Những nhân vật còn lại

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp văn học nước ngoài (Trang 45 - 49)

8. Bố cục của khóa luận

2.3.2.Những nhân vật còn lại

2.3.2.1. Những người dân thường

Tìm hiểu về nhân vật trong tiểu thuyết “Vụ án”, chúng ta bắt gặp hình ảnh của những người dân thường. So với thế giới nhân vật trong tác phẩm, về số lượng, họ chiếm mười chín trên tổng số bảy mươi lăm nhân vật. “Tiêu chí để nhận dạng họ không phải là diện mạo, giọng nói, tầm vóc,... mà thường là những tiêu chí dễ gá vào nhân vật chẳng hạn như cái tên bất kì, quần áo, giới

tính, tuổi tác...”[2, 156] như: một cô bé, một phụ nữ, cậu thiếu niên, gã đàn

ông... Nhưng có lẽ, họ được phân biệt chủ yếu bởi nghề nghiệp, ví dụ như: người bán hàng rong, ba công nhân ở xưởng đồ sắt, bác đánh xe, chị nấu bếp.... Cách gọi tên những người dân thường theo công việc mà họ thực hiện trong tác phẩm là khá phổ biến. Điều này chứng tỏ rằng nghề nghiệp chính là mối quan tâm hàng đầu của con người hiện đại.

Những người dân thường còn xuất hiện trong hình ảnh nhân vật đám đông như: những người đàn ông trên đường, những người kéo đến xem, những phụ nữ, những người bán hàng rong.

Đặc điểm nổi bật của những người dân thường là họ làm nhiều công việc khác nhau, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đều không liên quan đến toà án, ít hiểu biết hay mơ hồ về pháp luật. Họ như là tầng lớp trung gian, là khung nền làm nổi bật cho bức tranh có sự tương phản giữa thế giới bên trên là toà án với cả một hệ thống to lớn và một thế giới là Jôzep K. cô độc, luôn cố gắng thoát khỏi cái án vô lí. Mặt khác, đặt trong thế so sánh với Jôzep K., là một người tỉnh táo, nhận ra những điều vô lí đến phi lí đang tồn tại trong xã hội, thì họ thản nhiên chấp nhận, nói khác đi là họ bị xã hội làm cho tha hoá.

2.3.2.2. Những người thuộc về toà án

Trong hệ thống nhân vật của tiểu thuyết “Vụ án”, những người thuộc về toà án chiếm một số lượng rất lớn: 55/75 nhân vật là người thuộc về toà án. Hệ thống này bao gồm: trước hết, những người trực tiếp làm việc cho ngành toà án như: ngài đội, ngài biện lí Haxtêre, ngài dự thẩm, nhân viên chỉ dẫn của toà, người lính canh, viên hiến binh, luật sư Hun, hoạ sĩ Titôreli, anh sinh viên... Thứ hai, là những người liên quan đến toà án như: những bị cáo, bà chủ nhà trọ, một cô bé, chị thợ giặt, linh mục... Đây là một hệ thống đông đảo, đa dạng gồm nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần trong xã hội. Đâu đâu trong tiểu thuyết “Vụ án”, ta cũng bắt gặp người của toà án.

Các nhân vật thuộc về toà án trong “Vụ án” chiếm một số lượng áp đảo. Điều này cho thấy tình trạng bế tắc của Jôzep K., anh phải đương đầu với một guồng máy khổng lồ, luôn rình rập, truy sát anh ở khắp nơi. Vì thế mà từ khi bất ngờ bị kết tội, đi đâu, Jôzep K. cũng gặp những người biết anh vướng vào một vụ án và thậm chí còn biết rất rõ về chiều hướng vụ án của anh như linh mục chẳng hạn. Mọi thứ xung quanh anh đều trở thành tai mắt của toà: từ bà chủ nhà trọ đến láng giềng của anh đều giữ một khoảng cách và luôn rình rập anh. Ngay cả cái buồng nhỏ chứa đồ phế thải của ngân hàng cũng bỗng nhiên biến thành nơi xử tội hai kẻ giám sát anh. Điều này chứng tỏ cho lời của hoạ sĩ Titôreli: “Chẳng có cái gì là không thuộc về tổ chức tư pháp!”[5, 219], và “tổ

chức tư pháp chìm ngập trong vô vàn những cái tinh vi. Rồi cuối cùng nó sẽ khám phá ra một tội trạng ở chỗ xưa nay chưa từng thấy bao giờ cả”[5, 217].

