Quyền được hưởng tố tụng riêng cho người chưa thành niên

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Quyền của những người bị tước tự do – Lý luận và thực tiễn (Trang 37 - 38)

1.3. Nội dung quyền của người bị tước tự do theo luật nhân quyền quốc tế

1.3.5. Quyền được hưởng tố tụng riêng cho người chưa thành niên

Nhóm quyền này bao gồm nhiều quyền cụ thể nhằm đảm bảo người chưa thành niên được hưởng tố tung riêng, có xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ. Hiện nay theo luật nhân quyền quốc tế hai khái niệm trẻ em và người chưa thành niên đồng nhất với nhau. Cụ thể tại Điều 1 Công ước

quốc tế về quyền trẻ em CRC (Convention on the Rights of the Child) năm 1989

quy định: “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn” [16, tr.64]. Còn tại Điều 11 của “Các quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do năm 1990” khẳng định: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi” [16, tr.708].

Người chưa thành niên có nhiều hạn chế về thể chất, tâm sinh lý, bởi vậy

cộng đồng quốc tế đã dành nhiều quan tâm bảo vệ người chưa thành niên về mặt

pháp lý. Theo đó, người chưa thành niên làm trái pháp luật phải được hưởng những đảm bảo tố tụng ít nhất cũng ngang bằng với những người đã thành niên. Việc áp dụng các biện pháp tước tự do cũng như thi hành tố tụng với những người chưa thành niên làm trái pháp luật cần tính đến độ tuổi của các em và khuyến khích các em hoàn lương. Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước

tự do tại Điều 2 khẳng định: “…Việc tước tự do của người chưa thành niên chỉ được sử dụng như là biện pháp cuối cùng và trong một thời gian cần thiết tối thiểu, và chỉ nên giới hạn đối với những trường hợp ngoại lệ…” [16, tr.705]. Khoản 4 Điều 14 ICCPR quy định thủ tục áp dụng đối với người chưa thành niên phải xem xét đến độ tuổi và khuyến khích sự phục hồi của trẻ [16, tr.84]. Công ước quyền trẻ em CRC 1989 tại mục b khoản 2 Điều 40 cũng khẳng định các quyền của trẻ em được các đảm bảo khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự [16, tr.179]. Quy tắc chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) 1985 đã dành nhiều ưu đãi đặc biệt cho người chưa thành niên. Ngoài ra Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do 1990, bên cạnh việc quy định rất nhiều bảo đảm đối với người chưa thành niên, cũng nhấn mạnh quyền có luật sư bào chữa và được yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải trả tiền trong giai đoạn chờ xét xử của họ [16, tr.710].

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Quyền của những người bị tước tự do – Lý luận và thực tiễn (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)