Áp dụng BLHS trong xét xử vụ án về các tội xâm phạm sở hữu nói chung, về tội hủy hoại tài sản nói riêng là hoạt động thực tiễn pháp lý nhằm đưa các quy phạm pháp luật hình sự quy định về các tội phạm này vào đời sống thực tế. TAND tỉnh Đồng Nai trong quá trình giải quyết các tội xâm phạm sở hữu nói riêng và tội phạm nói chung về cơ bản đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật hình sự. Kết quả tích cực này được thể hiện trong cả hoạt động định tội danh và cả hoạt động quyết định hình phạt.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm nói chung, tình hình các tội xâm phạm sở hữu nói riêng vẫn đang ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo báo cáo kết quả thụ lý giải quyết các loại án của TAND tỉnh Đồng Nai, trong 05 năm từ năm 2016 đến năm 2020, TAND các cấp đã giải quyết 19.316 vụ với 27.928 bị cáo; trong đó đã xét xử các tội xâm phạm sở hữu là 5.650 vụ với 6.625 bị cáo. Cụ thể, năm 2016 số vụ án xâm phạm sở hữu là 1.396 vụ với 1.679 bị cáo; năm 2017 số vụ án xâm phạm sở hữu là 1.060 vụ với 1.349 bị cáo; năm 2018 là 934 vụ với 994 bị cáo; năm 2019 là 1.010 vụ với 1.152 bị cáo; năm 2020 xảy ra 1.250 vụ với 1.451 bị cáo. Qua số liệu trên, thấy rằng tình hình các tội xâm phạm sở hữu diễn ra những năm gần đây có xu hướng tăng lên, các năm tăng giảm không ổn định từng năm có sự biến động khơng đồng đều. Trước diễn biến đó, tội phạm đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Trong phạm vi nghiên cứu của một luận văn thạc sĩ, tác giả tập trung nghiên cứu đánh giá hai nội dung cơ bản của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự, đó là định tội danh và quyết định hình phạt trong xét xử các vụ án
xâm phạm sở hữu, trong đó có vụ án về tội hủy hoại tài sản. Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự trong xét xử các vụ án về tội hủy hoại tài sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua, cần đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót đó trong hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt.