Nghệ thuật độc thoại

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp văn học nước ngoài (Trang 63 - 71)

8. Bố cục của khóa luận

2.4.4.Nghệ thuật độc thoại

Trong tiểu thuyết “Vụ án”, so với đối thoại, độc thoại chiếm một số lượng nhỏ. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng chỉ có 19 lời độc thoại. Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà phủ nhận vai trò trong việc thể hiện tâm lí nhân vật và làm nổi bật chủ đề tác phẩm của nó.

Khi gặp thương gia Blốc ở nhà luật sư Hun, Jôzep K. bắt gặp một cảnh tượng mà con người trở nên vô cùng thảm hại, mất hết lí trí, ý chí. Anh đã độc thoại nội tâm về cảnh tượng đó: “một thương gia già đương ngồi kia, một

người có cả một chùm râu to tướng và đương van nài một cô gái chấp thuận cho mình điểm tốt. Dù ẩn ý của y có thế nào đi nữa, không gì có thể biện bạch được cho y trước con mắt ai chứng kiến cảnh này! Y làm cho người chứng kiến cũng trở nên hèn hạ. Kết quả của phương pháp này của luật sư là thế đấy. Cũng may, K. không phải chịu đựng lâu: gã khách hàng rốt cục quên hết thiên hạ và chỉ mong mỏi lê lết tới tận cùng vụ án của y bằng con đường quanh co, ngoắt ngoéo, nhục nhã này. Đây không còn là khách hàng nữa mà là một con chó của luật sư. Nếu lão ta ra lệnh cho y bò vào gầm giường và sủa ăng ẳng như từ trong cũi chó, chắc y cũng nghe theo một cách thích thú” [5, 266]. Điều này chứng tỏ cái án chính là nguyên nhân trực tiếp làm biến đổi con người. Sống dưới sự chi phối của nó, con người bỗng trở nên thảm hại đến mức phải quỵ lụy, van xin sự quan tâm, giúp đỡ của ngay đến một kẻ không ra hồn người. Qua đây, nhà văn đã đặt ra vấn đề tha hóa của con người, thể hiện sự xót xa trước “thân phận con người”.

Kết thúc tác phẩm là đoạn độc thoại nội tâm của Jôzep K. xen lẫn với lời người kể chuyện như một tiếng kêu, một câu hỏi day dứt: “cặp mắt anh bắt gặp tầng cuối của căn nhà sát với hầm đá. Như ánh sáng vọt ra từ hai cánh cửa của một khung cửa sổ mở tung ra phía trên cao, một người đàn ông mảnh dẻ và yếu đuối... đột ngột thò đầu ra, tung hai cánh tay ra phía trước. Ai đó?

Một người bạn chăng? Một tấm lòng nhân hậu chăng?... Đâu là vị quan tòa mà anh không bao giờ nhìn thấy? Đâu là tòa pháp viện mà không bao giờ vươn tới được?...”[5, 299]. Đoạn văn tiêu biểu cho toàn bộ cuốn tiểu thuyết

của Franz Kafka về mặt điểm nhìn từ bên trong của nhân vật, thể hiện trạng thái cưỡng lại cái phi lí, giống như cảm giác lo âu đang cưỡng lại với chính nó.

Để cho nhân vật tự suy nghĩ, giãi bày cảm xúc cũng là cách xử lí của Franz Kafka nhằm làm cho thời gian ngưng đọng trong chuỗi phát ngôn của nhân vật. Qua đó, nhà văn nhấn mạnh nỗi cô đơn trong thời gian của con người. Cái chết của nhân vật không chỉ đơn thuần là cái chết về thể xác của những cá nhân mà như là lời dự báo về sự tận diệt của số phận, của bản thể con người.

2.4.7. Nghệ thuật huyền thoại

Huyền thoại là những hình tượng văn học gián tiếp và có tầm ảnh hưởng lớn, mang một ẩn ý sâu, phản ánh những tư tưởng triết học của tác giả về một vấn đề nào đó đặt ra trong cuộc sống. Huyền thoại có thể hiểu là các hình ảnh rút ra từ các thần thoại, điển tích, hoặc là các hình ảnh các thường phi lí tính do nhà văn sáng tạo ra. Qua đó, nhà văn nói lên một cách đầy ẩn ý những sự thật, những nỗi niềm, những ước vọng nào đó của cá nhân mình, đồng thời cũng là của thời đại. Cơ chế tạo ra huyền thoại là: sử dụng những mô tip dân gian hay sáng tạo ra những hình ảnh bóp méo hiện thực.

Huyền thoại cổ dùng để chế ngự nỗi sợ hãi của con người trước thiên nhiên. Các yếu tố kì ảo của dân gian thường gắn với một kết thúc có hậu, thể hiện cái nhìn đầy lạc quan. Còn văn học hiện đại lại dùng cái phi lí để thể hiện nỗi sợ hãi của con người về chính bản thân mình, về cuộc sống xung quanh mình, thể hiện một cái nhìn đầy lo âu, đầy bi quan về cuộc sống.

