Các dữ liệu điều tra sinh thái được tổng hợp, mã hoá và nhập vào phần mềm máy tính PRIMER 5 (Plymouth Routines In Multivariate Ecological Research) thành một cơ sở dữ liệu về các đặc điểm sinh thái liên quan tới cây Bò khai ở VQG Ba Bể và KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng và phân tích bằng phép phân tích trục chính PCA [111], [102]. PCA là phép phân tích đa biến được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là từ khi có sự hỗ trợ của công nghệ tin học. Trong PCA mỗi biến số được coi là một vector có độ lớn (qui định bởi chiều dài) và hướng đặc trưng. Một dữ liệu có n biến số có nghĩa là có n vector được biểu diễn trên không gian có n chiều. Mối quan hệ giữa các vector được xác định bởi cosin của góc α giữa 2 vector đó, là một con số có giá trị từ -l đến +l. Giá trị tuyệt đối càng lớn thì mức độ tương quan càng chặt chẽ.
Các biến số có xu hướng biến thiên gần nhau được gộp lại thành một nhóm các biến số gọi là các "siêu biến", sao cho tổng bình phương của các giá trị biến thiên là cực đại. Các siêu biến này được gọi là các trục chính (Principal Component Analysis - PCA). Các trục chính đầu tiên (PCA1, PCA2, PCA3…) thường quan trọng nhất vì chúng giải thích phần lớn sự biến thiên của các biến số trong dữ liệu phân tích [111].
- Xác định tên khoa học của các loài cây:
Tên khoa học được xác định theo phương pháp hình thái so sánh dựa trên mẫu tiêu bản tại Phòng tiêu bản Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Viện Sinh học nhiệt đới, Đại học Quốc gia (HNU), Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật. Tên khoa học được chỉnh lý dựa trên các tài liệu Thực vật chí Đông Dương [108], Cây cỏ Việt Nam [33], Từ điển cây thuốc Việt Nam [16], Danh mục cây rừng Việt nam [11], 1900 loài cây hoang dại hữu ích ở Việt nam [55].