- Giai đoạn III Tự điều chỉnh
1.2.4.4. Quan hệ giữa tri thức, kỹ năng và kỹ xảo
Tri thức - những hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội. Muốn có tri thức, con người phải thực hiện hoạt động nhận thức, thông qua hoạt động nhận thức con người có tri thức cho bản thân. Nhận thức bao giờ cũng trải qua hai trình độ: kinh nghiệm và lý luận. Nhận thức kinh nghiệm chỉ đạt ở mức: miêu tả các sự kiện, phân loại các dữ kiện thu thập được từ quan sát, thí nghiệm, hệ thống hoá chúng làm cơ sở cho sự khái quát sơ bộ và xây dựng giả thuyết thí nghiệm. Tri thức kinh nghiệm cho ta hình thức tư duy kinh nghiệm (quan sát, so sánh, phân loại, nhận biết..) và sản phẩm là khái niệm kinh nghiệm (khái niệm hình thức). Ở trình độ này, chưa thể nắm được cái tất yếu, chưa phân biệt được cái cơ bản với cái không cơ bản, giữa bản chất và hiện tượng, giữa nguyên nhân và kết quả.
Nhận thức lý luận, làm rõ cái tất yếu của khách thể, mối quan hệ phức tạp giấu đằng sau các sự kiện, sự PT biện chứng của sự vật. Để hình thành tri thức lý luận cần biến đổi các đối tượng, nhằm phát hiện các mối quan hệ và liên hệ gián tiếp bên trong của đối tượng đó. Muốn tái tạo dưới hình thức lý luận, tư duy phải vượt ra khỏi phạm vi các biểu tượng cảm tính. Tương ứng với tri thức lý luận ta có hình thức tư duy bằng khái niệm khoa học (phân tích, tổng hợp, đánh giá...) và cho ta sản phẩm khoa học có cấu trúc lôgíc.
KN đòi hỏi con người cần phải có tri thức hành động và những kinh nghiệm cần thiết. Song có tri thức hành động và có kinh nghiệm chưa được xem là có KN. Để có KN con người phải biết vận dụng tri thức và kinh nghiệm vào từng hành động và thực hiện hành động đó có kết quả. Kết quả hành động phù hợp với mục đích đề ra và thực hiện được trong những điều kiện khác.
Trong mỗi lĩnh vực hoạt động cụ thể, con người cần có hệ thống KN nhất định. Tri thức giúp con người điều khiển, điều chỉnh hành động, hình thành KN, hình thành phương pháp tác động vào hiện thực. Ngược lại, với hệ thống KN của mỗi lĩnh vực hoạt động, con người sẽ chiếm lĩnh được đối tượng, làm giàu cho vốn tri thức của bản thân.
Có nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa KN và kỹ xảo, chúng tôi cho rằng: kỹ xảo là KN đã được củng cố và tự động hoá, kỹ xảo hoàn thiện hơn KN, KN có trước là cơ sở để hình thành kỹ xảo.
KN và kỹ xảo về bản chất đều là thuộc tính kỹ thuật của hành động cá nhân, chúng đều được hình thành từ hành động và luyện tập hành động trong những điều kiện khác. So với KN thì kỹ xảo thuần thục hơn, được tự động hoá và được giải phóng khỏi sự kiểm soát của ý thức. Nhờ kỹ xảo con người đạt kết quả cao trong hành động.
Giữa KN và kỹ xảo có sự khác biệt về cấu trúc. Cấu trúc của KN giống cấu trúc của hành động, KN vẫn còn là hành động, kỹ xảo được hình thành có thể tham gia hành động khác, là thành phần của hành động khác.
Như vậy, giữa KN và kỹ xảo chỉ khác nhau ở mức thuần thục và tự động hoá hành động. Kỹ xảo được hình thành trên cơ sở luyện tập, củng cố KN tương ứng trong điều kiện ổn định quen thuộc. Mỗi hành động được thực hiện bởi hệ thống các TT, sự lặp lại nhiều lần TT là cơ sở tự động hoá hành động, sự tự động hoá TT dẫn đến chuyển KN thành kỹ xảo, sự chuyển hoá KN thành kỹ xảo đồng thời là sự chuyển hoá giữa hành động và TT, giữa mục đích và phương tiện.
Tóm lại, để có KN nào đó nhất thiết phải có tri thức trong lĩnh vực hoạt động đó. Sự luyện tập là cần thiết để chuyển KN thành kỹ xảo. Và đến lượt nó, kỹ xảo cùng với vốn kinh nghiệm, tri thức góp phần tạo nên KN bậc cao. KN và kỹ xảo có tác dụng trở lại đối với tri thức. Con người càng có thêm KN, kỹ xảo mới làm cho việc thực
hiện hoạt động được phát triển không ngừng và tạo điều kiện để con người hiểu thêm về hoạt động khác.