Nghệ thuật huyền thoại đã chi phối rất nhiều đến cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết “Vụ án”. Nhà văn đã sử dụng, thậm chí gia tăng các yếu tố khác thường, phi lí tính khi xây dựng nhân vật (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, ứng xử…), thời gian, không gian nhân vật xuất hiện.

Thời gian nhân vật Jôzep K. sống được thể hiện trong tác phẩm là: một năm, từ buổi sáng ngày sinh nhật lần thứ ba mươi tới trước ngày sinh nhật lần thứ ba mươi mốt của anh. Ở đây, thời gian từ sáng đến tối, một năm khép lại là thời gian của một chu kì, biểu trưng cho một kiếp người, một cuộc đời. Thời gian nhân vật hành động là:”một buổi sáng”, “tuần lễ sau”,… là những thời gian phiếm chỉ, không có mốc cụ thể, giống như thời gian trong truyện cổ tích, tạo ra sự mơ hồ cho người đọc. Qua thời gian ấy, nhà văn như khoác lên hiện thực một tấm voan mờ ảo.

Về không gian, trong “Vụ án”, nhân vật Jôzep K. đã tới mười ba địa điểm (nhà trọ, ngân hàng, phòng luật sư, phòng họa sĩ,...), nhưng chỉ duy nhất một địa danh có tên cụ thể là phố Xanh Juyn (nơi tòa triệu tập Jôzep K.). Các địa danh không tên tạo ra sự mơ hồ về không gian cho tác phẩm. Bên cạnh đó, không gian ở đây còn rất tù túng, chật chội nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy dễ chịu, chỉ riêng Jôzep K. cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Điều này chứng tỏ anh là người duy nhất tỉnh táo, sáng suốt, người duy nhất không bị tha hóa.

Về nhân vật: ở đây, tên nhân vật chính được viết tắt (Jôzep K.). Trong các nhân vật phụ, có tới 55 trên tổng số 75 nhân vật không có tên, được nhà văn gọi bằng các chức danh, nghề nghiệp, giới tính (như: chị thợ giặt, anh mõ tòa, anh sinh viên, linh mục, người coi giữ đồ thờ...). Mười nhân vật dị hình dị dạng (đi khập khiễng, có màng ở tay như chân vịt, câm hoặc gù...). Nhà văn đã gia tăng các yếu tố khác thường, giảm đi các yếu tố bình thường khi thể hiện nhân vật, khiến cho nhân vật như lơ lửng trong các yếu tố vừa thực, vừa hư. 55

trên tổng số 75 nhân vật là người của tòa án, tạo nên một hệ thống khổng lồ luôn truy sát Jôzep K. ở khắp nơi.

Phương pháp huyền thoại còn thể hiện trong tiểu thuyết “Vụ án” là cách nhà văn bóp méo các sự việc xung quanh nhân vật, làm cho chúng trở lên vô lí một cách có ý thức. Người đọc, qua sự vô lí quá đáng này mà nhận ra hiện thực cay đắng của cuộc sống. Nhân vật Jôzep K. bị bắt, nhưng vẫn có quyền đi lại rất tự do, làm mọi công việc ở ngân hàng bình thường như trước khi có chuyện bị kết tội. Việc xét xử Jôzep K. cũng diễn ra hết sức vô lí. Tòa hẹn gặp anh nhưng không hẹn rõ thời gian, khi anh đến, tòa lại tuyên bố là anh đến muộn một tiếng năm phút. Anh là một nhân viên ngân hàng nhưng tòa lại hỏi rằng “Anh có phải là thợ sơn không?”. Đây là điều hết sức vô lí bởi tòa án xét xử mà không biết rõ về bị cáo! Bên cạnh đó, nơi xét xử cũng không nghiêm túc, hỗn loạn, tòa đang họp thì tự nhiên bị cắt ngang bởi một đôi thanh niên yêu nhau hét toáng lên. Và lạ lùng hơn, tòa án, ngày thường, lại là nơi ở của dân chúng.

Từ những yếu tố không có thật này, nhà văn nói lên một điều có thật. Đó chính là cuộc sống ngột ngạt, tù túng dưới thời đế quốc Áo- Hung, nơi mà, tòa án xét xử bất công, sách luật vô cùng nhảm nhí, nơi mà những người vô tội bỗng dưng bị bắt, bị giết một cách vô lí, con người luôn phải đối mặt với những nỗi sợ hãi, hoang mang.

Trong tiểu thuyết “Vụ án”, Franz Kafka còn dùng các sự vật, sự việc cụ thể để diễn đạt cái mơ hồ. Nhân vật chính có những mối quan hệ rất cụ thể: có người yêu, có họ hàng, có chỗ ở. Các nhân vật liên quan cũng có tên tuổi rõ ràng như: bà chủ nhà trọ Grubach, cô hàng xóm Bơcxne, luật sư Hun, họa sĩ Titôreli,... Các sự việc xảy ra có địa điểm cụ thể như: phố Xanh Juyn, nhà trọ của bà Grubach, nhà thờ lớn, bãi đá.... Nhưng từ những cái cụ thể ấy, nhà văn

lại giúp cho người đọc cảm nhận một sức mạnh khủng khiếp, vô hình đè nặng lên nhân vật. Từ những yếu tố cụ thể, nhà văn nói lên những cái trừu tượng, đó là luật pháp với những thiết chế bất công và vấn đề thân phận con người. Con người sinh ra như mang sẵn một cái án, những ngày còn sống chỉ là những ngày tạm hoãn hay chờ xét xử mà thôi.

