8. Bố cục của khóa luận
1.4.4. Phân loại theo hình thức cấu trúc nhân vật
Trong quá trình lịch sử văn học đã xuất hiện và cùng tồn tại nhiều kiểu cấu trúc nhân vật đa dạng.
a. Nhân vật dẹt
Đây là loại nhân vật không được khắc họa đầy đặn các mặt, “ít giống
thực nhất” theo cách đánh giá của một kiểu tri giác đơn giản về nghệ thuật.
Nhân vật dẹt bao gồm: nhân vật chức năng và nhân vật loại hình.
Nhân vật chức năng (hay còn gọi là nhân vật mặt nạ): là loại nhân vật chủ yếu xuất hiện trong văn học cổ đại và trung đại (nhất là trong truyện cổ tích), được giao nhiệm vụ thực hiện một chức năng cố định nào đó từ đầu đến cuối trong tác phẩm và trong phản ánh đời sống. Nhân vật chức năng không có đời sống nội tâm. Các phẩm chất, đặc điểm luôn tồn tại như một hằng số và nó hành động gần như theo một công thức định sẵn. Phân tích các nhân vật này, chúng ta cần tìm hiểu các vai trò và chức năng mang nội dung xã hội thẩm mĩ của chúng.
Nhân vật loại hình: là loại nhân vật có thể đứng ra làm đại diện cho một loại người nhất định trong đời sống do chỗ nó thể hiện được những nét đặc trưng ổn định và bất biến ở phẩm chất xã hội, đạo đức, tính cách của loại người đó (vì vậy mà chúng thường được gọi là điển hình). Hạt nhân của loại nhân vật này là một số phẩm chất loại biệt về mặt xã hội được nêu bật hẳn hơn các tính chất khác. Do phản ánh các loại phẩm chất, tính cách phổ biến mà nhân vật loại hình thường được sử dụng như các danh từ chung để chỉ các sự vật cùng loại.
b. Nhân vật tròn
Nhân vật tròn là loại nhân vật được khắc họa trên nhiều bình diện, đưa tới cho độc giả cảm tưởng thực như cảm tưởng khi ta đi quanh một bức tượng tròn. Nhân vật tròn thực chất là nhân vật tính cách. Đó là loại nhân vật mà sức hấp dẫn chủ yếu của nó không nằm ở phẩm chất loại trừu tượng như nhân vật loại hình, mà nằm ở cá tính cùng cấu trúc phức tạp của nó. Nhân vật tính cách
thường đa diện, chứa đầy mâu thuẫn và chính những mâu thuẫn đó làm cho tính cách không tĩnh tại mà luôn vận động phát triển, đôi khi làm bất ngờ cho cả người sáng tạo ra nó.
Cấu trúc của nhân vật tính cách phản ánh một trình độ cao của văn học trong việc khái quát và chiếm lĩnh đời sống. Yếu tố nhân vật tính cách có thể tìm thấy trong văn học cổ đại nhưng phải đến khi xuất hiện chủ nghĩa hiện thực thì nhân vật tính cách mới hình thành rõ nét. Trong nhân vật tính cách, cá tính rất nổi bật. Cá tính là giới hạn kết tinh các bản chất xã hội của tính cách. Yếu tố tâm lí, khí chất có vai trò quan trọng cấu trúc nhân vật. Đó là con người độc đáo, cá biệt, cụ thể, đồng thời luôn vận động, phát triển.
c. Nhân vật tư tưởng
Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật tương đồng với nhân vật chức năng và có hạt nhân cấu trúc là một tư tưởng, một ý thức. Xây dựng loại nhân vật này, nhà văn nhằm hướng tới phát biểu hoặc tuyên truyền cho một tư tưởng nào đó về đời sống, và việc phát biểu, tuyên truyền đó đôi khi được thực hiện lộ liễu, không cần che giấu. Ở loại nhân vật này, sự đa dạng của tính cách bị tổn thất, tầm vóc tư tưởng của nhân vật được quy định bởi tầm vóc tư tưởng mà tác giả muốn biểu đạt.
Sự phân loại các nhân vật trên đây chỉ mang ý nghĩa tương đối. Loại nhân vật nào cũng có sự hấp dẫn riêng của nó. Không thể đem tiêu chí của nhân vật này để đánh giá khiên cưỡng nhân vật kia và ngược lại. Bên cạnh đó, chúng ta thấy cũng có nhân vật vừa xuất hiện trong sự phân loại này lại xuất hiện trong sự phân loại kia.
CHƯƠNG 2
THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT “VỤ ÁN” CỦA FRANZ KAFKA
2.1. Quan niệm nghệ thuật của Franz Kafka về con người
Qua các sáng tác của Franz Kafka, người đọc bắt gặp cái nhìn tựa như cái nhìn của một đứa trẻ, của một người xa lạ trước thế giới đã được định dạng, định danh, định tính tự bao đời. Nhưng chính nhờ cái nhìn trinh nguyên này mà Franz Kafka mới có thể giúp người đọc khám phá lại bao nhiêu điều phi lí, bất cập trong tồn tại của mình.
