Nghệ thuật kể

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp văn học nước ngoài (Trang 56 - 60)

8. Bố cục của khóa luận

2.4.2.Nghệ thuật kể

2.4.2.1. Sự di động trong điểm nhìn trần thuật

Trong tác phẩm văn học, điểm nhìn trần thuật có thể được đặt ở tác giả (người kể chuyện ngôi thứ ba) hay nhân vật kể chuyện (ngôi thứ nhất). Mỗi người kể chuyện (mỗi điểm nhìn) đều tạo ra cho người đọc sự hấp dẫn riêng. Nếu ở người kể chuyện ngôi thứ ba, người đọc sẽ thấy được sự khách quan, quan sát ở mọi góc cạnh của một người đứng ngoài cuộc theo dõi mọi diễn biến của câu chuyện. Còn với người kể chuyện ngôi thứ nhất, vì là người trực tiếp tham gia vào câu chuyện nên tạo ra sự chân thật, sinh động cho tác phẩm. “Di động điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật chính là một đổi mới

mà người khai sinh là Kafka; nó là một cách để “khách quan hoá” hiện tượng. Song điểm nhìn của nhân vật Kafka do chỉ tập trung vào một ám ảnh, lại có một ý nghĩa chủ quan đặc biệt. Bên cạnh đó, một số chi tiết nhìn qua con mắt của nhân vật chính lại có hướng ngược lại, khách quan hoá. Dường như có một ai đó đứng ngoài nỗi ám ảnh để kể lại và nhìn nhận sự việc một cách xa lạ: điều này khiến cái bi đát của tình thế có một màu sắc kệch cỡm, dệt nên sắc thái “uy mua đen” ở lối kể chuyện”[7, 39]. Trong tiểu thuyết “Vụ án”, chúng ta thấy điểm nhìn trần thuật luôn có sự di động từ cái nhìn của tác giả sang nhân vật và ngược lại.

Jôzep K. sau khi bị kết án ở một căn hộ nào đó, anh tìm trở lại “phòng lục sự”. Tại đây, anh gặp lại chị thợ giặt (vợ viên mõ toà), được xem sách luật

và giấy tờ của ngài dự thẩm là những cuốn sách nhàu nát, những “hình vẽ tục tĩu... mà vụng về”. Khi anh giở một cuốn sách bụi bặm khác nữa, thì đó là

cuốn “Những đau khổ của nàng Marguerite do chồng gây ra”. Đêm cuối cùng của Jôzep K., đêm trước ngày sinh nhật lần thứ ba mươi mốt của anh, cũng được miêu tả lại qua điểm nhìn của nhân vật. Những kẻ đến giải Jôzep K. được gọi là “những người khách” và được anh đón tiếp “một cách tò mò”: cứ như có một người thứ hai nào đó quan sát những người mà Jôzep K. đã đoán là đao phủ của mình, anh ta như không thống nhất với nạn nhân. Khi bị hai gã cảnh sát khoác cánh tay, Jôzep K. cảm thấy “mình chưa đi dạo phố với ai như

vậy bao giờ”[5, 295]. Kiểu khoác tay kì lạ ấy, trong cảm nhận của Jôzep K.

vừa hài hước, vừa bi thảm: quấn sát từ trên bả vai dọc xuống dưới và “đó hẳn phải là nhờ dày công luyện tập”! Jôzep K. bị kẹp cứng đờ ở giữa, “ba người kết thành một khối duy nhất”, chặt chẽ tới mức “nếu có một người bị giết, hẳn hai người kia cũng chết luôn một thể. Thường chỉ ở những thể vật chất mới có thể tiến hành sự kết hợp chặt chẽ đến như vậy”[5, 295]. Jôzep K. ngắm nghía

rất kĩ hai nhân vật đó: những cái cằm bạnh hai ngấn, và anh phỏng đoán đó hẳn là “những diễn viên hát giọng nam cao”. Chi tiết Jôzep K. ấn tượng nhất ở chúng là cái vẻ lịch sự mời mọc nhau, nhường nhau từ lúc bước vào phòng, cho tới lúc đâm anh : “hai vị ấy... diễn cái trò nhường nhau ghê tởm lúc

nãy”[5, 299], con dao cứ chuyền qua chuyền lại khiến Jôzep K. muốn giật

ngay lấy. Đến kết thúc tác phẩm, khi nhân vật bị giết chết, cảm giác vẫn là của nhân vật: Jôzep K. cảm nhận được con dao “thọc vào tim anh và ngoáy ngoáy

hai lần”[5, 300]. Cảm giác của anh còn sống ngay cả khi anh đã chết. Khi

Jôzep K. thốt lên câu nói cuối cùng về cái chết của mình “như một con chó!” dường như tất cả chưa phải là đã chấm dứt. Câu nói cuối cùng của tác phẩm:

“dường như nỗi nhục nhã vẫn còn sống sót lại trên đời” là cảm giác của nhân vật khi không còn ở trong nhân vật, mà ở thế giới bên ngoài!

2.4.2.2. Sự đa dạng về giọng điệu

Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Đó là: thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với nhân vật, hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu, tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm.

Một nhà văn tài năng bao giờ cũng tìm được cho mình giọng điệu riêng, độc đáo bởi đây chính là một yếu tố tạo nên phong cách và thể hiện cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Thậm chí, trong mỗi tác phẩm, nhà văn lại thể hiện theo một giọng điệu nhất định, phù hợp với đối tượng thể hiện.

Trong tiểu thuyết “Vụ án”, với sự di động trong điểm nhìn, Franz Kafka đã tạo ra hệ thống giọng điệu đa dạng.