Thông qua quá trình tìm hiểu vụ án của Jôzep K., người đọc như được phơi bày trước mắt thực trạng về nạn hối lộ, tham nhũng đang có điều kiện hoành hành. Cái án của Jôzep K. tuy không ai tuyên án nhưng độc giả sẽ được gặp người nhận lời lo lót cho Jôzep K. với các quan toà khi anh bị ông chú Anbe K. ép phải đi tìm người chạy tội: đấy là luật sư Hun, người tự xưng là cánh hẩu, bạn bè thân tín của các quan toà. Là một người ốm yếu, suốt ngày phải nằm liệt giường nhưng bằng cách nào đó, luật sư Hun có thể tạo được niềm tin ở các thân chủ của mình rằng không cần ông ta ra trước toà để biện hộ, bào chữa, “chỉ cần chạy chọt đường sau” là họ có thể được toà xét xử theo hướng có lợi cho mình. Nhưng điều nghịch lí ở đây là không biết tài cán và khả năng của luật sư Hun đến đâu mà thương gia Blốc đã mất năm năm chạy án mà vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ở đây, chúng ta thấy luật sư Hun là một người không thể lo liệu cho chính bản thân mình, không thể rời khỏi cái giường mà vẫn có thể có đầy quyền uy. Quyền lực một khi tập trung vào tay những kẻ bất thành nhân dạng như thế thì sẽ tác hại đến nhường nào.

Mặt khác, chính diện mạo của những kẻ đại diện cho pháp luật như thế thì cũng nói lên sự méo mó của pháp luật ấy đến mức nào.

Trong tiểu thuyết “Vụ án”, Franz Kafka đã miêu tả rất độc đáo về gã đao phủ trừng phạt hai tên thanh tra Vilem và Franz- những kẻ có nhiệm vụ canh giữ Jôzep K.. Khi Jôzep K. hối lộ y để y đừng đánh hai tên kia nhưng điều kì lạ với anh là tên đao phủ đã từ chối món tiền của Jôzep K.. Việc làm này khiến anh rất ngạc nhiên: “Nếu tất cả các nhân viên cấp dưới của cái tổ

chức tư pháp kia đều là bọn vô lại thì tại sao gã đao phủ, kẻ vô nhân đạo nhất so với tất cả, lại có thể là một ngoại lệ?”. Nhưng sự thật đã giải đáp cho nghi

hoặc ấy: khi “Jôzep K. nhìn thấy rõ tia chớp thèm thuồng vụt qua mắt gã khi

gã nhìn những tờ giấy bạc. Rõ ràng, hắn đánh đòn chỉ là để được tăng thêm tiền đút lót”[5, 160]. Hình ảnh hai tên thanh tra Vilem và Franz vì lấy trộm

quần áo của Jôzep K. bị phát hiện và đánh đòn đã nực cười. Nhưng cảnh Franz “mặc mỗi một cái quần, quỳ xuống trước mặt K., bíu cánh tay K.” cầu xin anh cứu thoát, với một lí do còn tế nhị hơn là “trước cổng ngân hàng, cô vợ chưa

cưới của tôi đang chờ đợi”[5, 158]... Những điều này cho thấy thế giới luật

pháp của Franz Kafka là cả một bộ mặt dị dạng, khôi hài, nơi hối lộ là một hành vi diễn ra bình thường. Cái phi lí ở đây vì thế đã lên ngôi.

Giới quan toà trong “Vụ án” hiện lên vô cùng thảm hại. Về hình thức, như hoạ sĩ Titôreli từng nói với Jôzep K.: mặc dù trong tranh vẽ trông họ oai phong, uy nghi lẫm liệt nhưng thực ra nếu vẽ giống “thì các vị ấy bất quá

cũng chỉ tựa như mấy chú khỉ gầy mà thôi”. Những quyển sách luật ở phòng

xử án chỉ là “những quyển sách cũ nhàu nát” với những “bức tranh thô tục”. Nhà văn khắc hoạ hình ảnh viên dự thẩm không chỉ ở giữa phiên toà “là một

người đàn ông béo lùn, đương hổn hển nói, giữa những tiếng cười ầm ĩ” mà

thấy được phần nào chân dung thật sự của viên dự thẩm nói riêng, nhân cách của một bộ phận cầm cân nảy mực trong xã hội nói chung.

Qua hành trình một năm đi tìm hiểu về vụ án của Jôzep K. cho đến khi anh bị hành quyết, người đọc vẫn chưa tìm được lời giải đáp cho cái án vô lí của anh. Jôzep K. bị tội gì? Vì sao anh lại phạm tội? Bản thân nhân vật cho đến khi đối diện với cái chết cũng chưa hết thắc mắc: “Vị quan toà mà anh

chưa gặp bao giờ ở đâu? Toà án tối cao mà anh chưa tới bao giờ ở đâu?”. Ở

đây, theo Nguyễn Văn Dân: Franz Kafka đã “sáng tạo ra một nghệ thuật mô

tả cái vắng mặt. Nghệ thuật thông báo cái không thể thông báo, diễn tả cái không thể diễn tả, cái quyền lực vô hình và phi lí trong “Vụ án” đã được ông

diễn đạt thật tài tình và đầy ấn tượng. Đối tượng phê phán không xuất hiện mà hiệu quả phê phán lại rất lớn”[4, 22].

Như vậy, thông qua hệ thống những người thuộc về toà án, chúng ta thấy pháp luật đã trở thành một hệ thống, một cơ chế cứng nhắc, bất hợp lí, hù doạ con người.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp văn học nước ngoài (Trang 45 - 49)