Nổi bật trong sáng tác của Franz Kafka là vấn đề “thân phận con người”. Trong các tác phẩm của mình, ông muốn xây dựng lên những nhân vật với tư cách là con người nhỏ bé, bị tha hoá, không có chút quan hệ nào với xã hội. Ngay từ đầu, nhân vật đã cầm chắc kết thúc bi đát của cuộc đời mình, chờ đợi kết cục ấy đến mà không thể đấu tranh, không thể lẩn trốn. Khi xây dựng nhân vật, Franz Kafka miêu tả rất rõ tai hoạ ập đến như thế nào, nhưng nguyên nhân gây ra tai hoạ lại ẩn mình. Franz Kafka coi tình trạng tha hoá như một định mệnh. Ông không tin người ta khắc phục được nó mà chấp nhận nó như chấp nhận những tai ương do thiên nhiên gây ra. Đây chính là “thân phận con
người”.
Franz Kafka thường miêu tả “con người cô độc”. Họ không có gia đình, xa lạ và lạc lõng trước cộng đồng. Nguyên nhân tạo nên sự trơ trọi khốn cùng này là họ “khác người”. Trong lúc cả xã hội sống bình yên hoặc điềm nhiên chấp nhận hiện thực phi lí, phi nhân bản ấy thì con người của Franz Kafka lại cố đi tìm hiểu, cắt nghĩa nó. Vì khả năng tồn tại tích cực này nên nhân vật của Franz Kafka là kiểu “con người hành động”. Họ không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ để chấp nhận những trái ngang giáng xuống cuộc đời. Chỉ có điều,
dẫu cho họ có cố gắng đến mức nào đi nữa thì đa phần là cái chết cũng sẵn sàng chờ đợi họ.
Đối tượng trung tâm của thế giới nghệ thuật của Franz Kafka là những con người luôn đối diện với sự tha hoá, nỗi lo âu, sự lưu đày và cái chết. Tác giả Trương Đăng Dung trong bài viết “ Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka” cho rằng: “Trong thế giới của Franz Kafka, đối với cái “Tôi”, thế giới
trở nên xa lạ; đối với thế giới, cái “Tôi” trở nên xa lạ”, số phận con người bị kết án là phải chết một cách cô đơn, thê thảm “như một con chó!”. Nhân vật
của “Nước Mĩ” mới chỉ bị lạc trong sự hỗn mang của số phận, còn nhân vật của “Vụ án” thì đã bị dồn cho đến chết. Cái cô đơn chết người ngày càng được thể hiện với những hình thức khác nhau trong ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Franz Kafka là “Vụ án”, “Lâu đài”, “Nước Mĩ”. Có thể nói Franz Kafka đã cảm nhận một cách sâu sắc nhất nỗi cô đơn trong thời gian của con người hiện đại. Đó là nỗi cô đơn khi con người (buộc phải) từ giã quá khứ, đứng giữa hiện tại và đối diện với tương lai bấp bênh, đầy bí ẩn; ấy là khi con người luôn cảm thấy bất an, hoang mang, lo sợ.
Có thể nói sự ra đời của bất kì tác phẩm nào của Franz Kafka hoặc tên nhân vật bất kì nào của ông cũng đều gắn với chính bản thân nhà văn trong một tình huống nào đó. Tuy nhiên, có một nghịch lí là trong lúc Franz Kafka luôn hoài nghi về bản thể, luôn băn khoăn trước gốc gác Do Thái và lối sống của một công dân Đức hiện đại thì nhân vật của ông hầu như không có sự băn khoăn đó. Chỉ có một vài truyện ông để nhân vật của mình hồi tưởng chút ít về quá khứ (“Thầy thuốc ở nông thôn” là một ví dụ), còn lại, nhân vật của ông đều được đặt trong thực tại với một mệnh lệnh bất di bất dịch là tiến lên phía trước về cõi chết, không được đoái hoài gì đến quá khứ. Cái nhìn này bị chi phối bởi cảm giác lo sợ về về gốc gác Do Thái luôn đè nặng lên số phận tác giả. Franz Kafka quan niệm viết như một sự giải thoát. Thế giới nghệ thuật sẽ
đưa ông thoát khỏi những phiền toái thường nhật lẫn những lo âu trường cửu. Ở đây, chúng ta sẽ gặp một ngoại lệ của Franz Kafka: khi xây dựng nhân vật, ông luôn dựa trên những yếu tố, sự kiện có thật của chính đời mình (có những phiên bản gần như trùng khít). Nhưng khi đối diện với lịch sử hoặc những ẩn ức của nhân vật thì Franz Kafka thường lờ đi. Có lẽ, ông sợ khi đụng đến những vấn đề đó thì sự “giải thoát” của ông sẽ không thể nào được thực hiện. Điều này lí giải tại sao nhà văn luôn xoá bỏ lịch sử nhân vật khi miêu tả họ, làm cho các nhân vật của ông không còn mối dây ràng buộc với quá khứ, cắt đứt mọi mối liên hệ với xung quanh.
Nói tóm lại, Franz Kafka, lúc sinh thời, không đưa ra một quan niệm trực tiếp về con người nào. Song, trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các tác phẩm của ông, các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm về con người trong sáng tác của nhà văn này. Đó là những con người luôn cô đơn, lạc lõng, hoang mang, lo sợ trước những cạm bẫy hay những thế lực vô hình. Đằng sau những con người ấy, người đọc cảm nhận thấy có bóng dáng cuộc đời, số phận của chính nhà văn.