Yếu tố huyền thoại đã tạo nên những hiệu quả nghệ thuật rất lớn cho tiểu thuyết “Vụ án” nói chung và nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật nói riêng. Có thể nói, với nghệ thuật huyền thoại, Franz Kafka đã xây dựng nên một thế giới nhân vật rất riêng, độc đáo, in đậm phong cách của nhà văn. Thông qua những yếu tố kì ảo, nhân vật hiện lên với những nét khác thường, vừa quen, vừa lạ, góp phần tạo ra sự đa nghĩa cho tác phẩm, tạo sự hấp dẫn cho bạn đọc.

KẾT LUẬN

Vụ án” là tác phẩm thành công xuất sắc của Franz Kafka thuộc dòng văn học phi lí. Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm nhận được rất nhiều sự quan tâm, phê bình của giới chuyên môn cũng như những người yêu thích văn chương. Đây cũng là một trong những viên gạch đặt nền móng cho lâu đài tiểu thuyết hiện đại thế giới. Tìm hiểu “Vụ án” không chỉ giúp chúng ta có thêm hiểu biết về một tác phẩm văn học phi lí mà còn được mở rộng hơn về những đổi mới trong nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại.

Tìm hiểu về “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyếtVụ áncủa Franz Kafka", chúng ta thấy được những đặc sắc, độc đáo riêng của nhà văn khi xây dựng nhân vật. Đó là một thế giới nhân vật khác thường (khác thường về ngoại hình, khác thường về hành động ứng xử). Thế giới nhân vật ấy có sự phân chia thành: những người dân thường, những người khác thuộc về toà án và nhân vật chính Jôzep K. (người duy nhất không bị tha hóa). Khi xây dựng thế giới nhân vật của mình, Franz Kafka có nhiều đổi mới so với nghệ thuật tiểu thuyết truyền thống. Nhà văn đã xoá mờ đường viền lịch sử của các nhân vật. Nhân vật của ông hiện lên không rõ lai lịch, không có quá khứ, chỉ xuất hiện ở khoảnh khắc hiện tại, cô đơn, đầy lo lắng, hoang mang.

Franz Kafka đã sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật để xây dựng thế giới nhân vật. Đó là: nghệ thuật tả, kể, đối thoại, độc thoại và nghệ thuật huyền thoại. Qua đó, nhân vật hiện lên với những nét về ngoại hình với không gian xuất hiện cụ thể như những hộp đen, lộn xộn, đầy bóng tối. Ở đây, điểm nhìn trần thuật có sự di động liên tục từ người kể chuyện (ngôi thứ ba) sang điểm nhìn của nhân vật chính Jôzep K., góp phần tạo nên sự đa dạng về giọng điệu cho tác phẩm.

Tiểu thuyết “Vụ án” có sức hấp dẫn, sức sống lâu bền trong lòng người đọc, có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các nhà văn hiện đại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Lê Huy Bắc (2006), Nghệ thuật Franz Kafka, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Lê Huy Bắc (2001), Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel

Márquez, Nxb Giáo dục, Hà Nội. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

4. Nguyễn Văn Dân (2002), Văn học phi lí, Nxb Văn hóa thông tin Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

5. Nguyễn Văn Dân - Đức Tài - Phùng Văn Tửu - Trương Đăng Dung -Nguyễn Văn Qua - Lê Huy Bắc (2003), Franz Kafka tuyển tập tác

phẩm, Nxb Hội nhà văn Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

6. Trương Đăng Dung (2003), Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka, Tạp chí văn học nước ngoài, số 6.

7. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương

Tây hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

8. Đặng Anh Đào - Hoàng Nhân - Lương Duy Trung - Lương Duy Trung - Nguyễn Đức Nam - Nguyễn Thị Hoàng - Nguyễn Văn Chính - Phùng Văn Tửu (2003), Văn học phương Tây, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9. Hà Minh Đức (2004) , Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 10. Lê Bá Hán (đồng chủ biên) (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

11. Phương Lựu (chủ biên) - Trần Đình Sử - Nguyễn Xuân Nam - La Khắc Hòa - Thành Thế Thái Bình (2004), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

12. Nhiều tác giả (1984), Từ điển văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

13. Hoàng Phê (chủ biên) (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

14. Nguyễn Ngọc Thi (1996), Nét đổi mới trong nghệ thuật tiểu

thuyết của Franz Kafka, Thông báo khoa học, trường Đại học Sư phạm Hà

Nội 2.

15. Hoàng Trinh (1999), Phương Tây - Văn học và con người, Nxb Hội nhà văn Hà Nội, Hà Nội.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp văn học nước ngoài (Trang 63 - 71)