Ngay ở dòng đầu tác phẩm, Franz Kafka đã giới thiệu về Jôzep K. bị bắt với giọng điệu hết sức đều đều, chứ không hề gay cấn, hồi hộp như một vụ vây bắt tội phạm mà ta vẫn gặp : “Chắc hẳn người ta đã vu oan cho Jôzep K.

bởi anh chẳng làm gì nên tội, thế mà một buổi sáng kia anh bị bắt”[5, 75].

Ngay tiếp đó, chúng ta lại bắt gặp giọng hài hước đầy dẫy chất uy mua đen khi Jôzep K. tìm giấy tờ để chứng minh mình vô tội, đã định lấy giấy đăng kí xe đạp thay vì giấy căn cước để đưa cho hai tên thanh tra “vì xúc động, anh tìm mãi không ra giấy căn cước. Cuối cùng vớ được giấy đăng kí xe đạp, anh đã định xuất trình cho tên canh giữ nhưng lại thôi vì xét thấy giấy tờ như thế chưa đủ và tiếp tục lục lọi cho đến khi tìm thấy một bản sao giấy khai sinh”[5,79].

Franz Kafka luôn có cái nhìn hài hước, mỉa mai về các mối quan hệ cuộc đời, xã hội. Đọc “Vụ án”, người đọc thấy các mối liên hệ giữa các nhân

vật vô cùng lỏng lẻo, họ như những cá thể, cùng bị giam lỏng trong các hộp đen. Jôzep K. luôn cố tạo ra những mối quan hệ khi anh đi tìm hiểu vụ án, nhưng mối quan hệ ấy không hề giúp ích gì cho nhân vật, cũng không làm giảm bớt cảm giác cô đơn, lạc lõng của anh.

Bên cạnh đó, ta còn bắt gặp giọng giễu cợt, coi thường khi nhà văn để cho Jôzep K. độc thoại nội tâm về cảnh tượng thương gia Blốc van nài cô hầu Leni. Sự khúm núm, nhẫn nhục của y khiến cho người đọc thấy hắn vừa buồn cười, vừa đáng thương hại : “một thương gia già đang ngồi kia, một người có

cả chòm râu to tướng và đương van nài một cô gái chấp thuận cho mình điểm tốt! Dù ẩn ý của y thế nào đi nữa, không gì có thể biện bạch được cho y trước con mắt những ai chứng kiến cảnh này! Y làm cho người chứng kiến cũng trở nên hèn hạ. Đấy không phải là một khách hàng nữa mà là một con chó của luật sư...”[5, 266]. Ở đây, bên cạnh giọng mỉa mai, nhà văn còn đan xen

những lời bình luận làm nổi bật sự nhẫn nại đến nhục nhã của thương gia Blốc. Vì muốn thoát khỏi vụ án mà y đã hi sinh cả nhân cách của mình.

Hành trình đi tìm hiểu vụ án của Jôzep K. diễn ra khá lặng lẽ. Nhân vật càng cố công đi tìm hiểu vụ án thì càng thất bại, luôn bị mắc trong cái vòng luẩn quẩn. Câu chuyện cứ trải dài ra như vậy khiến cho độc giả cảm thấy ngột ngạt, khó thở, bế tắc. Chính cái vẻ bàng bạc đó đã tạo nên độ căng cho tác phẩm.

Người đọc còn bắt gặp ở “Vụ án” giọng điệu lạnh lùng, khách quan xen lẫn với hài hước, châm biếm của Franz Kafka khi nhà văn miêu tả chân dung viên dự thẩm (một viên dự thẩm ở toà án và một bức tranh treo ở nhà luật sư Hun) và hệ thống luật pháp. Nhà văn nói về không gian của toà, cách hành xử của toà lạnh lùng và khách quan như nó vẫn tồn tại trong cuộc sống thực. Song những phi lí trong cách hành xử tuỳ tiện, quan liêu của nó được thể hiện với giọng đầy giễu cợt. Ví dụ như: khi Jôzep K. tới phiên toà, người ta

hỏi rằng: “Anh có phải là thợ sơn không?”. Câu hỏi này khiến người đọc trước tiên phải bật cười, rồi sau đó lại chua xót cho số phận của nhân vật. Bởi cách hành xử tuỳ tiện của toà sẽ còn gây ra bao nhiêu bi kịch cho những người dân lương thiện, vô tội lại sẽ bất ngờ bị kết tội nữa!

Kết thúc tác phẩm xuất hiện một giọng nói thản nhiên trung hoà có xen lẫn lời bình luận. Trong cảnh ngộ bi thảm của nhân vật Jôzep K., nó trở thành một thứ “uy mua đen”. Khi hai gã đao phủ khoác cánh tay, Jôzep K. cảm thấy “mình chưa đi dạo phố với ai như vậy bao giờ”. Kiểu khoác tay “quấn sát từ

trên vai xuống” ấy hẳn “phải là nhờ dày công luyện tập”. “Ba người kết thành một khối duy nhất... Thường chỉ ở những thể vật chất mới có thể tiến hành sự kết hợp chặt chẽ đến như vậy!”[5, 295].

Nói tóm lại, trong tác phẩm “Vụ án”, độc giả cảm nhận thấy sự đa dạng trong giọng điệu trần thuật của nhà văn. Qua giọng điệu ấy, chúng ta hiểu thêm về tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật và đặc biệt là thái độ của nhà văn trước mỗi sự việc, đối tượng được miêu tả.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp văn học nước ngoài (Trang 56 - 60)